Không lo "hạn hán" ý tưởng với 7 bí quyết này
Có bao giờ bạn tự hỏi các content creator lấy ý tưởng đâu ra mà nhiều quá vậy?
Có bao giờ bạn tự hỏi các content creator lấy ý tưởng đâu ra mà nhiều quá vậy? Làm sao họ có thể sản xuất nội dung liên tục và dồi dào sức sáng tạo như vậy? Còn bạn thì nghĩ mãi chẳng ra hay làm nội dung một quãng thời gian rồi bị chững lại vì hết ý tưởng để đi tiếp?…
Nếu đã từng ít nhất một lần có những cảm giác như thế, bài viết này chính là dành cho bạn! Với 07 bí kíp mình chia sẻ, bạn sẽ không còn lo bị cạn kiệt ý tưởng trên hành trình sáng tạo của mình.
1. “Rặn”
Brainstorm là hoạt động động não để tạo ra những ý tưởng, giải pháp mới.
Chúng ta có rất nhiều ý tưởng ở trong đầu, nhưng nếu không có áp lực về thời gian, ta sẽ suy nghĩ rất lâu. Việc áp dụng phương pháp brainstorm, bộ não sẽ được kích thích để tạo ra các ý tưởng mới thông qua việc kết nối và kích hoạt các khu vực khác nhau trong não.
Từ đó bộ não sẽ được vận động hết “công suất”, giúp giải quyết vấn đề và thiết kế giải pháp bằng cách thúc đẩy sự sáng tạo và tư duy của cá nhân (hay các thành viên trong nhóm). Đây là quy trình mình thường làm:
Đặt vấn đề để brainstorm.
Dành một khoảng thời gian nhất định (5-20p) tập trung cho việc lên ý tưởng.
Viết ra mọi ý tưởng mà không lo lắng đến tính khả thi, thực tế hay phán xét ý tưởng.
Kết thúc thời gian brainstorm đã định, bạn sẽ có cho mình vô số ý tưởng mới để cân nhắc thực hiện.
Để brainstorm, bản thân người sáng tạo nội dung trong thời đại số cần có nội lực từ bên trong, liên tục cập nhật hiểu biết, tri thức cho mình. Có một sự thật là, bạn không thể viết hơn những gì bạn nghĩ. Tương tự, bạn không thể sáng tạo hơn những gì bạn biết.
2. Từ trên trời rơi xuống
Ngược lại với việc “rặn” ở trên, không cố làm gì chính là lúc tâm trí thoải mái nhất:
Tản bộ, nhìn ngắm thiên nhiên.
Nghe một bản nhạc nhẹ nhàng.
Đi tắm.
Ngồi thiền…
Khi tâm trí bạn thư giãn, tĩnh lặng, bạn sẽ có thêm không gian để các ý tưởng mới “tràn” vào. Khi đó, ý tưởng sẽ “gõ cửa” và được tuôn trào một cách tự nhiên nhất. Việc của bạn là nhạy bén, tinh ý nắm bắt những “cơ hội trời ban” đó.
Cá nhân mình đã không ít lần trải nghiệm quá điều này:
Ý tưởng xuất hiện lúc đang tắm, mình phải vừa tắm vừa ghi nhớ để ra ngoài ghi chú lại.
Lúc sắp đi ngủ, ý tưởng từ đâu tuôn “ào ào” phải lập tức mở notes trên điện thoại ghi chú lại. Bất ngờ thay, từ một ý tưởng sơ khai vài ngày sau trở thành một nội dung viral.
Khi đọc một mẫu thông tin trong sách, những kiến thức mình tích lũy được chất chồng từng ngày. Và nó là nguồn sáng tạo bất tận cho mình tạo ra những thông điệp ý nghĩa cho khán giả.
Mình có thói quen nghiền ngẫm lại một ngày đã qua hay những chuyện đã xảy ra. Nó không những giúp mình tích lũy bài học cho chính mình mà còn là những thông tin mà người xem của mình cũng cần được biết.
Nhà toán học kiêm triết gia Alfred North Whitehead từng nói:
“Hầu hết các ý tưởng mới đều có khía cạnh ngớ ngẩn nào đó khi được nghĩ lần đầu”.
Mỗi ngày con người có khoảng từ 6.000 đến 70.000 ý nghĩ (theo các nghiên cứu khoa học). Là một content creator, hãy tập cho mình thói quen để ý, tinh tế quan sát và lắng nghe, không bác bỏ và lưu trữ các ý tưởng một cách hệ thống.
3. Điệp viên 007
Thay vì phải tự mình “phát minh” ra những ý tưởng mới, hãy “spy” đa nền tảng: Youtube, Instagram, Facebook, Fanpage, Website… Bạn sẽ không lo sợ bị cạn ý tưởng.
Theo dõi, học hỏi và nghiên cứu cách của những “gã khổng lồ” khác đang có hướng đi tương tự:
Họ khai thác những nội dung gì?
Họ thể hiện nội dung như thế nào?
Nội dung nào nhận được hiệu ứng tốt, nội dung nào không (ở điểm nào)?
Họ tối ưu nội dung cho phù hợp với thuật toán của nền tảng như thế nào?
Điều gì khiến họ nổi bật, độc đáo giữa một rừng content creator khác?…
Nếu bạn lo nghĩ rằng: “là nhà sáng tạo nội dung mà lại đi sao chép ý tưởng từ người khác”. Bạn e dè trong việc đi tham khảo nội dung từ nơi khác. Bạn áp lực phải có ý tưởng đột phá, nguyên bản, độc nhất mới gọi là sáng tạo nội dung…
Đọc thêm: Bạn không là duy nhất
Thực tế là, mọi vấn đề bạn gặp phải trong đời đều đã có người từng trải qua. Mọi ý tưởng “xuất thần” mà bạn nghĩ ra thật chất đều đã có người làm rồi. Chỉ có điều là, mỗi người có một lăng kính khác nhau, cách thể hiện nội dung khác nhau, hướng tiếp cận độc nhất theo cách của riêng mình.
Do đó, việc tham khảo người khác không những giúp bạn nảy ra vô vàn ý tưởng mới cho riêng mình mà còn học được cách người khác làm tốt hay chưa tốt ở đâu để rút kinh nghiệm cho chính mình.
Lưu ý quan trọng khi “hành nghề” điệp viên 007:
Mỗi content creator sáng tạo một nội dung, đằng sau đó đều phục vụ cho mục đích của riêng họ (ví dụ: kéo traffic, kết nối với một tệp khán giả nhất định, bán hàng, tăng nhận diện thương hiệu...). Vì vậy, nội dung đó sẽ cần đi kèm với mục đích của họ và có thể chẳng trùng với mục tiêu của mình. Hãy chỉ tham khảo để có thêm tư liệu, biết cá nhân hóa ý tưởng đó, biến tấu sao cho phù hợp với mục tiêu của chính mình.
Nếu sa vào, bị phụ thuộc vào nội dung của người khác hay thậm chí copy nguyên si những gì người khác đã làm, bạn không những đi chệch hướng khỏi mục tiêu của chính mình, sáng tạo một cách “vô hồn” mà còn mất đi bản sắc cá nhân.
4. Bà tám với khán giả
Hãy biết lắng nghe những bình luận hay góp ý tích cực, những câu hỏi, lời tâm sự, yêu cầu và mong muốn của khán giả. Đó cũng là nguồn ý tưởng làm nội dung sát nhất, vì họ chính là tệp người xem mục tiêu, khách hàng mục tiêu của bạn.
Thấu hiểu họ cần gì ở ngách này?
Nhu cầu của họ ra sao?
Họ sẽ cần những kiến thức gì?
Đem đến những thông tin liên quan đến nhu cầu của họ…
Kích thích người xem/độc giả mục tiêu bình luận, tương tác với bạn. Đó có thể là những câu hỏi, những suy nghĩ, quan điểm của họ. Từ đó bạn lại có ý tưởng để triển khai thêm:
Sử dụng các công cụ khảo sát, tương tác có sẵn trên story Instagram.
Sử dụng tính năng trả lời bình luận bằng video trên TikTok.
Sử dụng CTA/ đặt câu hỏi gợi cmt trên các nền tảng: blog, webstite, bản tin, fb, fanpage…
Tin nhắn chia sẻ, tâm sự của followers trong hộp tin nhắn riêng.
Khảo sát để độc giả điền survey: poll, vote, confession…
5. Thanh tìm kiếm
Thanh tìm kiếm trên Google và các trang mạng xã hội có lẽ là điều hiển nhiên ai cũng biết rồi. Nhưng không phải ai cũng biết cách khai thác, tối ưu sức mạnh của nó. Thậm chí có rất nhiều người không đủ kiên nhẫn và sự tò mò với tri thức để dành cho việc nghiên cứu thông tin mà lựa chọn cách dễ dàng, nhanh chóng hơn là “tới đâu thì tới”.
Giống như việc mở một quán cafe, bạn phải xác định mục tiêu kinh doanh là gì? Khảo sát nhu cầu khách hàng ra sao? Địa điểm nào là hợp lý? Nghiên cứu xem các quán khác có mô hình tương tự làm sao họ đứng vững được với ngành dịch vụ cạnh tranh như vậy… Hàng ti tỉ thứ phải được lên kế hoạch trước.
Sáng tạo nội dung cũng vậy, bạn cần có sự chuẩn bị, lên kế hoạch và khảo sát kỹ lưỡng. Bạn không thể một mình một cõi sáng tạo theo ý muốn. Nếu biết cách tối ưu những công cụ này, bạn sẽ có lợi thế rất lớn để sáng tạo nội dung có chủ đích.
Thanh tìm kiếm Google:
Đâu là chủ đề được đề cập và khai thác cho 1 từ khóa nhất định?
Đâu là câu hỏi nhận được sự tìm kiếm lớn?
Xem gợi ý từ Google Search Box & Related Search(Hộp tìm kiếm liên quan)…
Instagram và TikTok:
Xu hướng thể hiện nội dung hiện tại là gì?
Kiểu nội dung, chủ đề nào đang được quan tâm?
Các content creators cùng ngách đang làm như thế nào?…
Youtube:
Comment trên kênh của mình hoặc kênh cùng ngách.
Video nào đang được gợi ý trên top tìm kiếm?
Họ khai thác topic như thế nào?…
6. AI - Trí tuệ nhân tạo
Thay vì ngồi “rặn” như mục 1 thì ở mục 6 này ta sẽ brainstorm cùng AI.
A.I có thể tổng hợp thông tin từ kho dữ liệu sẵn có trên mạng, giúp việc tìm kiếm ý tưởng dễ dàng hơn rất nhiều. Hãy coi AI như một người đồng nghiệp, cộng sự, lên ý tưởng, chủ đề, đặt câu hỏi và hướng dẫn AI trả lời, từ đó khai thác thêm các góc nhìn mới cho bản thân dựa trên câu trả lời đó.
Tìm hiểu thêm về các công cụ AI học tập và hỗ trợ cho việc nghiên cứu:
Các công cụ AI hỗ trợ cho việc sáng tạo nội dung:
Chat GPT
Notion AI
Bing Chat
7. Bonus một số nơi tìm ý tưởng khác
Keywordsheeter: Một trang web gõ từ khóa và nó tự động sort ra hàng loạt những từ khóa liên quan.
Extension Sort For TikTok: Một công cụ sắp xếp thứ hạng video của 1 kênh TikTok theo views từ cao đến thấp.
Công cụ tìm kiếm từ khóa/ tạo ý tưởng: Answer the public, Blog Idea Generator Hubspot, Portent’s Content Idea Generator.
Các diễn đàn nước ngoài như Quora, Reddit: Tại đây bạn có thể đọc được các câu hỏi, giải đáp, thảo luận, tranh luận về một vấn đề nào đó trong cuộc sống.
Ở những nơi bình thường nhưng không hề tầm thường: sách vở, một bản nhạc, một câu nói tâm đắc trong sách, trong bộ phim, lắng nghe câu chuyện của người khác, từ cuộc sống xung quanh…
Lời cuối
Nhiều người hỏi mình lấy ý tưởng ở đâu mà làm được cả hàng trăm nội dung vậy? Có người còn cảm thán rằng: “2003 mà cái đầu làm content chắc hơn họ cả chục tuổi”. Thật ra, những ý tưởng hay có thể đến từ bất cứ đâu. Mình đã từng không ít lần, nếu không muốn nói là rất nhiều lần cảm thấy bế tắc khi tìm kiếm ý tưởng…
Nhưng sau khi trải qua rất nhiều đợt “hạn hán” ý tưởng, mình đã đúc kết ra được một số kinh nghiệm “giắt túi” như thế. Hi vọng bài viết đã gợi ý cho bạn một số cách thức, một số nơi tìm kiếm thêm chất liệu để tiếp tục hành trình sáng tạo một cách trơn tru và dễ dàng hơn.
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
Một bài viết cực kỳ hữu ích đối với content creator! Vì ai rồi cũng sẽ có những lúc "bí ý tưởng" :>