Nếu như cách đây năm năm về trước, nhìn thấy ba chữ thế-giới-phẳng tôi còn chưa mường tượng rõ ràng lắm, thì giờ đây khi làm việc trong ngành sáng tạo nội dung tôi đã phần nào thấm nhuần hơn ba từ này.
Hình dung đơn giản, thế giới phẳng chính là khi mọi thứ đều không còn rào cản, chúng ta có thể tiếp cận bất kỳ tri thức, văn hóa hoặc làm quen với một người bạn ở tận Châu Âu, Châu Mỹ xa xôi chỉ với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok,…
Không nói đâu xa, năm năm về trước trong lúc tìm kiếm một công việc để làm thêm khi còn trong giảng đường, tôi chỉ có thể lựa chọn các loại hình công việc như: phục vụ, pha chế, nhân viên bán hàng,… Nhưng giờ đây, bạn có thể dễ dàng tự mang đến cơ hội làm việc cho mình bằng cách xây dựng thương hiệu cá nhân và sáng tạo nội dung dựa trên điểm mạnh.
Một điều nữa, các bạn trẻ thời nay có rất nhiều chủ kiến, chính kiến cũng mạnh mẽ hơn chúng tôi khi trước, tôi nghĩ là do môi trường hiện tại đã cởi mở hơn nhiều đối với các ý kiến trái chiều. Chính vì thế, phần nhiều các bạn theo đuổi con đường làm việc tự do, tự chủ về cả kỹ năng, cơ hội hợp tác và tài chính kinh tế.
Tất cả những điều trên góp phần làm cho nền kinh tế sáng tạo, kinh tế số phát triển ngày càng mạnh mẽ và hết sức nhanh chóng. Và nếu, bạn đang muốn dấn thân và con đường này, có một số tính chất đặc trưng của lĩnh vực sáng tạo bạn nên biết.
1. Sự cởi mở
Sáng tạo là một lĩnh vực không hề có biên giới.
Chính vì vậy, người làm sáng tạo luôn cần cho mình một cái đầu “mở”, bạn cần liên tục cập nhật sức sáng tạo của mình, luôn làm mới những suy nghĩ của mình, từ đó sử dụng sự sáng tạo khiến cho những thứ nhìn như đã cũ trở nên mởi mẻ hơn, bằng một dấu ấn hoặc một điểm khác biệt nào đó, đó là một cách.
Đôi khi, bạn sẽ cần bỏ qua những thiên kiến, định kiến của bản thân để các ý tưởng mới được khai sinh, các khái niệm mới được hình thành, làm nền tảng cho sự sáng tạo của bạn. Nếu như trước đây George Samuel Hurst không từ bỏ những thiên kiến cũ, rằng không thể tạo ra một loại màn hình có thể nhấn mà không cần đến bàn phím, thì có lẽ hiện tại chúng ta sẽ không có những chiếc Iphone, Samsung với diện mạo đẹp và tiện lợi như ngày nay.
Đó là một minh chứng của sáng tạo, là sự đột phá, cải tiến, phát minh,…Chúng ta có thể sẽ không cần mang trong mình áp lực phải phát minh ra điều gì, nhưng cần lưu ý, bản chất công việc sáng tạo đó chính là làm mới, có thể mới hoàn toàn, cũng có thể là làm mới những thứ đã dần cũ.
Vì điều này, nhiều người làm sáng tạo liên tục đặt mình trong áp lực, dù muốn hoặc không. Vậy nếu bạn đang chuẩn bị dấn thân, bạn hãy chuẩn bị tinh thần cho việc sáng tạo ở cường độ cao hơn rất nhiều so với các công việc khác.
2. Hiện tại không bao giờ là điểm dừng chân.
Nói như vậy là bởi, người làm sáng tạo sẽ không cho phép mình dừng chân với những thành quả ở hiện tại. Nếu bạn hài lòng với những gì bạn đang làm ở hiện tại, hoặc thế giới đang có ở hiện tại, bạn sẽ không còn khát khao mãnh liệt về sự phát triển và đổi mới nữa, khi đó bạn bị lãng quên.
Một cách vĩ mô hơn, thế giới liên tục phát triển qua từng năm (nếu không muốn nói là từng ngày), để đáp ứng được thế giới mới, các sáng kiến và phát minh cũng liên tục được đưa ra. Là một content creator, bạn không cần quan tâm đến mặt vĩ mô tương tự, tuy nhiên, bạn chịu ảnh hưởng từ sự biến đổi của thế giới, ví dụ như công cụ AI hiện nay. Vì vậy, nếu bạn không thay đổi, không bắt kịp, không sáng tạo mà chỉ dừng chân ở những thành quả của mình trong hiện tại, bạn sẽ không thể đưa mình phát triển lên trong công việc này.
Ngược lại, chúng ta cũng nên sống an lạc trong hiện tại, mặc dù công việc sáng tạo là một công việc hướng đến tương lai, vì lẽ đó bạn cũng cần biết hài lòng với những thành quả sáng tạo mình đang có, để “tâm” được an, và khi áp lực càng ít, bạn càng không dễ bị burn-out trong sáng tạo.
Vì thế, mình hy vọng bạn chuẩn bị cho chính bạn hai góc nhìn, một góc nhìn hài lòng với hiện tại để tư thái được an lạc, và một góc nhìn luôn cầu tiến hướng về tương lai để liên tục đổi mới mình, cải tiến sản phẩm sáng tạo của chính mình.
3. Làm việc với trí tưởng tượng
Một điều rất hay của công việc sáng tạo đó chính là, bạn sẽ và sẽ cần làm việc rất nhiều với trí tưởng tượng của chính mình. Nếu như với ngành nghề khác, bạn làm việc với các con số, với bệnh nhân, với học sinh, với con chữ, thì sáng tạo đòi hỏi bạn làm việc nhiều nhất với trí tưởng tượng.
Nghe thật lạ nhưng cũng thật dễ hiểu, tưởng tượng là bước đầu đặt nền móng cho quá trình sáng tạo, hoặc có thể nói, bạn sáng tạo trong khi tưởng tượng. Nếu thế giới thực đã được định nghĩa và có lẽ bạn sẽ bị rập khuôn, thì trong thế giới tưởng tượng, không có gì là không thể xảy ra.
Ví dụ: Nếu bạn đang sống trong những năm 1860, điện thoại là một thứ không thể tưởng tượng nổi, bạn muốn phát minh ra điện thoại người khác cũng sẽ cho rằng bạn điên rồi. Tuy nhiên, trong thế giới tưởng tượng, bạn hoàn toàn có thể thực hiện điều đó, tưởng tượng ra nó và biến nó thành sự thật.
Đối với content creator, chúng ta có thể hình dung càng rõ hơn về quy trình làm việc với trí tưởng tượng như thế này: Bạn là một content creator mới bắt đầu với Tiktok, bạn cần quay video nhưng không biết bắt đầu từ đâu, làm thế nào cho chuyên nghiệp.
Nếu bạn muốn giới thiệu một cuốn sách, bạn sẽ giới thiệu cuốn sách ấy thế nào? Và bạn bắt đầu tưởng tượng về việc giới thiệu sách.
Bạn ngồi nói trước camera, có vẻ không hấp dẫn lắm.
Bạn cùng một người bạn khác hợp tác, nghĩ ra kịch bản để quay. Có vẻ hấp dẫn hơn. Bạn bắt đầu tưởng tượng ra các tình huống phù hợp để có thể thuận lợi đưa cuốn sách vào video và review sao cho trơn tru,…
Những lúc đó chính là khi bạn làm việc với trí tưởng tượng của mình, và thành quả của trí tưởng tượng chính là sự sáng tạo. Chính óc tưởng tượng sẽ giúp đại não kích thích bạn đổi mới, cải tiến và phát minh, từ đó bạn có sản phẩm sáng tạo của riêng mình.
Và nguyên do lớn khiến bạn cần gia tăng tần suất làm việc với trí tưởng tượng đó là: là một content creator, bạn cần duy trì sự xuất hiện đều đặn trước khán giả của mình, đòi hỏi bạn cần liên tục tạo ra các nội dung hay và giá trị. Khi đó, bạn cần đến trí tưởng tượng.
Kết luận
Ngoài các kỹ năng chuyên dụng để làm sáng tạo như viết, quay chụp, edit,…và các tư duy sáng tạo cũng như các chủ đề quan trọng như ngách nội dung, tệp khán giả, cá tính riêng,…thì trên đây là 03 đặc tính tối quan trọng mà tôi tin một nhà sáng tạo chuẩn bị dấn thân cần nắm rõ. Từ đó, bạn sẽ chuẩn bị cho mình được tinh thần sáng tạo phù hợp và phát triển công việc sáng tạo bền vững.
Facebook Starter Kit - Bộ giải pháp xây Facebook Page cho người mới bắt đầu, bao gồm:
- Sổ tay Facebook page từ a-z
- Content Plan Template
- Feedback khám kênh
- 1 năm đọc bản tin trả phí
Với bộ giải pháp này, bạn sẽ:
Biết cách lên kế hoạch và triển khai nội dung một cách thông minh và hiệu quả
Nắm được cách thức vận hành của Facebook, từ đó tối ưu lượt tiếp cận cho nội dung của bạn
Xây dựng được một Facebook page thành công, và gia tăng sức ảnh hưởng cho thương hiệu của bạn
Nhận được đánh giá chuyên môn về Facebook page của bạn để cải thiện hơn
Đăng ký mua ngay tại: https://www.vutrucreator.com/facebook-starter-kit
Mọi thắc mắc về Facebook Starter Kit xin vui lòng liên hệ fanpage Vũ Trụ Creator để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng Vũ Trụ Creator.
Em rất thích ý thứ 2 của chị Uyên ạ. Đúng là hành trình phát triển hay sáng tạo đều không có điểm dừng, càng đi lại càng thấy nhiều điều sáng tỏ. Rất thú vị ạ. ^^