Vũ trụ sáng tạo không ngừng nở rộ trước sự tò mò của con người. Nếu như trước đây, sự tò mò và trí tưởng tượng được ứng dụng nhiều trong các thiết kế - nơi các kĩ sư, kiến trúc sư, nhà thiết kế dùng chúng để tạo ra các sản phẩm độc đáo. Thì ngày nay, có một chức nghiệp mang sáng tạo đến gần, tiếp cận sâu rộng hơn với con người - đó chính là content creator, chức nghiệp ai cũng có thể trở thành và có thể làm tốt.
Vậy các content creator - họ đã sáng tạo và thực hành sáng tạo như thế nào?
Ý tưởng và sự sáng tạo được phát hiện tại những khoảnh khắc rất nhỏ bé, từ một dòng chữ nhấp nhô trên màn hình, từ một trang sách, một giây lắng đọng tâm tư, một sự việc nào đó trong ngày hay ý tưởng đến từ hư vô, khi mà trí tưởng tượng được phép bay cao và bay xa, vượt qua biên giới của hiện thực.
Trong thế giới số hóa phong phú và đa dạng, các content creator trở thành những nhà sáng tạo độc lập, họ tự mình mở ra những cánh cửa mới để thể hiện bản thân và tạo ra sự tương tác với khán giả, mà trong bài viết này, cánh cửa ấy nép mình dưới dạng short video.
Họ không chỉ là người tạo ra nội dung, mà còn là những người dám can đảm thử nghiệm các ý tưởng, dám thách thức và thể hiện bản thân bằng những mảnh ghép tinh tế của sự sáng tạo.
Chúng ta hãy cùng khám phá cách các nhà sáng tạo thực hành sáng tạo cùng với hai khách mời là:
Bạn Đông Chí Nguyên - là một graphic design, photographer và là một content creator. Nguyên chia sẻ về nội dung thiết kế và là founder của kênh @hanoidreamers
Bạn Quỳnh Thy - là một content creator với kênh TikTok 21.000 followers, đã sản xuất và cho ra mắt gần 500 short video về chủ đề tự học.
Chúng ta hãy cùng bắt đầu với anh lớn Đông Chí Nguyên trước nhé!
Nguyên có thể chia sẻ một chút về hành trình sáng tạo của mình không? Và cách bạn nắm bắt cũng như triển khai ý tưởng sáng tạo của mình?
Mình hay làm những clip chia sẻ về mảng thiết kế và sáng tạo. Cụ thể, mình hay chia sẻ về các chủ đề về chữ, màu sắc, cảm hứng thiết kế, tips sáng tạo,... Một phần vì đúng những thứ mình đã học nên cách triển khai rất thuận lợi, cộng việc mình được tiếp xúc với chủ đề sáng tạo mỗi ngày nữa.
Ví dụ về chữ: mình sẽ lên list nội dung như các kiểu chữ cơ bản trong thiết kế, một số font chữ sưu tầm trong tháng, các font chữ dùng cho nhân dịp ngày lễ nào đó, các kiểu chữ phù hợp dùng cho tiêu đề bài hát (bài hát đó đang hot, đang xu hướng, hoặc bài hát mình thích).
Bên cạnh việc cập nhật xu hướng và chia sẻ nội dung theo thời điểm, mình vẫn đan xen chia sẻ những clip mang đến giá trị dài lâu mà mọi người thường gọi là “content evergreen” ấy, trong tương lai hay mọi thời điểm đều dễ dàng ứng dụng được.
Mình thường sản xuất từ 10-20 video rồi mình mới đăng dần, có clip mình cần sửa lại hay điều chỉnh, có clip mình đăng trước, có clip mình đăng sau.
Ý tưởng đến bất ngờ và thường đến lúc mình ko ngờ lắm. Buồn cười, có lúc một ngày nghĩ mãi chả ra, ngày thì mãi mới "đẻ" được 1 chiếc idea, ngày thì list 5, 6 idea khả quan lắm. Lúc đó phải note ngay vào sổ/điện thoại để khỏi bay màu. Kiểu gì sau này cũng dùng mà.
Mình đồng ý, có ideas là phải note lại ngay nếu không ideas sẽ mọc cánh bay đi mất. Mình thấy Nguyên chia sẻ Nguyên thường sản xuất 10-20 video một lúc, vậy ý tưởng sẽ luôn có sẵn và đã note lại hay sao nhỉ? Nếu bị bí ý tưởng Nguyên sẽ giải quyết việc đó thế nào?
10-20 video là sản xuất trong 1 giai đoạn, sau đó mình sẽ đăng dần. Đồng thời trong giai đoạn đó nếu ý tưởng nào đến/loé ra trong đầu mình sẽ note lại, dần dần thành cái "kho" ý tưởng đó.
Không biết các bạn thế nào chứ với mình "bí" ý tưởng là khi đầu óc mình rơi vào trạng thái bí bách, chật chội lắm rồi. Mình thường bật nhạc nghe, nghỉ ngơi chút, lượn phố, ngồi uống nước cùng bạn cho đỡ căng thẳng, đôi khi gặp bạn xong bạn góp ý thêm idea cơ, rồi dần dần mở máy, lướt Pinterest, Behance, mở sách thiết kế tìm kiếm từ khoá, chủ đề mình có thể khai thác, phát triển tiếp. Biến sự bí bách thành sự thoải mái cho đầu óc thông thoáng, tạo khoảng nghỉ cho chính mình nữa nè.
Mình rất tâm đắc câu: “Biến sự bí bách thành sự thoải mái” của Nguyên, trở thành nhà sáng tạo nội dung hẳn là các creator rất thường xuyên phải ăn ngủ cùng sự bí bách. Nếu có thể như Nguyên, biến sự bí bách thành thoải mái, bằng cách cho mình một khoảng nghỉ, để ăn, để ngẫm, để thư giãn thì sẽ rất hay đó.
Cuối cùng, bạn Nguyên thấy sản xuất video hay hình ảnh như Nguyên vẫn đang làm sẽ có khó khăn hoặc khác nhau thế nào so với sản xuất nội dung viết?
Đối với mình, mình thích làm sáng tạo hình ảnh, thước phim ngắn hơn hơn sản xuất nội dung viết (sự chênh lệch này nhỉnh hơn chút thôi). Mình được nghịch với chữ, chơi với màu sắc, tư duy hình ảnh, cảm nhạc (công đoạn chọn nhạc cho video đấy). Âm nhạc thì ngày nào mình cũng nghe, cố gắng duy trì thói quen này và đưa vào trong sản phẩm của mình.
Nội dung viết sẽ tĩnh, video sẽ chuyển động. Điểm chung là sẽ mang tới người xem giá trị, tips hữu ích nào đó. Chưa kể có những khán giả thích đọc, họ lựa chọn những nhà sáng tạo nội dung mạnh về viết lách với các bài phân tích, bài viết cực chuyên sâu trên website, blog, giờ có cả Threads nữa. Có những khán giả họ muốn biết kiến thức giá trị nào đó trong khoảng thời gian từ 15 đến dưới 30 giây thôi chẳng hạn, họ có thói quen dùng những app video thời lượng ngắn như: Tiktok, Youtube Short, Facebook, IG Story, IG Reels).
Làm video, hình ảnh sẽ mất thêm công đoạn chọn lọc hình ảnh, video, nhạc, chỉnh màu, cắt ghép, chọn hiệu ứng chuyển cảnh (nếu có), chèn lời thoại, văn bản. Chắc chắn sẽ mất nhiều công sức và thời gian rồi. Tất nhiên sẽ cần nghiên cứu, theo dõi, đo lường,... và mình nghĩ đây cũng chính là công đoạn mà sản xuất nội dung viết cũng có này.
Choáng vì bơi trong chữ (cười).
Phỏng vấn khách mời hơi trễ nên khách mời đã choáng. Có thể đây chính là điểm khác nhau giữa người sản xuất nội dung bằng hình ảnh, video so với sản xuất nội dung dạng chữ nhỉ? Người hay làm việc với hình ảnh sẽ dễ bị choáng khi “bơi trong chữ”. Đùa một chút thôi. Mình rất cảm ơn bạn Nguyên vì đã chia sẻ tận tình cách bạn Nguyên thực hành sáng tạo, khai thác ý tưởng mới và sản xuất nó mỗi ngày.
Qua những chia sẻ từ bạn Nguyên thì mình tin là các creator sau khi đọc xong sẽ rút ra cho mình được nhiều kiến thức và điều hay ho. Bản thân mình đây cũng “bỏ túi” được kha khá tips để khai thác và lưu trữ ý tưởng sáng tạo rồi.
Tiếp theo chúng ta sẽ cùng đến với bé Thy - một creator sinh năm 2003, còn nhỏ nhưng “có võ” trong mắt mình.
Là một nhà sáng tạo nội dung ngắn trên nền tảng tiktok với gần 500 chiếc clip liên tục được quay dựng, chị cũng như các bạn khác rất tò mò em có kế hoạch nào cho sự sáng tạo của mình để duy trì tính bền bỉ này hay không?
Ban đầu, em chỉ xuất phát là sáng tạo với cái việc là mình muốn chia sẻ, mình muốn cho đi những cái giá trị mình có. Nên là mặc dù ban đầu em chưa có quen như là, em chưa biết quay dựng ra sao, em chưa biết edit như thế nào, nó mất rất nhiều thời gian để học hỏi và tìm tòi cũng như làm quen với các công cụ và nền tảng,…Nhưng mà sau một thời gian cứ làm rồi làm dần quen, nó sẽ tạo thành một cái flow. Sau đó, em lại tiếp tục tối ưu quy trình, tiếp tục làm và nó trở thành một thói quen của em.
Việc đăng tải liên tục và đều đặn như vậy thì nó cũng cho em nhiều tương tác thực với người theo dõi mình, thì nó cũng cho em thêm rất nhiều ý tưởng và sự sáng tạo mới. Lý do cốt lõi của em em nghĩ là việc luôn muốn cho đi. Còn các cái khác như lượt like hay view hay tương tác thì nó cũng tiếp thêm phần nào động lực cho em để em tiếp tục bền bỉ như vậy. Đó là câu trả lời của em.
Bên lề thì lâu nay em ngưng đăng tải vì em nghĩ mình đang thiếu đi nhiều cái gọi là cái cốt lõi, cái kiến thức nó bền vững hơn, thì em đang tạm dừng để bổ sung thêm những kiến thức mới. Để khi mà mình vững rồi thì mình chia sẻ nội dung nó mang tính chiến lược hơn, nó mang tính giá trị hơn cho bản thân em và cả khán giả của em. Tuy nhiên ban đầu thì em vẫn luôn khuyến khích mọi người hãy cứ làm và cứ thử nghiệm.
Cảm ơn Thy, vừa rồi chị cũng có trò chuyện với anh Nguyên, anh Nguyên cũng chia sẻ, creator nên có những khoảng nghỉ, không chỉ khi bí bách vì ý tưởng mà cả những lúc có chút “chơi vơi” như em nữa, hành trình của em em sẽ rõ ràng nhất và mỗi sự lựa chọn đều mang lại kết quả của riêng nó đúng không nè.
Bên cạnh đó, chị thấy em chia sẻ động lực lớn nhất giúp em ra nội dung bền bỉ là suy nghĩ muốn trao đi thật nhiều những điều giá trị đến khán giả của mình, và cũng chính nhờ khán giả mà em đã có thêm sự kiên trì với hành trình của mình, cũng như nhiều ý tưởng được "nảy ra" từ chính những chia sẻ của khán giả của em. Vậy ngoài ý tưởng đến từ khán giả ra, em còn lấy ý tưởng cho nội dung của mình ở đâu nữa nhỉ?
Như em đã chia sẻ trong bản tin của The Next Creator: Không lo “hạn hán” ý tưởng với 7 bí quyết này, thì em có thường xuyên khảo sát ở trên các kênh mạng xã hội của mình, khai thác từ độc giả. Như là các bạn hay tìm đến em để tâm sự, để tìm những góc nhìn mới để giải quyết vấn đề của các bạn, thì em luôn dành thời gian để chia sẻ lại những góc nhìn của mình. Từ đó, em cũng hiểu được các bạn đang gặp phải những vấn đề gì.
Ngoài ra, em còn hay khảo sát xung quanh, em còn hay xem những cái nội dung xung quanh người ta làm như thế nào, từ đó có thêm ý tưởng cho em. Hoặc là lâu lâu thì nó giống như cái bệnh nghề nghiệp vậy, ý tưởng sẽ từ trên trời rơi xuống, mình không cần làm gì để tìm nó cả, và việc của mình chỉ là take note lại.
Hoặc là mình sẽ brainstorm ra, mà muốn brainstorm được thì bản thân mình phải có cái gì trong người/trong đầu mình trước đã. Thì em sẽ chia sẻ những gì em đã từng suy nghĩ, đã từng trải nghiệm, có suy tư về nó, tùy theo mục đích của mỗi người. Như mục đích của em khi trước là em chỉ muốn chia sẻ thôi nên em có cái gì thì em truyền tải cái đó.
Em còn hay để ý ở ngoài đời thực nữa, những cái khoảnh khắc hoặc là những câu chuyện xung quanh xoay quanh cái đời sống thực của mình, nó cũng sẽ trở thành content cho em. Bạn em hay trêu là, có chuyện gì xảy ra thì y như rằng là Thy sẽ lên content về điều đó. Đúng là như vậy, em hay để ý xung quanh để chiêm nghiệm cho bản thân sau đó lấy nó làm nội dung để chia sẻ cho những người followers của em.
Sau khi nghe Thy chia sẻ, chị nghĩ hẳn là mỗi creator đều sẽ có những phương thức riêng của mình để dễ dàng “bắt gặp” các ý tưởng sáng tạo. Nếu có thể tập hợp thành một cuốn cẩm nang sáng tạo thì sẽ rất hay ho đấy nhỉ :))
Nên các creator đang đọc bài viết, nếu có tips nào thú vị hãy chia sẻ cùng chúng mình nhé!
Ngoài ra, chị có một thắc mắc “nhỏ xíu” nữa, với lượng nội dung lớn như vậy em đã sản xuất và cần sản xuất trong tương lai, em có gặp khó khăn gì trong việc thực hành công việc sáng tạo của mình mỗi ngày không?
Việc thực hành sáng tạo, đặc biệt là đối với mảng short video như của em thì em đã lặp lại rất nhiều lần, nên nó đã trở thành một cái quy trình và thói quen của em rồi, em không có gặp trở ngại nào.
Nhưng nó có mặt hạn chế, em nghĩ đó là khi mình quá quen với một kiểu làm, ví dụ như khi cho short video chạy chữ hoài, lặp đi lặp lại thì mình sẽ không update được những cách triển khai khác, như là thu âm hay lồng tiếng, mình sẽ dễ bị đi theo lối mòn. Em đã gặp vấn đề đó khi cho chạy chữ hoài. Đôi khi việc đó nó không còn tính hiệu quả nữa. Như thời gian trước, việc chạy chữ nó khá viral nhưng hiện tại người dùng yêu cầu video nó chất lượng hơn nhiều, thì mình cũng cần thay đổi cách làm sao cho phù hợp hơn với cái nhu cầu của người xem.
Có một vấn đề là khi em tự mày mò, em không biết kiến thức đó có đủ sâu hay chưa, đủ chuyên môn hay chưa, đã được kiểm chứng hay chưa. Để cải thiện điều đó, gần đây em có tham gia một số khóa học để mình bổ sung thêm cho bản thân những kiến thức mới, để tạo ra nội dung ngày càng chất lượng hơn, có chiến lược hơn, có mục tiêu rõ ràng hơn cho hành trình của bản thân em.
Một mặt hạn chế nữa của short video là, tuy nó reach được nhiều người nhưng nó không giải quyết vấn đề được một cách sâu sắc. Vậy nên, nếu các bạn muốn xuất hiện đa kênh thì giải pháp tối ưu hơn là các bạn xây những kênh có nội dung “sâu” trước như youtube, bản tin, podcast, blog. Sau đó mới xây các kênh mạnh về lượt tiếp cận như: Instagram, tiktok, facebook thì nó sẽ thu hút được nhiều audience hơn để đổ về những kênh có nội dung chuyên sâu. Điều đó sẽ giải quyết được vấn đề nội dung thiếu chiều sâu của short video.
Chị cảm ơn Thy đã chia sẻ về hành trình thực hành công việc sáng tạo của em cho mọi người cũng như những lời khuyên và cả những mặt hạn chế của nội dung ngắn mà em thấy được. Qua đây, chị tin là cuộc trò chuyện này sẽ giúp ích được nhiều cho các creator đang sản xuất short video như em.
Kết luận
Vậy là cuộc trò chuyện chia sẻ về việc thực hành sáng tạo và “phát hiện” các ý tưởng với hai nhà sáng tạo nội dung hình ảnh, short video đã kết thúc rồi. Hy vọng những chia sẻ từ creator Quỳnh Thy và Creator Đông Chí Nguyên sẽ giúp các nhà sáng tạo khác phần nào trong việc thực hành công việc sáng tạo của bản thân.
Nếu bạn có cách truy tìm ý tưởng sáng tạo hay ho, cách thực hành sáng tạo hiệu quả, hãy chia sẻ với chúng mình ở phần comment nhé!
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
Rất là thực tế lun ạ ^^
vài cái bụng kiến thức nữa òiii