Trở thành một content creator văn minh liệu có khó?
Bạn có đang cố trở thành bản sao của ai đó?
Gần đây, khi sáng tạo nội dung trên Threads, những nội dung của mình bị copy paste nhưng không ghi nguồn rất nhiều. Và mình nhận thấy tình trạng này không chỉ diễn ra ở riêng một nền tảng nào, mà gần như là ở khắp “mọi mặt trận”, đối với rất nhiều người.
Với hi vọng nhỏ nhoi có thể ảnh hưởng tích cực hơn phần nào, nâng cao nhận thức của content creator, bài viết này được ra đời để truyền đi một thông điệp lớn nhất: Hãy trở thành một content creator văn minh!
Tôn trọng bản quyền của người khác
Bạn biết không, ở các nước phát triển, đạo văn là một hành vi vi phạm nghiêm trọng về đạo đức học thuật. Có thể bị xử lý theo nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Hình thức xử lý phổ biến nhất đối với học sinh đạo văn là bị trừ điểm hoặc đánh trượt môn học. Trong một số trường hợp, học sinh có thể bị yêu cầu viết lại bài viết của mình hoặc tham gia khóa học về đạo văn. Nếu nghiêm trọng hơn, học sinh có thể bị đình chỉ học tập hoặc thậm chí bị đuổi học.
Tuy nhiên, ở Việt Nam thì lại chưa được giảng dạy và phổ biến rộng rãi về vấn đề đạo văn này, dẫn đến tình trạng đạo văn, ăn cắp chất xám, ăn cắp nội dung, sử dụng nội dung tự do… diễn ra khắp nơi và dần trở nên mất kiểm soát.
Chính vì thế, bản thân mỗi người cần tự có ý thức, có thêm phần trách nhiệm cho chính mình và cho xung quanh. Đặc biệt khi bạn là một content creator. Nếu không thì, đây sẽ là những tác hại:
Không công bằng và thiếu tôn trọng đối với tác giả của tác phẩm gốc: Người bị sao chép sẽ có cảm giác không được tôn trọng với những công sức sáng tạo mà bản thân đã bỏ ra, kéo theo đó là trạng thái hụt hẫng và không còn tìm thấy ý nghĩa trong công việc.
Làm suy giảm chất lượng của việc học tập và nghiên cứu của bạn: Sáng tạo nội dung cũng là cách bạn phát triển chính bản thân mình trong rất nhiều phương diện. Nếu vẫn giữ thói quen đi sao chép, bản thân bạn sẽ loay hoay trong việc tự tạo ra nội dung, và mất rất nhiều thời gian để cải tiến nội dung. Bạn sẽ không thể tìm ra chất riêng có, mà luôn là bản sao của người khác.
Làm tổn hại đến uy tín của bạn: Người khác sẽ không thể nhớ đến bạn bởi những tính cá nhân bạn mang lại. Thay vào đó, họ chỉ nhớ đến bạn là người luôn đi sưu tầm, góp nhặt nội dung từ tứ phương. Tệ hơn nữa là bạn mờ nhạt, không thể tồn tại trong tâm trí của độc giả. Và trong việc hợp tác và làm việc với người khác, bạn cũng đã tự đóng đi cánh cửa cơ hội của chính mình vì không ai có thể đặt sự tín nhiệm vào một người không thể tự sáng tạo.
Vì vậy, tôn trọng nội dung của người khác cũng chính là cách bạn tôn trọng chính mình. Bạn sẽ mãi mãi là bản sao của người khác, bạn sẽ không tạo được chất riêng có, tệ hơn là bạn không được “là mình” khi vẫn giữ thói quen thiếu văn minh này.
Để vừa được sống đúng với con người mình, vừa truyền tải đúng tinh thần đó trên không gian mạng khi là content creator, bạn có thể tìm đọc thêm bài viết “3 giai đoạn hình thành nên dấu ấn riêng”
Đọc thêm: 3 giai đoạn hình thành nên dấu ấn riêng
Chương trình Premium Membership, giúp bạn tháo gỡ hạn chế về tư duy và cung cấp những hướng dẫn chi tiết để trở thành Content Creator thành công.
Có trách nhiệm với quá trình sáng tạo nội dung của mình
Chưa cần làm điều gì lớn lao, cách bạn thể hiện mình trên mạng xã hội, từng hành động của bạn cũng chính là cách bạn định hình thương hiệu cá nhân của bản thân trong mắt người khác.
Vì vậy, nếu muốn để lại ấn tượng tốt với xung quanh, hãy:
Sử dụng ngôn ngữ một cách chuẩn mực: Ngôn ngữ chuẩn mực với mình là lễ phép, tôn trọng đối phương, không cợt nhã, phù hợp với ngữ cảnh.
Đưa ra góp ý mang tính xây dựng: Mỗi người đều có những góc nhìn riêng, có nhân sinh quan và giá trị sống riêng. Nên những quan điểm của bạn có thể đúng, nhưng cũng có thể chưa đúng. Vì thế, khi để lại bình luận hoặc đưa ra những quan điểm của bạn, thay vì gieo rắc thêm sự áp đặt, chỉ trích, phán xét, bạn hãy góp ý, nhằm giúp người khác có thêm góc nhìn và cải thiện hơn bằng mọi sự tôn trọng nhất.
Và nếu bạn cần tham khảo nội dung từ nơi khác, đây chính là cách đúng:
Tham khảo các tài liệu: Trước khi sáng tạo nội dung, hãy đi nghiên cứu để bổ sung thêm các thông tin, kiến thức cho bản thân (input). Hiểu và biến tấu, thêm thắt, “nêm nếm” sao cho nó trở thành kiến thức riêng, mang đậm chất riêng của mình (output).
Trích dẫn nguồn một cách chính xác: Luôn ghi nguồn cho các thông tin, ý tưởng mà bạn sử dụng từ nguồn khác.
Không ngừng nâng cấp mình: Bản thân việc copy chính là vì bạn chưa tự tin với năng lực mình có. Vậy nên bạn không còn cách nào khác ngoài việc tập trung vào nâng cấp tư duy, kiến thức và kỹ năng của mình.
Rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo và viết lách độc lập: Chỉ khi có ý thức và ngừng thói quen đi sao chép, và thực sự mong muốn sáng tạo ra những sản phẩm nội dung của riêng mình, dù cho nó chưa tốt. Lúc đó, bạn mới bắt đầu thật sự phát huy được kỹ năng sáng tạo của mình.
Đọc thêm: Thế nào là một người sáng tạo nội dung “tử tế”?
Tư duy content creator có lẽ nên có khi bị “đạo nhái” nội dung
Ở góc độ là một content creator “bị” copy, thì nên có tư duy như thế nào?
Trước hết, hãy nhìn nhận trên một phương diện tích cực:
Nội dung của bạn có chất lượng ở mức độ nào đó: Mỗi khi nhìn thấy bài của mình bị copy, trong một thoáng chốc mình lại tích cực nghĩ rằng: À, vậy là nội dung của mình phải có chất lượng, có giá trị ở một mức độ nào đó thì người ta mới muốn copy và mang về tường của họ.
Vì người đi copy chưa đủ nội lực: Thú thật, ngày xưa khi mới tập tành viết lách, mình cũng đi cóp nhặt nơi này, nơi kia để ghép lại thành một đoạn “của mình”. Nhưng thật chất điều này lại khiến mình mất nhiều thời gian hơn trong việc hoàn thiện hơn kỹ năng viết và khó để đi tìm giọng văn riêng của chính mình. Tương tự, bạn hãy hiểu rằng việc người khác đi copy nội dung là bởi vì bản thân họ chưa đủ nội lực và năng lực để tự tạo ra những sản phẩm nội dung của riêng mình.
Bình thản để bảo vệ nguồn lực của ta: Trong một câu hỏi mình đặt cho anh ducnhanwriter rằng: “Anh sẽ làm gì với những content bị copy hoặc anh suy nghĩ như thế nào về điều này?”
Anh đã trả lời một ý mà mình khá tâm đắc:
“Bình thản để bảo vệ những nguồn lực của ta vốn rất cần thiết cho sáng tạo và hiệu suất.”
Tức là thay vì bạn để những năng lượng tiêu cực đó ảnh hưởng đến mình, hãy bình thản để bảo vệ những nguồn năng lượng tích cực vốn rất cần thiết trong sáng tạo và hiệu suất làm việc. Bạn hãy làm những gì trong khả năng của bạn:
Nhắc nhở creator đó
Unfollow kênh, block, report và kêu gọi report
Không follow và ủng hộ những kênh ăn cắp chất xám
Hoặc như mình, lên tiếng để nâng cao nhận thức của các creator khác…
Nhưng nếu đã làm mọi cách có thể, mà vẫn không thể thay đổi được, hãy cứ bình thản làm tốt những việc bạn cần làm. Dù sao những nội dung mà bạn sáng tạo ra mang chất liệu riêng có của bạn mà không ai có thể cóp nhặt được 100%.
Lời cuối
Để tôn trọng chính mình, tôn trọng tác giả và nội dung của họ, trên đây là những cách thức mà mình đã gợi ý để chúng ta cùng trở thành những nhà sáng tạo nội dung văn minh, cùng góp phần tạo nên một không gian mạng có ý thức hơn.
Và khi bị copy paste, hãy yên tâm rằng người ta có thể sao chép nội dung của bạn, nhưng đồng thời họ đang tự làm mờ nhạt đi chính thương hiệu cá nhân của họ đang gầy dựng, và hành trình sáng tạo của họ sẽ trắc trở hơn rất nhiều.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu muốn kết nối với The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!