Tận dụng social media để nghiên cứu Insight như thế nào?
Insight ở xung quanh, chỉ cần chúng ta tinh ý một chút.
Mới đây, bài đăng trong group Vũ Trụ Creator của mình nhận được rất nhiều hồi âm, đại loại là: “Bài viết này chạm quá, nói đúng vấn đề mình đang gặp phải”.
Mình nhận ra, có những vấn đề, rất đỗi bình thường, nhưng lại chưa được khai thác trọn vẹn. Có những vấn đề, đã rất nhiều người viết hay nói qua rồi, nhưng vẫn luôn có những cách triển khai “đậm chất riêng” khác.
Mình cũng không ngoại lệ. Hầu như tất cả những content mình viết ra, đều là những chủ đề không quá xa lạ. Nhưng sự khác biệt nằm ở chỗ, mình diễn đạt những chủ đề ấy một cách rất riêng, và chạm đúng cái vấn đề/nỗi đau mà rất nhiều người đang gặp phải.
Và một trong những cách mình đã áp dụng và rất hiệu quả, đó là tận dụng social media để nghiên cứu Insight độc giả. Nó giúp mình vừa tiết kiệm thời gian sản xuất nội dung, vừa tăng được tương tác chân thật giữa mình và khán giả. Bài viết này sẽ phân tích 4 bước cụ thể, để bạn cũng có thể vận dụng cho quá trình nghiên cứu Insight của mình. Cùng mình tìm hiểu nhé!
Đọc thêm: Lead Magnet: chìa khoá giúp content creator phát triển người theo dõi
1. Xác định nơi khán giản của bạn “sum họp”
Trước tiên, bạn nên xác định xem đối tượng mục tiêu của mình đang “quây quần” ở đâu nhiều nhất? Đó có thể là một group Facebook, Instagram Story, Youtube Community, hoặc ngay chính trang cá nhân của bạn.
Thường thì, creator thường loay hoay không biết phải tìm idea chất lượng ở đâu? Có hai lý do chính sau:
(1) Bạn đã lựa chọn sai cộng đồng
Theo bạn, cộng đồng chất lượng là như thế nào? Có phải chỉ là một group Facebook với vài trăm nghìn members. Hay là những group với hàng loạt những chuyên gia cùng nhau chia sẻ?
Tất nhiên, lựa chọn cộng đồng chất lượng để tham gia, chúng ta không thể bỏ qua yếu tố chuyên môn và lượng members đông đảo.
Thế nhưng, nếu chỉ xét trên góc độ đó thì thực sự chưa đủ, thậm chí nhiều khi còn khiến bạn đi chệch khỏi đường ray.
Bởi vì, nếu “cộng đồng” mà bạn chọn có rất nhiều người vây quanh, nhưng lại không thường xuyên kết nối và trao đổi giúp đỡ lẫn nhau, thì đó mới chỉ là 1 “group Facebook”, là một đám đông chứ không phải cộng đồng. Và tất nhiên, đã là đám đông thì khó tránh khỏi tình trạng sớm nắng chiều mưa, trưa chiều dễ bay màu.
Thử hỏi: Làm sao có thể khai thác Insight ở một đám đông vội đến rồi vội đi chứ nhỉ?
Vậy thì, cách tốt nhất là lựa chọn thật kỹ lưỡng trước khi quyết định gắn bó với một cộng đồng nào đó. Để lựa chọn được kỹ lưỡng, bạn cần một cái nhìn đa chiều hơn, sâu sắc hơn:
Cộng đồng ấy có hội tụ những đối tượng tiềm năng mà bạn hướng tới hay không? Đây là yếu tố đầu tiên bạn đặc biệt nên xem xét. Bởi vì bạn sẽ coi cộng đồng ấy như một nơi để vừa học hỏi, vừa tạo dựng cơ hội cho bản thân. Cơ hội ở đây không chỉ là cơ hội về thu nhập, công việc, mà còn là cơ hội về thương hiệu cá nhân. Và hơn hết, phải có Target Audience của mình trong đó, bạn mới thu thập được những insight chất lượng.
Cộng đồng ấy có văn minh hay không? Đây cũng là yếu tố quan trọng, nếu không muốn nói là bắt buộc. Thường thì, ở những cộng đồng văn minh, thành viên không chỉ được thoải mái với phiên bản của chính mình, mà còn có chung phong cách thể hiện quan điểm mang tính đóng góp cao. Đó cũng là lợi thế nếu bạn muốn thu thập những insight chất lượng về sau. Bởi, những cuộc thảo luận chất lượng thường sẽ dẫn đến những “phát hiện” mang tính đột phá, nhất là trong sáng tạo nội dung.
Và cuối cùng, cộng đồng ấy có mang lại cho bạn cảm giác thuộc về hay không? Nếu như hai yếu tố trên là điều kiện cần, thì yếu tố cuối này là điều kiện đủ. Cảm giác thuộc về là khi các thành viên không chỉ đến, và đi, mà luôn để lại dấu chân trên mọi chặng đường phát triển của cộng đồng. Họ không ngần ngại giúp đỡ nhau như người một nhà, mà còn hỗ trợ nhiệt tình nếu như bạn có bất kỳ băn khoăn gì.
(2) Bạn tham gia vào quá nhiều cộng đồng nhưng lại không chú tâm vào bất kỳ cộng đồng nào
Nếu như ở ý trên, chúng ta xét nhiều hơn tới tiêu chí của cộng đồng chất lượng, thì ở ý này, chúng ta lại cần soi chiếu lại bản thân mình nhiều hơn.
Bạn có thực sự nghiêm túc với một cộng đồng nhất định?
Bạn có thực sự muốn có những kết nối chân thật nhất?
Bạn có thực sự muốn được học hỏi ở một cộng đồng chất lượng?
Hay:
Bạn chỉ tham gia cộng đồng ấy vì bạn thấy FOMO. Anh em bạn bè tham gia mà mình không tham gia thì thấy bị bỏ lỡ nhiều điều hay ho quá.
Bạn chỉ tham gia cộng đồng vì bạn thấy mình cần một nơi để ngó nghiêng, nghe ngóng những lúc rảnh rỗi.
Bạn tham gia rất nhiều cộng đồng nhưng còn chưa cả comment hay tương tác gì dù chỉ một lần.
Khi xác định được chính xác nơi khán giả của mình và mình thuộc về, bạn mới có thể tiến hành bước 2 hiệu quả nhất.
2. Khảo sát và đối chiếu với trải nghiệm cá nhân
Sau khi đã xác định được nơi bạn nên thuộc về, hãy tiến hành khảo sát, thăm dò ý kiến và đối chiếu với trải nghiệm cá nhân. Sau đây là cách mình đã thực hiện, để nhận về hàng loạt insight rất chất lượng.
Đọc thêm: Nghiên cứu - Kỹ năng tối quan trọng cho Content Creator!