Tối ưu quy trình viết bài long-form: chinh phục độc giả chỉ với 5 bước
Từ ý tưởng đến xuất bản cho một bài viết long-form!
Theo bạn thì, sản xuất nội dung long-form hay short-form sẽ dễ dàng hơn?
Với suy nghĩ thông thường, tất nhiên những nội dung ngắn gọn sẽ dễ để làm và chia sẻ hơn, cho dù đó là một bài viết hay video. Năm ngoái, mình từng có 8 tháng sản xuất các reels trên Instagram. Vậy nên, khi bắt đầu nhận được công việc liên quan đến viết các nội dung long-form, mình đã bị ngợp trong nhiều tuần. Cụ thể là khi được giao nhiệm vụ viết bài tối thiểu 3000 chữ, suy nghĩ đầu tiên của mình là “Dài vậy sao mà viết nổi?”.
Thế nhưng bài viết long-form không thực sự khó đến như vậy đâu! Tất nhiên, nội dung dài sẽ mất nhiều thời gian hơn để chuẩn bị và hoàn thiện. Nhưng nếu bạn đang là một content creator và muốn xây dựng kết nối sâu hơn với followers của mình qua bài viết long-form thì hãy tham khảo các gợi ý dưới đây.
Việc chuyển từ sản xuất nội dung ngắn sang nội dung dài không thể tránh khỏi các tâm lý ngại và nản. Vậy nên trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ về quy trình viết bài long-form tối ưu với 5 bước. Đây là quy trình mình đã áp dụng và rút ra trong suốt gần 1 năm vừa qua để giúp bạn sản xuất bài viết long-form một cách “dễ thở” hơn.
Đọc thêm: Xu hướng content 2024
Bài viết long-form là gì?
Long-form content có rất nhiều hình thức, vậy nên mình sẽ tập trung vào bài viết. Một bài viết long-form thường có độ dài tối thiểu là 1000 từ. Những nội dung dạng dài này được nhận dạng qua 2 đặc điểm như là:
Có cấu trúc rõ ràng: Giống như trước đây khi đi học bạn sẽ biết tới: mở bài - thân bài - kết bài. Nội dung dạng dài đi theo cấu trúc do người viết quyết định từ khi đặt bút viết những dòng đầu tiên.
Có tính phân tích logic: bài viết long-form cũng là một dạng cung cấp thông tin, nhưng người viết sẽ đi sâu vào phân tích, mang đến cho độc giả cái nhìn toàn diện, cụ thể và đầy đủ nhất về một vấn đề.
Chính vì 2 đặc điểm trên, việc tiêu thụ nội dung dạng dài yêu cầu độc giả phải dành nhiều thời gian hơn để đọc và ngẫm nghĩ. Theo quan sát từ trang substack của mình và bài viết trên bản tin Vũ Trụ Creator, một bài viết long-form có thời gian đọc trung bình từ 6 - 10 phút.
Hãy dành thêm 6 phút nữa cho bài viết này nhé ^^
Tại sao cần một quy trình khi viết bài long-form?
Để có thể viết bài long-form, bạn cần một quy trình cụ thể hơn là ngồi xuống, mở máy và bắt đầu gõ không ngừng nghỉ. Bởi vì quy trình sẽ giúp cho:
Người viết: Nắm được chủ đề mình đang viết, chọn lọc ý tưởng để viết dễ dàng hơn, không bị cảm giác “Không biết viết gì”, “Viết thế này đã dài chưa?”.
Bài viết: Có cấu trúc rõ ràng, các ý trong bài có liên quan logic chặt chẽ với nhau, không lan man, không khó hiểu. Sau khi đọc, độc giả có thể nhận được đúng những giá trị thông tin mà người viết muốn truyền tải.
Người đọc bài viết: Không bị khó hiểu, dễ dàng tìm thấy những thông tin cần thiết.
Tóm lại, việc có một quy trình tối ưu sẽ giúp bạn sản xuất các nội dung chất lượng hơn.
Quy trình viết bài long-form 5 bước
Dưới đây là quy trình viết bài với 5 bước mà mình áp dụng:
1. Lên ý tưởng và chủ đề
Khi có một ý tưởng nội dung nảy ra trong đầu, creator sẽ có rất nhiều cách để triển khai. Đó có thể là dạng bài viết, hình ảnh hay video với độ dài khác nhau. Nhưng nếu bạn chọn hình thức bài viết long-form, hãy cân nhắc kỹ chủ đề. Bởi vì, không phải ý tưởng và chủ đề nào cũng phù hợp để triển khai dưới dạng long-form.
Một chủ đề phù hợp để triển khai dưới dạng bài viết long-form thường sẽ có 3 đặc điểm:
Tính logic: Với các creator có thể là những bài viết chuyên môn, bài phân tích case study, hoặc bài viết chia sẻ kinh nghiệm. Chủ đề đó khá phức tạp và cần phân tích sâu, nhiều ý nhỏ logic với nhau.
Tính cụ thể: Thường khi viết bài dài, người viết sẽ dễ rơi vào trạng thái lan man, không tập trung vào một ý nào cả. Vì thế từ khi lên ý tưởng, bạn cần biết bài viết này mình sẽ tập trung vào một phần cụ thể nào. Chủ đề không nên quá chung chung!
Tính khả thi (độ dài): Bài viết dạng dài, thì bạn phải có những ý đủ dài để viết. Nếu những chủ đề quá đơn giản, không cần phân tích nhiều, thì việc cân nhắc nội dung short-form sẽ giúp bạn đạt được hiệu quả truyền tải thông tin hơn.
2. Nghiên cứu lý do độc giả tìm kiếm chủ đề này
Tại sao độc giả cần đọc bài viết long-form của bạn?
Tại sao trong rất nhiều bài viết họ lại chọn dừng lại ở bài viết này?
Có một nhu cầu thông tin nhất định xuất hiện trong đầu khi độc giả tìm kiếm các bài viết. Và nhiệm vụ của bạn là tìm ra lý do. Khi biết được lý do đó, việc xây dựng dàn ý sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Ví dụ: Bạn có thể chọn đọc bài viết của mình khi đang tìm kiếm khái niệm “Bài viết long-form là gì?”, hay cụ thể hơn là bạn đang đi tìm kiếm quy trình để sản xuất chúng. Rất nhiều lý do để độc giả tìm đến một bài viết. Và nếu bài viết của bạn có chứa thông tin đó tức là nó đã có giá trị nhất định với người đọc.
Có rất nhiều cách để nghiên cứu độc giả. Bạn có thể tìm ra insight qua các từ khoá người dùng tìm kiếm trên Google. Hay nếu bạn là một content creator, bạn có một kênh để kết nối với độc giả, thì có thể tìm nhu cầu của họ bằng cách:
Truy viết comment: Đây là khái niệm mình biết được khi tham gia lớp viết High-impact Social Writing. Bằng cách tạo ra các cuộc thảo luận, những câu hỏi ngắn, độc giả có thể “tiết lộ” cho người viết nhu cầu thông tin của họ.
Tạo các poll/ vote: Bạn cũng có thể nghiên cứu độc giả bằng cách cho họ chọn các chủ đề, nội dung họ muốn được đọc.
3. Xây dựng dàn ý - “xương sống” của bài viết
Mình vẫn thường nói rằng dàn ý là “xương sống” của bài viết long-form. Không có dàn ý, bài viết của bạn khó có thể tối ưu cho độc giả đọc và tương tác. Nói cách khác là dài và khó hiểu. Độc giả có thể đọc, đọc mãi mà vẫn chưa tìm thấy phần thông tin họ muốn, hoặc là đọc xong mà không biết mình đang làm gì.
Khi khoảng tập trung (Attention Span) của con người đang có dấu hiệu giảm xuống, thì sự rõ ràng, cụ thể sẽ là yếu tố cần được ưu tiên. Với người viết cũng vậy, dàn ý sẽ giúp cho họ hình dung bài viết của mình trông sẽ như thế nào trước khi đặt bút. Sau khi có một dàn ý cụ thể rồi, bạn chỉ cần viết và không cần phân vân xem “Đã đủ dài chưa” hay “Không biết viết gì”.
Một thói quen mình thường làm là kiểm tra lại dàn ý trước khi viết. Đôi khi sẽ có những ý không thực sự cần thiết, hoặc có một vấn đề nào đó trong cấu trúc khiến nó chưa thực sự logic.
Hãy sửa kỹ từ dàn ý, bởi khi viết xong, bài viết sẽ khó “cứu” hơn nhiều!
4. Triển khai bài viết với giọng văn phù hợp
Sau khi chốt được dàn ý cho bài viết, bạn có thể bắt đầu biến ý tưởng trong đầu thành một bài viết hoàn chỉnh. Đây cũng là công đoạn mất nhiều thời gian nhất. Vậy nên đây là một vài lưu ý mình đã rút ra được:
Hãy nghĩ về độc giả của bạn: Họ là ai? Họ sẽ tiếp nhận nội dung của bạn với cảm xúc như thế nào? Từ đó lựa chọn được giọng điệu và cách dẫn dắt phù hợp. Nếu bạn đang chia sẻ về chuyên môn copywriting cho một newbie, hãy đi từ khái niệm với cách giải thích dễ hiểu nhất.
Viết trong một lần: trước đây mình cũng thường vừa viết vừa đọc để sửa, nhưng làm như vậy khiến cho thời gian hoàn thành bị kéo dài ra. Ngoài ra, bài viết long-form yêu cầu tính logic chặt chẽ, nên việc viết trong một lần sẽ giúp cho bạn đi giữ được mạch suy nghĩ tốt hơn.
“Đầu voi đuôi chuột”: một vài bài viết trước đây của mình thường gặp phải tình huống này. Trong khi phần mở đầu rất dài và nhiều ý, phần kết lại có cảm giác “cá đuối” hơn. Bởi vì đã có một dàn ý cụ thể nên hãy cố gắng để các phần trong bài viết được hài hoà, tạo ra trải nghiệm đọc tốt hơn cho độc giả.
Một bài viết long-form sẽ cần khoảng 1-2 tiếng để sản xuất tuỳ theo “bút lực” của từng người. Vậy nên hãy dành một khoảng thời gian bạn có thể thực sự tập trung vào bài viết đó.
5. Biên tập bài viết với “fresh eyes”
Cuối cùng, sau khi viết xong bài hãy dành thời gian để đọc lại. Việc đặt mình vào vị trí độc giả để đọc đôi khi sẽ giúp bạn nhìn ra những lỗi của bài viết.
Trên thực tế, người viết khó có thể nhận ra được vấn đề trong nội dung của mình, nhưng việc đọc và biên tập lại sẽ giúp bạn tránh được các lỗi chính tả, lỗi diễn đạt.
Một số bài viết long-form đầu tiên mình viết cũng gặp rất nhiều vấn đề mà bản thân không thể tự nhận ra được. Vậy nên gợi ý cho bạn là:
Tìm kiếm những mentor có kinh nghiệm để xin feedback cho bài viết.
Đọc lại sau một thời gian (Mình vẫn đọc lại các bài viết cũ sau khoảng 3 - 5 tháng)
Đọc bài viết của người khác và rút ra các lưu ý cho chính mình.
Một số lưu ý khác với bài viết long-form
Thử nghiệm chủ đề với nội dung ngắn
Đây là điều mình học được từ các anh chị creator: thử nghiệm các ý tưởng bằng nội dung ngắn dạng social post để đánh giá mức độ quan tâm của độc giả. Sau đó các ý tưởng sẽ được phát triển thành chủ đề cho bài viết dài. Tháng 6 vừa qua mình đã tham gia thử thách chia sẻ nội dung 21 ngày với keyword “long-form content”, và mình tin rằng việc biết được quy trình sản xuất sẽ giúp cho bạn không còn e ngại với dạng nội dung dài. Bài viết này đã ra đời như thế. Bạn có thể xem thêm các nội dung về chủ đề này trên Facebook cá nhân của mình nhé!
Chọn lọc các “chất liệu” từ trải nghiệm
Đừng “nhét” tất cả câu chuyện của bạn vào 1000 từ. Trải nghiệm của mỗi người viết đều quý giá và bạn sẽ muốn chia sẻ thật nhiều đến độc giả của mình. Tuy nhiên việc kể một câu chuyện không liên quan trái lại sẽ làm giảm hiệu quả nội dung. Vậy nên từ bước số 2 - Nghiên cứu độc giả, hãy chọn lọc trải nghiệm tương ứng của mình để đưa vào bài viết nhé.
Cân bằng giữa Depth (chiều sâu) và Brevity (sự ngắn gọn)
Bài viết long-form không có nghĩa là càng dài càng tốt. Ngược lại nếu mất đi Brevity (tính ngắn gọn) còn khiến người đọc rơi vào trạng thái bị xao nhãng sau một khoảng thời gian tập trung. Trong khi đó bài viết quá nông có thể khiến người đọc cảm giác chưa thoả mãn thông tin. Vì thế bài viết có sự cân bằng giữa 2 yếu tố này sẽ giúp cả người đọc và người viết đều đạt được hiệu quả kết nối. Bạn có thể đọc thêm 2 bài viết gần đây trên bản tin Substack của Vũ Trụ Creator:
Tảng băng tương tác - nghệ thuật tìm kiếm insight để viết đúng, đủ, thuyết phục
5 chiến lược giúp X2 thu nhập mỗi năm dành cho nhà sáng tạo
“Giữ sức” cho độc giả bằng hình ảnh
Hình ảnh trong bài viết long-form tạo ra khoảng nghỉ cho mắt độc giả. Thay vì phải liên tục giữ mắt tập trung nhìn vào “bức tường chữ”, bạn hãy chèn thêm các hình ảnh phân tách. Thông thường với một bài viết 2000 chữ, mình sẽ chèn khoảng 4 - 5 hình ảnh, hoặc có các hình xen giữa 2 - 3 đoạn văn dài. Bạn có thể tham khảo ví dụ bằng cách kéo ngược về phần đầu của bài viết này.
Kết luận
Bài viết long-form là một phần quan trọng trong chiến lược nội dung của rất nhiều content creators.
Nhưng kỹ năng viết bài long-form không thể có được trong “một sớm một chiều”.
Thông qua quá trình thực hành với quy trình trên, bạn sẽ dần rút ra được kinh nghiệm và không còn cảm thấy khó khăn khi đối mặt với bài viết dài. Trên đây là quy trình viết và một số lưu ý của mình khi triển khai bài viết long-form, hy vọng sẽ cho bạn thêm gợi ý và có thể nhận được những tips hay ho bạn đã sử dụng khi sản xuất dạng nội dung này nhé.
Vũ Trụ Creator đang tổ chức challenge Content Marathon - 30 ngày sáng tạo nội dung. Nếu bạn đang muốn thử thách sức bền, rèn luyện thói quen sáng tạo thì hãy đăng ký tham gia ở đây nhé: THAM GIA CONTENT MARATHON
Bạn đang đọc bản tin của Vũ Trụ Creator - Thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng Vũ Trụ Creator chưa?
Nếu bạn muốn tìm Vũ Trụ Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
Dù là long form hay short form thì đều cần sự tư duy, nên theo cá nhân tôi thì không cái nào dễ hơn cái nào. Là người viết tôi sử dụng linh hoạt giữa hai loại định dạng này.