Nấu ý tưởng thành content cùng Thuần Podcast và Tivi của bố
Đừng cố gắng trở thành thứ mà mình không phải
Xin chào các bạn khán giả của Vũ Trụ Creator, mình là Thuỳ Nhung, chủ của kênh Thuần Podcast. Mình đã có hành trình 5 năm để xây dựng kênh podcast và trở thành một content creator.
Trong suốt thời gian qua, mình nhận được rất nhiều câu hỏi về cách mình xây kênh, cùng rất nhiều thắc mắc về quá trình sản xuất một tập podcast. Vậy nên trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu với các bạn những nội dung sau:
5 tips giúp kênh podcast của bạn luôn nằm trong top BXH podcast Việt Nam.
Chuỗi Workshop: Gom gạch xây trường - Điện Biên.
Hãy cùng mình đi giải đáp những thắc mắc của mọi người nhé!
1. Làm sao tìm ra concept cho kênh podcast?
Với cá nhân mình, concept được tìm ra bằng cách thử nhiều kiểu và chọn ở lại với thứ mà mình cảm thấy vừa vặn nhất. Nguyên tắc của mình là: đừng cố gắng trở thành thứ mà mình không phải.
Concept kênh mình sẽ kết hợp giữa mục tiêu của kênh (đưa lại cho khán giả cái gì?) + điểm mạnh của mình (vibes, kiến thức,...) + giá trị cốt lõi (điểm độc đáo, thông điệp chính của kênh).
Sau đó, mình sẽ xây dựng khung nội dung dựa trên concept thiết lập ra để luôn nhất quán. Ví dụ với Thuần Podcast:
Mục tiêu: đưa đến cho người nghe giá trị cảm xúc.
Điểm mạnh: ngày bé mình hay bị mọi người chê là điệu, hồi đó buồn nhưng lớn lên thấy đây cũng là “sức mạnh" của mình. Mình nghĩ điểm mạnh đó là nữ tính, nhẹ nhàng (trong cách làm nội dung).
Giá trị cốt lõi: thông điệp của kênh là sống tử tế, chăm sóc những phần bên trong mình kèm theo chút chút phát triển bản thân.
=> Concept: kể về trải nghiệm của bản thân, phong cách gần gũi nhẹ nhàng, không đao to búa lớn. Cụ thể là kể chuyện đời thường, câu từ mộc mạc, dễ hiểu.
2. Nấu ý tưởng thành content
Thời lượng podcast khá dài (khoảng 30-45p) chuyện đâu mà kể liên tục, vậy tìm ý tưởng ở đâu?
Tuỳ vào từng concept, chủ đề của kênh là gì. Như kênh Thuần Podcast, chủ yếu là dạng kể chuyện hoặc miêu tả từng lát cắt trong một sự kiện mình trải qua (thực tế là gì, mình cảm thấy thế nào, học được gì,...).
Lưu trữ kho ý tưởng riêng, bất cứ điều gì hay mình đều ghi lại, ví dụ:
Xem phim thấy thông điệp hay.
Trải nghiệm gì mình cho là hay.
Đọc sách thấy điều gì bổ ích.
Ra ngoài đường gặp chuyện gì đáng yêu.
Bất cứ ý nghĩ gì nảy ra trong đầu mà mình nghĩ nó là chất liệu thì đều ghi lại.
Đến khi làm podcast, mình sẽ liên kết câu chuyện dựa trên những yếu tố dưới đây để nghe không có vẻ đạo lý. Câu chuyện mình trải qua, bài học rút ra hoặc cách mình đi qua chuyện đó, một cách làm, hay một ý tưởng, quan điểm của những “người khổng lồ" đã được công nhận đúng với mẫu số chung (có thể là câu nói của triết gia, công thức gì đó trong sách, các nghiên cứu khoa học, khảo sát,...).
3. Giọng dở làm podcast được không?
Trước khi làm podcast mình từng làm MC, thế nên giọng tương đối ổn sau quá trình dài tập luyện. Không có giọng ai dở tệ hại hết, có thể luyện tập để phát âm đúng hơn và chuẩn hơn.
Nếu mọi người thực sự quá tự ti với giọng nói nhưng rất muốn làm podcast, có thể tham gia những khóa học rèn luyện giọng nói, hoặc xem nhiều bản tin hơn để luyện tập. Tuy nhiên mình nghĩ để lại một chút “khuyết điểm" trong giọng nói cũng là cách để tạo nên chất riêng của kênh.
Ví dụ như giọng mình bị bẹp chữ “e", mình cố gắng cải thiện để không gây khó chịu nhưng không cố loại bỏ hoàn toàn, giữ ở mức mà mình nghĩ là dễ chịu cho người nghe.
4. Dạng podcast ngắn đăng TikTok, Reel thì làm thế nào?
Mọi người thường hỏi, mình dùng app nào để chỉnh sửa và source ở đâu?
Mình chỉnh sửa trên capcut, dùng cho cả điện thoại và máy tính được, dễ sử dụng, miễn phí cũng đủ cho nhu cầu cơ bản rồi. Source video lấy nguồn stock miễn phí hoặc AI sản xuất.
Ưu điểm: nhanh, chả cần làm gì nhiều, nhàn.
Nhược điểm: nhìn như kênh reup, thương hiệu cá nhân “phèn", nhãn hàng e dè khi booking, không có chất riêng. Ban đầu khi xây kênh mình cũng làm thế, cho đến khi được chị Làn nói cho tỉnh ra mới tự quay video và kênh phát triển hơn hẳn.
5. Podcast kiếm tiền kiểu gì?
Thú thật là ở kênh podcast dài của mình gần như không kiếm được tiền dù on top BXH. Một phần cũng vì mình khắt khe với những hợp đồng booking. Và đây là một số nguồn thu từ podcast của mình:
Tiền từ nền tảng: mỗi tháng mình nhận được thanh toán từ Youtube, còn hiện tại ở Việt Nam mình chưa thấy có nền tảng nào trả tiền cho podcaster.
Booking từ các kênh vệ tinh trong hệ sinh thái podcast: TikTok, FB, IG, Blog.
Tiền kiếm được từ thương hiệu cá nhân: mỗi người sẽ có những cách khác nhau, ví dụ như:bán khoá học, viết sách, kinh doanh…
…
Bạn có thể nghe thêm tập podcast của Vũ Trụ Creator cùng Thuần Podcast chia sẻ về “Bí quyết để luôn nằm trong top 3 podcast Việt Nam”.
WORKSHOP GOM GẠCH XÂY TRƯỜNG - ĐIỆN BIÊN
Ông nội mình bảo: “Tất cả những gì con có đều là thế giới cho, con có thể cố gắng vì có đủ nguồn lực để cố gắng, nhiều số phận oái oăm đến mức có tâm có sức nhưng không có lực".
Có những đứa trẻ phải lớn lên trên những con đường lởm chởm, phải đi bộ hàng chục cây số mỗi ngày để đến trường, bụng đói, sách vở bút viết không đầy đủ và trường học sập xệ, cheo leo.
Trong hoàn cảnh đó, một đứa trẻ bám víu vào thứ gì để không nhụt chí? Trong cái ngặt nghèo, sự cố gắng và nội lực của mỗi cá nhân là không đủ, cần thêm sự góp sức của cả cộng đồng.
Là một người làm sáng tạo nội dung, mình hiểu sức mạnh của cộng đồng lớn đến mức nào, vì thế nên lần này mình muốn cùng với sự giúp sức của mọi người, góp sức vào giáo dục.
Mình và chị Làn đến từ “Tivi của bố”, chúng mình nhận xây điểm trường Mầm non Háng Trở - Nậm Nèn - Mường Chà - Điện Biên. 100% doanh thu từ chuỗi workshop này sẽ sử dụng để xây trường.
Về thông tin workshop:
Workshop 1: NẤU Ý TƯỞNG THÀNH CONTENT
Dành cho ai?
Những người mới loay hoay với con chữ và không biết phải bắt đầu từ đâu, làm sao để có thể tạo ra một nội dung hoàn chỉnh.
Những người đã viết rồi, có kinh nghiệm rồi nhưng vẫn thường xuyên rơi vào bí ý tưởng, xử lý thông tin thành nội dung.
Những người làm nội dung rồi nhưng hoài mãi không kết nối được với khán giả.
Nội dung là gì?
Xây dựng một quy trình hoàn chỉnh và đơn giản để bạn có thể soi chiếu và bắt tay vào việc, hoặc tự soi chiếu để biết vấn đề của mình ở đâu.
Xác định thế mạnh nội dung của mình và tệp khán giả phù hợp.
Tư duy quan sát: quan sát để thu nhặt ý tưởng, nguyên liệu, quan sát khán giả để tìm kiếm insight.
Workshop 2: CÁCH LÀM PODCAST
Dành cho ai?
Những bạn muốn làm podcast đang không có gì trong tay.
Làm rồi nhưng vẫn chưa hài lòng về mặt kỹ thuật, nội dung.
Nội dung là gì?:
Cách lên kịch bản cho một tập podcast.
Kỹ thuật thu âm, hậu kỳ, phân phối sản phẩm của bạn lên các nền tảng nghe.
Truyền thông cho kênh/tập podcast của bạn.
Thời gian: workshop này chia 2 buổi và yêu cầu người tham gia phải thực hành.
Buổi 1 - Kỹ thuật làm podcast: 19h30 - 22h ngày 07/09.
Buổi 2 - Truyền thông cho podcast: 19h30 - 22h ngày 11/09.
Tại: Google Meet
Giá vé: 350.000vnd/ chuỗi 2 buổi.
Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn hãy xem và đăng ký tại đây!
Cảm ơn tấm lòng đẹp của bạn khi nghĩ tới các em nhỏ ở vùng cao.