Content Creator đối mặt với ý kiến trái chiều như thế nào?
Nếu một ngày bạn nhận được comment trái chiều…
Mình từng nghe một quan điểm thế này “Bạn dám đăng tải một nội dung mình tạo ra lên mạng xã hội đã là việc làm rất dũng cảm rồi”. Bởi vì dù là nền tảng giải trí nào, bạn cũng sẽ phải “chạm mặt” hàng trăm ngàn Content Creator và những người xem lướt qua nội dung của bạn. Có những bình luận sẽ đồng cảm, ủng hộ quan điểm của bạn, và đương nhiên, bạn sẽ gặp cả những ý kiến trái chiều.
Liệu có phải tất cả Content Creator đều DÁM đối mặt với những ý kiến trái chiều đó? Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ về trải nghiệm của các Content Creator khi gặp phải ý kiến trái chiều trong quá trình sáng tạo nội dung. Nếu bạn đang mắc kẹt giữa những ý kiến trái chiều khi làm sáng tạo nội dung mà băn khoăn chưa biết cách xử lý như thế nào cho phù hợp, thì hãy tìm câu trả lời dưới đây nhé.
I. Content Creator không thể tránh khỏi ý kiến trái chiều
Có một sự thật đó là, các Content Creator sẽ không thể tránh khỏi các ý kiến trái chiều khi bắt đầu chia sẻ nội dung do mình tạo ra. Bạn cứ tưởng tượng đơn giản, ngay cả khi đi trên đường, không phải lúc nào mặt đường cũng bằng phẳng. Trên thế giới có gần 8 tỷ người, mặc dù tất cả chúng ta đều đang ở trong “server” Trái Đất, nhưng không một ai giống ai. Nhỏ hơn là phạm vi những người Việt với rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tín ngưỡng, ngôn ngữ, nhưng rõ ràng, cũng không một ai hoàn toàn giống với bạn.
Chính vì thế, ý kiến trái chiều luôn xuất hiện trong mọi tình huống. Thậm chí, cả những quan điểm tưởng như đã trở thành chân lý nhưng cũng vẫn có người chọn “đi ngược” lại với nó. Và tất nhiên, trên hành trình sáng tạo nội dung, các Content Creator không thể tránh khỏi ý kiến trái chiều từ những người xung quanh.
1. Mọi vấn đề đều có hai mặt
Trong bài viết Mình đã làm gì khi lần đầu tiên có một video viral trên Instagram?, mình có chia sẻ trải nghiệm khi nội dung bất ngờ được rất nhiều người quan tâm. Khi nhìn vào số lượt chia sẻ và các comment, mình biết được rằng nội dung của mình chứa thông điệp đã chạm được đến nhiều người. Họ đồng cảm và tìm thấy bản thân mình ở đâu trong video mình chia sẻ. Cũng chính vì thế, mình tin rằng các nội dung với chủ đề có thể gọi là an toàn sẽ không bao giờ gặp phải tranh cãi.
Nhưng, mọi thứ sau chữ “nhưng” đều cần chúng ta phải dừng lại suy nghĩ thêm một chút. Mình bắt gặp một comment đi ngược lại với thông điệp. Cụ thể là, trong video mình có nhắc đến việc “Các mối quan hệ đến và đi đều là duyên số, chúng ta cần trân trọng những người còn ở lại và với những người đã rời đi thì hãy ghi nhớ những kỉ niệm đẹp”.
Và ý kiến trái chiều mình nhận được đó là “Vẫn có các mối quan hệ rời đi thì tốt nhất nên xem lại cách sống của mình”. Bạn thấy đấy, ngay cả khi một nội dung có hàng trăm người đồng tình, ủng hộ và chia sẻ, thì vô tình vẫn “sót” lại một ý kiến trái chiều. 9 người 10 ý, đó chính là lý do vì sao, Content Creator luôn cần xác định rằng sẽ có lúc mình gặp phải ý kiến trái chiều.
2. Bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người
Cho dù có muốn hay không, bạn cũng phải chấp nhận rằng mình không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Ngay trong cuộc sống hàng ngay, khi quyết định chiều theo một ý kiến, cũng là lúc bạn đang không làm hài lòng những người có ý kiến ngược lại. Khi sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, Content Creator không chỉ gặp một một người, mà là hàng trăm người. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người gọi Content Creator giống như “làm dâu trăm họ”.
Thế nên, việc có một trong số những người đó “lệch tần số” với bạn là điều hết sức bình thường. Và đương nhiên, bạn cũng sẽ không thể nào làm hài lòng được tất cả khán giả của mình. Đó là lý do vì sao, mỗi Content Creator sẽ có tệp khán giả riêng, làm kim chỉ nam để họ Sáng tạo nội dung có chủ đích.
II. Content Creator làm gì với các ý kiến trái chiều?
Vậy, các Content Creator đã làm gì khi đối mặt với ý kiến trái chiều về nội dung của mình? Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của các thành viên trong team The Next Creator - Những người đã có kinh nghiệm sản xuất nội dung trong nhiều năm nhé: :
Anh Hà Minh (Cosmic Writer) - Một Content Creator, Youtuber, Podcaster với gần 80.000 người theo dõi, sản xuất nội dung về chủ đề tâm lý học và con người.
Chị Ngọc Ánh - Content Creator với trang fanpage Dear Introvert hơn 13.000 người theo dõi, sản xuất các nội dung về phát triển bản thân và tâm lý học từ lăng kính của người hướng nội.
Anh Hà Minh có chia sẻ: Khi nhận được các ý kiến trái chiều, anh sẽ chia những comment tiêu cực đó thành hai nhóm:
Comment công kích: Đây là những comment chứa ý kiến trái chiều nhưng với mục đích để tấn công content creator, không mang tính xây dựng mà muốn dìm thông điệp của nội dung.
Comment feedback: Đây là những comment chứa ý kiến trái chiều nhưng người viết ra không có mục đích xấu. Họ có những quan điểm hoặc ý kiến khác với thông điệp trong nội dung nên để lại comment góp ý.
Với những ý kiến trái chiều nhóm công kích, anh sẽ block vì đó không phải những người theo dõi cũng như tệp khán giả thực sự của mình. Còn đối với những ý kiến trái chiều với mục đích feedback, Content Creator cần vượt qua được cái tôi của bản thân. Có như vậy, các creator mới có thể lắng nghe ý kiến feedback, và đôi khi việc nhìn lại cũng giúp bản thân nhận ra mình vẫn còn những điểm cần cải thiện về nội dung.
Với trải nghiệm của chị Ngọc Ánh: “Trong quá trình sáng tạo nội dung đôi lúc chị cũng gặp phải những ý kiến trái chiều với thái độ phản ứng gay gắt. Khi đó mình nên xem xét lại tư duy. Nếu như comment đó không mang lại giá trị thì mình không cần phải đôi co hay giải thích. Còn đối với những comment chứa góc nhìn mới thì bản thân cũng nên lắng nghe. Content Creator cũng nên biết cách bảo vệ cảm xúc của mình trước những ý kiến trái chiều.”
Trong workshop “Làm thế nào để Content Creator tạo ra dấu ấn riêng?” được chia sẻ bởi anh Hà Minh và chị Mera Cao có đề cập rằng “Để có thể tạo ra dấu ấn trong phong cách, Content Creator cần thấu hiểu chính mình trước tiên. Từ đó mỗi người mới có thể xác định được nội dung phù hợp để truyền tải và truyền tải nó như thế nào. Bạn phải là người hiểu và tin tưởng nội dung của mình trước tiên.
Và sự thật là, càng đi xa trên hành trình sáng tạo nội dung, bạn sẽ càng nhìn nhận các đối tượng khán giả của mình rõ ràng hơn. Đồng thời, với những trải nghiệm “lượm nhặt” được trên đường đi, Content Creator sẽ biết cách làm thế nào để phản ứng với các ý kiến trái chiều. Bạn có thể block những người không phù hợp với nội dung, lắng nghe, bảo vệ quan điểm của mình, và đôi khi ý kiến trái chiều cũng có thể “xoay” cho cùng chiều.
Kết luận
Tóm lại thì, những ý kiến trái chiều là không thể không có nếu như bạn tiếp tục theo đuổi công việc sáng tạo nội dung. Điều quan trọng là, Content Creator cần xác định rõ ràng mục tiêu đó là không làm những nội dung sai lệch, có thể tạo nên những tranh cãi, mâu thuẫn. Bạn có thể tìm đọc bài viết Thế nào là một Content Creator tử tế?.
Những nội dung mình tạo ra cần mang lại giá trị, ý nghĩa hoặc thông điệp có ích cho một nhóm đối tượng. Thì khi đó, bạn không cần phải lo sợ khi gặp các ý kiến trái chiều. Bởi bạn biết mình làm ra nội dung gì và có thể bảo vệ nó trước những bình luận công kích cũng như làm nó hoàn thiện hơn qua từng nhận xét feedback tích cực.
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!