06 "bẫy" tư duy Content Creator thường mắc phải
Nhưng nhất định mình sẽ không dừng lại, còn bạn thì sao?
Bạn thiếu kiên nhẫn, muốn đánh nhanh thắng nhanh, muốn ra tiền ngay rồi nhận lại thất vọng vì thực tế không màu hồng như vậy?
Thay vì ngưỡng mộ thành tựu của những creator khác, bạn lại đố kị hoặc so sánh mình với họ rồi đâm ra tiêu cực, trì hoãn việc mình đang làm?
Vì dăm ba bình luận tiêu cực mà bạn bị tổn thương, bị đả kích, “nhen nhóm” ý định bỏ cuộc?
…
Nếu bạn nhìn thấy bản thân đâu đó trong những ví dụ mình nêu trên, bài viết này đích thị là dành cho bạn! Mình chỉ ước giá như có ai đó nói cho mình những điều này sớm hơn…Giờ bạn đã có mình^^. Nào, cùng bắt đầu nhé!
1. So sánh bản thân với những creator khác
Có bao giờ bạn cảm thấy tự ti, đố kị khi nhìn thấy những thành tựu, thành công mà những nhà sáng tạo khác đang có?
Thú thật, mình thì liên tục như vậy:
“Nhỏ này nhờ học khóa này mà đi nhanh hơn, làm việc có hệ thống, có người dẫn dắt chỉ bảo từng li từng tí… Còn mình thì lẹt đẹt, mông lung, còn đang mò mẫm từng chút một”.
“Ủa sao chị này xây kênh cùng thời điểm với mình, tại sao chị ấy lại có nhiều followers hơn, kênh tăng trưởng hơn thế ta?”…
Khi tìm hiểu sâu về “nhỏ này”, mình mới biết được bạn ấy đã từng chi trả cho rất nhiều khóa học khác nhau, mới tìm ra khóa học ảnh hưởng tích cực đến hành trình của bạn ấy.
Hay không như mình - xây kênh TikTok “một phát ăn ngay” thì “chị này” đã phải “đập đi xây lại” đến tận kênh thứ 4 mới được.
Đó là những “behind the scene”, những nỗ lực thầm lặng, những phần chìm mà bạn - một người ngoài khó có thể thấy và thấu hiểu được.
Mình dần hiểu ra rằng, mỗi người có một hành trình, một mục tiêu, sứ mệnh, đích đến, thời gian “thu hoạch” trái ngọt khác nhau. Vậy nên hãy tập trung vào hành trình của chính mình. Biết mình cần làm gì? Hướng đến đâu? Từng bước như thế nào?…
Thay vì đi đố kị với họ, vừa mất thời gian, vừa ôm sự tiêu cực vào người. Ta có thể làm bạn, học hỏi những điểm mạnh nơi họ và được truyền thêm cảm hứng để cả hai cùng tiến lên.
2. Nản vì flop
Theo bạn, flop nghĩa là gì?
Theo The Next Creator team:
Flop là cách nghĩ của mọi người khi nội dung không đạt được mức độ viral như đã kỳ vọng.
Flop nghĩa là những gì bạn đang thực hiện đi ngược lại với mục tiêu phát triển/ giá trị cốt lõi ban đầu đã đề ra.
Flop cũng có nghĩa là nội dung không tiếp cận được đúng đối tượng mục tiêu/ đối tượng cần nó.
Người dùng mạng xã hội nói chung và nhà sáng tạo nội dung nói riêng thường có xu hướng: Dựa vào những chỉ số views, likes, viral… để đánh giá một nội dung. Viral auto hay, flop tức là dở?
Điều đó vô hình trung khiến bản thân content creator luôn kỳ vọng nội dung phải viral bất cứ khi nào họ đăng tải. Khi bị flop, chúng ta thường nghĩ: Hay do mình kém cỏi, mình thật không có tài năng, không có sự thu hút…
Trên thực tế, có rất nhiều tiêu chí để đánh giá một nội dung chất lượng hoặc không, không chỉ dựa vào duy nhất độ viral của nó.
Vậy giải pháp là gì?
Điều chỉnh lại kỳ vọng: Khi mới bắt đầu, bạn nên phân biệt được đâu là những cách làm hiệu quả (và những cách không hiệu quả) nhờ vào việc thử nghiệm. Khi nội dung flop, đó là khi bạn khám phá được một bài học mới, để thử nghiệm với một cách làm khác trong những nội dung sau. Bản thân việc này cũng là một thành công.
Dám thử nghiệm và cải thiện dần: Dám thử nghiệm và ngừng ám ảnh với việc “phải viral”. Lúc đó, bạn chuyển hướng sự tập trung vào việc thực sự thử nghiệm và cải thiện nội dung của mình qua từng ngày. Đừng nghĩ nhiều nữa! Chỉ có hành động mới mang lại kết quả!
Sáng tạo nội dung cho đúng đối tượng mục tiêu/ đối tượng cần nó: Nếu bạn tạo ra nội dung thu hút sai tệp đối tượng mục tiêu, cho dù có viral, điều đó rất tai hại vì bạn đang thu hút một tệp người không liên quan. Họ chóng đến và cũng chóng đi. Vì vậy, hãy…
Cam kết đi đúng với mục tiêu phát triển/ giá trị cốt lõi ban đầu đã đề ra: Chỉ cần đi đúng với mục tiêu phát triển và giá trị cốt lõi ban đầu đã quy hoạch ra, yên tâm rằng bạn vẫn đang đi đúng hướng. Hãy tạo ra giá trị. Vì người khác không quan tâm đến bạn nhiều bằng chính họ. Khi làm nội dung, hãy luôn tự đặt dấu hỏi chấm:
Người xem mục tiêu sẽ nhận được giá trị gì từ nội dung bạn sáng tạo ra?
Ngoài ra, hãy học và thử nghiệm thêm những cách thức để người xem có thể tiếp cận đến bạn tốt hơn. Bởi vì: Bạn đang thuê đất của người khác, nên buộc bạn phải chơi theo luật của họ.
3. Bị ảnh hưởng bởi bình luận tiêu cực
Thời mới làm TikTok, ngoài những bình luận yêu thích, cảm ơn những nội dung mình làm; không thể tránh khỏi những người buông lời cay đắng. Dù cho đó là số ít thôi, nhưng họ để lại nơi mình một sự tổn thương âm ỉ.
Một chiếc ví dụ nhẹ nhàng: Có người từng comment 3 từ - “Lo học đi”
Chỉ như thế thôi mà làm lòng mình nặng trĩu suốt 1 ngày. Nhiều khi còn khiến mình hoài nghi với những gì mình đang làm, nhiều khi khiến mình “nhen nhóm” ý định bỏ cuộc…
Đối với những bình luận mang tính góp ý xây dựng, hãy biết mở lòng ra lắng nghe và xem xét thay đổi. Đó là những bình luận giúp bản thân người sáng tạo cũng như nội dung của chúng ta được tiến bộ hơn.
Đối với những bình luận tiêu cực, có thể nghĩ như thế này:
Họ không nuôi chúng ta một ngày nào cả.
Họ đang ghen tị với sự thành công hay những gì chúng ta làm hay những gì chúng ta có… Họ mang trong mình những tổn thương v.v Việc ẩn nấp đằng sau chiếc màn hình và buông lời cay đắng thật dễ dàng để hạ bệ người khác, nguôi ngoai phần nào sự tự ti trong họ.
Không ai được yêu thích 100% cả. Đến cuốn sách bán chạy nhất thế giới còn bị chỉ trích, ném đá thậm tệ… Người ta có thể không thích mình vì vô vàn lý do, nhưng mình xuất hiện cũng không với mục đích làm hài lòng tất cả mọi người. Mình cứ là mình với phiên bản ngày càng hoàn thiện hơn và bền bỉ theo đuổi những giấc mơ mang tên mình…
Khi có tư duy đó, mình dần tập không để tâm đến vài lời nói bâng quơ đằng sau chiếc màn hình điện tử kia nữa. Mình thẳng tay “dọn rác” (*) và cho nó vào quên lãng, chẳng cần phải tốn thời gian bận tâm hay buồn bã.
(*) “Dọn rác” (loại bỏ những comment ác ý), không để người khác “xả rác” trong nhà mình (nền tảng bạn đang thực hiện). - Chú Hieu Nguyen.
Có một sự thật là, khi bạn có can đảm “chường” mặt lên làm nội dung, xuất hiện trên cõi mạng này, bạn đã hơn rất nhiều người ngoài kia.
Thay vì tiêu thụ nội dung, bạn sáng tạo nội dung.
Nhờ vậy, bạn đã tự tạo ra cho mình những cơ hội mà những người chỉ biết làm “anh hùng bàn phím” không thể có được.
4. Vội kiếm tiền
Như có nhắc tới ở bài Content Creator có những cơ hội phát triển nào?, mình đã đu theo trend trở thành KOC, reviewers trên TikTok vào năm 2022.
Giai đoạn đầu mình dành rất nhiều ngày dài để mày mò, gắn rất nhiều sản phẩm trên landing page với kỳ vọng là các bạn sẽ click vào mua hàng và mình sẽ có thật nhiều tiền hoa hồng.
Mình dành hầu như mỗi ngày để ngồi kiểm tra, mong chờ tiền hoa hồng về… Sau 4 tháng ròng rã đầu tiên, tổng doanh thu từ hình thức affiliate marketing cho các sàn của mình là… 20.000 VNĐ.
Đây cũng là xu hướng tư duy của rất nhiều bạn trẻ khi mới bắt đầu, chưa có nhiều kiến thức hay trải nghiệm: Các bạn nóng vội kiếm tiền khi chưa tạo ra đủ giá trị.
Sau này, mình nhận ra rằng:
Tiền bạc, thu nhập tương xứng với giá trị bạn tạo ra.
Nếu bạn tạo ra giá trị cao, bạn sẽ có thu nhập cao. Và ngược lại. Mình dần chuyển đổi sự tập trung vào nâng cấp tư duy, kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm hơn và tin rằng tiền bạc, thu nhập sẽ đến sau và sự nỗ lực của mình sẽ xứng đáng.
5. Thiếu kiên nhẫn
Việc xây kênh TikTok “một phát ăn ngay’’ của mình thật ra cũng chua ngoa dữ lắm! Đến tận video thứ 27 mới được thuật toán ưu ái cho lần đầu tiên. Hay anh Hà Minh - Cosmic Writer phải đến tận video thứ 45 mới chạm được “long mạch” của Youtube. Hay chị Chi Nguyễn - blogger của The Present Writer đã viết lách bền bỉ trong suốt 6 năm ròng mà không mấy ai biết đến.
Là một nhà sáng tạo nội dung, chúng ta đâu đó luôn mang trong mình mong muốn đạt được những mục tiêu lớn, hay nhận lại thành quả xứng đáng với những công sức đã bỏ ra. Mình cũng không là ngoại lệ! Nhiều khi mình thấy bản thân cực kỳ thiếu kiên nhẫn, muốn đốt cháy giai đoạn cho thật nhanh…
Nhưng “dục tốc” thì thường “bất đạt”.
Chúng ta sẽ không thấy thể kết quả ngay, ta cần kiên nhẫn thực hiện từng bước một mới đi đến được mục tiêu.
Giải pháp cho sự nôn nóng này là gì?
Nắm vững cơ bản/ nền tảng: Mặc dù có hoài bão lớn là điều tốt, nhưng hãy tập trung vào học tập, rèn luyện, làm tốt những cái cơ bản, những điều nhỏ nhất trước đã.
Chuyển hướng sự tập trung: Thay vì tập trung vào cuối con đường, cái đích đến; hãy tập trung vào quá trình bạn thực hiện nó. Trên đoạn đường, bạn sẽ tích lũy cho mình bao nhiêu kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm, mối quan hệ, cơ hội… Đó cũng là những điều đáng giá không kém cạnh.
Có sự cam kết: Tự đặt ra KPI cho bản thân và cam kết làm theo, hoàn thành KPI đó đã là sự thành công đối với chính mình rồi.
6. Vơi đi nhiệt huyết sáng tạo
Không phải lúc nào cũng có thể “hừng hực” khí thế để sáng tạo. Đôi lúc cũng có những nốt trầm trên hành trình. Hãy cho phép bản thân cảm thấy ổn với việc đó, chỉ là đừng bỏ cuộc.
Những giải pháp của mình mỗi khi “hết pin” như thế:
Nhìn lại lý do mình bắt đầu: Có vô vàn lý do để khiến bạn dừng lại, nhưng đâu là lý do khiến bạn bắt đầu theo đuổi hành trình này? Với mình đó là được chia sẻ những giá trị mình có. Càng theo đuổi, mình lại càng hiểu câu:
Đừng cố trở thành người thành công, mà hãy trở thành
người có giá trị. - Albert Einstein.
Xem lại những lời khen, lời cảm ơn, lời công nhận từ người khác: Cá nhân mình thường lưu những lời nhắn ấy ở một góc cho riêng mình hoặc lưu ở mục highlight Instagram. Nó thật sự là liều thuốc chữa lành cho những lúc mình mông lung nhất.
Chia sẻ với followers những cảm xúc, vấn đề của bản thân: Lúc khó khăn ta vẫn có thể chia sẻ với những người yêu mến, quan tâm những giá trị bạn đã trao. Bởi lẽ, họ cũng là những cá thể độc lập, họ có thể đem đến lời động viên, an ủi hay một góc nhìn khác…
Trò chuyện với những người cùng làm sáng tạo: Đó là những người dễ thấu hiểu và đồng cảm với bạn vấn đề đang gặp phải nhất. Họ có thể đưa ra những lời khuyên sát đáng, liên quan nhất.
Cho mình một quãng nghỉ: Trên hành trình sẽ không ít lần bạn bị “burn out” cả về thể xác lẫn tinh thần. Đôi lúc đây lại là “báo động đỏ” nhắc nhở bạn hãy có một quãng nghỉ để nhìn nhận lại mọi thứ thông suốt hơn, để bước những bước vững chải hơn.
7. Những khó khăn khác
Trên đây là 6 cái bẫy tiêu biểu đúc rút từ trải nghiệm cá nhân của mình. Nhưng thật chất còn rất nhiều những góc khuất khác bạn có thể bắt gặp. Nói như vậy không có ý làm bạn nản chí, mà giúp bạn chuẩn bị những giải pháp trước khi những chiếc “bẫy” ghé thăm.
Nếu dễ quá thì ai cũng làm nhà sáng tạo nội dung rồi, phải không?
Bạn có thể tìm đọc những bài viết khác trên bản tin thenextcreator.vn, bởi các tác giả đều là những nhà sáng tạo đã có nhiều kinh nghiệm “chinh chiến” trên khắp các “đấu trường” mạng xã hội. Mình tin rằng, đâu đó bạn sẽ nhặt nhạnh được những bài học hữu ích cho hành trình của chính bạn:
4 “đối thủ” cản bước bạn vượt qua ngưỡng bắt đầu để trở thành content creator
Mình quản lý thời gian thế nào để vừa làm công việc full-time, vừa làm sáng tạo nội dung?
Lời cuối
Chẳng cần tìm đâu xa, bản thân mình cũng đã từng mắc phải những cái “bẫy” tư duy nguy hiểm như thế. Không ít lần những chiếc “bẫy” ấy làm cản bước, trì hoãn mình trên hành trình trở thành nhà sáng tạo.
Sau khi nhận diện và vượt qua được những cái “bẫy” này, cá nhân mình đã hoàn thiện hơn về tư duy, tính cách, về những quan điểm, góc nhìn…Mình tin chắc rằng, sẽ còn rất nhiều thử thách đang “chực chờ” chúng ta ở phía trước. Nhưng nhất định mình sẽ không dừng lại, còn bạn thì sao?
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
(*) “Dọn rác” (loại bỏ những comment ác ý), không để người khác “xả rác” trong nhà mình (nền tảng bạn đang thực hiện). - Chú Hieu Nguyen.
C rất thích câu này nha. Nghe rất thẳng thắn nhưng cũng có phần dí dỏm. ^^
Về phần tư duy c thấy "So sánh bản thân với những creator khác" là cái mà content creator mới bắt đầu gặp phải nhiều nhất, và dễ gặp phải nhất. C cũng đã từng trải qua quãng thời gian như vậy khi mới bắt đầu xây Fanpage. C cũng rất thích câu nói cuối cùng của em: Thay vì đố kỵ, hãy lấy họ làm động lực để học hỏi những điều mới mẻ. Và c cũng từng học hỏi từ các anh chị đi trước rất nhiều.
Có 1 tư duy này theo chị cũng là 1 lỗi tư duy mà content creator, đặc biệt là mới bắt đầu rất cần lưu tâm. Đó là tư duy cố định(Fixed mindset). Thay vì thế, hãy trang bị cho mình cái tư duy phát triển (growth mindset). Tư duy này mới có thể giúp creator đi đường dài được. Mọi thứ đều có thể học hỏi và tiến bộ được.^^
Cảm ơn tác giả vì bài viết rất có tâm. Mong sẽ đọc được nhiều bài viết có tâm như thế này hoặc hơn nữa ^^
Lúc mới bắt đầu anh dính chưởng gần hết, giờ đỡ hơn nhiều rồi :D