Mở bài blog thế nào để "giữ chân" người đọc?
Hãy tối giản nhưng không đơn giản. Đó mới là một mở bài thực sự thu hút.
Em viết mở đầu gì mà như một bài nghiên cứu khoa học vậy?
Viết ngắn gọn thôi em, không ai người ta đọc đâu?
Đi thẳng vào vấn đề đi nào, dài dòng quá…?
…
Đó là cái thời mình mới bắt đầu với công việc content writer. Thú thực, khi nghe nhận xét như vậy, mình suýt khóc vì thấy có mỗi cái mở bài ngắn thôi mà viết mãi chẳng xong, bị sửa đi sửa lại.
Lúc đó, mình còn rất thiếu tự tin để tự đánh giá xem viết như thế nào mới gọi là “chuẩn”. Và mình nghĩ, ắt hẳn nhiều người viết (cả mới và thậm chí đã khá cứng tay) cũng mắc phải những lỗi y hệt mình hồi đó.
Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và trải nghiệm đọc của một bài viết. Mình đoán là bạn cũng đang tò mò: vậy mở bài như thế nào thì “giữ chân” được độc giả. Cùng mình tìm hiểu ngay bây giờ nhé.
1. Tại sao phải chú trọng vào phần mở đầu?
Lý do thứ nhất: Tất nhiên, như phần đặt vấn đề mình có nhấn mạnh: Để giữ chân độc giả.
Theo trang exploding topics, trung bình một ngày có sấp xỉ 328.77 triệu terabytes được tạo ra. Trong khi đó, các nhà khoa học phát hiện ra rằng trung bình một người ngày nay có thể xử lý nhiều nhất khoảng 74 gigabyte (GB) dữ liệu mỗi ngày.
Đó là lý do vì sao bạn nên thu hút được họ ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Bởi, người đọc không dư dả thời gian để tìm hiểu kỹ xem nội dung của bạn có những gì, đặc biệt là khi họ không thực sự hứng thú ngay từ đầu.
Lý do thứ hai: Để công sức của mình được đền đáp xứng đáng
Trong quá trình mình làm content editor, mình nhận thấy có rất nhiều bạn viết rất tốt. Nhưng cái phần tốt ấy lại ở mãi phía sau. Trong khi ngay từ đầu, người đọc đã ngán ngẩm vì phải đọc những thông tin chẳng mấy liên quan gì tới những gì họ kỳ vọng.
Vậy là họ chỉ lướt qua, hoặc cùng lắm đọc vài dòng. Nó có thể giúp bạn tăng lượng views, nhưng chưa chắc đã có lợi cho lượng chuyển đổi của bạn. Như thế thì thực sự rất phí, phí công sức, thời gian của cả bạn và độc giả.
2. Cải thiện phần mở đầu ra sao để giữ chân độc giả?
2.1. Hãy luôn đặt mình vào vị trí của người đọc
Trước khi bắt đầu đặt bút viết bất cứ thứ gì, hãy tự hỏi bản thân 3 câu hỏi:
Mình viết bài này cho ai?
Mình viết bài này với mục đích gì?
Bài viết này đem lại giá trị gì cho cả mình và người đọc?
3 câu hỏi này có thể áp dụng với hầu hết các dạng nội dung, không bó hẹp ở blog hay bài viết fanpage.
Trả lời được 3 câu hỏi này, bạn sẽ tự hình dung được tấm bản đồ để đi giải quyết vấn đề của người đọc. Từ khoá ở đây là giải quyết vấn đề. Bất kể bạn là ai, bạn viết cho ai hay viết về chủ đề gì, bạn đều nên, nếu không muốn nói là phải đặt vấn đề của người đọc làm trung tâm.
Ngay cả những bài viết mang tính drama, hay giải trí thông thường, dường như bạn sẽ thấy nó chẳng có thông điệp gì nhưng vẫn thu hút một nhóm đối tượng nhất định. Bởi vì, nó đã giải quyết được vấn đề của người đọc - không muốn hay sợ bị bỏ lỡ (FOMO).
Chương trình thành viên trả phí, giúp bạn tháo gỡ tất tần tật những rào cản và cung cấp những chỉ dẫn chi tiết để trở thành Content Creator thành công.
2.2. Nên đi thẳng vào vấn đề, tránh đi đường vòng
Hồi đi học, giáo viên luôn khuyên mình và các bạn khác hãy viết mở bài theo lối diễn dịch. Tức là, câu chủ đề hoặc từ khoá trung tâm được đặt ngay ở đầu đoạn. Điều này sẽ giảm bớt sự rườm rà trong lối diễn đạt và tránh viết lan man.
Tất nhiên, nếu đã viết cứng tay rồi, bạn vẫn có thể sáng tạo bằng cách dẫn dắt khéo léo rồi cuối cùng mới tới chủ đề chính. Nhưng khi mới bắt đầu hoặc chưa biết cách để dẫn dắt làm sao cho đặc biệt, tốt hơn hết, bạn cứ đơn giản hoá bằng cách vào thẳng vấn đề.
Sau đây là một số gợi ý:
Dọn bớt đi những câu vô nghĩa: Điều này vừa khó lại vừa dễ. Bởi vì, nhiều người vẫn giữ thói quen viết lấy số lượng bù đắp chất lượng. Họ cho rằng phải viết có dẫn dắt, có sáng tạo một chút thì vấn đề mới trở nên rõ ràng. Nhưng thực chất, dài không có nghĩa là rõ ràng, và ngắn gọn cũng không có nghĩa là không đủ ý.
Dùng từ nối phù hợp để thể hiện liên kết chặt chẽ giữa các câu, tránh lan man. Từ nối phù hợp giúp những câu văn có sự liên kết, không bị đứt đoạn.
Đừng sử dụng quá nhiều câu phức: Trong quá trình duyệt nội dung, mình thường xuyên phải “chạm mặt” với những câu dài đến nỗi mình đọc muốn hết hơi. Chưa kể, nhiều người còn quên mất dấu câu, khiến cho câu đọc ra như một đoạn diễn văn vậy. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới trải nghiệm đọc của độc giả mà còn ảnh hưởng tới cảm xúc của họ. Mẹo nhỏ là bạn có thể đọc lại và tách một câu dài làm hai câu đơn. Hoặc không thì, bạn có thể ngăn cách giữa các câu, các từ, cụm từ bằng dấu câu phù hợp.
Đừng diễn đạt những câu hiển nhiên, ai cũng biết:
Ví dụ: Rào cản trong giao tiếp là một trong những điều tệ nhất có thể xảy ra đối với một cặp đôi. Chính vì vậy, việc can thiệp trực tiếp đôi lúc là cần thiết để thay đổi những động lực nhất định của mối quan hệ, nhằm ngăn cản sự rạn nứt hoàn toàn giữa đôi bên. (chủ đề: Rào cản giao tiếp trong mối quan hệ)
Trong đoạn này, người viết sử dụng liên tục những câu mang tính khẳng định cao. Việc này sẽ không có gì là sai, nhưng rõ ràng là chưa thực sự đủ thu hút để người xem tiếp tục đọc phần sau của bài viết.
Thay vì những câu khẳng định, người viết hoàn toàn có thể dùng phủ định hoặc những câu hỏi để tăng thêm tính tò mò và hứng thú của người đọc.
Hãy tối giản nhưng không đơn giản. Đó mới là một mở bài thực sự thu hút.
2.3. Đừng mở bài cứng nhắc như một công thức toán học
Thực tế, bạn có thể có ngay 100 đoạn mở bài khi hỏi các công cụ AI như Chat GPT. Nhưng 100 đoạn mở bài ấy không phải là bạn. Người đọc, nếu thực sự quan tâm đến vấn đề bạn đang chia sẻ, họ chắc chắn hứng thú với trải nghiệm chân thực hơn là một đoạn văn chỉ đưa ra thông tin.
Hơn nữa, tiêu chuẩn của người tiêu thu nội dung cũng cao hơn rất nhiều trong những năm gần đây. Họ hoàn toàn có đủ khả năng để đánh giá nội dung này có đáng để đọc hay không.
Có một số cách mình vẫn hay sử dụng và rất hiệu quả:
Có yếu tố kể chuyện: Câu chuyện là cách hiệu quả nhất để chiếm trọn được cảm xúc của người đọc. Và trong nhiều trường hợp, cảm xúc quyết định hành động.
Cô đọng: Đừng cố để nhồi nhét quá nhiều ý hay những từ, cụm từ không thực sự cần thiết cho lắm. Mẹo cho bạn là hãy đọc lại một lượt và xem xét xem mình có thể lược bỏ những từ nào, câu nào mà vẫn không ảnh hưởng gì nhiều tới nội dung cả đoạn.
Chân thực: Hãy xem đoạn mở bài như bước đầu tiên để bạn chào hỏi một người bạn mới quen (cụ thể là độc giả của bạn). Và thử hỏi: bạn thích một lời chào hoa mỹ, bóng bẩy, lan man hay một lời chào chân thành, cho người đối diện cảm giác gần gũi, thân mật tuy chưa hề gặp nhau lần nào trước đó?
Đặt ra câu hỏi: Có một lưu ý đặc biệt quan trọng, đó là - hãy đặt câu hỏi sát nhất với vấn đề của người đọc. Hay nói cách khác, câu hỏi bạn đưa ra phải đánh trúng vào Pain Point (điểm đau) của họ. Pain Point, hiểu đơn giản, là những nỗi đau mà người nào đó không/chưa thể giải quyết được và thực sự cần tìm một giải pháp.
Có yếu tố gây tranh cãi: cách này sẽ kích thích sự tò mò cho người đọc. Có một số lưu ý là:
Hãy đưa ra tranh cãi ở mức chấp nhận được, đừng cố để làm quá vấn đề lên, sẽ rất dễ gây cảm giác khó chịu cho người đọc.
Chỉ đưa ra tranh cãi nhưng chưa hé lộ đáp án, để dành cho phần thân bài. Vì nếu người đọc nắm được nội dung của 1000 từ sau đó chỉ trong vòng có 100 từ ban đầu, không có lý do gì họ phải đọc tiếp cả.
Hook: đại ý đây là một câu dẫn dắt và gợi mở vấn đề trước khi vào phần thân bài. Người đọc sẽ cảm thấy không thể không xem tiếp nội dung vì quá tò mò.
2.4. Trở thành editor nghiêm khắc của chính mình
Trước khi đăng tải hay gửi bài viết đi, hãy kiểm tra kỹ lưỡng. Có một cách mình vẫn thường xuyên áp dụng trong suốt hơn 2 năm. Đó là, “đọc thành tiếng” tất cả những gì mình vừa viết, ít nhất một lần. Và nó thực sự rất hiệu quả. Nếu ngay cả bạn còn cảm thấy nó có gì đó không ổn, thì người đọc cũng có cảm giác y chang như vậy, thậm chí còn tệ hơn.
Nghiêm khắc với chính mình sẽ giúp nội dung của chỉn chu và chất lượng hơn rất nhiều.
Thử thách biến hình mở bài:
Sau đây là một mở bài kém thu hút:
Cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều mà ai cũng cần phải trang bị cho riêng mình. Nó không chỉ giúp bạn có được cuộc sống hạnh phúc mà còn đem lại cho bạn rất nhiều thành công trong cuộc sống. Thế nhưng, để cân bằng được không phải là dễ dàng. Nó yêu cầu bạn phải có những kinh nghiệm và trải nghiệm, giúp bạn nhận ra và thay đổi bản thân. Hãy cùng tìm hiểu các cách để cân bằng công việc và cuộc sống trong bài viết này nhé.
Thử thách của bạn là: Biến mở bài này trở nên thu hút hơn. Bạn có thể tham khảo những gợi ý của mình ở phía trên.
3. Phần mở đầu phải tương xứng với phần thân, đừng nói một đằng viết một nẻo
Sẽ không dễ để níu chân người đọc chỉ nhờ vào đoạn mở bài hay. Bởi vì, nếu chỉ đọc mở bài không thôi, người ta sẽ chẳng nắm bắt được cách giải quyết vấn đề. Hơn nữa, nếu ví bài viết của bạn như một cuốn sách, thì không chỉ đánh giá nó qua trang bìa được.
Bìa đẹp mà nội dung chẳng có gì đáng để lưu tâm thì cũng chỉ giải quyết được nhu cầu “thẩm mĩ” mà thôi.
Phần thân của bài viết mới là công đoạn khó và đáng để đầu tư nhất. Bởi, một khi người đọc đã bị thu hút bởi phần mở bài và bấm xem nội dung, họ chắc chắn đã có sẵn cho mình một kỳ vọng. Kỳ vọng ấy có được đáp ứng hay không đều nhờ cả vào sự kết hợp khéo léo giữa một mở bài “ăn điểm” và một thân bài “ăn ý”.
Lời kết
Bài viết này không chỉ hữu ích với mở bài cho nội dung dạng chữ như blog, fanpage post,...Bạn có thể áp dụng linh hoạt cho cả những dạng nội dung khác như audio, video,...Bởi vì, một trong nhiều mục đích chính của người làm sáng tạo là muốn lan toả nội dung của mình tới nhiều người hơn.
Mà muốn lan toả, người ta phải ấn tượng trước đã. Mà muốn ấn tượng, bản thân content creator phải tạo được điểm nhấn ngay khi người xem hay người đọc còn do dự “Có nên bấm vô xem không?”. Bởi, ngay giây phút họ do dự ấy, rất có thể, họ đã bắt gặp nội dung khác tương tự nhưng ấn tượng hơn gấp rất nhiều lần bạn.
Cuối cùng thì, ấn tượng ban đầu không quyết định toàn bộ quá trình thưởng thức nội dung, nhưng nó lại là cầu nối không thể thiếu giữa content creator với khán giả của mình, nhất là những vị khách lần đầu tới chơi nhà.
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
Bài viết chất lượng lắm cám ơn cậu nhé