Nếu có bất kỳ khoảnh khắc nào đó trên hành trình sáng tạo, bạn đang cảm thấy con đường này quá trắc trở, gập ghềnh, nhiều thử thách. Bạn đã, đang hoặc thậm chí sẽ nhen nhóm ý định bỏ cuộc khi đang thực hiện mục tiêu - cụ thể là sống tốt khi là một nhà sáng tạo nội dung, hãy nán lại đây vài phút, hãy cho chúng mình được chia sẻ một chút nhé!
Chính bản thân mình và các thành viên của The Next Creator team đã không ít lần muốn từ bỏ. Nhưng chúng mình vẫn còn ở đây, và tiếp tục kiên định với điều chúng mình mong muốn thực hiện. Vì thế, chúng mình có thể chia sẻ ít nhiều tâm tư đến với bạn. Nào, cùng lắng đọng lại một chút nhé!
I. Xác định nguyên do muốn bỏ cuộc
Không phải lúc nào chúng ta cũng “hừng hực” khí thế để sáng tạo. Sẽ có lúc chúng ta cạn kiệt năng lượng, sẽ có rất nhiều rào cản, trở ngại thử thách ta theo đuổi mục tiêu mang tên mình…
Trong một bài post có góc nhìn rất hay của anh Mạnh Vibes:
Nhà sáng tạo nội dung, người thường hay đi truyền động lực cho người khác, lại là người cần động lực nhất.
Thật vậy, khi là một nhà sáng tạo, sức khỏe tinh thần là điều tối quan trọng và nhạy cảm hơn cả. Nếu bất kỳ khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống, bất kỳ lý do nào khiến bạn cảm thấy “không ổn”, bạn đang có vấn đề thì không nên trốn tránh, hãy đối diện với nó.
Nguyên do muốn từ bỏ thì có rất nhiều, thậm chí đến từ những điều bạn không ngờ nhất:
Những lời bình luận khiến bạn cảm thấy bị tổn thương, đả kích.
Bạn mông lung với định hướng của bản thân.
Lạc lối trong muôn vàn ngách, muôn vàn hướng đi, kênh và hình thức truyền tải nội dung
Bạn muốn thành công thật nhanh, có kết quả thật nhanh, đặt mục tiêu thật xa mà những việc cơ bản thì không làm.
Cứ làm mãi mà chưa nhìn thấy được kết quả, chưa thấy được vạch đích trong khi nhìn lại bản thân thì chẳng thấy có gì tiến triển, cảm tưởng như vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Chưa thể tạo ra thu nhập tốt từ hướng đi này…
Đến cả những nhà sáng tạo nội dung như Elliot Choy (1M followers), Vanessa Lau (695N followers), Cherry Hyeri (1M followers)… khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, họ đều liên tục có những quãng nghỉ, tạm dừng lại tất cả để giải quyết vấn đề khủng hoảng của chính mình.
Vì vậy, bạn không hề cô đơn. Ở bất kỳ độ tuổi nào, giai đoạn nào chúng ta đều gặp phải những khủng hoảng như thế. Thế nhưng, nhà văn người Mỹ Maya Angelou đã nói rằng:
“Cảm xúc như một cơn mưa rào, đến nhanh và đi nhanh. Chúng có thể khiến bạn cảm thấy vui vẻ, buồn bã, tức giận hoặc sợ hãi. Nhưng dù bạn cảm thấy thế nào, hãy nhớ rằng cơn mưa sẽ sớm qua và mặt trời sẽ lại chiếu sáng."
Giống như khi thất tình vậy! Thà dũng cảm đối diện với nó, khóc hết ra, thà để trái tim như vụn vỡ thành đôi, thà đau đớn và ở một giai đoạn nhất định nào đó rồi bạn sẽ bước ra khỏi một mối quan hệ với một sự trưởng thành hơn, bạn lượm lặt được những bài học bạn cần học…
Còn hơn cứ kìm nén, chôn giấu nó thật sâu mà vấn đề thì vẫn chưa được giải quyết. Nó sẽ mang lại sự tổn thương âm ỉ khôn nguôi, sẽ dằn vặt, day dứt mãi trong những tháng năm sau này.
II. Ngược dòng thời gian
Hãy nghĩ về những ngày đầu tiên - lý do bạn bắt đầu. Đây là lúc bạn đi tìm về giá trị cốt lõi của bản thân, lý do tại sao bạn lựa chọn con đường này, bạn nhớ về khoảng thời gian đầu bản thân đã nhiệt huyết, tâm huyết và nỗ lực đến nhường nào dù cho kết quả có ra sao…
Cá nhân mình, đó là vào khoảng 2/2022, khi mình nghe Gary Vee bảo rằng:
Sau khi xem video này, bạn hãy cầm ngay điện thoại lên, ghi hình lại và đăng ngay lên TikTok. Chỉ cần 1 người duy nhất làm theo, đó đã là thành công của ông ấy khi bay hàng chục tiếng đồng hồ để có mặt trong buổi nói chuyện ngày hôm nay.
Mình đã thật sự được truyền cảm hứng từ những lời nói đó, sự chân thành đó. Mình bắt đầu tập tành đăng những chiếc video chưa hoàn hảo lên… để rồi mới có mình của ngày hôm nay.
Cho đến giờ, khi liên tục gặp hoang mang và nhiều thử thách thử lửa, mình vẫn luôn nhớ về lý do cốt lõi khiến mình bắt đầu khi chưa màng đến yếu tố tiền bạc hay danh vọng: Mong muốn được trao đi giá trị.
III. Nhìn lại thành quả bản thân đã dày công gieo trồng
Chưa cần bạn phải trở thành ai, bạn nổi tiếng như thế nào, chỉ cần bạn là một phiên bản tốt hơn bản thân của quá khứ, bản thân đó đã là một thành công rồi.
Từ khi xuất hiện trên Internet, mình đã:
Khai thác được những khả năng tiềm ẩn ở bên trong mình, phá bỏ được những niềm tin giới hạn về năng lực của bản thân, dần nới lỏng vùng an toàn của bản thân hơn.
Được nhiều bạn quan tâm, tìm đến mình hỏi ý kiến, tham khảo thêm góc nhìn, lời khuyên cho mình thấy rằng mình cũng có giá trị gì đó đối với cộng đồng, xã hội.
Được kết nối với rất nhiều bạn, người anh, chị ở đa dạng các lĩnh vực, ngách chuyên môn, ngành nghề, thế mạnh khác nhau…
Khi nhìn lại những sản phẩm mình từng làm, hành trình mình trải qua, mình tự nhận ra bản thân đã tiến bộ, phát triển đến nhường nào:
Hãy cho bản thân chầm chậm lại một chút, ngơi nghỉ một chút và phản tư, chiêm nghiệm lại hành trình bạn đã đi qua để nhìn thấy bạn của hôm nay đã đi được một quãng xa như thế nào.
"Happiness is not a destination, but a journey.”
Tạm dịch: Hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình.
Nào, hãy cùng mình “brainstorm” - động não trong khoảng 5 phút để nhìn nhận lại, phản tư lại chúng ta đã đi được một quãng xa như thế nào, ta của hiện tại đã khác như thế nào so với phiên bản của quá khứ khi mới bắt đầu tập tành đứng ra chia sẻ?
IV. Đưa ra quyết định
Đến đây, bạn có thể đưa ra quyết định bản thân nên rẽ nhánh theo hướng nào…
1. Dừng lại
Trong cuốn “Nửa gánh suy tư” của tác giả Hoàng Mạnh Hải, tác giả đã nói rằng:
May mắn lớn nhất trong đời người, đó chính là được gặp những trở ngại từ sớm.
Hay trong tập podcast “Khi đối diện với thất bại” của The Present Writer mình nghe được ý rất hay như thế này:
Học được nhiều nhờ những va vấp, nhờ những thất bại của mình. Nếu như dám thất bại, mình không ngại vươn tới thành công. Còn nếu như không dám thất bại, không dám bước ra khỏi vùng an toàn, rất khó để có được những thành công.
Bản thân mình cũng đã bắt đầu và tư duy với tâm thế: Cứ thử làm, được thì vui và phát triển tiếp. Không được thì tìm cách sửa chữa, nếu không được nữa thì sẽ không hối tiếc vì ít nhất mình đã thử làm, thử trải nghiệm và biết được con đường này có phù hợp với mình hay không.
Khi quyết định dừng lại, hãy mừng vì ít nhất bạn đã thử làm, đã có trải nghiệm, biết bản thân phù hợp hay không. Và bạn hoàn toàn có thể quay lại và trở nên mạnh mẽ hơn bất cứ khi nào bạn sẵn sàng.
2. Đi tiếp
Giai đoạn này có thể là burn-out trên hành trình làm sáng tạo.
Cho mình một quãng nghỉ: Giai đoạn này có thể là burn-out trên hành trình làm sáng tạo, như mình đã đề cập, sức khỏe tinh thần là điều cực kỳ quan trọng đối với một cá nhân, đặc biệt khi là một content creator.
Bổ sung thêm kiến thức cho bản thân: Đôi khi, lý do bạn cảm thấy bất lực, khủng hoảng vì chính bạn vẫn còn hoang mang và mông lung với tầm nhìn của bản thân. Khi là một nhà sáng tạo nội dung, có bao nhiêu kiến thức, kỹ năng cần cập nhật, đụng vào đâu là thấy thiếu chỗ đấy. Những lúc như thế, bạn không thể cứ đổ cốc nước của mình ra (trao đi giá trị) trong khi bản thân chiếc cốc của bạn đã cạn kiệt nước. Cốc nước ấy đồng thời cần dung nạp thêm từ nhiều chiếc cốc khác - không ngừng bổ sung và cải tiến chính mình.
Chia sẻ với những creator khác: Những người đang theo đuổi con đường tương tự, họ thấu hiểu được hành trình bạn đi qua, đôi khi họ sẽ có những góc nhìn, những lời khuyên hoặc giải pháp hợp lý, sáng suốt dành cho bạn. Vũ trụ Creator là một trong những cộng đồng chất lượng, đáng tin cậy và uy tín mà bạn có thể kết nối và tìm về.
Tìm kiếm nguồn cảm hứng, sự thúc đẩy từ hội nhóm, từ đồng đội: Khi là một thành viên của The Next Creator team, mình đã học hỏi rất nhiều về tư duy, kiến thức, kỹ năng cũng như được truyền cảm hứng rất nhiều từ những người đồng đội. Đúng như mục đích sơ khai của team khi mới được “gieo hạt”: Cùng nhau làm những thứ sáng tạo, cùng phát triển và là nguồn động lực thúc đẩy lẫn nhau. Điều đó khiến hành trình sáng tạo của mình tuy cô độc như không hề đơn độc.
Giải quyết những vấn đề còn tồn đọng: Có kế hoạch cụ thể hơn, từng bước phát triển cần vững chắc hơn. Và một trong số đó chính là đọc thêm những bản tin chuyên sâu tại premium membership đến từ The Next Creator. Bên cạnh đó, điều không thể thiếu chính là tìm xem bên trong bản thân bạn đang có vấn đề gì, cảm thấy như thế nào, có những rối rắm gì… từ đó hướng giải quyết sẽ ra sao… Bởi lẽ, không ai hiểu mình nhất ngoài chính mình.
Lời cuối
Thành công không đến với những người chỉ mong muốn điều dễ dàng, mà đến với những ai có đủ sự kiên nhẫn và quyết tâm để đối mặt với khó khăn. - Napoleon Hill.
Hành trình theo đuổi bất cứ một mục tiêu nào không bao giờ là dễ dàng, nếu dễ dàng quá thì ai cũng đã là content creator. Nhưng thực chất, tỉ lệ những nhà sáng tạo nội dung so với hơn 8 tỉ người trên toàn bộ hành tinh này thật sự rất nhỏ. Hãy tin rằng cơ hội vẫn đang rộng mở, và sẽ không sao nếu bạn đưa ra quyết định dừng lại hoặc chuyển hướng. Bởi lẽ, hãy làm những điều mà bạn của tương lai sẽ không hối tiếc về những gì bạn ở hiện tại đã không làm.
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
Cảm ơn bài viết rất truyền động lực của Thy nhé. Chị nghĩ những bạn đang bắt đầu trên hành trình sáng tạo này thực sự sẽ cần những cánh tay kéo họ lại như vậy. ^^