Mình đã xây dựng được thói quen viết liên tục như thế nào?
Động lực không phải là yếu tố then chốt giúp mình “rèn giũa” bản thân!
Jame Clear (tác giả của cuốn sách Atomic Habits) đã từng viết trong 1 bài blog của mình:
“On average, it takes more than 2 months before a new behavior becomes automatic - 66 days to be exact.”
Tạm dịch là: “Trung bình, mất khoảng hơn 2 tháng trước khi một hành vi trở nên tự động - chính xác là 66 ngày”.
Thực tế, mình đã duy trì thói quen viết được suốt gần 3 tháng liên tục vừa qua. Vậy nên, mình có đủ cơ sở để tin rằng: viết đã chính thức trở thành một thói quen “bất di bất dịch” trong cuộc sống của mình.
Nếu ai đó hỏi mình: Bạn lấy động lực ở đâu mà duy trì được như vậy? Mình sẽ đáp lại: Thực ra, động lực không phải là yếu tố then chốt giúp mình “rèn giũa” bản thân được như vậy. Vì nếu chỉ dựa vào động lực, có lẽ mình đã bỏ cuộc không biết bao nhiêu lần rồi.
Và nếu bạn muốn biết bí mật đằng sau thói quen được thiết lập thành công ấy, hãy theo chân mình khám phá từng phần của bài viết này nhé.
1. Tại sao mình chọn viết là thói quen để duy trì mỗi ngày?
1.1. Một công đôi việc
Một tháng có 30 ngày. Và hầu như cả 30 ngày mình đều viết và chia sẻ nội dung trên Fanpage. Điều đó giúp Fanpage của mình luôn giữ được “phong độ” khá tốt dù mình có bận nhiều công việc phát sinh đến cỡ nào.
Vậy nên, mình chọn duy trì thói quen viết cũng là để Fanpage luôn được “chăm bẵm” mỗi ngày. Cho dù mình có trót bỏ bê một ngày nào đó, Fanpage cũng không bị rơi vào tình trạng bị bỏ rơi nhiều quá. Hơn nữa, việc chia sẻ thường xuyên như vậy cũng giúp mình có riêng một kho nội dung trên Fanpage. Mình có thể “tái sử dụng” bất cứ khi nào cần, như những lúc không có nhiều thời gian, hay những lúc đột nhiên bí ý tưởng chẳng hạn.
1.2. Sức khỏe tinh thần được cải thiện
Mình nghĩ, bất cứ ai làm sáng tạo cũng đều nên, nếu không muốn nói là phải đặc biệt quan tâm tới sức khỏe tinh thần. Và viết lách là một trong những nhà trị liệu tâm lý đáng tin cậy.
Viết lách thường xuyên giúp mình tự cảm thấy được thư giãn. Mình không còn sợ phải viết. Thay vào đó là cảm giác phấn khởi mỗi khi hoàn thiện được một chủ đề nào đó.
Mình dần coi viết như một người bạn, để mình có thể tâm sự mọi điều, kể cả những điều một người hướng nội như mình khó nói thành lời.
1.3. Phục vụ cho sự nghiệp viết lách về lâu về dài
Cho những ai chưa biết, song song với việc sáng tạo nội dung, mình còn là một tác giả sách. Viết sách thì không đơn giản như sáng tạo bài viết thông thường. Nó không chỉ đòi hỏi cả kỹ năng, mà còn cả động lực rất lớn, để hoàn thiện được một bản thảo mấy chục, thậm chí mấy trăm nghìn từ.
Từ ngày rèn được thói quen viết, mình không còn quá sợ phải bật công tắc tư duy, viết và hoàn thiện những bài viết rất dài trong sách. Mình cũng không quá áp lực phải hoàn thành càng nhanh càng tốt mà duy trì phong độ viết ở mức ổn định, chậm nhưng chắc.
Việc viết lách liên tục như vậy cũng rèn cho mình kỹ năng diễn đạt bằng ngôn từ khá hơn rất nhiều. Mình chú trọng vào việc tư duy đơn giản hơn, diễn đạt bớt phức tạp hơn. Và nhất là, mình truyền tải được nhiều cảm xúc hơn một cách khéo léo vào câu từ.
2. Mình đã hình thành và duy trì thói quen viết như thế nào?
2.1. Bất kỳ thói quen nào cũng cần thời gian
Dục tốc bất đạt. Đó là châm ngôn lưu truyền ngàn đời của Khổng Tử, người sáng lập trường phái Nho giáo xưa. Mình áp dụng tư tưởng đó vào việc xây dựng thói quen viết.
Ban đầu, khi mới bắt tay vào thiết lập thói quen, mình cũng chật vật cỡ khoảng một vài tháng. Có khi mình đã duy trì được một vài tuần nhưng lại bỏ dở giữa chừng. Có khi lại vì nóng vội quá mà chỉ muốn hoàn thành càng sớm càng tốt, trong một khoảng thời gian ngắn.
Sau cùng, mình nhận ra: Thói quen mới nào cũng đều cần sự kiên trì. Giống như một cái mầm cây, nếu tưới quá nhiều nước, cây sẽ rất dễ chết. Nếu tưới ít nước quá, cây cũng khó lòng mà lớn được.
2.2. Làm cho thói quen trở nên thật dễ dàng
Lúc trước, mình cũng đã từng bắt tay vào lên kế hoạch và đặt mục tiêu để hoàn thành thói quen theo ngày, tuần, tháng, thậm chí cả một năm. Sau một thời gian, có quá nhiều mối bận tâm chen ngang, mình cũng không thể duy trì đúng như dự định vạch sẵn ban đầu. Thất bại ấy vừa khiến mình thất vọng, vừa là bài học tiếp thêm động lực cho những thay đổi về sau.
Mình đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận thói quen. Mình không còn quá áp lực phải chia sẻ nội dung quá chuyên sâu ngày qua ngày. Thay vào đó, mình học cách tiếp cận những chủ đề dễ dàng hơn, mà lại gần gũi với cuộc sống và trải nghiệm của mình hơn. Mình cũng không quá áp lực phải sáng tạo nội dung mới mỗi ngày. Thay vào đó, mình giải phóng bớt năng lượng bằng cách vay mượn ý tưởng từ người khác, hoặc nguồn khác rồi tự “xào nấu” bài viết theo nguyên liệu của riêng mình.
Bên cạnh đó, mình còn thoải mái hơn trong khâu viết nội dung. Bất cứ khi nào mình nghĩ ra chủ đề hay ho, mình sẽ viết ngay trên điện thoại, nếu không có đủ thời gian để mở laptop. Thực tế là, việc này giúp mình giảm bớt được thời gian khởi động máy tính, lại vừa giúp mình có thể linh hoạt hơn những lúc phải di chuyển nhiều như đi du lịch hay đi cafe bạn bè không thể mang theo laptop cá nhân.
2.3. Làm cho thói quen trở nên rõ ràng
Thay vì viết một lúc mấy nghìn từ trong một ngày như trước, mình chuyển qua chỉ viết vài trăm từ, nhưng cam kết duy trì đều đặn mỗi ngày. Mình không lên kế hoạch hay đặt mục tiêu gì quá nhiều. Thay vào đó, mình tự cam kết với bản thân mỗi ngày viết và chia sẻ chỉ 1 bài trên Fanpage cá nhân, ngắn thôi cũng được, và chia sẻ vào một khung thời gian cố định.
Đâu đó khoảng 9 -10 giờ tối, trước khi chuẩn bị đi ngủ và kết thúc một ngày làm việc. Mỗi buổi tối như vậy cũng như một lần mình viết nhật ký hay Journal cuối ngày vậy. Dần dần, mình quen luôn với khung thời gian buổi tối ấy.
Cứ mỗi tối trước khi chuẩn bị đi ngủ, nếu không viết, mình cảm thấy rất bứt rứt và không thể ngủ nổi.
2.4. Học cách yêu lấy sự nhàm chán
Như mình đề cập ngay ban đầu, nếu chỉ dựa vào động lực, có lẽ mình đã bỏ cuộc không biết bao nhiêu lần rồi. Thú thực thì, kể cả có nhiều ý tưởng tới đâu đi chăng nữa, mình cũng không thể tránh khỏi những lúc chán nản, bí bách và không muốn động não. Mỗi lúc như vậy, mình thường lấy lại bình tĩnh bằng cách để tâm trí được hoàn toàn nghỉ ngơi, không bắt nó phải nghĩ, cũng không bắt nó phải sáng tạo quá nhiều.
Sau khi tâm trí đã được trấn an, mình lại quay trở lại thực hành thói quen viết. Và có một ý mình thấy rất đúng, đó là: ngay cả khi bạn cảm thấy chán, nếu có thể, hãy cứ tiếp tục thói quen. Cho dù ngày hôm đó bạn chỉ thực hiện được một phần, hay không hoàn thành tốt như mong đợi. Mình đã thử, và thành công.
Thực tế, có những ngày, mình không biết phải viết gì. Nhưng rồi, mình vẫn đặt bút viết. Viết bất cứ thứ gì mình thích. Thú thực là, có những bài viết mình đăng lên Fanpage không thực sự hay như mình mong đợi lắm, thậm chí có những bài còn bị flop thảm hại. Nhưng chính sự cam kết đều đặn ấy đã giúp mình hình thành được thói quen này.
Đôi lúc, hoàn thành còn quan trọng hơn hoàn hảo. Tức là, bạn cam kết dù có như nào đi nữa, bạn vẫn hoàn thành thói quen như dự kiến mọi ngày.
Việc lặp đi lặp lại một hành động như vậy chính là
chìa khóa để hình thành bất kỳ thói quen mới nào.
Đây là một reels cũng về thói quen của kênh Instagram richwebz mình thấy rất đúng và thực tế. Một video rất ngắn nhưng lại diễn tả rất sát thực tế quá trình “bỏ rơi” một thói quen của hầu hết mọi người. Mình nghĩ một phần không nhỏ cũng bởi chúng ta không thể quen với sự nhàm chán.
3. Framework 4 giai đoạn của thói quen - Cách mình áp dụng
Framework này được giới thiệu bởi Jame Clear, tác giả nổi tiếng nghiên cứu về thói quen. Ông chỉ ra rằng, một thói quen được hình thành qua 4 giai đoạn chính: cue, craving, response và reward. 4 giai đoạn này là xương sống của mọi thói quen. Và não bộ của bạn sẽ đi qua lần lượt 4 giai đoạn này.
Hiểu một cách đơn giản:
Cue: Những tín hiệu cho thấy rằng bạn nên làm điều này để nhận lại một reward (phần thưởng) nào đó.
Craving: Sự thèm muốn
Response: Sự phản ứng của bạn với hành động đó
Reward: Phần thưởng bạn nhận lại sau khi hoàn thành hành động. Phần thưởng sẽ giúp bạn giải quyết được vấn đề nào đó. Và mục đích của mọi thói quen cũng là để giải quyết vấn đề cho bạn.
Ví dụ: Khi bạn thức dậy (Cue) => Bạn muốn tỉnh táo làm việc (Craving) => Bạn pha ngay một tách cafe (Response) => Bạn thỏa mãn cơn thèm cảm giác tỉnh táo. Uống cà phê gắn liền với việc thức dậy, nói cách khác nó đã trở thành thói quen của bạn (Reward).
Để áp dụng Framework này, bạn chỉ cần điều hướng hành động tạo nên thói quen theo đúng trình tự này, lặp đi lặp lại liên tục trong nhiều ngày.
Mình đã áp dụng như thế này:
Mỗi buổi tối khoảng 8-10h, sau một ngày làm việc mệt mỏi (Cue) => Mình thực sự muốn giải tỏa căng thẳng mà không ảnh hưởng tới sức khoẻ như lướt điện thoại (Craving) => Mình mở laptop hoặc điện thoại sẵn ở đó viết ngay một bài ngắn khoảng 400 - 700 từ, và đăng tải lên Fanpage cá nhân (Response) => Mình giải tỏa được tâm trí từ việc chia sẻ giá trị tới mọi người. Lặp đi lặp lại điều này mỗi ngày và viết lách đã trở thành thói quen gắn với mỗi buổi tối trước giờ đi ngủ của mình (Reward).
Kết
Những chia sẻ trên đây của mình không chỉ giúp bạn xây dựng thói quen viết, mà còn có thể áp dụng được cho nhiều thói quen mới khác. Là một content creator, bạn có thể vận dụng phương pháp của mình vào bất kỳ thói quen nào phục vụ trực tiếp cho công việc sáng tạo nội dung như đọc sách, nghiên cứu thông tin hay thiết kế,...
Một khi bạn đã hình thành được cho mình thói quen, dù là nhỏ nhất, bạn cũng sẽ tiếp tục hình thành được các thói quen tốt khác. Một khi bạn hình thành được một chuỗi thói quen tốt, bạn sẽ tự tạo nên giá trị con người mình.
Như Aristotle từng nói:
“Chúng ta là những gì mà chúng ta thường xuyên làm. Vì vậy sự hoàn hảo là thói quen chứ không phải hành động.”
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
Nội dung chất lượng, không comment là một tội ác
Bài viết nào của Ánh cũng đầy tính chuyên môn và chặt chẽ. Những chia sẻ của em cũng giúp chị nhận ra nhiều tư duy mới. Bây giờ lâu quá không viết thì chị cảm thấy bên trong mình có phần trống rỗng ấy. Không biết với một người viết nhiều như Ánh thì có cảm giác này không?