Những hiểu lầm phổ biến nhất về thương hiệu cá nhân
Mà bạn nhất định, nhất định phải tránh!
Khái niệm về “thương hiệu cá nhân”, ngày nay được nhắc đến rất nhiều, rất thường xuyên, và ở gần như khắp mọi nơi.
Tuy vậy, nó cũng vẫn thường xuyên bị hiểu lầm một cách tai hại. Mình biết, vì mình đã không ít lần phải đứng ra tranh luận về đề tài này.
Người “ngoại đạo” hiểu sai đã đành. Thậm chí đến chính những người làm nội dung, cũng mắc phải những định kiến sai lệch về “thương hiệu cá nhân”. Bản thân mình cũng đã phải tự cật vấn bản thân rất nhiều để có thể tháo gỡ.
Vậy, sự thật là gì? Trong bài viết này, mình sẽ cùng bạn “vạch trần” những hiểu lầm ấy.
1. Thương hiệu cá nhân là… tự đánh bóng tên tuổi?
“Thương hiệu cá nhân nghĩa là phải ra vẻ, phải hô hào sống ảo, phải thể hiện ra một sự thành công hào nhoáng nào đó đầy gượng ép!”
Câu nói trên mình chỉ đang “diễn” lại từ những lời phê phán mình từng nghe. Và nó không thể sai sự thật hơn được nữa.
Đành rằng, xây dựng thương hiệu cá nhân cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải xuất hiện thường xuyên, phải thể hiện ra được năng lực, kinh nghiệm và chuyên môn của bản thân mình. Nhưng nó hoàn toàn khác biệt với việc thu hút sự chú ý về mình đơn thuần. Thậm chí, việc nói về bản thân mình quá nhiều (như một vài “ai đó”) đôi khi lại còn phản tác dụng.
Thay vào đó, xây dựng thương hiệu cá nhân đòi hỏi chúng ta phải hướng ra bên ngoài, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của một nhóm đối tượng cụ thể, và bằng một cách có chủ đích. Hay nói cách khác, chúng ta phải tạo ra được giá trị cho khán giả.
Giá trị được tạo ra khi bạn chia sẻ những nội dung hữu ích, tạo được sự đồng cảm, gắn kết với người theo dõi. Nhiều khi việc ấy yêu cầu chúng ta phải gạt bỏ “cái tôi” nhiều hơn là xây đắp “cái tôi”. Đừng gồng!
Trong khi đó, những sự khoe mẽ về bản thân thường không tạo ra được giá trị gì. Và nhất là khi chúng ta không thể hiện được gì để minh chứng cho những sự tự thổi phồng ấy.
Đừng quên, một thương hiệu cá nhân chất lượng không bắt nguồn từ sự vị kỷ, mà phải là từ sự vị tha.
2. Người hướng nội không làm được thương hiệu cá nhân
Điều này hoàn toàn không đúng!
Người hướng ngoại sẽ có một chút lợi thế hơn lúc ban đầu, khi họ đã có sẵn một xu hướng tự nhiên là muốn chia sẻ tiếng nói của mình. Nhưng điều ấy không có nghĩa rằng người hướng nội không làm được. Chỉ là họ sẽ cần đến “kỹ năng” thay vì “bản năng”. Thậm chí, người hướng nội còn có một số thế mạnh riêng khác nữa.
Chẳng hạn như với mình, một đứa với hơn 80% hướng nội (dựa theo kết quả các bài trắc nghiệm tính cách), mình vẫn tạo dựng được một thương hiệu cá nhân ấn tượng với hàng chục ngàn người theo dõi. Mình đã phải đối diện với rất nhiều rào cản của bản thân, rèn luyện những kỹ năng ngoại giao cần thiết… và đến khi mình đạt được kết quả tốt, thì cũng không ít người bạn hướng ngoại đã phải… tò mò muốn biết bí mật của mình là gì!
Nói cách khác, “hướng nội” hay “hướng ngoại” cũng chỉ nói đến việc chúng ta ưu tiên đời sống bên trong hay đời sống bên ngoài hơn mà thôi. Nó không nói lên được gì về năng lực, phẩm chất, và giá trị con người chúng ta cả. Mà chính những điểm này, mới là yếu tố quyết định thương hiệu cá nhân của bạn thành công tới đâu.
Đừng để chiếc nhãn mác “hướng nội” khiến bạn lầm tưởng rằng mình không thể!
3. Thương hiệu cá nhân chỉ diễn ra trên mạng xã hội
Mình có thể phần nào hiểu được vì sao nhiều người lại nghĩ như vậy.
Khái niệm về “thương hiệu cá nhân” mới chỉ xuất hiện trong vòng khoảng 2 thập kỷ gần đây, kể từ khi internet xuất hiện và trở nên phổ biến.
Tuy vậy, “thương hiệu cá nhân” không phải chỉ nằm ở việc chiếc profile của bạn trau chuốt tới đâu, có bao nhiêu người theo dõi, hay nội dung bạn đăng tải viral thế nào. Không, nó thực chất có nguồn gốc sâu xa hơn như vậy, và âm thầm diễn ra ở cả cuộc sống ngoại tuyến. Để mình lấy chút ví dụ:
Thương hiệu cá nhân của bạn được thể hiện rõ nét qua việc bạn tham gia vào những hoạt động gì, những dự án gì, giao lưu kết nối với những mối quan hệ nào, hoặc đã tạo dựng được uy tín ra sao trong những công việc trước đây. Nó đôi khi còn phản ánh ngay trong cách bạn ăn nói, ứng xử, trong cách bạn trình bày chiếc CV, gửi chiếc e-mail, trong những kết quả mà bạn đạt được trong lĩnh vực chuyên môn của mình...
Tất cả những yếu tố đó, sẽ hợp lại để gián tiếp nói lên rằng bạn là ai.
Đừng quên, thương hiệu cá nhân là những gì người khác nghĩ về bạn, phần nào dựa trên những gì bạn thể hiện ra, cho dù là vô ý hay hữu ý. Mạng xã hội là một công cụ tuyệt vời, nhưng chỉ là một trong số rất nhiều cách để bạn làm được điều đó mà thôi. Hãy thử nhìn rộng ra hơn.
4. Phải là chuyên gia mới có thể làm thương hiệu cá nhân
Mình không nghĩ vậy.
Nhãn hiệu “chuyên gia” hẳn là sẽ giúp cho thương hiệu cá nhân của bạn trông thật “xịn sò”. Nhưng đừng quên, để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực cần đến một khoảng thời gian dài phát triển, cũng giống như quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân vậy.
Song song với quá trình phát triển chuyên môn của mình, nếu như bạn kết hợp với việc chia sẻ, tạo ra giá trị… thì bạn cũng sẽ đồng thời tạo được thêm tầm ảnh hưởng, có được thêm nhiều cơ hội, khiến con đường trở thành chuyên gia… cũng trở nên gần và nhanh hơn!
Nếu như cảm thấy lo lắng, bạn có thể chia sẻ từ góc nhìn, trải nghiệm cá nhân, hoặc từ chính hành trình học hỏi của mình. Bạn có thể chưa phải nhân vật uy quyền nhất trong lĩnh vực ngách đó. Nhưng rất có thể, những chia sẻ của bạn lại giúp ích được cho ai đó còn ít kinh nghiệm hơn bạn.
Mình thường hay nói: “Đừng chờ tới khi làm chuyên gia rồi mới bắt đầu chia sẻ. Trong nhiều trường hợp, phải chia sẻ thì mới trở thành chuyên gia được”. Nghe hơi nghịch lý phải không? Logic đằng sau đó là gì?
Là khi đó, nhãn hiệu “chuyên gia” không phải là cách bạn tự gọi mình, mà được trao cho bạn từ những người được nhận giá trị từ bạn.
Kết luận
Mắc phải những hiểu lầm trên có lẽ không khiến bạn phải chịu hậu quả gì nghiêm trọng. Nhưng nó sẽ hạn chế bạn rất nhiều trên hành trình phát triển của mình.
Ngày nay, nhu cầu phát triển thương hiệu cá nhân và tạo dựng tầm ảnh hưởng đang ngày càng trở nên quan trọng và thiết thực hơn bao giờ hết. Một cái hiểu đúng, không thiên vị, sẽ giúp bạn tìm ra được vô vàn những cánh cửa cơ hội, tận dụng được sức mạnh tuyệt vời của thương hiệu để tự biến mình trở nên không thể thay thế.
Vậy, hãy trung thực với mình nhé, bạn đang mắc phải định kiến nào trong số 4 định kiến trên đây?
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!