Viral Hangover - Sang chấn tâm lý hậu viral
Bài viết này sẽ là thuốc giải cho “căn bệnh" lo âu không lối thoát của content creator, những người đã và đang trăn trở mãi về chuyện viral và flop.
Bài viết đầu tiên viral trên Fanpage Dear Introvert đem về cho mình hơn 1K react và hơn 500 lượt share chỉ trong 1-2 ngày lên sóng. Con số này khá lớn với lượng follower vào thời điểm đó của mình. Sau đó là hàng loạt các bài viết cũng có thể tạm gọi là "viral" khi nhận về hàng trăm lượt tương tác lẫn chia sẻ.
Thế nhưng, biểu đồ cảm xúc của mình tụt dốc không phanh khi một chuỗi các bài viết sau đó flop dần đều khá lâu (đâu đó 1 tháng). Mình mất ăn mất ngủ mấy đêm, chỉ vì cứ băn khoăn mãi: Liệu mình có đang làm chưa tốt ở điểm nào hay không? Liệu mọi người có còn quan tâm tới những gì mình chia sẻ? Cùng hàng tá câu hỏi chẳng có hồi kết khác.
Mình nhận ra, nếu cứ mãi “trũng xuống" như vậy, quá trình sáng tạo nội dung của bản thân sẽ toàn những mỏi mệt, những lo toan không đáng có. Và rồi, mình sẽ mất đi nhiều cơ hội khác nữa chỉ vì quá ám ảnh chuyện viral hay flop. Vậy nên, bài viết này sẽ là thuốc giải cho “căn bệnh" lo âu không lối thoát của content creator, những người đã và đang trăn trở mãi về chuyện viral và flop.
I. Tại sao lại gọi là sang chấn tâm lý hậu viral?
Người ta thường bàn luận, băn khoăn, lo lắng về chuyện Flop, nhưng lại không mấy khi đoái hoài tới "mặt tối" của việc lên xu hướng. So song với việc cứ giữ mãi niềm hân hoan và niềm tin mãnh liệt quá mức về chuyện Viral, bạn sẽ càng cảm thấy trống trải và kiệt sức khi những content về sau chưa mang lại hiệu ứng lớn như vậy.
Trống trải vì content của mình không được hưởng ứng nhiệt tình như trước.
Kiệt sức vì cứ phải lo nghĩ xem nên điều chỉnh nội dung của mình thế nào, nên tìm hiểu về thuật toán hay người dùng ra sao để đáp ứng được nhu cầu từ họ. Và kiệt sức vì cứ mải chạy theo những giá trị về mặt con số như vậy.
Tất nhiên, viral là phần thưởng chẳng content creator nào đành lòng từ chối cả. Bản thân đi lên từ con số 0: không kiến thức, không kỹ năng, không kinh nghiệm, thậm chí nhiều lúc còn mất luôn cả niềm tin vào chính mình, mình hiểu hơn ai hết cái cảm giác Content mình tạo ra được đón nhận "nồng nhiệt" nó "đã" như thế nào. Thế nhưng, bạn không thể cứ ám ảnh mãi với chuyện viral hay flop được.
Cũng giống như ở trường lớp, bạn không thể nào được điểm 10 mãi được. Và nếu như bạn luôn cố gắng trở thành con ngoan trò giỏi chỉ để nhận những lời khen, hoặc cảm thấy mình có giá trị, thì xin chúc mừng, bạn đang gián tiếp giới hạn khả năng và giá trị của mình. Không sớm thì muộn, bạn sẽ kiệt sức vì áp lực điểm số đè nặng lên vai mình, như nhiều học sinh ưu tú khác.
II. Vậy thì, mình đã học được gì từ những lần “ngụp lặn” như thế?
1. Hãy bình thường hóa chuyện Viral
Chúng ta nên coi viral như một cột mốc để tự hào trong hành trình sáng tạo, chứ không phải một đích đến buộc phải có.
Mình luôn tin vào câu: may mắn là tên gọi khác của nỗ lực. Sau hàng chục, thậm chí hàng trăm content "vườn không nhà trống", tự nhiên một ngày đẹp trời, có hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người vây quanh chiêm ngưỡng, ca tụng, tán dương. Đó chính là kết quả của chuỗi ngày bạn như một chú ốc sên miệt mài, gan lì, và bền bỉ.
Vậy nên, có thể thời điểm hiện tại bạn chưa “viral", hoặc flop đều như cơm bữa. Thế nhưng, nếu bạn bình thường hóa chuyện viral, bạn sẽ thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn rất nhiều. Để đến khi bạn được “viral", bạn sẽ chẳng còn cảm giác quá phấn khích đến mức quên luôn cả những ngày tháng “rong ruổi" như chú ong chăm chỉ.
Hãy tưởng tượng, số người theo dõi hay tương tác của bạn như những vị khách đặc biệt ghé chơi nhà. Vậy thì, tất nhiên, kể cả có 1 vị khách ghé chơi và cho bạn biết họ ấn tượng với bạn cũng đã quý lắm rồi.
Chương trình thành viên trả phí, giúp bạn tháo gỡ tất tần tật những rào cản và cung cấp những chỉ dẫn chi tiết để trở thành Content Creator thành công.
2. Chất lượng quan trọng hơn số lượng
Viral hay không, không quá quan trọng, quan trọng là bao nhiêu trong số đó thực sự ủng hộ bạn về lâu về dài. Chất lượng followers mới là yếu tố bạn nên đặt làm tiêu chí hàng đầu, chứ chưa hẳn là số lượng. Nhiều thì cũng tốt, nhưng nhiều mà chất còn tốt hơn gấp nhiều lần.
Mình sẽ lấy ví dụ thực tế để bạn hiểu rõ hơn thế nào là chất lượng. Đó là khi mình còn làm content strategist cho A Crazy Mind - một thương hiệu cá nhân chuyên về tâm lý học, phát triển bản thân và xuất bản sách. Lúc đó, kênh quảng bá và thúc đẩy chuyển đổi chính là Facebook Page, với hơn 300.000 followers. Một con số cũng khá “ngầu" phải không? Thế nhưng, số lượt chuyển đổi thường hiếm khi tỷ lệ thuận với số lượt follower hay lượt tương tác (như like, share hay comment).
Bạn sẽ hiểu rõ nhất điều này khi bạn đã và đang trực tiếp nằm trong bộ phận Marketing của công ty nào đó. Hoặc cũng có thể, bạn là một solopreneur đang dốc sức tạo chuyển đổi cho khóa học hay sản phẩm dịch vụ của mình.
Thực tế, với các chiến dịch PR sách, mình phân bổ bài viết đều mỗi ngày, tương ứng với 3 tuyến nội dung/giai đoạn chuyển đổi: TOFU, MOFU VÀ BOFU. Hiểu đơn giản:
TOFU: Giai đoạn nhận thức
MOFU: Giai đoạn xem xét, cân nhắc, phân tích
BOFU: Giai đoạn đưa ra quyết định
Ở tháp này, bạn sẽ dễ dàng nhận ra kích cỡ giảm dần từ TOFU - MOFU - BOFU. Cụ thể, TOFU và MOFU sẽ tập trung vào mục đích tương tác nhiều hơn. Vì vậy, bạn sẽ dễ thấy những bài chia sẻ kiến thức, hoặc đơn giản là meme, hay quotes, thường sẽ nhận về nhiều lượt tương tác hơn những bài viết giới thiệu sản phẩm, dịch vụ hoặc câu chuyện khách hàng. Nhưng tỷ lệ chuyển đổi có cao hay không lại được đo lường chủ yếu từ các bài viết ở giai đoạn BOFU. Bạn để ý các Page chuyên về Business sẽ thấy rất rõ điều này.
Vậy mấu chốt vẫn là, bạn phải làm sao đấy để những content viral, tương tác tốt, và những content có chủ đích chuyển đổi, bổ trợ lẫn nhau. Tức là, nếu những bài viral của bạn tốt, nhưng những bài chuyển đổi của bạn lại chẳng nêu rõ được vấn đề của đối tượng mục tiêu và thuyết phục họ hành động, thì có 100, 1000 bài viral, kết quả bạn nhận được cũng chỉ là con số 0 tròn trĩnh mà thôi.
3. Nếu chỉ dừng ở cột mốc viral mà không tiếp tục cố gắng, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau
Đúng vậy, nếu chỉ dựa dẫm quá nhiều vào câu chuyện viral và ngủ quên trên chiến thắng, chắc chắn không sớm thì muộn, bạn cũng bị tụt dốc không phanh. Mình đã từng trải qua giai đoạn Fanpage Dear Introvert của mình từ tương tác rất ổn liên tục mấy tuần đột nhiên chững lại bất ngờ.
Nó phải gọi là flop thảm hại, flop trong vòng mấy tuần liền sau đó. Lý do là bởi, mình quá tự tin rằng content sau của mình sẽ lại tương tác tốt như vậy. Thậm chí, mình còn chẳng buồn quan tâm lắm tới chất lượng nội dung thực sự. Mà chỉ viết lúc được lúc không, có những bài chỉ quotes ngắn hoặc repost lại từ bài cũ.
Và cái gì đến cũng đến, mình flop, và lại mất ăn mất ngủ. Lâu dần, khi đã nhận ra được tầm quan trọng của việc đều đặn và nhất quán, mình duy trì được phong độ ổn định hơn rất nhiều. Không chỉ là câu chuyện nhiều tương tác, mà còn là sự kết nối thực sự với khán giả mục tiêu. Họ không chỉ like, share, mà còn comment rất nhiều vào nội dung mình chia sẻ. Đó là kết quả của chuỗi ngày mình tập trung bám sát vào đối tượng mục tiêu và giải quyết đúng vấn đề cho họ.
Đọc thêm: Quy tắc 80/20: Nguyên lý thành công của content creator
Lời kết
Cuối cùng thì, một khi bạn đã xác định sẽ thực sự nghiêm túc với công việc sáng tạo này, bạn nên có cho mình một sự vững vàng nhất định về tinh thần. Vững vàng để đi xa hơn, bền vững hơn và vẻ vang hơn nữa trên hành trình đầy chông gai này.
Vậy nên, bài viết này, thay lời mình muốn gửi tới bạn, những content creator đầy hoài bão, viral hay flop chỉ là vấn đề thời điểm. Nó không hề, và cũng không nên là lý do để bạn duy trì nhiệt huyết sáng tạo và xây dựng sự nghiệp bền vững sau này.
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!