Sáng tạo trong áp lực?
Bạn chọn làm sáng tạo, bạn không chọn áp lực. Nhưng đôi khi, sáng tạo khiến bạn cảm thấy áp lực, và bạn vẫn cần phải sáng tạo trong khi đang chịu nhiều áp lực. Vậy đâu là lối ra cho vòng lặp này?
Trở thành một content creator và bắt đầu sáng tạo, thực hành sáng tạo - một công việc không thể đảm bảo hiệu suất hoặc có thể đo lường về thời gian. Vì sáng tạo là một nghệ thuật, mà nghệ thuật thì không đến chỉ bởi chúng ta “gọi”. Nghệ thuật cần sự cảm ngộ, cần có tâm trạng thích hợp, tâm hồn rộng mở, và nhiều yếu tố không-xác-định, không-thể-kiểm-soát được khác.
Chính vì những tính chất đặc thù ấy, mà áp lực khi làm sáng tạo cũng không giống với các công việc khác. Vậy,
I. Trong sáng tạo, áp lực đến từ đâu?
1. Từ thời gian
Làm-công-việc-sáng-tạo lại khiến chúng ta bị (hoặc là được) đóng khung trong một cái deadline cụ thể, chúng ta “buộc” mình phải sáng tạo trong khuôn khổ thời gian cho phép. Nghe có vẻ bất hợp lý nhưng đây có phải là cách chúng ta vẫn đang làm, cũng được yêu cầu làm? Có cái gì bảo chứng cho việc có thể sáng tạo đúng thời gian?
Điều đáng buồn là, do áp lực sinh kế (cơm áo, gạo tiền, áp lực về kinh tế), bạn chỉ có thể tìm cách giải quyết vấn đề này. Bằng cách tập trung vào công việc dù phải sáng tạo trong áp lực, vì không thể dành cả năm trời để sáng tạo ra chỉ một hoặc một vài sản phẩm.
Bạn chọn làm sáng tạo, bạn không chọn áp lực. Nhưng sáng tạo khiến bạn cảm thấy áp lực, và bạn vẫn cần phải sáng tạo trong khi đang chịu áp lực.
Đấy là một câu chuyện hết sức quen thuộc với những người chọn làm sáng tạo - như chúng ta. Vậy thì, chúng ta cần sống chung với chúng thế nào?
2. Từ việc bí ý tưởng
Chúng ta vẫn thường nghe, nguồn gốc của việc bạn - hoặc tôi chưa sáng tạo thêm được sản phẩm mới là do chúng ta bị - bí ý tưởng. Và bí ý tưởng khiến chúng ta áp lực trong sáng tạo. Nhưng:
“Bí ý tưởng quan trọng như vậy sao? Bí ý tưởng là gì?”
“Bí ý tưởng là không khơi thông được nguồn cảm hứng sáng tạo. Bí ý tưởng có thể khiến bạn áp lực. Nhưng để giải quyết được áp lực ấy, bạn không chỉ cần tập trung vào giải quyết vấn đề bí ý tưởng, mà còn cần khơi thông được nguồn cảm hứng sáng tạo.”
“Vậy điều gì đã ngăn cản nguồn cảm hứng sáng tạo đến với bạn?”
“Có rất nhiều tác nhân xuất hiện - chặn đứng dòng chảy của nguồn cảm hứng, khiến cho bạn khô hạn các ý tưởng. Nhưng theo mình thì, những tác nhân mang ý nghĩa chủ chốt nhất đa phần đến từ lối-tư-duy.”
Có câu nói thế này:
“Hãy cẩn thận với suy nghĩ vì nó sẽ trở thành lời nói. Hãy cẩn thận với lời nói vì nó sẽ trở thành hành động. Hãy cẩn thận với hành động vì nó sẽ trở thành thói quen.”
Mà lối tư duy chính là cách chúng ta suy nghĩ về một sự vật/sự việc, cách chúng ta chọn đối mặt và giải quyết một vấn đề, đối với sáng tạo cũng như vậy. Nếu trong sáng tạo, chúng ta bị cản trở ngay tại điểm khởi đầu của tư duy - nơi các ý tưởng tuôn trào, vậy thì đâu sẽ là giải pháp cho ta?
Chính vì thế, chúng ta cần làm mới lại các tư duy đã “cũ”, đã không còn phù hợp với hành trình sáng tạo. Chúng ta cần khơi thông chúng trước khi có thể khơi thông nguồn cảm hứng sáng tạo. Để từ đó, sáng tạo không còn là áp lực.
II. 3 lối tư duy khiến bạn không thể sáng tạo & cách giải quyết
1. “Sự chắc chắn”
Bản chất con người là luôn sợ phạm lỗi, và một người làm sáng tạo cũng không tránh khỏi nỗi sợ ấy. Vì sợ phạm lỗi, chúng ta cần “chắc chắn” rằng mình sáng tạo sao cho đúng, sao cho thỏa mãn các yêu cầu và kỳ vọng của khán giả, của đối tác, của sếp,…
Chúng ta không dám đặt mình vào nơi các ý tưởng táo bạo, thú vị tuôn trào. Chúng ta không dám thử đưa ra những cách nhìn mới, góc độ mới cho sản phẩm sáng tạo. Vì thiếu sự-chắc-chắn, ta buộc trí tưởng tượng của mình quay trở lại đường ray ngay khi chúng vừa nhen nhóm dấu hiệu muốn trượt khỏi con đường sáng tạo an toàn mà ta đã đặt ra.
Và bạn biết không, “tất cả chúng ta sinh ra vốn luôn sợ hãi trước rủi ro của sự bất định, nhưng lại quên mất rằng các thay đổi, sáng tạo, biến chuyển và sáng kiến hiếm khi xuất hiện mà không có một mức độ bất định nào đó.” Khi bất-định xảy đến, là để sáng-tạo đưa ra các giải pháp, các sáng kiến mới hơn, phần nào làm phát triển hơn nền văn minh chúng ta đang chứng kiến, theo nhiều cách.
Có thể nói, bất định và chắc chắn là hai mặt của một vấn đề. Vậy nên, thay vì cố ý né tránh sự bất định, hãy để bộ não nghiện sự chắc chắn đối diện với phần đối nghịch của nó.
Chấp nhận bất định như một điều hiển nhiên. Và sẵn sàng đưa mình vào
không gian của bất định để sáng tạo nảy nở không biên giới.
2. “Chủ nghĩa hoàn hảo”
Nếu như đã bắt đầu, hẳn là ai cũng mong muốn điều tốt nhất cho các sản phẩm sáng tạo của mình. Tuy nhiên, cố gắng làm tốt nhất không phải là cố gắng làm cho nó thật hoàn hảo. Và “done is better than perfect”.
“Phải chuẩn bị đầy đủ từ môi trường cho đến công cụ, rồi mới bắt đầu sáng tạo. Phải có micro mới bắt đầu thu âm, phải có máy quay mới bắt đầu dựng clip, phải học cho đủ kỹ năng rồi mới bắt tay vào thực hành công việc sáng tạo.” Những suy nghĩ tưởng như chu toàn và vô hại ấy, vô hình trung lại đang cản trở con đường sáng tạo của bạn.
Có thể chuẩn bị đầy đủ trước khi bắt đầu một con đường mới là rất tốt. Giống như khi ra chiến trường, phải có áo giáp binh khí đầy đủ. Tuy nhiên, sáng tạo thì không giống vậy. Điều duy nhất là chìa khóa giúp bạn sáng tạo tốt hơn, hiệu quả hơn, dễ dàng hơn qua mỗi ngày là gì? Không phải sự chuẩn bị đầy đủ cho quá trình sáng tạo, mà cơ bản và quan trọng nhất chính là không ngừng sáng tạo và thực hành sáng tạo.
Vậy nên, việc rũ bỏ các thiếu sót, khiếm khuyết và bắt tay ngay vào sáng tạo là việc bạn cần làm khi bắt đầu cuộc chơi mang đầy hơi thở nghệ thuật này.
3. “Sự phủ nhận”
Hẳn là không ít lần trong công việc và cuộc sống, bạn đã từng bị người khác phủ nhận. Phủ nhận những cố gắng, phủ định những thành quả và mồ hôi công sức của bản thân: những đêm thức khuya, những chiều lỡ hẹn với bạn bè, những sáng bận rộn chân không chạm đất nỗ lực vì công việc,...Chỉ với điều đó thôi đã làm ý chí sục sôi cống hiến trong lòng như muốn vụt tắt.
Thì trong công việc sáng tạo, bạn không chỉ phải đối mặt với sự phủ nhận của người khác, mà quan trọng hơn hết, là đối mặt với sự phủ nhận đến từ chính bản thân bạn.
“Không, mình chưa đủ giỏi. Không, thiết kế này chưa đủ ấn tượng. Không, bài viết này không hay, cách dùng từ quá tệ.” Tư duy với sự phủ nhận các nỗ lực của bản thân ấy sẽ làm bạn tự động dập tắt các thiết lập sáng tạo trong đầu. Khi sự phủ nhận xuất hiện cũng là lúc mọi nỗ lực sáng tạo bốc-hơi. Và tâm trí bạn chẳng còn hào hứng với công việc sáng tạo nữa.
Thay vào đó, những lúc cảm thấy bản thân làm chưa tốt, đừng vội phủ nhận, đừng vội nói “không”. Hãy bắt đầu bằng sự chấp nhận tích cực và đưa vào đó mong muốn cải thiện sản phẩm sáng tạo bằng công thức: “chưa - và một câu hỏi”. Ví dụ như:
Bài viết này chưa hay, mình nên thêm vào chất liệu gì để nó hay hơn nhỉ?
Kịch bản này chưa đủ ấn tượng, mình cần thêm một điểm cao trào?
Thông qua việc chấp nhận sự thật và đặt câu hỏi sẽ khiến óc sáng tạo của bạn được khai thông. Vì như ở trên mình đã nói, sự bất định sẽ khiến sáng tạo nỗ lực đưa ra các giải pháp. Mà ở đây, đặt câu hỏi chính là phương pháp làm nổi bật sự bất định của vấn đề.
Và nếu như bạn cần thêm vài tips để dễ kiểm soát “sự phủ nhận” này hơn, thì dưới đây là những gợi ý cho bạn:
Chấp nhận và chia sẻ sự không hoàn hảo: Nhận ra rằng không ai là hoàn hảo và việc mắc phải lỗi là một phần tự nhiên của quá trình sáng tạo. Chia sẻ với người khác về những thất bại và khó khăn mà bạn gặp phải có thể giúp bạn giảm bớt sự áp lực, và tạo ra một môi trường giao lưu lành mạnh cho các Content Creator.
Học từ những thất bại: Nhìn nhận lại những thất bại là cơ hội để học hỏi và phát triển, học từ những lần không thành công và áp dụng chúng vào công việc tiếp theo.
Tập trung vào quá trình hơn là kết quả: Đặt mục tiêu cho quá trình làm việc thay vì chỉ tập trung vào kết quả cuối cùng.
Tự đặt các mục tiêu nhỏ và tiến bộ dần: Chia công việc thành các phần nhỏ hơn và đặt mục tiêu nhỏ để bạn được khích lệ bản thân sau những thành công và từ đó nuôi dưỡng dần lòng tự tin, hoàn thành tốt các công việc lớn hơn.
Hãy kiên nhẫn: Nhớ rằng việc làm sáng tạo đòi hỏi thời gian và kiên nhẫn. Và bền bỉ cống hiến cho sáng tạo chính là con đường chắc chắn và bền vững nhất dẫn đến thành công, dù rằng đó có thể không phải là con đường nhanh nhất.
Sau cùng, hãy để ý tưởng sáng tạo được “nhổ neo”, để “thuyền” được giông ra biển lớn. Không phải vì đã chắc chắn, không phải vì đã hoàn hảo,
chỉ đơn giản là đã hoàn thành và giờ lành đã điểm.
III. Kết luận
Chúng ta luôn có thể lựa chọn, giữa việc (1) đặt mình vào trong hoàn cảnh phải sáng tạo trong áp lực, với deadline sát nút mà ý tưởng sáng tạo vẫn chưa được khơi thông. Hoặc (2) thay đổi lối tư duy về làm sáng tạo, để luôn có thể cởi mở sáng tạo mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh việc liên tục thực hành sáng tạo để việc sáng-tạo trở thành một thói quen, giúp bạn sáng tạo ngay cả khi đang-áp-lực.
Và nếu bạn đang áp lực vì bí ý tưởng, thì đây sẽ là bài viết cứu cánh cho bạn: Không lo “hạn hán” ý tưởng với 07 bí quyết này!
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
Yeah áp lực cũng chính là động lực khi chúng ta thay đổi thái độ tiếp cận nó. Cảm ơn tác giả vì bài viết rất ý nghĩa ^^
Bài viết đến vào đúng những lúc rơi vào áp lực, cảm ơn Thần Uyên về những chia sẻ trên<3