Thế nào là một người sáng tạo nội dung “tử tế”?
Những điều tử tế cần được lan tỏa và những nội dung tử tế cũng vậy.
Bạn có đang “tử tế” với công việc sáng tạo nội dung?
Cách đây hai tuần mình có tham gia vào buổi đào tạo văn hóa công ty, khi đó, sếp của mình nhấn mạnh đến sự tử tế trong cách hành xử mỗi người. Mặc dù buổi đào tạo kéo dài hơn 2 tiếng nhưng dòng suy nghĩ của mình đã “mắc” lại ở hai chữ “tử tế”. Nó khiến mình phải đặt ra câu hỏi liệu những người sáng tạo nội dung có đang tử tế với công việc của mình hay không? Và đồng thời mình cũng soi chiếu lại bản thân, xem liệu các nội dung mình làm có được gọi là tử tế hay chưa?
I. Không phải đạo đức nghề nghiệp, trước tiên hãy hiểu về “sự tử tế”
Chúng ta thường nghe khá nhiều về cụm từ “đạo đức nghề nghiệp” đối với bất kỳ công việc, ngành nghề nào. Và tất nhiên, những người làm trong lĩnh vực truyền thông và marketing cũng không ngoại lệ. Nhắc đến đạo đức nghề nghiệp hẳn là bạn cũng cảm thấy khá ÁP LỰC như gánh một trách nhiệm quan trọng trên vai. Vậy thì hãy khoan nói về điều đó, mình muốn làm rõ về sự tử tế của một con người.
“Sự tử tế” có rất nhiều khái niệm khác nhau, nhưng mình sẽ nhấn mạnh đến 2 ý chính. Tử tế chính là làm những việc không hại đến người khác và những điều có giá trị, giúp đỡ được một ai đó. Tử tế vốn là một từ rất dễ để nói ra nhưng không phải ai cũng làm được. Mỗi buổi sáng khi bạn mở cửa và bước chân ra ngoài, bạn có thể bắt gặp rất nhiều hành động tử tế. Mặc dù đôi không phải lúc nào cũng vậy. Nhưng với việc sáng tạo nội dung, mình tin rằng bất cứ content creator nào cũng luôn cần phải nhắc nhở bản thân cần sáng tạo ra những Content tử tế.
II. Content tử tế từ Creator tử tế
Với khái niệm về sự tử tế mình nhắc đến ở trên, hẳn là bạn đã có hình dung trong đầu như thế nào là một nội dung được gọi là tử tế. Theo mình, Content tử tế chính là:
Content sạch: Chắc chắn rồi, đó phải là những nội dung không làm hại đến người khác. Người sáng tạo ra nội dung đó không lợi dụng sức mạnh của truyền thông để mang những điều tiêu cực đến với nhiều người, hay chúng ta vẫn thường gọi với cụm từ “truyền thông bẩn”.
Content thật: Mỗi người có một câu chuyện để kể. Và Content Creator tử tế sẽ không “kể” những điều không có thật. Hoặc đôi khi bạn sẽ gặp trường hợp một số người lấy câu chuyện của người khác để kể lại như họ từng trải qua mà không kèm theo trích dẫn. Bạn sẽ cảm thấy “Hình như mình đã nghe hoặc xem ở đâu rồi”. Content tử tế được tạo ra từ việc kể đúng và kể thật.
Content giá trị: Khi bắt đầu làm công việc sáng tạo nội dung, mình quan niệm rằng những thứ tạo ra phải mang đến cho người xem một giá trị nào đó. Đó có thể là giá trị về mặt giải trí, hoặc chạm đến một cảm xúc hay vấn đề người xem đang gặp phải. Và mình tin rằng, một nội dung có giá trị chắc chắn sẽ được nhiều người đón nhận.
Vậy thì, tại sao mình lựa chọn trở thành một người sáng tạo nội dung tử tế?
III. Tại sao mình chọn tạo ra những content tử tế?
1. Người xem đã “bội thực nội dung”
Nếu ngay lúc này bạn mở máy điện thoại, bật một nền tảng mạng xã hội giải trí bất kỳ như Tiktok hay Instagram sẽ thấy có hàng trăm, hàng ngàn Content Creator đang hoạt động. Và tất nhiên, số lượng nội dung họ tạo ra còn khổng lồ hơn cả con số trên. Ví dụ đơn giản nhất chính là feeds Tiktok, ngay cả khi bạn lặp đi lặp lại thao tác lướt xuống trong hàng tiếng đồng hồ thì nền tảng này cũng không thiếu video để phát.
Chính vì có quá nhiều nền tảng và content creator, người xem đã rơi vào trạng thái tạm gọi là “bội thực nội dung”. Họ gần như không thể nhớ hết tất cả những nội dung đã xem trong ngày. Do đó, content tử tế sẽ giúp các content creator ghi điểm và dễ dàng được nhớ tới hơn. Điều này cũng tương tự như việc các thương hiệu triển khai hàng trăm chiến dịch quảng cáo, chỉ có những thông điệp thực sự dễ nhớ, có ý nghĩa mới được “giữ” lại trong trí nhớ của người xem.
2. Nội dung xấu thường dễ… viral?
Khi mình còn đi học ở trường Đại học, giảng viên có nói một câu thế này: “Tiếng lành đồn xa, nhưng tiếng xấu thường đồn xa hơn và nhanh hơn”. Mình đã suy nghĩ về câu nói này rất nhiều lần và quả thực, nó đúng với những gì đang diễn ra hàng ngày. Những nội dung mà chúng ta thường gắn với một số từ như: drama, bóc phốt, biến căng,… thường nhận được sự quan tâm của rất nhiều người dù đăng tải trên nền tảng nào. Đặc biệt, nếu đó là một vấn đề liên quan đến người nổi tiếng, thậm chí mới chỉ là tin đồn chưa được xác thực, ngay lập tức có thể tràn ngập trên newfeeds.
Người xem làm gì với những nội dung xấu? Họ quan tâm, chắc chắn rồi. Họ bình luận, tranh cãi, thảo luận ở phần comment trong mỗi bài viết. Thậm chí, người xem có thể nhắc lại đúng nội dung đó trong một bài viết cùng chủ đề được đăng tải ở trang khác. Xa hơn thì, người xem mong chờ những diễn biến tiếp theo để tiếp tục cuộc tranh cãi. Vì thế không ít Content Creator đã lợi dụng tâm lý đám đông này để tạo ra những nội dung khiến người xem khó chịu, phẫn nộ, chỉ cần nó được viral. Cuối năm ngoái, cộng đồng mạng đã phẫn nộ vì hành động thiếu tôn trọng của Tiktoker với một cụ già, sau đó người này cũng bị cấm hoạt động trên nền tảng. Nhiều người nói rằng nền tảng Tiktok “rác”. Mình thì nghĩ rằng, một khi vẫn còn các content creator tạo ra những nội dung xấu, thì môi trường mạng xã hội cũng sẽ không thể trở nên “lành mạnh” đối với người xem. Tuy nhiên, với sự cố gắng của các content creator muốn tạo ra nội dung tử tế, thì môi trường mạng này sẽ ngày càng đáng dành thời gian hơn.
3. Nội dung “giật tít” trở thành xu hướng chung
Nhiều năm gần đây, chính xác là từ rất lâu rồi, những người viết báo đã sử dụng cách tạo những tiêu đề thu hút, gây tò mò để người xem muốn bấm vào đọc nội dung. Việc làm này được gọi với cụm từ quen thuộc là “giật tít”. Và hầu hết các content creator hiện nay cũng áp dụng cách này để giữ chân người xem ở lại nội dung của mình. Các bài viết cần một tiêu đề ấn tượng, các video ngắn thì có khoảng 3-5 giây đầu tiên để khiến người xem tò mò. Đó chính là lý do vì sao nội dung “giật tít” trở thành xu hướng.
Thế nhưng, cái gì cũng có hai mặt của nó. Một số content creator lợi dụng điều này để biến những nội dung không có gì đáng xem thu hút với nhiều người. Nói một cách dễ hiểu thì tiêu đề nghe rất hấp dẫn, gây tò mò nhưng khi người xem ở lại hết video, họ không thỏa mãn như kỳ vọng. Lúc này, hầu hết người xem đều cảm thấy bị lừa, thất vọng, và không muốn tiếp tục xem các nội dung của content creator đó nữa. Đó là lý do vì sao, content không mang giá trị cho người xem thì rất khó để được viral, đôi khi còn gây ra tác dụng ngược. Hoặc nó sẽ tạo ra hiện tượng trong một thời gian ngắn nhưng khó có thể đi đường dài.
4. Nội dung có giá trị tốt nên được lan tỏa rộng hơn
Đối với phần này, mình muốn bắt đầu kể từ những ấn tượng với dự án Nuôi em của anh Hoàng Hoa Trung kết hợp với Đen Vâu - một rapper nổi tiếng được rất nhiều bạn trẻ yêu mến. Bên cạnh âm nhạc với những câu từ rất thấm thía, Đen Vâu còn có rất nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Gần đây nhất là bài hát “Nấu ăn cho em” và đêm nhạc “Show của Đen” đã lan tỏa thông điệp và hoạt động của dự án Nuôi em đến với nhiều bạn trẻ: Mỗi tháng bạn chỉ cần đóng góp khoảng 150.000 - 200.000 VNĐ là có thể giúp đỡ một em nhỏ vùng cao có những bữa ăn để đến trường trong năm học. Sau đêm nhạc, Đen Vâu cũng đóng góp tất cả số tiền kiếm được cho hoạt động của dự án thiện nguyện này.
Bạn thấy đó, sáng tạo những nội dung tử tế với thông điệp tốt đẹp có thể mang lại nhiều giá trị và giúp đỡ những người thực sự cần nó. Giữa một thế giới mà thông tin thật giả, tốt xấu lẫn lộn, những điều tử tế cần được lan tỏa rộng hơn. Và mình biết còn rất nhiều content creator cũng đang theo đuổi việc sáng tạo những nội dung tử tế. Mình muốn trở thành một trong số đó và bạn cũng có thể.
Kết luận
Content tử tế hay Content Creator tử tế là hai khái niệm không thể tách rời nhau. Thái độ tử tế của bạn với công việc sáng tạo nội dung có thể nhìn thấy qua sự chỉn chu của những thứ bạn đăng lên. Một khi biết trân trọng công việc đang làm, bạn mới có thể tạo ra những nội dung được người khác xem trọng. Mình rất hy vọng bài viết này có thể giúp bạn hiểu rõ và chân thực hơn về content “tử tế” và có cho mình thái độ đúng đắn trong sáng tạo nội dung. Từ đó, các content creator có thể tạo ra nhiều nội dung có giá trị, giúp ích cho cộng đồng. Cuối cùng, những điều tử tế cần được lan tỏa và những nội dung tử tế cũng vậy.
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
Rất là hoan nghênh những nội dung như này ^^ thanks tác giả nhiều nha
Hay quá Châu ơi^^