3 bài học từ workshop “Nhà kho ý tưởng cho Content Creator” của anh Akwaaba, Tùng
Bí mật xây dựng “nhà kho” ý tưởng đúng cách!
Có thể bạn đã nghe điều này rồi: “Ý tưởng luôn đến vào những lúc chúng ta không ngờ tới”. Các ý tưởng ở xung quanh chúng ta, và nó bất chợt nảy ra trong đầu khi bạn đang ngồi lướt mạng xã hội, đang đi ngoài đường, đang ngủ, hoặc đang… tắm. Cho dù trong tình huống “oái oăm” như thế nào thì chắc chắn các content creator cũng không muốn bỏ lỡ những ý tưởng hay ho. Vậy nên rất nhiều người, trong đó có mình, thường “thả” ý tưởng ở bất cứ chỗ nào tiện nhất. Nhưng cách làm này liệu đã đúng chưa?
Cuối tuần trước mình có tham gia một workshop của anh Akwaaba, Tùng chia sẻ về nội dung xây dựng “Nhà kho ý tưởng”. Mình nhận ra, cách mình đang lưu trữ ý tưởng không sai, nhưng có thể được thực hiện một cách có hệ thống và hiệu quả hơn nhiều. Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ 3 bài học từ workshop giúp các content creator xây dựng “nhà kho” ý tưởng đúng cách và khai thác hiệu quả nhé!
Bài học 1: Bạn cần một “nhà kho”, không phải “bãi tập kết”
Đầu tiên, mình muốn khẳng định một lần nữa là việc lưu các ý tưởng vào những nơi tiện nhất không sai. Vì các ý tưởng có thể đến rất bất ngờ, và lúc đó thứ bạn cần không nhất thiết phải một cuốn sổ tay với các hàng cột rõ ràng, mà đôi khi chỉ là một thứ gì đó có thể ghi lại. Thông thường, mình sẽ ghi ngắn gọn các ý tưởng vào phần note của iPhone, hoặc tự nhắn cho chính mình trong box chat của Messengers. Cách làm này không mất quá nhiều thời gian và bạn có thể thực hiện ở bất cứ đâu. Nhưng nó vẫn chỉ là một “bãi tập kết”, không phải “nhà kho ý tưởng”.
Trong buổi Workshop của anh Akwaaba, Tùng có chia sẻ về cách phân biệt hai khái niệm này. Theo mình hiểu đó là:
Bãi tập kết: Những ý tưởng được ghi vào bất cứ đâu bạn cảm thấy tiện nhất như: sổ tay, note điện thoại, phần box chat cá nhân messengers,… Tóm lại, đó là những nội dung ngắn gọn dùng để “bắt” ý tưởng nhanh nhất có thể.
Nhà kho: Khác với bãi tập kết, nhà kho là nơi ý tưởng được lưu trữ một cách có hệ thống, được phân loại rõ ràng theo các tuyến nội dung bạn đang khai thác. Nhà kho ý tưởng được xây dựng dựa trên những công cụ, bảng biểu, có các nội dung triển khai cơ bản. Nhờ vậy, khi bắt đầu làm việc, content creator chỉ đơn giản là mở kho, chọn ý tưởng, và viết.
Vì thế, content creator cần một “nhà kho”, không phải “bãi tập kết” ý tưởng. Khi thiết lập được một nhà kho, bạn sẽ tổng hợp đầy đủ các ý tưởng mình định triển khai. Đồng thời, khi bắt đầu làm, bạn cũng sẽ không mất quá nhiều thời gian để nhớ lại hoặc suy nghĩ xem mình nên viết gì. Nhà kho ý tưởng sẽ giúp bạn “chữa cháy” trong những thời điểm bị bí ý tưởng. Khi mọi thứ được lưu trong nhà kho, bạn chỉ cần giữ một chiếc chìa khoá mà thôi.
Xem thêm bài viết: Không lo "hạn hán" ý tưởng với 7 bí quyết này
Bài học 2: Đừng ghi ý tưởng chỉ bằng một câu
Sau khi có một nhà kho ý tưởng thì làm gì tiếp theo? Bạn không thể để một nhà kho bừa bộn, hãy sắp xếp và làm đầy các ngăn ý tưởng. Thông thường, mỗi tuần mình sẽ dành thời gian “nhặt” ý tưởng từ các bãi tập kết để cho vào một nơi lưu trữ chung. Tuy nhiên, trong buổi Workshop của anh Awaakba, Tùng có chia sẻ cụ thể hơn về cấu trúc của một ngăn ý tưởng nhà nhà kho. Nó bao gồm 3 phần chính:
Phần 1: Nguồn ý tưởng
Đây là một phần quan trọng để content creator có thể tìm lại khi triển khai. Đặc biệt với những nội dung liên quan đến báo cáo, nghiên cứu có số liệu cụ thể cần được trích lại chính xác. Vậy nên đừng quên lưu lại nguồn của các ý tưởng nhé.
Phần 2: Tóm tắt ý tưởng
Như mình đã nhắc đến ở trên, nếu như chỉ ghi ý tưởng bằng một câu, content creator sẽ mất nhiều thời gian để suy nghĩ khi bắt đầu viết. Vì thế, bạn cần ghi lại tóm tắt ý tưởng. Việc làm này sẽ giúp bạn tự ghi nhớ được các ý mình định viết, cũng như không phải copy hoàn toàn ý tưởng gốc. Ngoài ra, tóm tắt cũng giúp bạn thực sự hiểu ý tưởng trước khi đưa nó vào triển khai.
Ví dụ như trong buổi Workshop, anh Akwaaba Tùng và anh Tuấn Mon có chia sẻ rất nhiều nội dung hữu ích. Tuy nhiên mình đã ghi lại những ý ấn tượng nhất, và triển khai thành 3 bài học như bạn đang đọc trong bài viết này.
Phần 3: Suy nghĩ cá nhân
Đây là phần quan trọng nhất trong cấu trúc của một ý tưởng. Một ý tưởng cho dù hay ho như thế nào nhưng bạn không hiểu, không có sự gắn kết với trải nghiệm cá nhân, không có quan điểm riêng, thì dù có triển khai hoàn chỉnh nó cũng không phải của bạn. Vì thế, khi triển khai ý tưởng, mình thường liên kết nó với những câu chuyện của riêng mình. Hoặc khi tiếp xúc với một nội dung mới, mình sẽ tự hỏi xem quan điểm đó có phù hợp với quan điểm của mình không. Tóm lại thì, hãy ghi lại cả những cảm xúc, suy nghĩ của bạn đối với ý tưởng đó. Khi có trải nghiệm thực tế với ý tưởng bạn sẽ càng cảm thấy dễ dàng để triển khai.
Ngoài ra, đừng quên phân loại các ý tưởng thành các tuyến, chuyên mục rõ ràng theo kênh nhé.
Chương trình Premium Membership, giúp bạn tháo gỡ hạn chế về tư duy và cung cấp những hướng dẫn chi tiết để trở thành Content Creator thành công.
Bài học 3: Hãy bắt đầu từ quan điểm và câu chuyện của bạn
Ý tưởng trong nhà kho sẽ được hiện thực hoá như thế nào? Có một câu nói gần đây mình thường tự nhắc nhở bản thân, đó là “Đừng để ý tưởng chỉ ở trong đầu, hãy viết ra”. Thế nhưng bạn cũng cần biết cách viết ra như thế nào?
Một trong những phần mình gọi là điểm sáng của buổi Workshop chính là ở đây. Ở bài học số 2 mình có nhắc đến cấu trúc của một ý tưởng trong nhà kho bao gồm 3 phần: 1 - 2 - 3. Nhưng khi triển khai thành bài viết, hãy bắt đầu theo thứ tự: 3 - 2 - 1. Tức là, bạn hãy đi từ câu chuyện của chính mình. Mình hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Bởi vì việc bắt đầu từ câu chuyện, trải nghiệm cá nhân sẽ giúp người làm dễ “bắt” cảm xúc hơn. Ví dụ như bài viết này, mình cũng đã gặp tình huống các ý tưởng nảy ra bất chợt và lưu trữ không hợp lý. Vậy nên, những bài học trong workshop thực sự có giá trị với mình và mình hy vọng nó cũng sẽ giá trị với những người đang đọc bài viết này.
Trong một chia sẻ từ creator Ngọc Ánh, chị đã biết đến khái niệm Viral Hangover - Sang chấn tâm lý hậu Viral qua một video trên Instagram. Và điều đó đúng với những trải nghiệm của chị khi xây dựng kênh fanpage Dear Introvert. Bạn có thể xem bài viết Viral Hangover - Sang chấn tâm lý hậu Viral để biết chị Ngọc Ánh đã triển khai ý tưởng như thế nào nhé!
Kết luận
Tóm lại thì, để không bị bí ý tưởng hoặc bỏ lỡ những ý tưởng hay ho, content creator cần xây dựng cho mình một nhà kho lưu trữ. Ban đầu nhà kho có thể nhỏ, nhưng bạn hãy làm nó có hệ thống để có thể triển khai ý tưởng dễ dàng nhé.
Cuối cùng, ý tưởng hay sẽ đến vào bất cứ lúc nào, điều quan trọng là, đừng để nó chỉ ở trong bãi tập kết, chuyển nó vào nhà kho, và biến nó thành hiện thực.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu muốn kết nối với The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
Chị khá ấn tượng về khái niệm bãi tập kết và nhà kho. Đây cũng là 1 gợi ý rất thực tế và dễ hiểu để vận dụng vào quá trình tìm kiếm, chọn lọc idea chất lượng. Cảm ơn Châu vì bài viết nêu cảm nhận rất tốt nha ^^