Duy trì sức bền trong sáng tạo, Content Creator đừng quên 3 điều này
Để có thể bước đi thật xa trên hành trình của mình...
Dạo trước mình có đọc được một comment, đại ý là: “Bây giờ đi đâu cũng thấy 2 kiểu người: hoa hậu hoặc content creator”. Đây có lẽ là một câu nói đùa với một ý nghĩa nào đó chúng ta không bàn ở đây. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là, tất cả mọi người đều có thể trở thành The Next Creator - những thế hệ người sáng tạo nội dung kế tiếp. Chỉ có một điều, không phải tất cả đều sẽ đi được thật xa và cam kết phát triển với hành trình này.
Trong một tập Podcast của anh Hà Minh (Cosmic Writer) có chia sẻ: Phát triển bản thân là một hành trình không có điểm dừng mà là vòng lặp để mỗi người ngày càng hoàn thiện chính mình. Và mình tin rằng, hành trình trở thành content creator cũng vậy. Chúng ta sẽ làm, liên tục lắng nghe và hoàn thiện nội dung của mình.
Thế nhưng người ta vẫn hay nói, content creator chính là “làm dâu trăm họ”. Vậy nên trong bài viết này mình muốn chia sẻ 3 điều mình rút ra sau hơn một năm sáng tạo nội dung và cũng là để chuẩn bị bước sang trải nghiệm mới - đa kênh. Nếu bạn đang hoặc sẽ bước đến thời điểm như mình hiện tại thì hãy cùng “thưởng thức” bài viết này nhé.
1. Hãy không ngừng nâng cấp nội dung
Tháng 8 năm 2022 là lần đầu tiên mình bắt đầu chia sẻ nội dung trên Instagram. Và mình có chia sẻ trong một bài viết trước đây rồi, những ngày đầu chập chững đi những bước đầu tiên hoàn toàn chỉ có một mình. Nhưng việc sáng tạo nội dung một mình không hề dễ dàng.
Mình không biết mình sai ở đâu hay liệu có đang sai không, mình sẽ làm gì tiếp hay cứ đăng nội dung vậy thôi. Và một trong những sai lầm của mình đó là: đi xin feedback của tất cả mọi người.
Tin mình đi, đến bây giờ mình lại cảm thấy biết ơn những người từ chối feedback cho mình vì họ không hiểu biết về lĩnh vực này. Cho đến khi mình tham gia vào cộng đồng, gặp được những người cùng làm công việc sáng tạo nội dung và bắt đầu theo dõi các kênh của họ.
Mình nhận ra rằng, “mẫu số chung” của những người làm sáng tạo nội dung lâu năm không chỉ là phong cách của họ được nhất quán, rõ ràng qua cách viết, cách làm hình ảnh, mà còn ở việc họ không ngừng nâng cấp nội dung của mình.
Quá trình hoàn thiện nội dung cũng sẽ song hành với quá trình content creator phát triển bản thân. Thông qua việc đọc thêm, nghiên cứu thêm, học thêm kỹ năng, bạn sẽ thấy nội dung của mình có những thay đổi, khác biệt rất nhiều so với thời điểm ban đầu.
Ở thời điểm hiện tại, mình đang xây dựng kênh Tiktok cho công ty, mặc dù số view ổn định nhưng mình luôn tự nhắc nhở rằng: “Mọi thứ không dừng lại ở đó”. Tất nhiên quá trình nâng cấp nội dung của mỗi người nhanh hay chậm là khác nhau, nhưng điều quan trọng đó là, bạn biết bạn vẫn đang phát triển.
2. “Khai thác” khán giả của mình
Khán giả với content creator, ở một phương diện nào đó có thể coi họ là khách hàng tiêu thụ sản phẩm. So sánh như vậy để hiểu rằng, bạn sẽ không thể sáng tạo nội dung mà không quan tâm khán giả của mình là ai và họ muốn điều gì.
Thế nhưng khi mới bắt đầu chia sẻ, mình lại mắc phải một lỗi khá “nghiêm trọng”, đó là: sợ khán giả. Mình không thích cảm giác ai đó comment vào bài viết của mình vì có thể đó ý kiến trái chiều. Nhưng mà, bạn đang muốn chia sẻ nội dung, và ngay khi ấn nút “Đăng bài”, nội dung đó chắc chắn sẽ được phân phối đến người dùng. Nên thay vì sợ, hãy “khai thác” khán giả. Có 2 điều mình rút ra đó là:
- Hiểu insight khán giả của mình
Mình rất muốn dùng một từ tiếng Việt thay vào vị trí của từ “Insight”, nhưng rất tiếc là mình không biết một từ nào có thể diễn tả đầy đủ ý nghĩa của nó. Nhưng mình có thể khẳng định rằng, nếu như nội dung của bạn chạm đúng vấn đề hoặc cảm xúc của khán giả, họ sẽ không tiếc gì một like, một share và một subcribes.
Sau khi hiểu được khán giả, bạn không thể dừng lại ở đó. Hãy bắt đầu sáng tạo ra nội dung có thể giải quyết vấn đề của họ. Cho dù đó là mục đích cung cấp tri thức hay giải trí, nó nhất định có giá trị cho người xem.
- Hiểu rằng khán giả của mình cũng có những mong muốn thay đổi liên tục
Nói một cách khác là, khán giả luôn cần sự thay đổi liên tục khi tiêu thụ nội dung. Có một sự thật là khi nội dung ngắn “lên ngôi”, việc người dùng tiêu thụ nó cũng đã thay đổi. Khi bạn lướt đến một nội dung và cảm thấy nó thú vị, thông thường bạn sẽ ấn vào kênh để xem thêm các nội dung khác, đúng chứ?
Nhưng bạn sẽ chỉ lướt nhiều nhất khoảng 10 video trên kênh là sẽ thoát ra và ấn follow hoặc không. Mình muốn lấy ví dụ này để chỉ ra rằng, ngay cả khi nội dung của bạn hay, đã thành công thu hút sự chú ý của người xem, thì họ cũng không muốn lặp đi lặp lại quá nhiều lần.
Tóm lại thì, để đi được lâu với hành trình này, content creator cần liên tục nâng cấp nội dung của mình. Vậy câu hỏi là “Mình có thể hỏi người khác về những Insight của khán giả không?”. Với mình thì có lẽ là không, vì đôi khi những điều người khác feedback chưa chắc đã phù hợp với khán giả của bạn. Đó là lý do vì sao bạn cần lắng nghe có chọn lọc và “khai thác” khán giả của mình.
3. Tin tưởng vào “khẩu vị” nội dung của mình
Ngày trước mình có nghe một feedback, đó là những nội dung của mình có cảm giác rất “Đời”. Sau khi hỏi ra thì nó có nghĩa là khi xem nội dung mình chia sẻ, khán giả cảm thấy gần gũi, họ nhìn thấy mình trong đó, hoặc chỉ đơn giản là nó dễ hiểu và rất thật.
Ngay từ khi bắt đầu chia sẻ nội dung, mình đã tự đặt ra quy tắc là “Chỉ nói những thứ mình thực sự trải nghiệm”. Nội dung thì rất nhiều, search Google là ra, nhưng mình trân trọng những trải nghiệm, và cả những kinh nghiệm dù đó là của mình hay của người khác sẵn sàng chia sẻ.
Khi bạn sáng tạo nội dung có trách nhiệm, bạn có quyền được tin tưởng vào nội dung của mình. Nếu điều đó thực sự có giá trị, nó xứng đáng được nhiều người biết hơn. Ngay cả khi người khác cho rằng bạn nên làm thế này, nên thử cách này, bạn cũng cần phải hiểu “khẩu vị” của mình trước.
Bởi vì người đầu tiên tiêu thụ nội dung được tạo ra, chính là bạn. Nếu không hài lòng và tin tưởng, vậy thì làm sao khán giả có thể tin tượng được phải không?
Kết luận
Điều cuối cùng mình muốn chia sẻ là, sáng tạo nội dung là hành trình không có điểm dừng. Nó chỉ khác nhau ở chỗ ai là người sẽ đi xa hơn. Và cho dù bạn làm sáng tạo nội dung được bao lâu cũng cần phải học hỏi và nâng cấp nội dung liên tục.
Từ đó, bạn sẽ nhìn thấy được, phát triển bản thân sẽ song hành cùng với sự phát triển của hành trình làm content creator. Không có một người sáng tạo nội dung nào đi một mình, bạn cần có khán giả, có cộng đồng, có những nơi để học hỏi giúp bạn đi thật xa trên hành trình này, như bản tin The Next Creator hay Vũ Trụ Creator.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu muốn kết nối với The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
Tiêu đề bài này mình thấy quen lắm :)) Và cách triển khai ý cũng zậy. Không biết chúng ta có tí cảm hứng nào từ nhau không nhỉ?
https://akwaabatung.substack.com/p/3-loi-khuyen-cho-creators-lam-dau