Nghiên cứu - Kỹ năng tối quan trọng cho Content Creator!
Tại sao Content Creator cần có kỹ năng nghiên cứu trong “chiếc túi” của mình?
Mình từng đọc được một câu thế này “Cơ hội sẽ chỉ đến với những người thực sự sẵn sàng”. Đó là lý do dù làm gì mình cũng thường chuẩn bị trước thay vì để mình vào thế bị động. Việc làm sáng tạo nội dung cũng vậy. Không phải một buổi sáng ngủ dậy, mình muốn làm kênh TikTok, mở app, và chọn một cái tên là…xong! Trước đó, bạn hãy chuẩn bị cho mình một “chiếc túi”. Bên trong đó có những gì, bạn có thể tham khảo từ bài viết Có gì trong “túi” của một Content Freelancer nhé.
Trong bài viết này mình muốn nói về kỹ năng nghiên cứu, nằm ở một trong ba ngăn của chiếc “túi” cho Content Creator. Thời gian còn ở trường đại học, mình đã từng tham gia làm nghiên cứu hai lần: một lần thất bại, và một lần cũng có thể gọi là thành công. Và mình nhận ra rằng, chìa khóa để hoàn thành được việc nghiên cứu đó là: đặt rõ mục tiêu, có kế hoạch hoàn thành, trang bị kỹ năng cần thiết, và tất nhiên là cả sự kiên trì. Mình đã áp dụng kinh nghiệm này cho việc sáng tạo nội dung để đạt được hiệu quả cho video trên kênh Instagram Chounsomethings như thế nào, hãy cùng nghiên cứu về kỹ năng nghiên cứu nhé.
I. Tại sao Content Creator cần “bỏ túi” kỹ năng nghiên cứu?
Có ba lý do Content Creator cần kỹ năng nghiên cứu, đó là:
Nghiên cứu để biết: Việc dành thời gian nghiên cứu về một nền tảng mới, hoặc một công cụ để làm sáng tạo nội dung là cần thiết nếu bạn là một Newbie. Nó không chỉ giúp bạn mở rộng hiểu biết mà còn mang đến cái nhìn tổng quan về những điều mình cần và sẽ phải làm. Từ đó bạn có thể đặt ra các mục tiêu phù hợp để hoàn thành.
Nghiên cứu để hiểu: Sau khi có được những kiến thức cơ bản, kỹ năng nghiên cứu sẽ giúp bạn hiểu nên áp dụng như thế nào. Ví dụ, khi mình bắt đầu làm short video, mình nhận ra nội dung cho reels trên Instagram đạt hiệu quả không có nghĩa nó sẽ hoạt động tốt trên TikTok và ngược lại. Vì thế, nghiên cứu sẽ giúp bạn hiểu và xây dựng được kế hoạch cụ thể riêng cho của mình.
Nghiên cứu để làm: Tất nhiên rồi, mục đích cuối cùng của việc nghiên cứu chính là để làm ra một kết quả. Có kế hoạch thực hiện cụ thể cùng với sự kiên trì, Content Creator sẽ đạt được những mục tiêu đã đặt ra.
II. Mình thực hành kỹ năng nghiên cứu như thế nào?
1. Nghiên cứu bản thân
Mình để “bản thân” là yếu tố đầu tiên mà bất kỳ ai cũng phải nghiên cứu. Hiểu một cách đơn giản là hãy tự trả lời những câu hỏi như:
Bạn có những điểm mạnh, điểm yếu gì?
Bạn thích làm gì, muốn làm gì và có thể làm gì?
Trong số những điều có thể làm, bạn sẽ thử cái nào trước tiên?
….
Và tất nhiên, còn rất nhiều những câu hỏi khác. Nhưng mục đích cuối cùng của việc nghiên cứu bản thân chính là để hiểu chính mình. Khi bắt đầu làm sáng tạo nội dung, mình cũng tự trả lời những câu hỏi như vậy. Mình thích đọc sách và thường nói rằng “Tại sao một quyển sách hay như vậy lại không được nhiều người biết đến?”, và từ đó mình chọn làm review sách. Có thể đọc đến đây bạn sẽ nghĩ rằng thật đơn giản. Tin mình đi, đôi lúc bạn cũng không hiểu hết được những suy nghĩ thực sự bên trong mình đâu. Hãy dành thời gian tự trả lời những câu hỏi của chính mình trước khi bắt tay vào nghiên cứu những yếu tố khác.
2. Nghiên cứu nền tảng
Khi mình muốn làm short-form video, có rất nhiều người hỏi tại sao lại chọn Instagram thay vì TikTok. Thực tế thì, trước khi bắt đầu mình đã dành thời gian nghiên cứu về hai nền tảng này. Cuối cùng mình đã chọn Instagram vì đây là nền tảng phù hợp với mục đích của mình trong giai đoạn đầu tiên. Khi nghiên cứu nền tảng, Content Creator sẽ biết được: định dạng phù hợp, một số thuật toán riêng cho từng nền tảng,…. để từ đó làm ra những nội dung có nhiều cơ hội được đề xuất.
Video đầu tiên mình đăng tải lên Instagram là một mẫu được lấy từ Capcut. Mình cũng không sử dụng nhạc của nền tảng, và tất nhiên kết quả không nằm ngoài dự đoán. Sau một ngày video của mình được “hẳn” 5 người xem. Sau khi nghiên cứu nền tảng, mình đã thử làm nhiều lần bằng cách đăng tải video theo cách khác nhau: dùng nhạc đang là xu hướng, thêm các hashtag phù hợp,… Điều đó đã đưa đến kết quả tốt hơn khi video tiếp cận được nhiều người xem so với trước. Mình muốn nhấn mạnh một điều rằng, lượt xem không phải yếu tố duy nhất để chứng minh video đó thành công, nhưng nó cho thấy bạn đang tìm hiểu nền tảng đúng hướng.
Trước khi dựng móng, xây nhà, hãy hiểu “mảnh đất” mình đang đứng.
3. Nghiên cứu khán giả
Gần đây mình có biết được khái niệm “Sáng tạo nội dung cho bản thân” và “Sáng tạo nội dung cho khán giả”. Một nội dung làm ra chắc chắn không thể không hướng đến đối tượng nào. Vì thế, với các Content Creator, khán giả chắc chắn là đối tượng cần phải nghiên cứu. Chúng ta nghiên cứu gì ở họ, bạn chắc chắn đã nghe đến từ này - Insight. Nói một cách cụ thể hơn đó là Content Creator cần biết:
Khán giả thích chủ đề gì?
Điều gì thu hút họ ở lại với nội dung của bạn?
Khán giả mong đợi những nội dung như thế nào?
Đó là những câu hỏi Content Creator cần trả lời để xác định được khán giả mục tiêu của mình. Sẽ ra sao nếu bạn không hiểu khán giả của mình? Vậy thì, bạn sẽ mắc kẹt trong câu hỏi như mình “Tại sao có những video được nhiều người thích, lại có những video không ai quan tâm?”. Nghiên cứu khán giả cũng sẽ giúp bạn định hướng được nội dung của mình nên phát triển như thế nào thay vì đăng lên rất nhiều nhưng tất cả đều không liên quan đến nhau. Bạn có thể đọc thêm bài viết Sáng tạo nội dung có chủ đích trên The Next Creator nhé.
4. Nghiên cứu công cụ
Một trong những suy nghĩ mâu thuẫn đầu tiên khi mình bắt đầu sáng tạo nội dung đó là: muốn làm short - video nhưng không biết làm. Mình nghĩ rằng mình chỉ có thể chia sẻ các nội dung dưới dạng bài viết. Nhưng không phải như vậy đâu. Bạn hoàn toàn có thể thử thông qua việc nghiên cứu công cụ. Một số công cụ mình đã học trong quá trình tìm hiểu kiến thức cho việc sáng tạo nội dung như:
Công cụ thiết kế: Canva, AI, Photoshop…
Công cụ quay, chỉnh sửa video: Capcut, Inshot, VLLO, Vita,…
Công cụ tìm từ khóa: Keyword Planner
Công cụ cập nhật xu hướng: Google trend, Buzzsumo,…
Công cụ lập kế hoạch, quản lý thời gian,….
Sẽ có rất nhiều công cụ hữu ích cho Content Creator sử dụng trong quá trình làm sáng tạo nội dung. Mặc dù việc liệt kê ra sẽ khiến bạn cảm thấy sắp phải đối mặt với lượng kiến thức khổng lồ nhưng chỉ cần bạn nhớ một điều: tất cả đều có thể vừa học vừa làm. Đừng nghĩ rằng phải giỏi, thành thạo công cụ mới có thể làm, việc của bạn đơn giản là bắt đầu thử nó.
5. Nghiên cứu “đối thủ”
Mình từng nhắc đến trong một bài viết trước đây, khi bắt đầu bước vào vũ trụ của các Content Creator, bạn chắc chắn không thể không “chạm mặt” các nhà sáng tạo nội dung khác. “Đối thủ” mình muốn nhắc đến ở đây là những người cùng ngách với bạn. Đó có thể là những người cùng ngách lớn, hoặc chung một chủ đề bạn đang làm. Khi bắt đầu làm review sách, mình đã tìm và nghiên cứu những bạn cũng làm về chủ đề này. Mình hiểu cơ bản những gì nên đưa vào review để không khiến độc giả cảm thấy đang bị “spoil” quá nhiều. Từ đó, mình điều chỉnh nội dung và làm thành video thay vì dạng review sách phổ biến qua các bài viết.
Ngoài ra, “đối thủ” của bạn cũng có thể là những người khác ngách. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể học hỏi từ những người này nếu cảm thấy phù hợp. Trước đây mình đã học cách set up góc quay từ những Content Creator làm về chủ đề học tập để áp dụng cho các video của mình. Việc nghiên cứu “đối thủ” không đồng nghĩa rằng bạn đang bắt chước hay làm theo họ. Hãy nghiên cứu để làm ra những nội dung tốt nhất mang phong cách của riêng bạn.
Kết luận
Kỹ năng nghiên cứu là vô cùng quan trọng cho dù bạn là Newbie hay một Content Creator đã hoạt động nhiều năm. Bởi các nhà sáng tạo nội dung phải liên tục cập nhật những thay đổi của nền tảng, thuật toán, và xu hướng nội dung mới mỗi ngày. Đồng thời, Content Creator cũng cần phải soi chiếu lại bản thân cũng như nội dung trong các giai đoạn trên hành trình của mình. Vậy nên nếu bạn vẫn cảm thấy kỹ năng nghiên cứu khó, hãy bắt đầu từ những việc đơn giản nhất trong “công thức” trên của mình. Và cuối cùng, hãy kiên trì học hỏi vì đó là chìa khóa của kỹ năng nghiên cứu cũng như việc làm sáng tạo nội dung.
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
Chủ đề rất hay. Cách diễn đạt vấn đề cũng rất chỉn chu. Cảm ơn tác giả vì bài viết tâm huyết ^^