Content Creator liệu có nhất thiết phải giỏi "hành văn"?
Khoảng đâu đó chừng 2 năm trước, mình bắt đầu mon men tìm hiểu về sáng tạo nội dung (content creation).
Khoảng đâu đó chừng 2 năm trước, mình bắt đầu mon men tìm hiểu về sáng tạo nội dung (content creation).
Giai đoạn mới bắt đầu, mình từng nghĩ thế này: “Nghề này hot thì hot thật đấy, nhưng liệu mình có cơ hội phát triển không đây? So với các content creators nổi tiếng khác, mình thực sự quá nhỏ bé và hầu như chẳng có giá trị gì để chia sẻ”. Mình cá là nhiều người cũng từng ít nhất một lần suy nghĩ như vậy.
Mình đã nhận ra bản thân hoàn toàn sai khi bắt tay vào viết lách và chia sẻ toàn bộ nội dung dạng chữ khi mới bắt đầu lên Fanpage cá nhân. Thú thực, viết lách đều đặn và nghiêm túc đã giúp mình trụ vững và ngày càng phát triển hơn trong vai trò là content creator.
Bài viết này sẽ mang tới bạn một góc nhìn thực tế, từ chính trải nghiệm cá nhân của mình. Bạn sẽ hình dung rõ hơn tại sao mình lại nhấn mạnh việc viết đến như vậy.
1. Tại sao lại là viết mà không phải thứ khác?
Thứ nhất, đơn giản thôi, viết không tốn của bạn quá nhiều công sức. Thực tế, đó là kỹ năng cơ bản nhất mà bất cứ ai từng đi học cũng đã được tiếp xúc. Ít nhiều, bạn đã có chút “vốn liếng”. Phần còn lại là do bạn có muốn bắt đầu viết nghiêm túc hay không mà thôi.
Thứ hai, để viết, bạn không cần sắm sửa tốn kém gì nhiều. Trong khi kết quả mang lại sẽ làm bạn bất ngờ nếu như bạn thực sự nghiêm túc. Không ai khác, bản thân mình là nhân chứng cho việc đó. Kể từ khi bắt đầu 2 năm trước, đến tận bây giờ, việc viết của mình chỉ xoay quanh chiếc laptop. Nếu có thêm thì cũng chỉ là quyển sổ, cây bút. Vậy thôi. Vậy mà mình vẫn tạo được ảnh hưởng nhất định trên mạng xã hội, đồng thời nhận lời mời xuất bản sách của hãng sách có tên tuổi.
Cuối cùng, bạn hoàn toàn có thể sửa sai mà không tốn quá nhiều công sức. Anh Hà Minh, một digital content creator, cũng là mentor của mình đã từng nói thế này:“Sửa một bài viết thì dễ, chứ sửa cả cái video thì cũng không dễ chịu gì, nhất là khi nó đã được công khai rồi thì muốn sửa cũng chẳng được”.
Vậy mới nói, nếu như bắt tay vào viết ngay từ bây giờ, bạn chỉ có “lời” chứ không có “lỗ". Còn “lời" cụ thể như thế nào, hãy theo chân mình đến với phần hai.
2. Mình đã hoàn toàn “lột xác" nhờ viết nghiêm túc trong suốt 2 năm liền như thế nào?
Thứ nhất, mình đã cải thiện đến 80% mức độ tập trung so với thời điểm mới bắt đầu
Thú thực, trước khi viết lách nghiêm túc, khả năng tập trung của mình rất kém. Đến mức, nhiều khi, mình còn tự bực mình vì chỉ có mỗi mấy trang sách thôi cũng phải chật vật đến cả tiếng đồng hồ, vừa đọc, vừa nghĩ ngợi linh tinh.
Vậy nên, trong suốt gần 1 năm liền, mình thường xuyên thử thách bản thân bằng những bài viết dài, đòi hỏi thời gian và tâm huyết bỏ ra không ít. Mỗi bài viết, mình đều dành ít nhất 1 tiếng đồng hồ để vừa lên dàn ý, vừa triển khai.
Cá nhân mình nhận thấy:
Việc gõ chữ liên tục kèm nghĩ ý tiếp theo cho bài viết khiến mình không thể lơ là. Bởi, nếu bạn lơ là, dù chỉ một vài phút, bạn cũng sẽ “tự quẳng mình ra ngoài vùng tư duy”. Do đó, viết đòi hỏi bạn tập trung vào tiểu tiết rất nhiều. Nếu không, cả bài viết của bạn sẽ bị ảnh hưởng theo. Các ý có thể không ăn nhập, hoặc bạn chẳng nghĩ được gì để triển khai ý tiếp theo.
Viết thì dễ, nhưng để viết được hay, được cuốn, nhất định bạn phải dồn hết tâm huyết vào bài viết. Lúc mới bắt đầu, mình thường làm như này. Mình chọn các chủ đề mình quan tâm trên website ở Google, thường là trang nước ngoài. Ví dụ như: “Bạn có đang tự thao túng chính mình?” Mình sẽ lấy ý tưởng từ bài viết của họ, chọn lọc coi ý lớn nào mình có thể tái sử dụng. Sau đó, phần “bụng" của bài viết, mình sẽ tự diễn đạt theo ý của mình. Mình thường lồng ghép các câu chuyện cá nhân trong đó. Phần để tiếp cận dễ hơn với người đọc, phần để rèn sự tập trung. Bởi một khi bạn đã kể chuyện mang đậm dấu ấn cá nhân, bạn không thể qua loa được. Cũng như bạn kể chuyện ngoài đời thực, ai lại muốn nghe một câu chuyện ai cũng nói, ai cũng biết chứ, đúng không?
Thứ hai, mình đã từng bước cải thiện sức bền nhờ viết lách đều đặn
Có thể bạn không tin. Nhưng khoảng 2 năm trước đây, mình thường xuyên ngủ gà ngủ gật trên giảng đường và chẳng mấy khi nghe được hết một bài giảng dù nó hay đến cỡ nào. Điểm số của mình, vì thế, có lúc rất cao, nhưng có lúc lại tụt xuống thảm hại.
Thế nhưng, khi bắt tay vào viết lách nghiêm túc, mình nhận ra, mình có thể ngồi hàng giờ chỉ để bóc tách từng vấn đề, để ra được một bài viết thực sự chất lượng.
Từ khoá mình muốn nhấn mạnh ở đây là “nghiêm túc". Nếu bạn không viết nghiêm túc, bạn không thể rèn luyện được sức bền. Bởi cũng giống như tập thể hình. Bạn muốn khoẻ, muốn cơ bắp săn chắc đâu chỉ dồn lực vào một vài ngày rồi cả tháng sau đó bỏ trống.
Vậy nên, đừng chỉ trông mong vào một bài viết hàng nghìn lượt tương tác chỉ trong một đêm. Điều đó có thể xảy ra, nhưng hành trình sau đó sẽ chẳng được lâu bền nếu bạn chỉ dồn mỗi tâm huyết vào bài viết đó.
Viết lách trong suốt 2 năm đã giúp mình ngộ ra rằng:
Sức bền có thể rèn luyện được: Sức bền không phải năng lực bẩm sinh. Nó có thể coi là một loại kỹ năng hoàn toàn có thể học được. Thực tế, những bài viết sau này trên Fanpage của mình gần như “đáng đọc” hơn rất nhiều thời gian đầu. Và đó là kết quả của việc mình liên tục duy trì, kể cả khi chán nản và mệt mỏi và Fanpage bị flop đến thảm hại.
Sức bền giúp bạn thành công, không phải tài năng vốn có hay xuất phát điểm: Lấy ví dụ từ kênh The Present Writer. Xuất phát điểm của chị Chi Nguyễn, người sáng lập kênh, là một blogger chuyên nghiệp. Để có được thành công như hôm nay, kênh Youtube nửa triệu lượt đăng ký, hàng trăm ngàn lượt theo dõi trên Fanpage, sách tái bản 2000 cuốn bán hết sạch chỉ sau đâu đó chừng 1 tuần mở pre-order,...chị đã bền bỉ viết lách và chia sẻ trên blog tận mấy năm trời mà không mấy ai biết đến. Trong một video chị cũng đã từng chia sẻ: Năm 2016, chị bắt đầu viết blog. Mọi người đã khuyên chị nên đầu tư làm youtube. Nhưng chị vẫn quyết định viết blog trước, vì xuất phát điểm của chị là người viết, và chị tự tin nhất với những con chữ. Cho đến năm 2020, trong thời gian nghỉ dịch, chị đã quyết định lập kênh Youtube của riêng mình. Và những thành công lớn liên tiếp sau đó cũng dần được nhen nhóm từ đây.
Cuối cùng, mình hiểu rõ mình là ai?
Có bạn độc giả đã từng nhắn mình: “Em rất cảm ơn những bài viết của "Dear Introvert", những bài viết giúp em nhận ra được nhiều điều, những bài em vừa đọc vừa lắng nghe bản thân mình, và từng con chữ biết vượt rào cản khép kín mà chạm đến trái tim của em ạ.”
Trước đây, mình luôn tự ti về bản thân vì bị gán mác quá nhút nhát, kém giao tiếp như người ta vẫn mặc định về một người hướng nội.
Cho tới năm cuối đại học, mình vẫn còn vô cùng hoang mang vì chẳng biết mình giỏi cái gì, mình thích cái gì. Và liệu “Có ai sẵn sàng thuê một người như mình?”
Suy nghĩ này dần chấm dứt cho tới khi mình quyết định nghiêm túc viết và chia sẻ nội dung. Cho tới bây giờ, mình mới nhận ra:
Viết tốt giúp mình chứng minh mình là một người hướng nội có giá trị. Mình không còn ngày đêm chất vấn, trách móc bản thân vô cớ. Vì giá trị của mình, chính là sự tỉnh thức và khả năng chữa lành từ những con chữ mình chia sẻ. Mình vẫn có phần tự ti, về giọng nói, về nhiều thứ, nhưng nếu để so sánh chỉ riêng việc viết lách, mình nghĩ mình không thua kém, ít nhất là ở hiện tại.
Viết tốt giúp mình nhận ra khả năng sáng tạo đặc biệt của mình. Thực tế, viết tốt giúp mình dần tạo được điểm nhấn cho nội dung bằng những tiêu đề hay, lời dẫn ấn tượng. Từ đó, nội dung của mình, dù chủ đề đã cũ, nhưng cách tiếp cận và diễn đạt vấn đề luôn mới mẻ.
Vậy mới nói, sức mạnh của ngôn từ biến những vấn đề bình thường trở nên ấn tượng.
3. Khi nào nên luyện viết?
Thực tế, không có một công thức bất di bất dịch nào cho việc bắt tay vào viết lách. Thế nhưng, nếu bạn thực sự nghiêm túc với việc viết lách để phục vụ cho quá trình sáng tạo nội dung chuyên nghiệp hơn, thì theo mình, giai đoạn lý tưởng nhất chính là giai đoạn đầu cho tới khi có một lượng khán giả nhất định. Bởi:
Thứ nhất, giai đoạn này, bạn còn ít mối quan tâm từ cộng đồng. Vậy nên, bạn sẽ không lo bị phán xét, đánh giá hay chê trách quá nhiều. Việc này cũng sẽ trực tiếp giảm áp lực cho creator, khiến bạn không quá nặng nề vấn đề khen chê.
Thứ hai, đây là giai đoạn bạn có thể “sửa” nếu “chọn sai". Việc thực hành viết lách sẽ giúp bạn biết đâu là nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt hơn cả từ độc giả. Từ đó, bạn sẽ tiết kiệm công sức và thời gian nếu muốn sáng tạo nội dung cùng chủ đề trên các kênh khác như Youtube hay Tiktok, thay vì dồn sức vào làm một video dài hàng giờ nhưng chẳng mấy ai ngó ngàng tới.
Cuối cùng, đây là giai đoạn khởi đầu, chắc chắn bạn sẽ có rất nhiều nhiệt huyết và quyết tâm cao, cộng thêm nhiều ý tưởng thú vị. Chính vì thế, bạn cũng sẽ có nhiều cơ hội thử thách bản thân ở nhiều loại nội dung, cho tới khi tìm được nội dung mình giỏi, mình đam mê chia sẻ và đúng đối tượng quan tâm.
4. Kết luận
Viết lách không phải cách duy nhất truyền tải nội dung. Nó cũng không phải yêu cầu tiên quyết trên hành trình sáng tạo nội dung. Bởi, không phải ai cũng “khiêu vũ” được với ngòi bút và con chữ. Chúng ta đều có những định hướng riêng, lối đi riêng.
Thế nhưng, nếu rèn luyện được khả năng viết lách, hoặc ít nhất diễn đạt được ý tưởng qua câu chữ một cách chỉn chu, Content Creator chắc chắn sẽ tiến xa hơn trên hành trình chinh phục trái tim của khán giả, và trên hành trình tìm ra phiên bản Content Creator tốt nhất và phù hợp nhất cho chính mình.
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!