Vì sao làm sáng tạo cần đi kèm với một bản kế hoạch?
Nếu không xác định được thế mạnh chuyên môn, sẽ rất khó để đi lâu dài và sẽ tự mình đào thải mình trong lĩnh vực này.
Khách mời của buổi phỏng vấn ngày hôm nay là một content creator có hơn 100.000 followers trên các nền tảng mạng xã hội, một influencer, speaker và một tác giả sách. Chị đã có hơn 7 năm kinh nghiệm ở vị trí leader, làm mentor cho các cá nhân, dự án các tổ chức phi lợi nhuận và giáo dục.
Đồng thời, chị còn là trưởng nhóm sản xuất truyền thông tại Cấy Nền Radio với hơn 420.000 followers và cũng là nhà sáng lập dự án Insightful Creation.
Đó là chị Hồng Phương, hay còn được biết đến với tên Mera Cao. Chúng mình cùng trò chuyện sâu hơn với chị Mera Cao ngay bây giờ nhé!
1. Làm thế nào để tự tin “say yes” với những cơ hội đến với mình, dám bước ra khỏi vùng an toàn để có thật nhiều trải nghiệm?
Phương nghĩ đơn giản là cứ “say yes” trước, còn “how” thì mình sẽ tìm sau. Trong giai đoạn Phương còn trẻ, tư duy này đã giúp mình được gặp rất nhiều người tuyệt vời, được làm rất nhiều án tuyệt vời. Mình cũng phát hiện được thêm nhiều khía cạnh khác của bản thân mà mình không biết trước đây
Tuy nhiên, Phương sẽ không đón nhận mọi cơ hội mà sẽ luôn có một bộ filter. Chẳng hạn:
Cơ hội này có phù hợp với hệ giá trị của mình hay không?
Mình có đồng điệu với những thành viên trong team hay với người đứng đầu không?
Dự án này có giúp mình đến gần hơn với mục tiêu mình mong muốn không?
Nhưng đôi lúc, Phương nghĩ chúng ta cũng đừng nên suy nghĩ quá nhiều. Khi mình yêu thích công việc này, dự án này và mình mang được giá trị cho dự án, công việc, Phương sẽ say yes và cố gắng hết sức.
2. Phương làm thế nào để duy trì kỉ luật, đặc biệt những lúc mất động lực hay tiêu cực, để không ảnh hưởng đến công việc?
Phương nghĩ, đối với một content creator mới bắt đầu, để bền vững hơn và duy trì kỷ luật hơn, đầu tiên, cần trả lời được 3 câu hỏi.
Why: Tại sao mình muốn làm cái này? Tại sao là ngách này? Tại sao là đối tượng khán giả này?
How: Mình sẽ làm như thế nào? Nền tảng nào sẽ phù hợp nhất? Ở đâu có đối tượng khán giả đúng với mình nhất?
For what: để làm gì? Mình xây để làm gì? Để giúp đỡ được nhiều người hơn, để làm gì nữa? Để có chi phí, mình tự do, mình chia sẻ với mọi người hơn để làm gì nữa?
Mình cứ tiếp tục, tự trả lời những câu hỏi như vậy, dần dần sẽ hình thành động lực rõ ràng hơn, chắc chắn hơn.
Thứ hai, cần xây dựng workflow phù hợp với bản thân mình.
Ví dụ, Phương luôn tài liệu hóa và hệ thống hóa lại các dạng content của mình trong một năm. Năm sau, mình vẫn có thể tiếp tục tái sử dụng vì những nội dung đấy vẫn phù hợp. Đương nhiên, mình sẽ thay đổi một chút để “khớp” với xu hướng, những gì mọi người đang quan tâm.
Rất nhiều người nghĩ sáng tạo nội dung phải luôn làm cái mới. Như vậy giống như một con chuột hamster chạy trong một vòng quay. Cứ mãi chạy xoay vòng, chẳng biết khi nào dừng. Nếu không có workflow phù hợp, chính mình sẽ bị burnout và bị stress bởi công việc này.
Thứ 3, luôn lên kế hoạch.
Không nhất thiết phải lên những cái kế hoạch chi tiết. Nhưng ít nhất hãy luôn biết rõ trong tuần này mình sẽ đăng cái gì? Hãy dựa vào những con số, insight trên nền tảng và độc giả mục tiêu để biết đăng vào giờ nào, chủ đề gì… trong nhóm nội dung của mình.
Thứ tư, có lẽ là sự kết nối.
Việc kết nối, chia sẻ với nhau cũng đem đến nhiều góc nhìn hơn và gián tiếp đem đến động lực. Đặt mình trong một môi trường phù hợp sẽ giúp mình đỡ cô đơn và có nguồn năng lượng hỗ trợ từ bên ngoài.
Riêng đối với những lúc mất động lực, Phương sẽ chấp nhận những cảm xúc tiêu cực, không bắt ép mình phải làm việc hay đạt kết quả như hằng ngày.
Thay vào đó, Phương dành thời gian cho bản thân, làm những thứ mình thích. Chính việc thả lỏng là một hình thức để sạc lại năng lượng, đặc biệt sau khoảng thời gian mình đã làm việc cả tuần hay cả tháng.
Phương đã có một nền tảng được hệ thống hóa và workflow công việc trước đấy. Dù nghỉ hôm nay, ngày mai quay lại thì vẫn biết mình phải làm gì mà không bị mông lung.
3. Cần chuẩn bị những gì để sẵn sàng bước vào chặng đua trên hành trình sáng tạo nội dung?
Kỹ năng chuyên môn đầu tiên là kỹ năng viết.
Vì cần sử dụng cho rất nhiều thứ: Viết kịch bản, caption, email, dịch vụ, sản phẩm, những suy nghĩ của mình…
Nói sâu hơn, không chỉ mỗi về viết, mà còn về thông điệp, về rất nhiều thứ trong đó nữa.
Thứ hai, mình cần có tư duy về nền tảng.
Cần phải hiểu các nền tảng hoạt động như thế nào. Không phải nền tảng nào cũng phù với nội dung và nhóm đối tượng khán giả của mình. Nhất là người mới bắt đầu, mình sẽ không thể làm được 5, 6 nền tảng cùng một lúc. Vì sẽ tốn rất nhiều nguồn lực, dẫn đến burnout là điều không thể tránh khỏi.
Thứ ba, cần xác định thế mạnh về chuyên môn của mình là gì.
Nếu không xuất phát từ năng lực cá nhân hay từ chuyên môn, mình sẽ mãi chạy theo xu hướng và không chủ động quyết định nội dung của mình.
Phương có quen rất nhiều bạn creators có con số hàng triệu, hàng trăm nghìn followers. Nhưng bây giờ, các bạn ấy đang phải suy nghĩ lại về định hướng, về dịch vụ cá nhân.
Nếu không xác định được thế mạnh chuyên môn, sẽ rất khó để đi lâu dài và sẽ tự mình đào thải mình trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, mọi người cần phải tự học thêm rất nhiều về video editing, về thiết kế, về SEO,...
4. Cần chuẩn bị gì để biến công việc sáng tạo thành công việc chính?
Vũ trụ Creator:
Vào năm 26 tuổi, Phương nghỉ công việc văn phòng để làm sáng tạo nội dung full time. Có rất nhiều bạn content creator, khi bắt đầu hành trình này, cũng đặt ra mục tiêu biến công việc sáng tạo thành công việc chính nhưng vẫn còn hoang mang, băn khoăn. Phương có thể chia sẻ câu chuyện của mình và đưa ra lời khuyên cho những bạn muốn biến công việc sáng tạo thành công việc chính hay không?
Hồng Phương - Mera Cao:
Phương làm sáng tạo nội dung cũng khá lâu nhưng thực sự focus hoàn toàn thì mới một năm. Phương cũng chia sẻ với các bạn từng hỏi câu này là “Just do it” nhưng phải đi cùng với một kế hoạch nữa. Mình không thể “just do it” một cách mù quáng được.
Phương đã lên kế hoạch ít nhất 8 tháng trước khi nghỉ công việc full time. Trong khoảng thời gian đấy, mình song song nghiên cứu sứ mệnh của mình, ngách nội dung, chủ động gặp những người có kinh nghiệm và hỏi thêm về góc nhìn thực tế, về những lời khuyên dành cho mình. Khi mình chuẩn bị rõ như vậy sẽ không quay lại vào vòng lặp cũ.
Mọi người nên chuẩn bị một kế hoạch rõ ràng. Càng kỹ càng tốt, mình sẽ càng vững vàng hơn và đi được lâu hơn. Không cần vội vàng. Chuẩn bị kỹ về thiết bị, nguồn tài chính, mối quan hệ, ý tưởng cũng như kiến thức, kỹ năng của mình.
Nếu xong hết mọi thứ trước đấy nhưng chưa xác định rõ ràng về ngách? Cứ trải nghiệm nhiều thứ. Viết ra 3 - 6 chủ đề mình sẽ làm, rồi làm liên tục trong 1 - 3 tháng. Sau đó, đánh giá lại. Cái nào phù hợp với mình nhất, cái nào được đón nhận nhiều nhất để tiếp tục.
Song song, mình nên tham gia cộng đồng hoặc tự khởi tạo một dự án nào đó.
Ví dụ, Phương đang làm trong ngành sáng tạo nội dung nên ở trong cộng đồng về sáng tạo là điều dĩ nhiên. Nhưng có những người làm ngách về thuế, về account trong một agency, hay về ngách hiếm chẳng hạn. Nếu khó khi tìm môi trường phù hợp, bạn hoàn toàn có thể khởi tạo những dự án cộng đồng,...
Đó là một cái cớ để mình có thêm nhiều người đồng hành với mình hơn. Mình có thể thử sức với vai trò leader, hoặc tìm kiếm một đến hai người co-founder có cùng hệ giá trị với mình. Khi có thêm người đồng hành thì sẽ đi nhanh hơn, mình có nhiều góc nhìn hơn.
Cuối cùng, những chuyện như flop, không ai xem, không kiếm được thu nhập trong 3-6 tháng đầu tiên là một điều rất là bình thường. Bạn phải thực sự kiên nhẫn và kiên trì với sự lựa chọn của mình.
Phương đã trải qua quá nhiều công việc không phù hợp với mình. Thế nên, khi được làm công việc này, mình cảm thấy rất đam mê, yêu thích thực sự. Ý muốn trong mình rất lớm. Mình có thể vượt qua được những trở ngại khác trong quá trình làm việc.
Tóm lại, ý muốn của mình cũng rất quan trọng để kiên trì, kiên nhẫn. Nếu sản phẩm có mình chất lượng và mình có sự kiên trì nhất quán, chắc chắn là kết quả sẽ đến với mình, vào một ngày không xa.
Lời kết
Sau khi đọc xong bài phỏng vấn này, mong bạn sẽ có thêm nhiều bài học, nhiều góc nhìn mới và toàn diện hơn về công việc sáng tạo nội dung. Mong mọi người hãy luôn tin vào bản thân, tin vào những điều mình đang làm và kiên trì đến cùng. Chúc cho con đường sáng tạo nội dung của bạn thật suôn sẻ, may mắn và nhiều thành công.
*Bài phỏng vấn được thực hiện bởi team Vũ Trụ Creator & Mera Cao.
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!