Mình đã dần rèn luyện tư duy phát triển trong sáng tạo như thế nào?
Thay vì nói “Mình không làm được”, hãy nói rằng “Mình chưa làm được”
Gần đây, mình biết đến cuốn sách “Mindset: The New Psychology of Success” (tâm lý học thành công). Mình ước gì rằng mình được đọc nó sớm hơn. Vì nhờ cuốn sách, mình mới biết đến và hiểu thêm về khái niệm growth mindset. Là một người mới bước chân vào sáng tạo nội dung, mình học được rất nhiều từ đây để có định hướng phát triển rõ ràng hơn.
Bài viết này sẽ truyền tải đến bạn những điều mình đúc kết được sau khi đọc cuốn sách ấy và gợi ý rèn luyện growth mindset cho newbie content creators.
1 - Tư duy cố định và tư duy phát triển
Quyển sách “Mindset: The New Psychology of Success” của tác giả Carol Dweck mô tả những nghiên cứu của bà, xoay quanh về tầm ảnh hưởng của tư duy con người dẫn đến sự thành công. “Dù cùng đối mặt với một thử thách, người thì thành công, người thì không?”.
Khi đọc sách, bạn sẽ được bà Carol Dweck “dẫn tour” trên chuyến hành trình làm chủ luồng suy nghĩ ảnh hưởng đến chúng ta. Quyển sách nhắc đến 2 loại tư duy được rút ra sau rất nhiều nghiên cứu và khảo sát: Tư duy phát triển (growth mindset) và Tư duy cố định (fixed mindset).
Tư duy cố định (fixed mindset)
Đây là lối tư duy coi trọng khả năng thiên bẩm. Những người sở hữu mindset này mặc định năng lực của con người là có hạn và không thể thay đổi nên chẳng hà cớ gì phải tốn thời gian vào những thứ mình không giỏi.
Họ thường có xu hướng chứng minh bản thân mình và bất kỳ tình huống nào cũng sẽ được họ phân ra thành: Thành công hay thất bại? Chiến thắng hay thua cuộc? Trông bản thân thông minh hay thật ngốc nghếch?
Thật bất ngờ, mình đã gặp rất nhiều người như thế và thậm chí mình còn nhìn thấy được hình bóng của bản thân. Xã hội của chúng ta luôn đề cao những người có trí thông minh, tính cách tốt và nhân cách tuyệt vời. Mình có thì mình “khoe” thôi? Không có gì là lạ hết. Thế nhưng, cũng chính vì điều này, chúng ta ngại đối diện với những gì mình làm không tốt. Đó cũng là lối tư duy cố định, nếu ta phân loại một sự việc ra: Thành công hay thất bại thì đương nhiên sẽ chẳng có ai chọn thất bại cả.
Đây cũng là lúc bà Carol Dweck đưa ra mindset thứ 2: “Tư duy phát triển”
Tư duy phát triển (Growth Mindset)
Ngược lại với Fixed Mindset, đây là lối tư duy tin vào tiềm năng của mỗi người. Những người thuộc nhóm tư duy này coi trọng sự nỗ lực hơn khả năng thiên bẩm. Những người thuộc nhóm tư duy cố định, khi nhìn vấn đề cần giải quyết, họ sẽ chỉ nghĩ đến việc thắng hoặc thua. Thắng thì làm vua, lỡ xui bị thua thì làm giặc. Trong khi đó, nhóm tư duy phát triển xem vấn đề là điểm khởi đầu. Nếu gặp thất bại, họ cũng sẽ đón nhận thật bình tĩnh và rút ra bài học cho bản thân mình.
Tại sao phải giấu đi thất bại trong khi bạn có thể học hỏi và thành công vượt qua chúng? Đây cũng chính là mindset sẽ giúp cho con người có thể vượt qua được những khoảng thời gian đen tối, khó khăn nhất trong cuộc đời.
Mình cũng có một số trải nghiệm cá nhân liên quan đến 2 loại tư duy này. Từ cuối năm 2023, mình từ một sinh viên dược có hứng thú với lĩnh vực sáng tạo.
Mình quyết định thử sức với viết lách đầu tiên, cụ thể là viết content long-form cho trang Newsletter của Vũ trụ Creator. Thực sự, bài đầu tiên mình viết nhận được rất nhiều feedback sửa đi sửa lại từ mọi người trong team. Mình đã cố gắng trau chuốt nhất có thể, nhưng vì là cây viết mới nên bài của mình nhiều lỗi cực kỳ. Phải thú thật, cảm xúc của mình khi ấy có chút tiêu cực vì đã thể hiện không tốt nhưng mình đã nhanh chóng lấy lại tinh thần để cải thiện bài viết.
Sau khi phản tư, mình nhận ra lúc mình tiêu cực, chính là thời điểm mình có fixed mindset. Mình buồn vì đã “thua” trong việc thể hiện mình. Nhưng việc mình chấp nhận và học từ sai lầm lại là dấu hiệu của tư duy phát triển. Tại thời điểm sự việc xảy ra, mình không có khái niệm về 2 lối tư duy này. Mãi cho đến gần đây, khi mình đọc sách của tác giả Carol Dweck, mình mới nhận ra được.
2 - Rèn luyện tư duy tăng trưởng trong sáng tạo nội dung
Đôi khi, chúng ta hay gặp những câu mang tính khẩu hiệu cho việc xây dựng growth mindset như “Hãy bước ra khỏi vùng an toàn!”, “Tin vào bản thân!”,... Đương nhiên, những người có tư duy cố định hoàn toàn có thể nói “Thất bại là mẹ thành công”, “Nỗ lực là chìa khóa”,... Những câu “biểu tượng” như này nhan nhản khắp mọi nơi. Nói thì hay nhưng áp dụng được vào cuộc sống mới là thử thách.
Một số tips mình đã áp dụng và cảm thấy hiệu quả như sau:
Sức mạnh của từ “Yet”
Theo bà Carol, một sự thay đổi nhỏ về từ ngữ sẽ tạo ra sức mạnh đáng kinh ngạc. Đó là từ “Yet” - “Vẫn chưa”. Thay vì nói “mình không làm được”, hãy nói rằng “mình chưa làm được”. Sự thay đổi này là bước đầu tiên để rèn luyện tư duy phát triển.
Bước chân vào một lĩnh vực mới như sáng tạo nội dung, mình đang khai thác tiềm năng của bản thân. Vì là người mới, mình luôn nghĩ mình cần học hỏi thật nhiều, thay vì tự cảm thấy thất vọng vì không đủ giỏi. Mình luôn “niệm” câu thần chú này mỗi ngày. Tự cổ vũ mình bằng những câu từ tích cực như thế khiến mình càng có nhiều động lực để học hỏi nhiều hơn.
Lắng nghe chủ động
Hãy chủ động xin góp ý và lắng nghe ý kiến của những người khác, đừng ngần ngại trao đổi kĩ hơn để hoàn thiện. Chủ động lắng nghe cũng chính là việc bạn không ngần ngại khi được người khác chỉ ra điều mình làm chưa tốt.
Nghe góp ý nhiều, lâu dần cũng thành quen, mình không còn “để bụng” mỗi khi lắng nghe góp ý từ người khác, cũng như không sợ nói “Mình chưa biết”. Mình còn một hành trình rất dài để học hỏi, chưa biết điều gì đó cũng là chuyện bình thường - mình tự nhủ.
Khi áp dụng rồi mới biết thật thần kỳ. Lắng nghe chủ động và trao đổi về những điều mình làm chưa tốt sẽ giúp bạn bớt sợ bị người khác đánh giá. Thay vì tập trung xem người khác nghĩ gì về mình, bạn sẽ tập trung vào việc mình đã học được gì.
Group “Vũ trụ Creator” của chúng mình ra đời cũng vì mục đích này. Chúng mình luôn cố gắng xây dựng một cộng đồng lành mạnh, nơi mà mọi người có thể giúp đỡ nhau trên hành trình sáng tạo nội dung. Đều là những người làm tự do, chính mình thông cảm được việc “đi một mình” chật vật đến mức nào. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc gì cần được giải đáp, không chỉ riêng admin thuộc team Vũ trụ Creator mà sẽ có tất cả 10.000+ content creators trong group sẵn sàng giúp đỡ bạn.
Giao lưu với những cá nhân sở hữu growth mindset
Thất bại có thể là một trải nghiệm đau đớn. Nhưng nếu bạn tìm được một môi trường phù hợp, kết giao với những con người giúp bạn nhận ra “Thất bại không định nghĩa con người, nó là bài học”, bạn sẽ tiến bộ rất nhanh.
Khi chơi với ai đó đủ lâu, bản thân mình nhận ra mình bị “nhiễm” từ họ. Thật ra, đó cũng là dấu hiệu của việc học hỏi lẫn nhau dù vô ý thức hay có chủ đích: Học được cách nói chuyện, mindset của nhau, học cả những điều tốt đẹp hay thói hư tật xấu.
Ông bà ta có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” hay “Chọn bạn mà chơi” đều có lí do cả. Kết giao với những người có lối tư duy phát triển cũng là một hình thức rèn luyện thụ động lối tư duy này.
Chia nhỏ mục tiêu
Sẽ không có bất kỳ ai sở hữu tư duy phát triển thuần túy. Mỗi người chúng ta đều tồn tại fixed mindset và growth mindset. Cách giải quyết chính là hãy chia nhỏ mục tiêu của bạn. Đạt được những mục tiêu nhỏ sẽ mang đến động lực để bạn cố gắng tiếp với những mục tiêu lớn hơn.
Ví dụ, bạn đang muốn xây dựng một kênh Facebook mà chưa biết bắt đầu từ đâu, chúng mình có Facebook Starter Kit để giúp bạn chia nhỏ mục tiêu khi bắt đầu. Hay bạn muốn xây Podcast, chúng mình cũng có những bước gợi ý để bạn bắt đầu ở đây. Khi thực hiện khảo sát trước ngày 25/01/2024, bạn sẽ nhận được một checklist 1 Checklist Podcast Planner: checklist A-Z các bước cần thực hiện cho một kênh Podcast hoàn chỉnh.
Phía trên mình cũng đã đề cập, nền văn hóa của chúng ta đề cao những giá trị như trí thông minh, nhân cách tuyệt vời,… Vậy nên, sâu thẳm trong chúng ta, không ai thích thất bại cả. Thất bại nhiều khiến chúng ta rất nản.
Đây là lúc việc chia nhỏ mục tiêu và đạt được những mục tiêu nhỏ sẽ là những lời động viên tuyệt vời. Vì mỗi khi hoàn thành được một mục tiêu, bạn sẽ thấy mình tiến bộ và tự hào về bản thân rất nhiều.
Tự tạo động lực cho bản thân, tạo lòng tin mình đang đi đúng hướng cũng là cách để duy trì sự học hỏi.
Lời kết
Bản thân mình cũng đang cố gắng thay đổi tư duy theo những cách trên mỗi ngày. Rèn luyện growth mindset là một hành trình dài.
Nhưng chỉ khi kiên trì đến cùng, bạn mới nhận được những bài học quý giá. Chúc các bạn thành công trên con đường sáng tạo, và cả sự nghiệp lâu dài của mình.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng Vũ trụ Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của Vũ Trụ Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu bạn muốn tìm Vũ Trụ Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
Follow @vutrucreator để bứt phá trên hành trình sáng tạo!