4 tiêu chí "sống còn" để creator tìm ra ý tưởng kinh doanh tiềm năng
Nếu như bạn là chim, đừng thi bơi với cá. Nếu bạn là rùa, đừng chạy đua với ngựa.
Sau khoảng gần 2 năm làm sáng tạo, mình đã phải đối diện với một thử thách mới. Một bài toán mà tất yếu content creator nào cũng phải giải: monetization.
Hay nói cách khác, đó làm sao để creator tạo ra thu nhập.
Như bạn cũng biết, mình là một trong số những người tiên phong nói về creatorpreneur ở Việt Nam (content creator làm kinh doanh). Nhưng thực chất mình không nhìn nhận bản thân như một người có “máu kinh doanh” hay thứ gì giống vậy. Mình chỉ đơn giản theo đuổi sự tự do và tự chủ mà thôi.
Mặc dù thời gian đầu thấy khá mông lung, sau một thời gian va vấp trải nghiệm thì hiện giờ mình đã vượt mốc doanh thu 1 tỷ từ creator business (mô hình kinh doanh sáng tạo nội dung), và bắt đầu nhận ra rằng mình cũng có business mindset “bén” hơn mình từng nghĩ.
Nhờ thế nên nhiều học viên tìm đến mình ban đầu vì content và personal branding, sau cũng hỏi mình tư vấn và hỗ trợ sâu hơn về việc lên chiến lược cho business của các bạn.
Tuy những gì mình làm được chưa đáng kể, nhưng mình vẫn hy vọng rằng những kinh nghiệm mình đang có sẽ giúp ích được cho ai cũng đang bắt đầu hành trình này giống mình lúc trước.
Ở thời điểm hiện tại, nếu như phải bắt đầu lại từ đầu, hoặc phân tích các ý tưởng kinh doanh mới, mình sẽ dựa trên các tiêu chí sau để đánh giá xem hướng đi đó có tiềm năng hay không:
1. Tiêu chí 1: không vốn hoặc ít vốn
Mình nhận thấy: bất kỳ ý tưởng kinh doanh gì mà không cần nhiều vốn để bắt đầu thì đều là một lựa chọn khá lý tưởng.
Tiêu chí này giảm thiểu rủi ro của việc tự bỏ tiền túi ra để làm (xong trong trường hợp xấu, kinh doanh thất bại thì coi như mất), hoặc xin tiền đầu tư từ bên ngoài và chấp nhận khả năng mình... làm thuê cho chính doanh nghiệp mình tạo ra.
Việc kinh doanh ít vốn sẽ cần bạn phải tư duy theo những cách khác so với các hình thức kinh doanh truyền thống. Và nó cũng có nhiều vấn đề phức tạp hơn, nhưng lại có thể đảm bảo tỷ suất lợi nhuận (profit margin) cao do không cần nhiều chi phí sản xuất, và nhanh chóng... ra tiền mà không cần phải chờ điểm hòa vốn.
Ngược lại, những hình thức kinh doanh cần phải đầu tư thiết bị sản xuất, nhập hàng, thuê mặt bằng, hoặc yêu cầu các khoản đầu tư ban đầu cồng kềnh thì mức độ rủi ro sẽ cao hơn, đòi hỏi bạn phải hiểu rất rõ mình đang làm gì.
Lưu ý: tất nhiên sẽ có những hạn chế của hình thức kinh doanh ít vốn (mình sẽ bàn đến khi khác), nhưng đây cũng vẫn là hướng tiếp cận khá an toàn cho những người mới bắt đầu kinh doanh online. Kinh doanh truyền thống (cần nhiều vốn) vẫn có thể là lựa chọn tốt trong trường hợp bạn đáp ứng được những tiêu chí khác.
Và để khởi sự kinh doanh mà không cần (nhiều) vốn thì cách tốt nhất là dựa trên 3 dạng vốn khác:
Vốn chuyên môn (kiến thức, kỹ năng)
Vốn con người (nhân lực có sẵn)
Vốn thời gian (nguồn tài nguyên mà ai cũng có)
Kết hợp với đó là 2 dạng đòn bẩy (theo Naval Ravikant):
Đòn bẩy về công nghệ
Đòn bẩy về truyền thông
Qua đó, sẽ có một vài mô hình sau để bạn tham khảo:
Agency service: cung cấp dịch vụ cho khách hàng dựa trên các kỹ năng chuyên môn mình (hoặc team mình) có.
Coaching / consulting service: dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, đào tạo 1:1 trực tiếp giúp khách hàng phát triển và giải quyết vấn đề.
Educational program: các chương trình đào tạo, khóa học, dưới hình thức self-learning hoặc live training giúp học viên phát triển năng lực và đạt được mục tiêu của họ. Kinh doanh khóa học đang là một hình thức khá phổ biến hiện giờ trong nền kinh tế sáng tạo (creator economy), đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội và cũng có nhiều cạnh tranh. Nếu như bạn chọn đi theo hướng này, hãy đảm bảo rằng khóa học của bạn thật sự chất lượng và nổi bật hơn so với thị trường.
Membership: nhận phí hàng tháng từ khách hàng để cung cấp cho họ giá trị lâu dài. Chẳng hạn như chính chiếc cộng động Vũ Trụ Creator private community mà team mình tạo dựng.
Digital products: các sản phẩm được bạn thiết kế sản xuất bằng các phương tiện kỹ thuật số (e-book, khóa học video, template…)
Chẳng hạn, hình thức creator business (kinh doanh sáng tạo) như mình đang làm là một dạng kinh doanh ít vốn.
Khoản đầu tư của mình ban đầu chủ yếu nằm ở các thiết bị làm video, máy tính, phí hàng tháng cho các ứng dụng hỗ trợ như Canva, Zoom, ChatGPT... cũng như việc bỏ ra thời gian để xây dựng thương hiệu cá nhân từ con số 0.
Nhờ việc bắt đầu nhẹ nhàng như vậy, mình đã hòa vốn chỉ sau khoảng 3 tháng kể từ khi dự án Cosmic Writer ra doanh thu, và đạt tổng lợi nhuận 150,000,000vnd chỉ 3 tháng sau đó.