7 bước cơ bản để trở thành content creator trong năm 2025
Tấm bản đồ giúp bạn không còn mông lung...
Content creator – nhà sáng tạo nội dung – không còn là khái niệm xa lạ với thời đại kỷ nguyên số. Với sự bùng nổ của các nền tảng như YouTube, TikTok, Instagram, cũng như sự phát triển của marketing đa kênh, nghề content creator không chỉ là sân chơi sáng tạo mà còn trở thành một hướng đi sự nghiệp bền vững.
Tuy nhiên, việc bắt đầu không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ 7 bước cần thiết để bắt đầu hành trình này một cách có chủ đích. Từ đó, bạn sẽ bớt hoang mang và có cho mình những hướng đi cụ thể hơn. Cùng mình khám phá nhé.
Ngày 17/12, VTC có buổi live-training diễn ra trên Zoom, miễn phí cho thành viên Private Community của Vũ Trụ Creator, nhưng bạn có thể đăng ký tham gia riêng buổi này tại đây.
1. Xác định lý do bạn muốn trở thành content creator
Mỗi câu chuyện đều bắt đầu từ câu hỏi “Tại sao?”. Việc trở thành content creator không chỉ là vấn đề theo xu hướng hay chạy theo danh vọng. Hãy tìm hiểu động lực thực sự của bạn:
Đó là đam mê chia sẻ kiến thức?
Mong muốn xây dựng cộng đồng?
Hay đơn giản bạn cần một nguồn thu nhập mới, bên cạnh thu nhập hiện tại?
Ví dụ, bạn bắt đầu hành trình content creator của mình với mục tiêu rất rõ ràng: chia sẻ kinh nghiệm làm freelance để giúp những người mới tránh được các sai lầm mà bạn đã từng mắc phải. Động lực của bạn chính là được nhìn thấy những newbie freelancer khác cũng có cuộc sống tự do, và tự chủ như bạn hiện tại.
Tuy nhiên, đôi khi, động lực này không đến ngay từ đầu. Ban đầu, bạn có thể chỉ muốn thử sức, nhưng qua thời gian, bạn nhận ra sức mạnh của việc kể câu chuyện và giá trị mình mang lại cho cộng đồng.
Chính việc trả lời được câu hỏi "tại sao" sẽ giúp bạn kiên trì, ngay cả trong những thời điểm bạn không có kết quả như mong đợi.
Hành động cụ thể:
Dành 15 phút viết xuống lý do tại sao bạn muốn trở thành content creator.
Tạo danh sách 3 mục tiêu ngắn hạn (ví dụ 3 tháng) và 3 mục tiêu dài hạn (ví dụ 6 tháng)
Tự hỏi: Nếu không có lượt like, comment, hoặc bất kỳ sự công nhận nào, bạn có tiếp tục làm nội dung không? Câu trả lời sẽ giúp bạn hiểu rõ mức độ cam kết của mình.
Xem lại danh sách mục tiêu này thường xuyên (có thể mỗi tháng) để đánh giá tiến độ và điều chỉnh khi cần.
Trò chuyện với một người bạn thân thiết hoặc mentor để xác nhận lý do và nhận phản hồi khách quan.
2. Hiểu rõ bản thân và chọn lĩnh vực ngách (niche)
Lĩnh vực ngách (niche) là nơi bạn tập trung sáng tạo nội dung để kết nối với một nhóm khán giả cụ thể. Việc chọn đúng niche không chỉ giúp bạn nổi bật mà còn giúp bạn tạo ra nội dung sâu sắc, có giá trị. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về chính bản thân và khả năng của bạn.
Ví dụ, khi mới bắt đầu hành trình content creator, A có thể khá lúng túng trong việc chọn niche. A thử sức với nhiều lĩnh vực, từ chia sẻ mẹo làm việc hiệu quả đến các bài viết truyền cảm hứng. Tuy nhiên, A nhanh chóng nhận ra rằng nội dung của mình thiếu sự nhất quán và không tạo được dấu ấn rõ ràng.
Sau một giai đoạn thử nghiệm, A quyết định tập trung vào chủ đề "làm freelance và phát triển bản thân". Đây là lĩnh vực mà A vừa có kinh nghiệm thực tế, vừa đam mê chia sẻ.
Kể từ khi chọn niche này, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn: A biết mình nên nói gì, viết gì, và nhắm đến ai. Kết quả là, A thu hút được một nhóm khán giả trung thành, những người thực sự quan tâm và tương tác với nội dung của cậu ấy.
Ví dụ: Thay vì chọn “Fitness”, bạn có thể tập trung vào “Fitness cho dân văn phòng”.
Vì sao cần hiểu rõ bản thân để chọn niche?
Phát huy thế mạnh cá nhân: Niche của bạn nên dựa trên kỹ năng, kinh nghiệm và đam mê. Điều này giúp bạn tạo ra nội dung sâu sắc và bền bỉ theo thời gian.
Hướng đến khán giả cụ thể: Một lĩnh vực ngách rõ ràng giúp bạn dễ dàng xác định đối tượng mục tiêu, từ đó tối ưu hóa thông điệp và giá trị bạn mang lại.
Khác biệt hóa bản thân: Trong một thế giới ngập tràn thông tin, việc chọn một niche đặc biệt giúp bạn nổi bật và được khán giả nhớ đến.
Làm thế nào để chọn đúng lĩnh vực ngách?
1. Đánh giá bản thân:
Viết ra 3-5 chủ đề mà bạn đam mê và có kiến thức hoặc kinh nghiệm thực tế.
Tự hỏi: “Tôi có thể nói về chủ đề này trong 3-5 năm tới mà không chán không?”
Lấy ví dụ: Nếu bạn yêu thích nấu ăn và có kiến thức sâu về món chay, hãy cân nhắc làm nội dung xoay quanh “ẩm thực chay cho người bận rộn”.
2. Nghiên cứu thị trường:
Kiểm tra xem niche của bạn có đủ khán giả tiềm năng không bằng cách tìm kiếm trên Google, YouTube hoặc các nền tảng mạng xã hội.
Xem xét những lĩnh vực ngách mà các content creators khác chưa khai thác sâu.
3. Kết hợp đam mê và nhu cầu khán giả:
Niche lý tưởng là sự giao thoa giữa điều bạn thích, điều bạn giỏi, và điều mà khán giả cần.
Ví dụ: Bạn đam mê viết lách, giỏi về storytelling, và nhận thấy nhiều người muốn học viết. Từ đó, bạn có thể tập trung vào niche “viết sáng tạo cho người mới bắt đầu”.
Hành động cụ thể:
Tạo danh sách: Liệt kê 5 điều bạn yêu thích và có thế mạnh, sau đó thu hẹp lại 1-2 lĩnh vực bạn tự tin nhất.
Phân tích đối thủ: Nghiên cứu các content creators khác trong lĩnh vực tương tự để tìm khoảng trống (gap) mà bạn có thể lấp đầy.
Kiểm tra khả năng duy trì: Hãy thử sản xuất 5-10 nội dung xoay quanh niche bạn chọn để kiểm tra xem bạn có cảm thấy phù hợp không.
Đặt mục tiêu: Xác định mục tiêu cụ thể trong niche, ví dụ: tăng lượng người theo dõi hoặc xây dựng một cộng đồng chuyên biệt trong 6 tháng.
Điều chỉnh theo phản hồi: Theo dõi hiệu suất nội dung và phản hồi từ khán giả để tinh chỉnh niche khi cần thiết.
Chọn niche không phải là việc làm một lần là xong; nó là quá trình phát triển cùng bạn. Hãy bắt đầu với lĩnh vực bạn tin tưởng, và để thời gian cùng sự tương tác từ khán giả giúp bạn định hình con đường phía trước rõ ràng hơn.
3. Chọn nền tảng phù hợp
Khi bắt đầu hành trình trở thành content creator, một trong những quyết định quan trọng nhất là chọn nền tảng phù hợp.
Trong suốt hai năm làm việc trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, mình đã nhận ra rằng việc lựa chọn sai nền tảng không chỉ làm mất thời gian mà còn khiến bạn dễ nản lòng vì không thấy kết quả.
Ngược lại, một nền tảng phù hợp sẽ trở thành "bệ phóng," giúp bạn tối ưu hóa sức mạnh của nội dung và kết nối với khán giả.
Ví dụ, ban đầu, A lao vào sử dụng nhiều nền tảng cùng lúc: YouTube, Instagram, và cả viết blog cá nhân. Tuy nhiên, sau vài tháng, A cảm thấy quá tải và không thấy hiệu quả rõ rệt ở bất kỳ nền tảng nào.
Sau khi đánh giá lại mục tiêu và thế mạnh, A quyết định tập trung vào Facebook vì đây là nơi A có thể tận dụng tốt nhất khả năng viết lách của mình. Chỉ sau 6 tháng, kênh của A bắt đầu có sự tăng trưởng rõ rệt, và A đã ngay lập tức nhận ra giá trị của việc tập trung.
Cách chọn nền tảng dựa trên mục tiêu và thế mạnh:
Tìm hiểu đặc điểm của từng nền tảng:
YouTube: Tốt cho nội dung dài, có chiều sâu và tập trung vào video.
Instagram: Phù hợp để xây dựng thương hiệu cá nhân thông qua hình ảnh và video ngắn.
TikTok: Tối ưu cho nội dung ngắn, giải trí và sáng tạo.
Blog: Lựa chọn tuyệt vời nếu bạn thích viết và muốn tối ưu hóa qua công cụ tìm kiếm (SEO).
Hiểu khán giả mục tiêu của bạn: Khán giả của bạn dành thời gian ở đâu? Họ thích loại nội dung nào? Chẳng hạn, nếu bạn nhắm đến Gen Z, TikTok là lựa chọn không thể bỏ qua. Nếu bạn muốn thu hút những người làm kinh doanh, LinkedIn là nơi nên tập trung.
Đánh giá khả năng cá nhân: Bạn có thích xuất hiện trước máy quay không? Hay bạn thoải mái hơn khi thể hiện bản thân qua chữ viết? Điều này sẽ giúp bạn chọn một nền tảng phù hợp với phong cách làm việc của mình.
Hành động cụ thể:
Dành một buổi để nghiên cứu đặc điểm của 3-5 nền tảng mà bạn hứng thú.
Viết ra danh sách các thế mạnh cá nhân và so sánh với yêu cầu của từng nền tảng.
Chọn một nền tảng chính để đầu tư thời gian, và một nền tảng phụ để thử nghiệm.
Theo dõi kết quả trong 3 tháng, sau đó điều chỉnh nếu cần.
Tìm kiếm và học hỏi từ những content creators thành công trên nền tảng mà bạn đã chọn.
Việc chọn đúng nền tảng giống như tìm được "đất lành" để gieo mầm sáng tạo. Đừng quá tham vọng chạy theo mọi xu hướng, mà hãy tập trung vào nơi bạn có thể phát huy tối đa giá trị của mình.
4. Chuẩn bị nền tảng kỹ năng cần thiết
Kỹ năng là yếu tố then chốt giúp bạn nổi bật giữa một rừng content creators. Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của mình và những nghiên cứu, dưới đây là các kỹ năng bạn nên tập trung phát triển, được chia thành hai nhóm: kỹ năng cứng và kỹ năng mềm.
4.1. Kỹ năng cứng
Lập kế hoạch nội dung: Hiểu rõ cách xây dựng lịch nội dung, nghiên cứu từ khóa, và xác định các chủ đề phù hợp với khán giả mục tiêu. Công cụ như Google Calendar hay Trello có thể giúp bạn tổ chức hiệu quả.
SEO (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm): Tìm hiểu các nguyên tắc SEO để nội dung của bạn dễ tìm thấy hơn. Bạn có thể bắt đầu với các công cụ như SEMrush hoặc Moz để phân tích từ khóa và cải thiện thứ hạng nội dung của mình.
Phân tích dữ liệu: Học cách đọc và sử dụng dữ liệu từ Google Analytics hoặc YouTube Analytics để đánh giá hiệu quả nội dung, từ đó đưa ra quyết định sáng tạo phù hợp.
Viết lách: Kỹ năng kể chuyện (storytelling) và copywriting sẽ giúp bạn thu hút khán giả ngay từ những dòng đầu.
Thiết kế: Dù chỉ là những đồ họa đơn giản, sự trình bày đẹp mắt giúp bạn tăng sự chuyên nghiệp và ghi điểm trong mắt khán giả. Bạn không cần phải là một người thiết kế chuyên nghiệp. Hiện tại có khá nhiều công cụ thiết kế cơ bản, ngay cả khi bạn chưa biết gì về thiết kế, ví dụ như Canva.
Quay và chỉnh sửa video: Các nền tảng như TikTok và YouTube tập trung vào dạng video. Bạn có thể học cách sử dụng các công cụ cơ bản, miễn phí như Capcut.
4.2. Kỹ năng mềm
Tư duy sáng tạo: Khả năng nghĩ ra những ý tưởng độc đáo, kể chuyện cuốn hút và xâu chuỗi những ý tưởng thành nội dung là chìa khóa thành công. Ngoài ra, việc nhạy bén với những vấn đề của khán giả mục tiêu cũng sẽ là điểm cộng cho bạn. Tư duy sáng tạo giúp bạn tiếp cận nội dung theo cách rất riêng mà không sợ lẫn vào bất kỳ nhà sáng tạo nội dung nào.
Giao tiếp và hợp tác: Làm việc tốt với các designer, marketer, và đội ngũ khác để đảm bảo mọi phần nội dung được tối ưu hóa từ ý tưởng đến thực thi. Nếu bạn làm việc với nhãn hàng, bạn còn cần khả năng xử lý thông tin và đàm phán để việc hợp tác giữa bạn và nhãn hàng diễn ra thuận lợi.
Quản lý thời gian: Biết ưu tiên và sắp xếp công việc hợp lý giúp bạn duy trì sự nhất quán trong việc đăng tải nội dung.
Lưu ý, khi mới bắt đầu, bạn không nhất thiết phải học một lúc hết tất cả các kỹ năng. Hãy chọn kỹ năng bạn cảm thấy quen thuộc và có tác động lớn tới công việc sáng tạo của bạn lúc đó trước.
Ví dụ, nếu bạn đang thích viết, chưa muốn quay video, hãy tạm gác lại kỹ năng edit video và tập trung vào writing trước.
Điều này giúp bạn không bị choáng ngợp và burn-out khi thực hành thường xuyên.
Hành động cụ thể:
Dành 30 phút mỗi tuần để học kỹ năng viết lách qua blog hoặc sách về storytelling.
Tại tài khoản Canva hoặc tham gia một khoá học thiết kế cơ bản.
Tìm hiểu các phần mềm video như CapCut hoặc Premiere.
5. Xây dựng kế hoạch nội dung
Nếu việc chọn nền tảng là quyết định nơi bạn bắt đầu, thì kế hoạch nội dung chính là "bản đồ" giúp bạn duy trì và phát triển trên hành trình đó. Dù bạn làm nội dung ở lĩnh vực nào, một chiến lược rõ ràng sẽ giúp bạn không bị cuốn theo cảm xúc hay xu hướng nhất thời.
Ví dụ, khi A bắt đầu, sự hào hứng khiến A tạo nội dung một cách tùy hứng. Mỗi tuần, A nghĩ ra một chủ đề mới mà không hề xem xét liệu nó có liên kết với mục tiêu dài hạn hay không. Kết quả là A bị cạn ý tưởng sau 3 tháng và không hiểu tại sao khán giả không quay lại xem nội dung của mình.
A chợt nhận ra rằng, để thành công, nội dung phải liên tục giải quyết vấn đề của khán giả hoặc mang lại giá trị lâu dài. Từ đó, A đã xây dựng một kế hoạch nội dung trong 3 tháng, chia thành các chủ đề chính (pillars) liên quan đến lĩnh vực của mình: freelance, kỹ năng viết, và xây dựng thương hiệu cá nhân.
Điều này không chỉ giúp A duy trì ý tưởng, mà còn xây dựng một hình ảnh nhất quán trong mắt người xem.