Khi nào creator cần nâng cấp chất lượng nội dung?
Nâng cấp chất lượng nội dung song song với hành trình phát triển bản thân
Trong gần 2 năm làm sáng tạo nội dung, một điều mình thường nghe được từ các anh, chị content creator đi trước đó là: hành trình sáng tạo cũng chính là hành trình phát triển bản thân. Nếu như trước đây mình bắt đầu chia sẻ các bài viết, video đầu tiên lên mạng xã hội vì sự tò mò, cảm giác thích thú như khi đăng ảnh được bạn bè ấn like; thì bây giờ, mình không chỉ nhìn mãi vào số lượt xem hay tương tác nữa mà hướng đến các mục tiêu cụ thể hơn. Đó chính là lúc mình nhận ra cần phải nâng cấp chất lượng những nội dung đang chia sẻ.
Thực tế là, quá trình nâng cấp nội dung của content creator sẽ diễn ra liên tục nếu như một trong những mục tiêu của bạn là mang đến nhiều giá trị hơn cho khán giả. Nhưng trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ cho bạn 3 dấu hiệu cụ thể cho thấy đã đến lúc bạn cần “nâng cấp” nội dung và 4 cách để thực hiện điều đó.
3 dấu hiệu bạn cần “nâng cấp” nội dung của mình
Tại sao bạn cần nâng cấp nội dung? Câu hỏi này không quá phức tạp.
Từ góc nhìn bên ngoài, khán giả ngày càng khắt khe với các nội dung họ tiêu thụ. Khi ngày càng nhiều content creator chia sẻ nội dung trên các nền tảng, khán giả có thêm sự lựa chọn, và hiển nhiên là họ muốn những nội dung chất lượng, không chỉ “nặng về giá trị” mà còn “đẹp về hình thức”. Ngoài ra, bản thân khán giả cũng sẽ phát triển từng ngày qua từng nội dung bạn chia sẻ. Vậy nên việc content creator đào sâu hơn các khía cạnh nội dung, khán giả càng nhận được nhiều giá trị, không có lý do gì để họ không ở lại với bạn.
Từ góc nhìn bên trong, một content creator khi phát triển bản thân, họ cũng sẽ muốn khản giả nhìn thấy phiên bản mới qua nội dung họ chia sẻ. Nội dung được nâng cấp, giá trị được nâng cao, thì họ cũng sẽ tìm thấy các kết nối chất lượng với khán giả mục tiêu.
Vậy nên, nâng cấp nội dung là điều bạn sẽ làm và làm rất nhiều lần khi là một content creator. Nếu bạn đang có 3 dấu hiệu sau đây thì hãy cân nhắc nhé.
Nội dung chia sẻ không hiệu quả
Trong khoảng 3 tháng đầu tiên khi mới bắt đầu chia sẻ nội dung, bạn vẫn sẽ cảm thấy rất hào hứng với việc viết, chỉnh sửa video hoặc làm ảnh. Dù không có quá nhiều người xem nhưng bạn vẫn làm việc đó hàng ngày. Nhưng, liệu bạn có thể lặp đi lặp lại như vậy trong vòng 1 - 2 năm mà vẫn giữ được thái độ hào hứng hay không?
Khi gần tròn 1 năm là một content creator, mình bắt gặp vòng lặp chia sẻ rất nhiều lần. Đó là cảm giác:
Đăng bài mỗi ngày và chỉ nhìn vào số view
Mất cảm hứng
Không muốn chuẩn bị các nội dung cho tuần/ tháng mới
Bí ý tưởng
Những con số cũng rất quan trọng để bạn có thể đánh giá hiệu quả nội dung hay sự phát triển của kênh. Đừng nói rằng bạn chỉ muốn chia sẻ nội dung mà không cần người xem. Nhưng rõ ràng, nếu lặp đi lặp lại mà không có sự cải tiến thì đến một lúc kết quả cũng chỉ là con số đi ngang mà thôi.
Đó chính là lúc bạn cần nâng cấp nội dung!
Việc tìm kiếm, học hỏi và tạo ra nội dung mới chất lượng hơn sẽ là mục tiêu đáng thử hơn tiêu chí đánh giá hiệu quả duy nhất là số lượt xem. Không phải lúc nào nội dung bạn chia sẻ cũng hiệu quả, đạt được hàng ngàn tiếp cận, nhưng việc nâng cấp chất lượng sẽ dần dần giúp bạn đi đến cột mốc mục tiêu mà mình mong muốn.
Sự “tắc nghẽn” kết nối giữa nội dung và khán giả
Theo bạn thì, kết nối giữa content creator và khán giả được tạo ra từ đâu? Câu trả lời chính là bản thân nội dung và những tương tác dưới nội dung đó. Một ngày khán giả sẽ bắt gặp hàng trăm nội dung khác nhau, nhưng họ sẽ chỉ để lại tương tác với một vài trong số đó. Nội dung không phải là “cơm bữa” để ăn mỗi ngày mà không ngán. Sự chú ý của khán giả với nội dung thực sự rất quý giá.
Vì thế, nếu bạn không nhìn thấy được các tương tác của khán giả với nội dung, hoặc những người đọc quen thuộc bỗng nhiên “mất tích” thì rất có thể:
Đó chính là lúc bạn cần nâng cấp nội dung!
Khái niệm nâng cấp không chỉ dừng lại ở việc bạn cần cách viết hay hơn, video quay trông xịn sò hơn, hay là cách edit nhiều hiệu ứng thú vị hơn. Nâng cấp ở đây còn thể hiện qua cách bạn nghiên cứu khán giả của mình. Bạn biết họ thích gì, muốn gì, và kết hợp với điều cần chia sẻ. Như mình từng quan sát các content creator khác từng làm, đó là đặt câu hỏi sâu hơn với những khán giả đã để lại tương tác 1-2 lần.
Thông qua tương tác, content creator lại có thêm insight từ chính khán giả. Đôi khi chính mình cũng đã nói ra insight của bản thân mà không biết. Và từ đó, họ lại có thêm những ý tưởng để phát triển nội dung cũng như tạo ra các giải pháp để giải quyết vấn đề khán giả đang gặp phải.
Mục tiêu sáng tạo của bạn thay đổi
Trong năm qua, mình đã biết đến nhiều content creator đang kinh doanh sản phẩm, dịch vụ của họ trên các nền tảng mạng xã hội. Khi được lắng nghe những câu chuyện, mình nhận ra rằng sáng tạo nội dung thực sự đã giúp ích rất nhiều cho công việc hay sự nghiệp mà họ đang theo đuổi. Chính vì thế, nếu bạn đặt ra một mục tiêu lớn hơn, không chỉ chia sẻ nội dung vì sở thích, đam mê mà có dự định phát triển khác nữa thì:
Đó chính là lúc bạn cần nâng cấp nội dung!
Như mình đã chia sẻ ở trên, có rất nhiều người đến với sáng tạo nội dung vì sở thích. Họ muốn có một kênh Tiktok, Instagram hay Youtube với nhiều lượt theo dõi, tương tác ổn định, đó là “Big Why”. Nhưng nếu mục tiêu của bạn ngày càng lớn hơn, phức tạp hơn, bạn không thể giữ nguyên cách sản xuất và chia sẻ nội dung cũ được.
Bạn có thể hiểu như thế này, các content creator khi mới bắt đầu sẽ muốn chia sẻ đơn thuần để trao đi giá trị. Tuy nhiên nếu bây giờ mục tiêu của bạn là tạo ra chuyển đổi từ nội dung của mình, thì đó là lúc bạn cần nâng cấp nội dung. Content khi đó là thương hiệu của bạn, là cách bạn truyền thông về mình, về sản phẩm, là cảm nhận của khán giả. Bạn muốn thu hút tệp khán giả như thế nào, tiếp cận khách hàng và khai thác insight của họ ra sau, thì nội dung bạn tạo ra cũng cần có những thay đổi so với trước, theo một chiều hướng sâu hơn, có chiến lược hơn.
Nâng cấp nội dung lúc này như một cách để bạn có thể đến gần hơn với mục tiêu lớn của mình. Vậy nên khi xác định được các mục tiêu đang thay đổi, hiển nhiên bạn cũng cần thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nói cách khác, chính là sự phát triển bản thân song hành cùng sáng tạo.
4 gợi ý từ mình giúp bạn nâng cấp nội dung
Tóm lại thì, nâng cấp nội dung sẽ giúp cho các content creator phát triển và tiếp tục đi xa hơn trên hành trình của mình. Nhưng làm thế nào để nâng cấp so với các nội dung hiện tại? Đây là 4 cách mình đang áp dụng:
Phát triển kỹ năng, thấm nhuần tri thức
Trước đây khi mới bắt đầu viết bài trên Facebook hay đăng post, reel trên Instagram, mình cứ chia sẻ như vậy mà không biết có thể làm gì để tốt hơn không. Nhưng hiện tại, có rất nhiều cộng đồng như Vũ Trụ Creator, bạn có thể đặt câu hỏi và nhận lại những góp ý từ các content creator đã có kinh nghiệm.
Ngoài ra, mình chọn cách học thêm kiến thức và kỹ năng từ các khoá học hoặc Ebook. Trước khi bắt đầu xây dựng kênh Fanpage cá nhân, mình đã tìm hiểu kiến thức nền tảng và quy trình sản xuất nội dung qua Facebook Starter Kit của chị Ngọc Ánh. Bạn cũng có thể tìm thấy rất nhiều khoá học về kỹ năng cho người mới bắt đầu.
Tóm lại thì, việc học và trau dồi thêm kiến thức với mình là cần thiết nếu bạn muốn phát triển chuyên môn của mình trong một lĩnh vực nào đó. Qua quá trình tích luỹ tri thức không ngừng, cùng với trải nghiệm thực tế khi làm, bạn sẽ sở hữu nền tảng vững chắc cho riêng mình. Nhưng bạn hãy cân nhắc tính phù hợp giữa mục tiêu của bản thân và nội dung mà khoá học cung cấp, để không rơi vào trạng thái burn out hoặc không thể cam kết hoàn thành
Rèn luyện thói quen “quan sát sâu”
Đây là một thói quen mình theo đuổi mỗi khi tiêu thụ nội dung từ khi trở thành content creator. Một ngày chúng ta sẽ lướt qua rất nhiều nội dung khác nhau. Và nếu chỉ xem qua như vậy thì thật lãng phí thời gian. Thay vào đó, mình sẽ dừng lại lâu hơn ở những kênh nội dung chia sẻ chuyên môn chi tiết. Khi quan sát sâu trong quá trình xem - nghe - đọc kết hợp với hỏi, trả lời và phân tích, bạn sẽ phát hiện được nhiều giá trị hơn:
Những thông tin giá trị cần ghi chép và lưu trữ
Cách content creator đó truyền tải thông điệp nội dung
Những ý tưởng thú vị bất chợt nảy ra trong đầu
Thói quen quan sát sâu cũng dần dần hình thành cho bạn tư duy phản biện và khả năng học hỏi, sáng tạo. Hãy thử đặt các câu hỏi với nội dung bạn đang tiêu thụ, như bài viết này chẳng hạn, “Bạn cảm thấy bản thân có trải nghiệm với dấu hiệu nào được nhắc đến bên trên?”. Khi bạn biết được bản thân mong muốn được đọc nội dung chất lượng như thế nào, bạn sẽ tìm cách để tạo ra chúng trong khả năng của mình.
Liên tục thử nghiệm và phân tích trên nội dung của mình
Bạn sẽ không nhìn thấy một kết quả nào cho đến khi thực sự bắt tay vào làm. Vì thế bên cạnh thói quen quan sát, mình sẽ thử áp dụng những điều đã học hỏi được trên nội dung của mình. Gần đây nhất mình bắt đầu thử cách viết bài có yếu tố storytelling thay vì chỉ viết một dạng công thức như trước nữa.
Một điều mình luôn nhắc nhở bản thân, và mình muốn chia sẻ cho bạn: bất kỳ thử nghiệm nào cũng cần thời gian tối thiểu. Mình đã từng thử trong 30 ngày rồi đưa ra kết luận, điều này dường như hơi vội vàng. Vì thế với các thử nghiệm sau này, mình cố gắng cam kết trong khoảng thời gian dài hơn, để có trải nghiệm đầy đủ và đánh giá chính xác hơn.
Tự đánh giá hoặc tìm kiếm feedback
Nếu bạn đọc đến đây và bắt đầu có suy nghĩ: “Hình như đến lúc mình cần nâng cấp nội dung thì phải”, thì đó chính là việc bạn đang tự đánh giá. Mỗi content creator luôn cần đánh giá nhìn nhận lại nội dung của mình và quá trình này diễn ra khá liên tục. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm kiếm những mentor để nhận được feedback cải thiện. Tóm lại thì, đây chính là cách để trả lời câu hỏi: “Nếu ở vị trí một khán giả, bạn cảm nhận về nội dung của mình như thế nào?”
Kết luận
Trở thành một content creator là hành trình không có giới hạn, càng đi bạn sẽ càng thấy đường. Vậy làm thế nào để đi xa và đi một cách bền bỉ? Câu trả lời chính là, bạn cần phát triển và nội dung cũng cần phát triển theo. Hy vọng bài viết này sẽ cho bạn một vài gợi ý về nâng cấp nội dung để bạn có thể áp dụng trên hành trình sáng tạo của mình.
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!