Không có cái gì - dành cho tất cả mọi người!
Đặc trưng của xã hội là sự đa dạng. Mỗi con người là mỗi một hình dáng, mỗi một bản sắc, mỗi một suy nghĩ và mỗi một nhu cầu khác nhau. Và xã hội là tập hợp của hàng trăm, hàng triệu, hàng tỷ những con người như thế.
Đôi khi, chúng ta sẽ tìm thấy một vài điểm chung giữa mình và những con người khác biệt ngoài kia. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở một vài điểm chung mà thôi, không phải tất cả.
Một cuốn sách tập đọc hữu ích cho những đứa trẻ năm tuổi. Nhưng nó không hữu dụng với những con người đã ngoài hai mươi.
Thuốc giảm đau thì không thích hợp với những người mắc các chứng bệnh tâm lý. Còn thuốc an thần thì không thích hợp để làm lành các tổn thương ngoài da.
Ngay cả trong nhu cầu ăn uống, là nhu cầu đầu tiên và quan trọng nhất nếu muốn tiếp tục sinh tồn, cũng không có loại đồ ăn nào có thể dành cho tất cả mọi người. Sẽ có nhóm người dị ứng đạm, sẽ có nhóm người không thích hợp ăn đường, có nhóm người ăn chay và nhóm người không thể thiếu thịt.
Sáng tạo nội dung cũng như vậy. Chúng ta chỉ có thể dành nội dung ấy cho những người thực sự quan tâm, yêu thích, hứng thú với nó, và cần nó. Mình - bạn - chúng ta, cần biết rằng mình đang sáng tạo nội dung này cho ai? Bởi vì, không có cái gì - dành cho tất cả mọi người. Cũng tức là, chúng ta - cần, sáng tạo nội dung có chủ đích.
Nếu mình sáng tạo nội dung này cho các ‘creators’, nhưng các ‘creators’ lại không cần đến nó. Vậy thì mình sẽ hơi suy sụp đấy. Dường như dễ dàng hơn nếu ta viết một nội dung chung chung, và nghĩ rằng sẽ có ai đó cần nó. Nếu không có ai cần nó, ta sẽ không cảm thấy bị từ chối quá rõ ràng. Phải rồi, điều đó thì dễ dàng hơn nhưng cũng kém hiệu quả hơn. Tại sao ư? Bài viết này có lẽ sẽ cho bạn phần nào đó câu trả lời.
I. Vì sao một creator cần sáng tạo nội dung có chủ đích?
Trước khi trả lời câu hỏi này, mình muốn hỏi rằng: Vì sao bạn muốn trở thành một creator?
Creator là gì nhỉ? Là thông qua nội dung, mang đến cho những người tiêu thụ nội dung của mình những điều hữu ích, những quan điểm, những góc nhìn mới mẻ, giúp họ có thêm kiến thức, có thêm hiểu biết, hay đơn giản là thêm những luận điểm để tham khảo.
Vậy thì, creator là sáng tạo cho người khác hay cho bản thân? Hoặc nếu là cho cả hai thì ai sẽ là đối tượng cần được ưu tiên trước nhất?
Nếu câu trả lời của bạn là sáng tạo cho bản thân trước hết, thì cũng không có gì sai. Nhưng, để đo lường hiệu quả công việc của mình, bạn nên trả lời câu hỏi: Mục đích bạn muốn trở thành creator là gì? Nếu là để phát triển bản thân, để cải thiện sự tự tin khi “dám” xuất hiện trước người khác và nêu lên quan điểm của mình, hoặc là để cải thiện các kĩ năng thì ưu tiên này của bạn là chính xác. Còn những mục tiêu khác như: sự ảnh hưởng, truyền cảm hứng, hình thành thương hiệu chỉ là thuận theo sau mục đích của bạn. Có thì càng tốt, không thì cũng không sao. Đối với trường hợp này, nội dung là công cụ để bạn phát triển bản thân. Chủ đích của nó chỉ cần tập trung vào chính bạn, bạn không cần quan tâm đến người khác. Cho đến khi, bạn bắt đầu muốn sáng tạo vì người khác, thì “chủ đích” ở đây lại trở nên quan trọng hơn cả.
Nếu câu trả lời của bạn là sáng tạo nội dung dành cho người khác trước, và những thành tựu của riêng bạn sẽ đến sau cái tiền đề đó. Thì bài viết này dành cho bạn. Và mình sẽ trả lời câu hỏi chính của phần này: “Vì sao một creator cần sáng tạo nội dung có chủ đích?”
Bạn sáng tạo cho người khác, nội dung của bạn cần thỏa mãn ít nhất một nỗi đau, nỗi băn khoăn, những vấn đề mà người khác đang gặp phải. Nhưng thử hỏi, sẽ có bao nhiêu người có cùng một nỗi băn khoăn, bao nhiêu người có cùng một vấn đề không biết cách giải quyết, ai sẽ cùng quan tâm đến du học Trung Quốc, ai sẽ cùng quan tâm đến việc học thạc sĩ tại Úc? Chỉ một-nhóm-người.
Và bạn thì đang muốn giúp đỡ nhóm người đó, thông qua kinh nghiệm và kiến thức của bạn. Nội dung của bạn cần tập trung vào họ và vấn đề của họ, điều đó mới giúp bạn thu hút sự chú ý của họ. Từ đó, họ mới tiêu thụ nội dung của bạn. Và nếu nó giải quyết được nỗi băn khoăn của họ, họ sẽ trở thành khán giả trung thành của bạn. Đó có phải là điều mà nhà sáng tạo nội dung nào cũng mong muốn? Vậy thì, để đạt được điều đó. Bạn cần, sáng tạo nội dung có chủ đích.
Câu hỏi phụ: Nếu bạn biết mình muốn sáng tạo nội dung cho người khác, vì người khác. Nhưng vẫn cố chấp, không sáng tạo nội dung có chủ đích thì có sao không?
Câu trả lời là: Bạn sẽ không khẳng định được vị trí của mình trước hằng hà sa số những creator sáng tạo nội dung có chủ đích khác. Bạn không tạo ra được giá trị cụ thể cho bất kỳ nhóm người cụ thể nào. Không có thành quả, bạn mau chóng trở nên thiếu động lực, thiếu sự tự tin. Kết quả tất yếu là bạn sẽ bị “nhấn chìm” khỏi vũ trụ sáng tạo - nơi có những creator đang thực sự tạo ra nhiều giá trị thiết thực cho người khác.
II. Vậy, làm thế nào để sáng tạo nội dung có chủ đích?
Mình sẽ ví dụ với việc viết. Nếu bạn đang sáng tạo với các phương thức khác ngoài viết, bạn có thể làm tương tự.
1. Để sáng tạo nội dung có chủ đích, hãy bắt đầu bằng cách làm rõ câu trả lời cho các câu hỏi sau đây:
1.1 Bạn sẽ viết cho ai?
Bạn hãy luôn nhớ rằng: Bạn không thể tiếp cận tất cả. Nhưng bạn có thể chọn người mà bạn sẽ chạm tới. Vậy bạn sẽ viết nó cho ai? Họ tin tưởng điều gì? Họ muốn gì? Câu chuyện của họ là gì? Họ đang gặp khó khăn gì? Cụ thể hơn nữa, ai đã làm tổn thương họ, ai truyền cảm hứng cho họ?
Sau khi trả lời những câu hỏi trên, chân dung độc giả mục tiêu của bạn sẽ rõ ràng hơn rất nhiều.
1.2 Nội dung đó giải quyết vấn đề gì?
Bạn đã xác định được đối tượng. Bạn đã xác định được những vấn đề đối tượng đang gặp phải. Và cả những điều mà đối tượng này đang mong muốn được thay đổi, được cải thiện, được bứt phá ra khỏi những định kiến kìm hãm bản thân.
Vậy bạn cần viết cho đối tượng này những nội dung gì? Nội dung nào thật sự giúp đối tượng tạo ra sự thay đổi? Nó giải quyết vấn đề gì của độc giả? Theo cách thức nào? Hãy sẵn sàng mô tả về sự thay đổi mà bạn muốn tạo ra cho đối tượng. Mô tả càng rõ ràng, nội dung của bạn càng dễ tập trung vào mục đích đó. Khi ấy, nội dung càng hiệu quả và có nhiều giá trị với đối tượng.
Bạn nghĩ nội dung của bạn có gì hấp dẫn đối tượng mục tiêu? Ngoài việc nó giải quyết được nỗi đau và niềm băn khoăn của họ về một vấn đề, thì điểm “chạm” của nội dung nằm ở đâu? Khác biệt của nội dung bạn tạo ra so với rất nhiều những nội dung ngoài kia là gì?
1.3 Bạn sẽ chọn nền tảng nào để bắt đầu viết và chia sẻ nội dung?
Đâu là nơi người đọc của bạn tìm đến và nán lại nhiều nhất, lâu nhất?
Đâu là nơi nội dung viết được tối ưu và ưu tiên tiếp cận nhất?
Nền tảng nào bạn thông thạo nhất? Nơi mà bạn có thể phát huy các thế mạnh của mình để sáng tạo nội dung cách tốt nhất.
Sự đầu tư vào nền tảng nào phù hợp nhất với tình hình kinh tế/ tài chính của bạn hiện tại?
Trả lời các câu hỏi trên, kết hợp chúng lại và tìm ra cho nội dung của bạn một “nơi chốn” thích hợp để gửi gắm chúng.
Cuối cùng, để có thể tạo ra nội dung có chủ đích. Trước hết, chính bạn cần phải biết “chủ đích” ấy là gì? Sau đó là, đừng trốn tránh các câu hỏi nêu trên. Hãy liên tục khám phá và cho ra những câu trả lời càng chi tiết, càng rõ ràng hơn càng tốt.
Chúng ta đều đã ít nhất một lần sáng tạo nội dung có chủ đích.
Ví dụ: Khi muốn crush để ý đến bạn, hẳn là bạn biết mình nên đăng gì, vào thời điểm nào và caption ra sao để thu hút được sự chú ý và nhận được phản hồi đúng không? Sáng tạo nội dung cũng không khác việc đó là mấy, chỉ khác là việc sáng tạo nội dung có chủ đích hướng đến đối tượng mục tiêu lớn hơn, khó để tiếp cận và đo lường hiệu quả hơn.
Vấn đề ở đây là làm sao để thay đổi mật độ đó từ một-lần, thỉnh-thoảng, đến thường-xuyên. “Liên tục thực hành và thử nghiệm”, chính điều đó sẽ là chìa khóa giúp bạn giải quyết khó khăn này.
2. Để sáng tạo nội dung có chủ đích, bạn cần nhiều hơn trong mình sự-thấu-cảm
Nếu đối tượng bạn hướng tới càng khác biệt so với bạn, thì bạn càng cần nhiều sự thấu cảm để tạo ra thay đổi mà mình muốn.
“Đây là kết quả của sáng tạo có chủ đích - Tạo ra thay đổi cho người khác.” - Seth Godin -
Ví dụ: Bạn trưởng thành hơn vì trong quá trình đó, luôn có một “người hướng dẫn” dẫn dắt và chỉ bảo, đồng hành cùng bạn. Sau này, bạn muốn trở thành người hướng dẫn cho người khác, vì muốn họ cũng trưởng thành tốt đẹp như vậy. Nhưng với đối tượng đó, trước khi bạn xuất hiện, dòng đời đã xô đẩy họ đến mức chai sạn với đạo đức, lì lợm trước các giá trị, đau đáu với các tổn thương. Bạn không hiểu được điều đó, bạn chưa từng trải qua. Vì vậy, bạn càng cần trang bị cho mình khả năng đặt bản thân vào trường hợp của người đó, thấu cảm với họ, hiểu sự lựa chọn của họ, bên cạnh việc giữ sự sáng suốt của mình, và giúp họ bước ra khỏi nơi tối tăm.
III. Kết luận
Bạn không thể ra lệnh cho người khác cảm nhận đúng những gì bạn muốn họ cảm nhận. Vì vậy, tất cả những gì bạn có thể làm là chọn đúng người, mang đến cho họ đúng nội dung, theo đúng cách với một mục tiêu đúng đắn. Rồi sau đó để họ tự thay đổi trạng thái cảm xúc, lối tư duy, hành động của mình.
Và “sáng tạo nội dung có chủ đích” giúp bạn làm điều đó.
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
tấm hình cover design quá đẹp luôn