Làm sao để "bớt cực" khi viết?
Thói quen không thể duy trì nếu chỉ dựa vào động lực ban đầu?
Ai cũng biết viết là kỹ năng “quốc dân”, muốn sáng tạo nội dung thành công, dường như không thể trốn viết được. Ai cũng biết để viết tốt cần viết đều. Và ai cũng biết để viết đều cần kỷ luật, và đôi khi là động lực. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể viết đều được, khi mà có quá nhiều thứ khiến họ phân tâm trên mạng xã hội, mỗi ngày.
Nhưng tin vui là, mình lại nằm trong số những chú ong chăm chỉ còn lại, khi mà viết, dường như đã trở thành một thói quen bất di bất dịch của mình từ rất lâu rồi. Mình từng chia sẻ chi tiết về cách mình đã hình thành được thói quen viết như thế nào? Bạn có thể xem kỹ tại đây.
Còn bây giờ, chúng mình cùng khám phá tư duy nào khiến mình thực hành được như vậy. Và bạn sẽ áp dụng nó như thế nào cho quá trình sáng tạo của mình nhé.
1. Đừng viết chỉ vì bạn “thích”
Hãy tự hỏi bản thân câu hỏi sau: Mục đích bạn muốn rèn luyện kỹ năng này là gì?
Câu hỏi này mình đã nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần rồi. Nhưng mình tin, nhắc lại lần nữa cũng không hề thừa.
Mình đã từng hỏi một bạn Newbie rằng: Lý do em quyết định bắt tay vào luyện tập kỹ năng này là gì?
Bạn trả lời: Em thích viết ạ. Em muốn đầu tư chỉn chu hơn cho sở thích của mình.
Mình lại hỏi tiếp: Nhưng mục đích xa hơn/cụ thể hơn của em là gì? Ví dụ, em muốn trở thành tác giả sách, hay em muốn xây dựng thương hiệu cá nhân từ kỹ năng viết?
Bạn trả lời: Thực ra, em cũng muốn xuất bản sách á chị. Nhưng mà đấy là mục đích về già. Em nghĩ em cần viết ổn đã trước khi muốn xuất bản sách. Nhưng để viết nên một câu chuyện/quyển sách có ý nghĩa thì em nghĩ vẫn cần đủ kinh nghiệm sống ấy chị. Em thấy bây giờ em còn non trẻ về kinh nghiệm sống và chưa đủ trải đời nên chưa thực sự dám viết một cái gì cả.
Bạn này gặp phải 2 vấn đề:
Đánh giá quá thấp khả năng của mình: Có một sự thật là, bạn càng tự ti về mình bao nhiêu, bạn càng phải luyện tập nhiều bấy nhiêu. Bạn nói bạn chưa đủ trải đời nên không dám viết bất cứ cái gì. Đây là dấu hiệu điển hình cho kiểu tư duy cố định (fixed mindset). Tức là, bạn luôn tin rằng bản thân không đủ giỏi để làm một thứ gì đó. Vậy nên, do dự và mông lung cũng là điều dễ hiểu.
Mâu thuẫn và mơ hồ khi đặt mục tiêu: Bạn nói bạn muốn viết sách, nhưng lại nói đó là mục đích về già. Vậy thì, khi còn trẻ bạn làm gì? Mâu thuẫn ở đây chính từ cái thời điểm thiết lập mục tiêu cho tới dự kiến hoàn thành ấy, nó quá xa vời nhau. Trong khi, bạn còn đang loay hoay với suy nghĩ hạn hẹp rằng mình không đủ trải đời nên chưa dám viết. Thực sự thì, trải đời hay không không quyết định hoàn toàn bằng số năm kinh nghiệm, tuổi tác, cũng như trải nghiệm của bạn. Nó được quyết định từ những cột mốc bạn dốc hết tâm huyết để thực hiện. Và để làm được như vậy, bạn phải dám bắt đầu trước đã.
Vậy nên, mục tiêu/mục đích ban đầu càng rõ ràng và khả thi bao nhiêu, thì quá trình luyện tập về sau sẽ bớt “cực” hơn bấy nhiêu.
2. Đừng tham lam quá, bạn sẽ bị bội thực đó!
Hãy tự hỏi bản thân câu hỏi sau: Đâu là chủ đề bạn giỏi nhất, hoặc hứng thú nhất để viết
Nếu chưa chọn được chủ đề, bạn có thể áp dụng cách này. Hãy thử hỏi đâu là những chủ đề thường ngày bạn vẫn hay bàn tới (có thể là nói với bạn bè, hay chia sẻ trên trang facebook cá nhân, hoặc những dạng thông tin bạn hay tiếp cận trên Internet, trên sách vở mỗi ngày…).
Trong một bài viết từng đăng tải trên The Next Creator, mình có nhắc tới khái niệm xác định ngách viết bằng mô hình Ikigai rút gọn, bao gồm: thứ bạn thích, thứ xã hội cần, và tạo ra thu nhập.
Đặc biệt, hãy chú trọng vào yếu tố “thứ mà bạn thích”. Hãy thử tưởng tượng, làm sao bạn có thể cố gắng trong mối quan hệ mà ngay từ đầu bạn đã không có tình cảm, hoặc ít nhất là chút cảm tình với đối phương? Điều đó là rất khó.
Với viết cũng vậy, nếu bạn thích viết về chủ đề tâm lý học mà bắt bạn viết về chủ đề dữ liệu AI, bạn có nhiệt huyết để duy trì quá trình luyện tập không? Tất nhiên, bạn tự có câu trả lời cho mình.
Viết là một quá trình phải đổ mồ hôi thật, là quá trình bạn phải sẵn sàng đối diện với sự cô đơn, tẻ nhạt và áp lực. Vậy nên, nếu như có cho mình một lý do đủ mạnh, bạn sẽ đối diện và tìm cách vượt qua.
Giống như người ta hay nói: Nếu thích, thì sẽ tìm cách. Còn không, sẽ tìm lý do.
3. Ướm cho mình một chiếc giày vừa chân
Hãy tự hỏi bản thân câu hỏi sau: Bạn sẽ bắt đầu viết như thế nào?
Thực tế, có người sẽ hợp với kiểu content dạng dài (long-form) hay content dạng ngắn (short-form) (bài chia sẻ trên Facebook, kịch bản Youtube, kịch bản Tiktok,…). Xác định được cách tiếp cận phù hợp với sẽ giúp bạn bớt bối rối hơn trong khi triển khai thành bài.
Và để xác định được đúng nhất cách tiếp cận ban đầu, bạn nên quay lại xem mình đã làm sáng tỏ được mục tiêu và thứ mình thích/giỏi hay chưa?
Nếu đã xác định được khá rõ ràng rồi, hãy bắt tay vào tìm hiểu những kiến thức cơ bản trước về thể loại content bạn định sẽ viết. Khi có một cái hiểu cơ bản và bao quát rồi, quá trình về sau của bạn mới đỡ mông lung và chật vật hơn.
Ví dụ, giai đoạn mới bắt đầu viết SEO Content cho trang web của công ty, mình chẳng biết tý gì về khái niệm này cả, chứ chưa nói tới cách viết. Dần dà, đi từ khái niệm nền tảng và các bước cơ bản, mình mới luyện tập nhiều lên để ngày càng mài sắc kỹ năng này. Kết quả, các bài mình viết về sau liên tục lọt top đầu tìm kiếm Google.
Vậy mới nói, nên có cho mình một định hướng rõ ràng khi bắt tay vào làm bất cứ việc gì. Bởi, như đang đứng trước ngã ba đường, bạn phải lựa chọn ngã rẽ nào thuận tiện nhất với mình để đi đến được con đường cuối cùng.
Thêm nữa, nếu bạn mới bắt đầu viết, đừng tập trung vào dàn ý (chi tiết) quá nhiều
Điều bạn cần làm là đặt bút viết, và làm sao cho việc viết không làm bạn quá chán đến mức chẳng muốn nhìn chữ nữa?
Mình đã trải qua giai đoạn mới bắt đầu, nản có, chán có, bất lực và tuyệt vọng cũng có luôn. Thế nhưng, mình vẫn duy trì được thói quen này. Phần vì xác định khá rõ ràng mục đích/mục tiêu. Phần vì không quá đặt nặng áp lực mình phải đi qua hết tất thảy các bước trong một bài viết: từ lập dàn lý, cho đến viết, nghiên cứu, rồi sửa bài…
Điều này không có nghĩa rằng dàn ý không quan trọng. Với những bài dạng long-form content, mình vẫn khuyên các bạn nên, nếu không muốn nói là phải lập dàn ý. Vì nếu không có cái khung nội dung, bạn rất dễ đi lan man.
Mấu chốt là, nếu mới bắt đầu, bạn nên để bản thân “thư thái nhất có thể”. Như thế, bạn mới bình tĩnh và có động lực để luyện viết tiếp được.
Lời kết
Hãy nghĩ rằng: Bạn viết, trước hết là để bản thân cảm thấy có giá trị, có động lực để tiến bộ và trưởng thành hơn mỗi ngày. Vậy nên, có thể bạn không viết được quá thường xuyên với tần suất gần như mỗi ngày, nhưng khi đã xác định viết nghiêm túc, hãy luôn đặt mình trong tâm thế “sẵn sàng tạo ra giá trị”. Như thế thì mình tin, bạn chắc chắn sẽ tiến bộ rất nhanh.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu muốn kết nối với The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!