5 gợi ý để nội dung của bạn có chiều sâu hơn
Đừng chỉ nói những điều mà người xem của bạn muốn nghe.
Có hàng triệu nội dung được sản xuất mỗi ngày. Chắc chắn, có những ý tưởng sẽ trùng lặp, có những cách triển khai và trình bày nội dung sẽ trông không khác nhau là mấy. Bạn có thể dễ dàng kiểm chứng điều này chỉ bằng việc mở chiếc điện thoại và truy cập vào mục reels của Instagram.
Vậy thì, đâu là điểm khác biệt giữa nội dung của bạn và hàng triệu nội dung trên mạng xã hội. Câu trả lời nằm ở ba từ thôi: tính cá nhân. Tức là, bạn thực sự đặt mình vào từng phần trong nội dung ấy, và diễn đạt nó sao cho người xem không cảm thấy “chẳng đọng lại được gì” sau khi xem nội dung đó.
Và dưới đây là 5 gợi ý để nội dung của bạn có chiều sâu hơn.
1. Lồng ghép câu chuyện/trải nghiệm thực tế
Hãy khéo léo lồng ghép những mẩu chuyện thực tế vào mỗi nội dung bạn chia sẻ (nếu có thể).
Mình từng nhận được những lời tâm sự kiểu như: Mình không biết bản thân có gì để mà chia sẻ không nữa? Câu trả lời chính là: trải nghiệm của bạn. Không ai có thể bắt chước trải nghiệm của ai cả. Mà nếu có bắt chước đi chăng nữa, chưa chắc phiên bản bắt chước đó sẽ được đón nhận nhiều bằng phiên bản “authentic”.
Thời gian đầu tiên khi còn viết nhiều nội dung dài trên fanpage cá nhân, mình rất hay lồng ghép trải nghiệm thực tế vào. Ví dụ, mình viết về người hướng nội tự tin, thì trải nghiệm thực tế của mình chính là bản thân đã là một đứa hướng nội rất nhút nhát, tự ti, và ngại chia sẻ.
Lâu dần, nhờ dám va chạm, dám từ từ bước ra vùng an toàn, mình đã dần “lột xác” và trở thành phiên bản hướng nội tự tin hơn rất rất nhiều, và có được nhiều cơ hội trong cuộc sống. Thực sự, những gì mình viết đã được đón nhận rất nhiều, mặc dù khi ấy, Fanpage của mình mới chỉ bé tí thôi. Điển hình là hầu hết bài đăng nào về chủ đề hướng nội cũng được tương tác và share rất nhiều.
2. Đừng chỉ kể, hãy dẫn dắt
Đừng chỉ kể như một bài văn tự sự, hoặc như một bài thuyết trình cứng nhắc. Hãy khéo léo dẫn dắt người xem đi từ tình tiết này tới tình tiết khác. Hãy để người xem cảm nhận được như thể người ta đang được hoá thân và hoà nhập vào câu chuyện của bạn.
Giữa hai video:
Chỉ kể lể tràn lan hết ý này tới ý khác mà không có trọng tâm, cũng chẳng có điểm nhấn gì đặc biệt, càng không có quan điểm rõ ràng.
Và một video phân tích mạch lạc, có những lập luận thuyết phục, dẫn bạn đi hết bất ngờ này tới bất ngờ khác, thoả mãn trí tò mò trong bạn.
Bạn sẽ chọn xem video nào. Câu trả lời dễ quá rồi phải không?
Mình lấy ví dụ chuỗi video trên kênh Better Version - một kênh chia sẻ kiến thức, tư duy từ những cuốn sách hay. Dạo một vòng Youtube, ắt hẳn bạn gặp không ít những video review sách như vậy. Thế nhưng, điểm đặc biệt nhất của Better Version, chính là sự dẫn dắt có chọn lọc và những chiêm nghiệm cực kỳ sâu sắc mỗi tập Podcast. Mỗi video không chỉ đơn thuần là review trải nghiệm đọc một cuốn sách, hay tóm tắt sách thông thường như bao kênh khác. Thay vào đó, người xem sẽ được đi hết bất ngờ này tới bất ngờ khác với những đoạn phân tích, phản biện và đúc kết cực kỳ chân thực, dễ hiểu và tất nhiên, rất sâu sắc.
3. Xoáy sâu vào vấn đề, và tìm cách giải quyết nó
Quan trọng không hẳn là bạn viết hay tới đâu, quan trọng nhất là bạn giúp người ta giải quyết vấn đề gì.
Hãy cho người ta thấy bạn đang thực sự có giải pháp tốt cho vấn đề đang ngày đêm ám ảnh cuộc sống của họ. Trước khi bắt tay vào sáng tạo nội dung, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi này:
Để đọc bản đầy đủ và chi tiết, hãy đăng ký để trở thành độc giả trả phí.