5 bài học cho creator mình rút ra từ việc đạt 100,000,000vnd/tháng
Đừng quên, bản thân bạn phải trở nên có giá trị thì bạn mới có thể cho đi
Hôm vừa rồi, khi chữa bài tập trong khóa content Digital Skills, mình được nghe các học viên chia sẻ về mục tiêu thu nhập trên con đường làm tự do. Các con số được mọi người đưa ra khiến cho mình có nhiều suy nghĩ.
Mình biết, làm tự do đồng nghĩa với việc thu nhập sẽ có lúc rất cao, có lúc rất thấp.
Nhưng trong 1 năm qua, đã có ít nhất 6 tháng mình đạt được mức thu nhập trung bình 100,000,000vnd. Một mức thu nhập mà trước đây mình còn chẳng dám mơ ước. Đó là một sự may mắn mà mình vô cùng biết ơn.
Tuy nhiên: những chia sẻ này không phải để mình flex hay gì cả. Mình biết có nhiều creator, solopreneur đã có mức thu nhập cao hơn như vậy rất nhiều. Bản thân mình cũng không lấy con số thu nhập ra làm thước đo sự thành công.
Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng đây là mục tiêu của nhiều người. Việc có được sự bứt phá về thu nhập là điều mà các creator ai cũng đều muốn hướng đến.
Vậy nên trong bài viết này, mình sẽ đúc kết và tổng hợp lại 5 bài học/chiến lược quan trọng nhất đã giúp mình tăng trưởng thu nhập từ… 0 chữ số lên 9 chữ số khi làm content creator.
Cùng tìm hiểu nhé!
1. Biến sáng tạo nội dung trở thành một công việc kinh doanh
Đầu tiên, là cái mindset cơ bản và nền tảng nhất nếu như bạn muốn đạt mức thu nhập cao: bạn cần phải xem việc sáng tạo nội dung như một công việc kinh doanh.
“Phi thương bất phú” như người ta nói, có nghĩa rằng nếu như không tự lực kinh doanh, sẽ rất khó để bạn có thể tự chủ được về mặt tài chính. Khi làm tự do, sẽ không có ai trả tiền cho bạn cả nếu như bạn không tự tìm lấy khách hàng của mình.
Do đó, bạn nhất định cần phải có một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó để bán.
Một thứ gì đó mà:
Bạn có thể tạo ra.
Và có thể mang lại giá trị cho người khác.
Giá trị ở đây có thể được đóng gói dưới dạng:
Sản phẩm vật lý (sổ, túi, quần áo…)
Khóa học
Tư vấn coaching
Phí cộng đồng
Membership
Sách
E-book
Dịch vụ agency
Và nhiều ý tưởng khác
Và khi bạn quyết định đi theo hướng này, bạn đang phá vỡ khuôn mẫu “làm content để nổi tiếng” hoặc để sống bằng tiền quảng cáo, mà bạn đã chọn đi con-đường-tạo-ra-giá-trị. Bạn sẽ chính thức trở thành một creatorpreneur (nhà kinh doanh sáng tạo), một con đường đầy tiềm năng phát triển mà mình cũng đã chọn đi từ hơn 1 năm trước.
Sở dĩ mình gọi đây là con đường tạo giá trị, vì giống như trong khóa học Value Creator mình có chia sẻ:
Kinh doanh không phải chỉ là việc kiếm tiền, mà là việc bạn giúp người khác có được những thứ họ muốn trong cuộc sống và sự nghiệp, và qua đó bạn được trả công tương xứng.
Vậy nên, hãy thử nghĩ xem bạn có thể tạo ra giá trị cho người khác như thế nào? Bạn muốn giúp ai giải quyết vấn đề gì?
Và đừng quên, bản thân bạn phải trở nên có giá trị thì bạn mới có thể cho đi.
2. Hiểu rõ khán giả của mình cần gì
Khi bạn là một creator tự kinh doanh, lợi thế cực lớn của bạn so với tất cả những người làm tự do khác là:
Bạn có sẵn lượng followers của mình.
Và họ chính là những khách hàng tiềm năng. Những người đã biết tới bạn, đủ tin tưởng bạn để nhấn theo dõi, và có thể sẽ mua từ bạn nếu như bạn có thứ họ muốn.
Nói cách khác, khi bạn có sức ảnh hưởng, bạn có được thị trường.
Và ai có được thị trường, sẽ là người thắng trong kinh doanh.
Chẳng hạn, Youtuber Ali Abdaal đã có mức thu nhập tăng vọt từ $8,000/năm lên $500,000/năm trong năm 2020 ngay khi anh nhận ra rằng nhu cầu nâng cao hiệu suất học tập của followers là một chuyên môn mà anh đã có rất nhiều năm kinh nghiệm tích lũy. Chỉ với một sản phẩm thành công trên Skillshare, Abdaal đã thay đổi được cuộc sống của mình.
Bài học từ câu chuyện này đó là: chúng ta cần phải biết followers của mình cần gì.
Hãy thử trò chuyện với họ, lắng nghe họ, tham khảo ý kiến của họ. Tìm ra những khó khăn trong cuộc sống và công việc của họ mà bạn, với kiến thức, khả năng và tâm huyết của mình có thể giúp họ giải quyết.
Hãy làm việc này bằng cách:
Đọc và phản hồi comment của người theo dõi.
Gợi ra những câu hỏi mở để tạo tương tác với họ.
Đăng story.
Tạo ra các poll bầu chọn.
Tạo ra các form khảo sát (với một phần quà nào đó đi kèm).
Đối thoại 1:1 chuyên sâu
Khi bạn bắt đầu khám phá ra nhu cầu của followers, thì đó chính là khi bạn cần phải nghĩ cách để giúp tạo ra giá trị cho họ.
Chẳng hạn như với khóa học Know Thyself: viết để hiểu bản thân mà mình đã launch trong năm 2023. Khóa học này được mình lấy ý tưởng từ chính form khảo sát mà trước đó mình đã tạo ra trên kênh Cosmic Writer.
Sau khi nhận được hơn 700 phản hồi, mình đã có một cái hiểu khá rõ ràng về mối quan tâm của họ và từ đó khóa học này được ra đời, giúp mình trong vòng chưa đầy 6 tháng đã đạt được con số doanh thu lên đến 226,000,000vnd.
3. Định hướng nội dung một cách có chiến lược
Khi đã xác định được đường hướng kinh doanh của mình, khi đó bạn cũng sẽ cần phải chiến lược hóa cách mình xây kênh.
Nghĩa là bạn sẽ cần phải làm content một cách có chủ đích hơn, và xem nó như một phần trong dự án kinh doanh của bạn, là phương tiện để bạn:
Được kết nối với những khách hàng tiềm năng.
Xây dựng sự tin tưởng và yêu quý giữa bạn với họ.
Trao đổi và lắng nghe họ
Cho họ biết về những sản phẩm dịch vụ mà bạn đang có (và những giá trị nó có thể tạo ra)
Điều này có nghĩa: bạn không thể làm nội dung một cách vô tư được nữa!
Nếu như nội dung của bạn không thu hút được khách hàng tiềm năng, hoặc tệ hơn là thu hút sai đối tượng, sản phẩm của bạn sẽ không được biết đến và không có được chuyển đổi.
Đây là lý do có không ít creator có nội dung viral nhưng lại không tạo ra một đồng thu nhập nào cả. Vì số lượng không đi cùng với chất lượng. Con số followers chỉ là người xem chứ không phải người mua. Họ không có khả năng hoặc không có nhu cầu trả tiền cho thứ bạn đang cung cấp.
Vậy nên, hãy có chủ đích trong việc xây dựng kho nội dung của mình.
Bằng cách: