Khi content creator cũng cần “detox” mạng xã hội…
Một trí tuệ minh mẫn chỉ có trong một cơ thể cường tráng!
“Detox mạng xã hội” là gì? Thuật ngữ "detox mạng xã hội" (social media detox) chính là phương pháp sử dụng mạng xã hội có kiểm soát để giảm những tác động tiêu cực từ việc sử dụng mạng xã hội, cải thiện tâm trạng và sức khỏe tinh thần.
Bài viết này sẽ đề cập đến detox mạng xã hội cho content creator - những người dùng mạng xã hội với tần suất cao.
Qua bài viết, bạn sẽ hình dung được rõ hơn tác hại của lạm dụng mạng xã hội và cách content creator có thể thực hành detox hiệu quả nhất mà không làm ảnh hưởng đến công việc.
I. Sử dụng mạng xã hội quá mức sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến content creator như thế nào?
Trung bình mỗi ngày, bạn dành bao nhiêu thời gian sử dụng mạng xã hội? Theo một khảo sát được thực hiện bởi Statista.com, trong năm 2023, trung bình mỗi người dành ra 151 phút mỗi ngày, tức khoảng 2 tiếng rưỡi dùng mạng xã hội.
Khi nhìn vào thống kê, thú thật, con số này ít hơn mình nghĩ. Nên mình phải mò vào phần “screen time” trong điện thoại xem có chính xác không. Hôm nay, screen time của mình là 4 tiếng 17 phút. Mình mất 1 tiếng 6 phút dùng Messenger và Zalo để liên lạc và… con số khiến mình hơi shock, 2 tiếng 33 phút dùng Tiktok, Instagram và Facebook. Tức là khoảng 2 trên 3 lần mình nhấc điện thoại lên là để dùng mạng xã hội trong vô tri, chả vì mục đích gì.
Người xưa vẫn thường nói: “Một trí tuệ minh mẫn chỉ có trong một cơ thể cường tráng”, quả không sai chút nào.
Chương trình Premium Membership, giúp bạn tháo gỡ hạn chế về tư duy và cung cấp những hướng dẫn chi tiết để trở thành Content Creator thành công.
Đối với sức khỏe thể chất
Tác hại đầu tiên dễ nhận thấy nhất chính là không đủ thời gian để vận động, tập thể dục. Đương nhiên, vẫn sẽ có người cân bằng được thời gian tập thể dục song song với sáng tạo nội dung, nhưng có vẻ đa phần mọi người thường có thiên hướng sẽ ưu tiên công việc hơn sức khỏe của mình. Chỉ khi nào đối mặt với hậu quả, chúng ta mới bắt đầu điều chỉnh lại lối sống.
Một số hệ quả nổi bật về lâu dài có thể kể đến như: mất hoặc rối loạn giấc ngủ; đau lưng, căng cơ (do ngồi nhiều); các vấn đề về thị lực (nhìn màn hình lâu); mỏi cổ, thậm chí chấn thương (căng cơ cổ trong thời gian dài); đau cổ tay (gõ phím và kéo chuột liên tục),...Đương nhiên, đây không phải là vấn đề của riêng content creator mà là vấn đề chung của tất cả những công việc văn phòng có tính chất ngồi nhiều và ít vận động. Giảm thời gian sử dụng mạng xã hội và đầu tư cho hoạt động thể chất là điều cần thiết cho tất cả mọi người, không chỉ riêng content creator.
Đối với sức khỏe tinh thần
Ở phần tinh thần, những tác hại lên content creator rõ ràng và đặc thù hơn.
Dù mạng xã hội là nguồn cảm hứng để sản xuất nội dung, nhưng sử dụng quá mức cũng có thể làm creator mất tập trung và suy giảm sự sáng tạo. Content creator sẽ cạn ý tưởng, gặp khó khăn trong việc sản xuất nội dung mới và độc đáo.
Có hôm gần đây, mình tràn đầy năng lượng, lên idea cho bài đăng của mình. Mình chưa có ý tưởng gì cả nên thử lướt Facebook xem có gì hay ho không. Nhưng mà lướt một thời gian, mình quên mất mục đích chính mà bị lạc sang Facebook Watch rồi theo phản xạ lướt vài video review phim (xem thấy cuốn mà) để xem. Đến khi mình nhớ ra thì đầu mình cứ ong ong, chóng mặt. Thế là thôi, chả làm ăn được gì nữa. Bạn hay gặp tình trạng bị mất tập trung giống mình không?
Bên cạnh đó, sử dụng mạng xã hội quá mức còn gây ra áp lực tinh thần. Bạn sẽ bị áp lực phải luôn sáng tạo ra gì đó mới hoàn toàn. Bạn có thể bị áp lực khi phải đáp ứng kì vọng của những followers tin tưởng bạn. Đôi khi, áp lực sẽ đến từ việc so sánh bản thân với những content creator tài giỏi ngoài kia. Khi không thể đáp ứng được kì vọng mà áp lực của chính mình đặt ra, bạn sẽ vô thức cảm thấy kém cỏi, thất vọng..
Sức khỏe tinh thần của bạn sẽ không ổn định nếu tình trạng này tiếp diễn lâu dài. Tự ti, căng thẳng và lo âu, khiến bạn mất động lực, burn-out khi sáng tạo nội dung và có thể dẫn đến bỏ cuộc.
Đọc thêm: “Mình đã vượt qua burn-out khi làm content creator như thế nào?”
II. Gợi ý một vài bước cho content creator để thanh lọc mạng xã hội hiệu quả
Với những tác hại được kể ra như trên, việc tìm cách giải quyết là chuyện tất yếu. Thông thường, mục tiêu điều trị của tất cả các vấn đề sức khỏe luôn là xử lý nguyên nhân và điều trị triệu chứng. Đối với content creator, việc xử lý nguyên nhân sẽ được ưu tiên vì tính chất bền vững, giải quyết được tận gốc vấn đề. Dưới đây là một số gợi ý có thể giúp bạn bắt đầu hành trình thanh lọc.
1. Xác định vấn đề hiện tại của bạn và mục tiêu khi thực hiện detox mạng xã hội.
Vấn đề của hành vi sử dụng mạng xã hội quá mức thì nhiều vô kể, nhưng mỗi người sẽ có một vấn đề khác nhau. Bên cạnh tham khảo những vấn đề mình đã liệt kê phía trên, hãy xác định chính xác vấn đề bạn đang gặp phải là gì? Từ đó, đề ra mục tiêu khi thực hiện social media detox sao cho phù hợp với mình nhất.
Chẳng hạn, bản thân mình là một người cực kỳ dễ bị mất tập trung. Ngay khi đang gõ đến dòng này, mình vẫn thường vô thức ấn sang tab Facebook mỗi khi không biết phải viết gì tiếp theo. Mỗi lần “nhảy lung tung” như thế, mình tốn gần 15 phút lướt chả vì mục đích gì. Chỉ đến khi mình sực nhớ ra rằng mình đang viết, mình mới dừng lại. Mục tiêu của mình khi thực hiện detox mạng xã hội chính là cải thiện sự tập trung. Từ đó, quá trình sản xuất nội dung, đặc biệt là viết của mình sẽ được cải thiện đáng kể.
2. Thử đề xuất giải pháp cho vấn đề mà bạn đặt ra và bắt đầu thực hiện.
Tùy theo mỗi vấn đề, ta sẽ có từng cách giải quyết khác nhau.
Vấn đề của mình là mất tập trung vì sử dụng mạng xã hội quá nhiều. Mình vô thức tìm đến mạng xã hội mỗi khi rảnh tay hoặc không biết phải làm gì tiếp theo. Để giải quyết vấn đề này, mình chọn cách ngắt kết nối mạng cho khỏi lướt nữa. Nhưng khi cần phải research gì đấy để viết tiếp, mình dùng giấy note dán vào màn hình laptop. Viết vài dòng đại loại như “Đang viết Newsletter, tập trung đê”. Dán giấy note vào màn hình có vẻ “chướng tai gai mắt” vì màn hình bị che nhưng cách này hiệu quả bất ngờ với mình.
Dù bằng cách nào đi chăng nữa, điểm chung của việc “thanh lọc” vẫn là cố gắng kiểm soát bản thân bạn. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ dễ làm như dán giấy note ở chỗ nào dễ thấy, nhắc nhở bản thân, rồi mới đến những kế hoạch hàng tuần, hàng tháng. Ngoài ra, mình gợi ý cho các bạn một số tips detox khác như sau.
Đọc thêm: Quy tắc 80/20: Nguyên lý thành công của content creator
Có kế hoạch đăng bài và lên lịch bài đăng: Hãy dành ra một hôm brainstorm, lên kế hoạch cho cả tuần và lên lịch cho mỗi bài đăng đã hoàn thành. Điều này sẽ giảm thiểu được thời gian bạn dùng mạng xã hội vì cần tập trung cao độ, từ đó số lần “ngơ ngác đi lạc” cũng giảm đi.
Tắt kết nối mạng: Hãy tắt kết nối mạng khi sáng tạo nội dung (edit video, viết content, design,...). Trong quá trình làm việc, nếu nhận ra bạn buộc phải research thêm, hãy đặt một chiếc đồng hồ đếm ngược bên cạnh và ước lượng thời gian cần thiết. Hẹn giờ và nhớ mở tiếng tíc tắc để “nhắc nhở” bản thân nhé! Hoặc mọi người có thể thử sử dụng “News feed eradicator”. Đây là extension sẽ giúp block news feed của Instagram và Facebook, nâng cao sự tập trung khi làm việc.
Hạn chế sự chú ý cho mạng xã hội: Mình đã tắt hết thông báo tất cả nền tảng mạng xã hội. Anh Hà Minh từng chia sẻ với team The Next Creator, anh thẳng tay xóa hết Facebook, Instagram trong điện thoại, chỉ chừa lại Business Suite để đăng bài, Zalo và Messenger để liên lạc. Mình “hèn” hơn nên chỉ tắt thông báo thôi. Lúc nào làm việc thì mình sẽ để điện thoại ra riêng một góc cho đỡ phân tâm. Social Media Detox không nhất thiết phải xóa hẳn mạng xã hội. Bạn có thể bắt đầu thật nhỏ giống mình, chỉ tắt thông báo thôi.
Nhờ sự giúp đỡ: Hãy gia nhập một số cộng đồng content creator như Vũ trụ Creator. Đặt những câu hỏi, thắc thắc mắc, khó khăn của bạn về cách sáng tạo nội dung khi giảm sử dụng mạng xã hội. Có rất nhiều bạn, anh, chị đi trước gặp vấn đề giống bạn và đã vượt qua được, những đóng góp của mọi người sẽ là những bài học kinh nghiệm bạn có thể tham khảo. Đôi khi nhờ sự giúp đỡ cũng là cách hay để giải quyết vấn đề đấy.
3. Tổng kết và rút kinh nghiệm
Việc quan trọng nhất của quá trình detox chính là liên tục thử nghiệm và điều chỉnh.
Ngoài kia có cực kỳ nhiều phương pháp giúp bạn quản lý thời gian khoa học, tránh bị sao nhãng như Pomodoro, 80/20, Time Blocking,... Mình cũng đã từng thử rất nhiều phương pháp, có phương pháp phù hợp với mình, có phương pháp thì không. Chẳng hạn, bạn mình cảm thấy rất phiền phức vì đang tập trung 25 phút thì lai phải nghỉ 5 phút. Còn mình thì thấy phương pháp này hiệu quả. Mình tập trung liên tục trong vòng 3 tiếng với Pomodoro, không lướt tí mạng xã hội nào.
Sẽ không có một quy trình detox nào đủ chuẩn để áp dụng cho tất cả mọi người. Mỗi người sẽ phải tự tìm ra cách phù hợp nhất để áp dụng cho bản thân.
Không ai hiểu bạn hơn chính bản thân bạn. Hãy lắng nghe bản thân và thấu hiểu chính mình. Thử nghiệm liên tục và điều chỉnh thường xuyên. Nếu hôm nay bạn chưa làm tốt lắm, vẫn còn những hôm sau để tiếp tục cố gắng.
Sau khi đã tạo lập được thói quen sử dụng mạng xã hội đúng đắn ban đầu, bạn có thể định kỳ lấy một ngày mỗi tuần hoặc một tuần mỗi tháng để tái detox. Từ đó, cân nhắc và đánh giá thường xuyên sự phụ thuộc của việc sáng tạo nội dung của bạn với mạng xã hội để có cách điều chỉnh và cân bằng hợp lý hơn.
Chúc các content creator detox mạng xã hội thành công!
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu muốn kết nối với The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!