Sức mạnh của tư duy tích cực trong sáng tạo nội dung
Tiêu cực đã “giết chết” sức sáng tạo của mình!
Trong một cuộc trò chuyện gần đây với chị mentor, mình đã chia sẻ rằng:
“Đôi lúc em nghĩ về điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra với những việc mình đang làm”.
Đó là một câu nói khá tiêu cực nhưng lại thường xuất hiện trước khi mình bắt đầu làm hay thậm chí là ngay khi đang thực hiện một điều gì đó. Công việc sáng tạo nội dung cũng vậy, sẽ có những khoảng thời gian bạn bị cuốn vào các suy nghĩ tiêu cực vì rất nhiều lý do.
Burn out, mất niềm tin, mất định hướng, FOMO, hay một vấn đề khác trong cuộc sống mà bạn cũng không hề mong muốn nó xảy ra.
Tháng 8 năm ngoái, mình đã chìm trong “bể” suy nghĩ tiêu cực và chỉ cách quyết định dừng lại một câu “Thôi đến đây là được rồi”. Nhưng việc được lắng nghe và đón nhận tư duy tích cực từ mọi người đã giữ chân mình tiếp tục trên hành trình này.
Vậy nên, bài viết hôm nay sẽ dành cho những ai đang muốn tìm kiếm động lực để bắt đầu hoặc tiếp tục với công việc đang làm. Và mình hy vọng nó sẽ luôn có giá trị bất cứ khi nào bạn nhớ ra và tìm đọc lại.
1. Hiểu về tư duy tích cực (Positive Thinking)
Positive Thinking hay Tư duy tích cực với mình chính là thái độ và cách con người nhìn nhận các vấn đề đang xảy ra xung quanh. Nó thường được hiểu là cảm xúc tích cực khi gặp may mắn, tiêu cực khi đụng chuyện xui rủi.
Nhưng theo mình thì hiểu rộng ra, tư duy sẽ quyết định phần nhiều cảm xúc, nghĩa là, ngay cả một chuyện không tốt nhưng nếu bạn nhìn theo một cách khác, điều đó dường như cũng không quá tồi tệ.
Tư duy tích cực xuất hiện ở mọi khía cạnh trong cuộc sống. Nhưng trong bài viết này mình muốn bàn tới sức mạnh của tư duy tích cực trong sáng tạo.
Khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ tiêu cực, không ít lần mình phải đối mặt với tình huống:
Deadline gần đến nhưng “không nghĩ ra ý tưởng nào cả” ⇒ Bài viết không ấn tượng ⇒ Chán nản.
Vòng lặp đó giống như sợi dây quấn quanh chân, càng đi càng vướng. Cho đến khi mình được lắng nghe những tư duy tích cực từ các content creator khác. Dừng lại và nhìn nhận hành trình đã đi qua, và mình tin rằng tư duy tích cực sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sáng tạo của bạn.
2. Tư duy tích cực có ảnh hưởng như thế nào tới khả năng sáng tạo?
Thay đổi góc nhìn và thái độ trước các vấn đề
Hôm qua mình có xem được một video của Vietcetera với anh JVevermind trên Youtube, có một phần chia sẻ quan điểm về cơ hội. Trong đó có nhắc đến 3 ý là:
Cơ hội không phải được nhận, mà là mình biết cách tạo ra nó.
Điều quan trọng bạn có nhìn ra đó là cơ hội hay không?
Một số chuyện bạn cho rằng là vấn đề, là rào cản, ở một góc nhìn khác nó lại là cơ hội.
Góc nhìn thực sự sẽ thay đổi cách bạn phản ứng lại trước các vấn đề. Trong sáng tạo cũng vậy, mình từng nghe câu chuyện từ một chị cũng làm content creator. Chị đã tạo ra công cụ quản lý công việc từ chính những lần loay hoay giải quyết mớ task chen chúc trong bảng to-do list. Hay chính trải nghiệm bị từ chối công việc trợ lý đã cho mình biết bản thân còn thiếu kỹ năng nào.
Luôn có 2 mặt trong một vấn đề, mà chỉ khi tư duy tích cực bạn mới nhìn thấy được cả 2.
Tích cực giúp bạn có thêm động lực và tự tin
“Bạn có phải là một người tự tin không?”
Nếu như trước đây có thể mình sẽ trả lời là không. Nhưng trong sáng tạo, đây lại là điều thực sự rất cần thiết. Việc ấn nút đăng tải một nội dung nào đó lên mạng xã hội ở một góc độ nào đó cũng khá giống với việc bạn đứng lên trước nhiều người và chia sẻ quan điểm. Vậy thì nếu không có tự tin, làm sao bạn có thể làm được?
Tư duy tích cực đã giúp mình có thêm động lực và sự tự tin. Dễ thấy nhất đó là, mình luôn tin rằng nội dung chia sẻ sẽ có giá trị với ai đó. Không cần phải là một influencer có hàng ngàn followers, khi bạn chia sẻ các nội dung giá trị với thái độ chân thành, chắc chắn sẽ chạm đến một ai đó.
Sự tự tin đang ảnh hưởng tốt đến bạn nhiều hơn bạn nghĩ.
Mở ra nhiều ý tưởng sáng tạo
Bạn có công nhận với mình điều này không: ý tưởng hay thường đến với những lúc mình không nghĩ tới. Dường như trạng thái vui vẻ, thoải mái, đầu óc trống rỗng lại chính là lúc các ý tưởng “ùa” vào bộ não của bạn. Ngược lại, căng thẳng, lo lắng, sợ hãi khiến cho bạn khó nghĩ ra một thứ gì đó hay ho.
Việc viết bài cũng vậy. Mình viết những dòng chữ này ở trạng thái cơ thể thoải mái, tập trung ghi nhớ lại các câu chuyện và chia sẻ đến bạn. So với bài viết được sản xuất lúc 11h rưỡi đến và “dí” deadline thì mình tin bạn cũng đang cảm nhận được sự thoải mái khi đọc những dòng chữ này.
Với vai trò là một content creator, mình luôn suy nghĩ theo hướng “được chia sẻ” hơn là “phải tạo ra nội dung”. Nếu chúng ta bắt đầu công việc này bằng niềm đam mê, yêu thích, thì nó nên được làm với sự vui vẻ.
Tư duy tích cực và ý tưởng sẽ tìm đến bạn.
Duy trì sức bền cho người làm sáng tạo
Cũng trong video Youtube trên, có một đoạn chia sẻ rất chạm và mình muốn chia sẻ lại với bạn:
“Có những người bắt đầu giống như mình với đam mê, với hoài bão, nhưng khi cứ đi từng bước thì lại có những áp lực mới, khó khăn mới làm giảm đam mê đó và họ bỏ cuộc. Em chỉ mong là em có đủ bản lĩnh để có thể đi xa”.
Bởi vì không phải ai cũng có đủ sức bền và nghị lực để tiếp tục làm mãi một công việc trong nhiều năm, nên tư duy tích cực sẽ phần nào giúp bạn có thể tự động viên chính mình trong những giai đoạn khó khăn. Bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, nhưng cuối cùng quay trở lại, người quyết định có đi tiếp hay không vẫn là bạn.
Với mình thì, sáng tạo không phải là đi nhanh hay đi chậm, mà là đi xa.
3. Rèn luyện tư duy tích cực như thế nào?
Tóm lại thì, chúng ta có thể rèn luyện tư duy tích cực cho việc sáng tạo nội dung như thế nào?
Nghĩ và viết những điều tích cực
Gần đây khi viết đều và liên tục, mình có cảm giác được “gần” với chính mình hơn. Đôi lúc vẫn có những suy nghĩ tiêu cực, giống như câu hỏi “Điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra với những thứ đang làm là gì?”. Nhưng không sao, mình viết ra tất cả những điều tiêu cực và tích cực. Cùng với việc hướng bản thân đến những suy nghĩ tích cực, dần dần bạn sẽ học được cách để “tiêu cực nhưng không tiêu cực quá lâu”.
Theo đuổi các thói quen tích cực
Một trong những điều mình học được từ các anh chị content creator trong vòng kết nối đó là: Họ thực sự có rất nhiều thói quen tích cực. Ngay thói quen tiêu thụ nội dung, đến thói quen chăm sóc sức khoẻ hàng ngày - Một cơ thể khoẻ mạnh sẽ đi cùng với tâm trí khoẻ mạnh. Một số thói quen tốt họ theo đuổi đã xuất hiện trong chính nội dung được chia sẻ, và từ đó chạm đến khán giả theo dõi.
Kết nối các mối quan hệ tích cực
Cũng như câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Môi trường thực sẽ có ảnh hưởng nhiều đến việc hình thành tư duy của một người. Những mối quan hệ tích cực, các kết nối phù hợp, chất lượng sẽ hướng bạn đến tư duy tích cực. Gần đây khi kết nối với một vài bạn content creator trẻ đang theo đuổi hành trình của họ, mình có một cảm giác như được “đồng hành” mỗi khi nhìn thấy nội dung mới chia sẻ. Có rất nhiều người vẫn đang tiếp tục bền bỉ mỗi ngày, và bạn có muốn đồng hành với họ không?
Cuối cùng là,
Cùng như bất kỳ một tư duy nào khác, bạn cần thời gian để chúng hình thành và trở thành một phần trong hành động. Không phải đọc xong bài viết này thì ngay lập tức bạn sẽ có tư duy tích cực.
Nhưng ít nhất bạn đã biết về nó, mỗi khi gặp các vấn đề hay suy nghĩ tiêu cực khi làm nội dung, mình hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn.
Cho dù là công việc sáng tạo nội dung hay công việc bất kỳ, mong rằng bạn sẽ luôn làm nó với thái độ tích cực và chân thành.
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
Dạ e cảm ơn nhiều ạ 🥰