Làm thế nào để tận dụng tối đa Chat GPT cho sáng tạo nội dung?
Một khi đã hiểu về cơ chế hoạt động, bạn sẽ biết cách để sử dụng AI này hiệu quả nhất.
Cuối tháng 01/2023, mạng xã hội đã bùng nổ các thông tin về ChatGPT (có khoảng 28,760 lượt thảo luận theo BuzzMetrics thống kê), khiến nó trở thành một trong những đề tài nóng hổi nhất lúc bấy giờ. Đây cũng là giai đoạn người dùng nhận ra được tiềm năng của ChatGPT khi được ứng dụng trong một số lĩnh vực.
Bài viết này sẽ giới thiệu những cách có thể ứng dụng ChatGPT vào công việc sáng tạo nội dung.
1. Hiểu về ChatGPT
ChatGPT là hệ thống trí tuệ nhân tạo dựa trên mô hình ngôn ngữ GPT (Generative Pre-trained Transformer), được phát triển bởi OpenAI. Chi tiết hơn về mô hình ngôn ngữ GPT như sau:
Yếu tố G (Generative): ChatGPT có khả năng tạo ra văn bản tự nhiên theo hình thức Chatbot. Bạn nhập một câu hỏi hoặc yêu cầu, nền tảng sẽ phản hồi giống như chúng ta đang nhắn tin với một người khác.
Yếu tố P (Pre-trained): GPT được huấn luyện bằng lượng lớn thông tin, dữ liệu từ Internet. Điều này giúp nền tảng AI này có thể nắm bắt được cấu trúc ngôn ngữ, từ vựng và kiến thức tổng quan nhiều lĩnh vực.
Yếu tố T (Transformer): Sau khi trang bị cho ChatGPT lượng kiến thức khổng lồ, làm sao để lấy được những kiến thức đấy ra và trả lời cô đọng theo yêu cầu của người dùng mới là việc phức tạp nhất. Chính kết cấu Transformer (hiểu nôm na là mô hình mạng nơron nhân tạo), ChatGPT có khả năng học và hiểu được sự phức tạp của ngôn ngữ cùng rất nhiều mối quan hệ ngữ nghĩa. Điều này giúp ChatGPT có thể giao tiếp với người dùng một cách tự nhiên.
Một khi đã hiểu về cơ chế hoạt động, bạn sẽ tìm cách để sử dụng con AI này hiệu quả. Trước đây khi sử dụng ChatGPT, mình hầu như chỉ dừng lại ở mục đích tra cứu (giống như tra Google vậy), trong khi tiềm năng của nền tảng AI này lớn hơn thế rất nhiều.
Ở đầu bài viết mình có trích dẫn về BuzzMetrics. Trong hơn 28.000 lượt thảo luận trên các trang mạng xã hội, có người nhận ra ChatGPT có thể sáng tác thơ, viết báo, làm tiểu luận,...họ người dùng. Làm sao họ khiến ChatGPT làm được như vậy? Câu trả lời đó là Prompt.
Chương trình Premium Membership, giúp bạn tháo gỡ hạn chế về tư duy và cung cấp những hướng dẫn chi tiết để trở thành Content Creator thành công.
2. Prompt - Độ chi tiết tạo nên sự khác biệt
Vậy Prompt là gì? Đó là những câu lệnh bạn nhập vào khi “giao tiếp” với nền tảng AI này.
Prompt của bạn càng chi tiết bao nhiêu thì kết quả trả về sẽ cụ thể bấy nhiêu. Đây là nhờ mô hình T (Transformer) mà mình đã đề cập ở trên.
Ví dụ:
Một prompt chung chung sẽ được Chat GPT trả lời bằng một kết quả chung chung.
Nhưng khi bạn huấn luyện con AI này bởi nhiều thông tin hơn, nó sẽ trả về cho bạn một kết quả cụ thể, cá nhân hóa theo đúng yêu cầu của bạn.
Dưới đây là câu trả lời của ChatGPT cho Prompt trên.
ChatGPT có thể “tiếp thu” những thông tin có trong Prompt của bạn và thích nghi với nhiệm vụ cụ thể. Đây là khả năng được nhiều người dùng tận dụng nhất. Đồng thời, đây cũng chính là điểm khiến ChatGPT trở thành một công cụ tạo được nhiều sự hứng thú đối với người sử dụng.
3. Cách biến ChatGPT trở thành trợ lý cá nhân của bạn trên con đường sáng tạo nội dung
Bước 1: Sở hữu tài khoản ChatGPT
Hiện tại, ChatGPT đang hạn chế những tài khoản có IP từ Việt Nam. Điều này kéo theo việc đăng ký tài khoản ChatGPT trở nên “nhức đầu” với đa số mọi người. Mình cũng không ngoại lệ.
Không phải là một người có background về công nghệ, mình tự nhận thấy bản thân khá lowtech. Mình đã từng mất một buổi sáng mò mẫm cách fake IP theo từng bước mà mình tham khảo từ một bài viết hướng dẫn trên Google. Fake IP không được, mình đành chuyển sang một website tạo được số điện thoại ảo (đâu đấy bên trời Âu) để nhận mã xác nhận đăng ký tài khoản. Kết quả là mất cả ngày mà không được gì.
Vì lỡ “đầu tư” hơi nhiều công sức, bỏ cuộc thì lại tiếc nên mình đổi chiến thuật. Mình dạo một vòng các group chuyên cung cấp tài khoản ChatGPT. Chọn một người may mắn, mình nhắn tin và được báo giá như sau:
5.000đ cho một tài khoản dùng chung với nhiều người khác.
10.000đ cho một tài khoản dùng cá nhân với mail của bên họ.
25.000đ cho một tài khoản dùng cá nhân với mail chính chủ.
Sau khi tham khảo, thấy giá các bên cũng na ná nhau, mình mạnh dạn chốt một tài khoản giá 25.000đ (để được dùng mail chính chủ). Mình tạo tài khoản tầm cuối tháng 7, bây giờ là cuối tháng 10 mà vẫn dùng được tốt.
Mình khuyên mọi người hãy chi tiền mua một tài khoản ChatGPT. Mình tốn một ngày chỉ để giải quyết một vấn đề mà 25.000đ cũng giải quyết được. Thế nên đừng tự mò nhé mọi người. Đặc biệt là những ai lowtech giống mình.
Bước 2: Đưa ra Prompt phù hợp
Mô hình Transformer của ChatGPT cho phép nền tảng AI này có thể học tập để thích nghi với những nhiệm vụ được cá nhân hóa. Khi Prompt của bạn chứa đủ những yêu cầu và thông tin cần thiết, ChatGPT sẽ trở nên cực kỳ mạnh mẽ.
Công thức Prompt mình hay sử dụng là RACEF (Role - Action - Context - Example - Format).
Ví dụ:
Role (Vai trò): Bạn là content creator chuyên về ngách phát triển bản thân.
Action (Hành động): Hãy viết một bài nói về tầm quan trọng của việc quản lý thời gian và cách để quản lý thời gian hiệu quả.
Context (Ngữ cảnh): Đối tượng độc giả là sinh viên và người đi làm trong độ tuổi từ 18 - 25 đang gặp khó khăn về việc quản lý thời gian. Họ không có thời gian cho những dự định cá nhân của bản thân…
Example (Ví dụ): Đây là một số bài có nội dung tương tự mà tôi muốn tham khảo.
Format (Định dạng): Trình bày output ở định dạng bảng gồm Cột 1: Vấn đề | Cột 2: Biểu hiện | Cột 3: Cách giải quyết.
Cụ thể câu lệnh sẽ là:
Bạn là content creator chuyên về ngách phát triển bản thân. Hãy viết một bài nói về tầm quan trọng của việc quản lý thời gian và cách để quản lý thời gian hiệu quả. Đối tượng độc giả là sinh viên và người đi làm trong độ tuổi từ 18 - 25 đang gặp khó khăn về việc quản lý thời gian. Trình bày output ở dạng bảng gồm Cột 1: Vấn đề | Cột 2: Biểu hiện | Cột 3: Cách giải quyết.
Đây là câu trả lời của ChatGPT:
Với công thức câu lệnh như trên, bạn hoàn toàn có thể làm những việc sau để biến ChatGPT trở thành trợ lý cá nhân của bạn:
Nghiên cứu vào tạo hashtag cho bài viết (Tác động phần Action: Tạo cho tôi 20 Hashtag ở nền tảng Instagram / Facebook / TikTok)
Viết bài content với giọng văn mà bạn muốn (Tác động vào phần Example: Đây là ví dụ về một số giọng văn mà tôi muốn bắt chước,...)
Nghiên cứu nỗi đau của khách hàng.
Brainstorm ý tưởng cho bài content thu hút độc giả.
Gợi ý tiêu đề thu hút.
Viết kịch bản video, viết quảng cáo,...
…
Một số lưu ý bên cạnh việc sử dụng ChatGPT mà mình rút ra như sau:
Đôi khi, AI đang “generate” câu trả lời thì dừng lại giữa chừng. Trong một phần trả lời, ChatGPT chỉ có thể phản hồi tối đa 2048 kí tự. Khi gặp tình huống trên, bạn chỉ việc nhập câu lệnh (Prompt) “Tiếp tục trả lời”. ChatGPT sẽ tiếp tục trả lời nốt từ phần bị ngắt quãng.
Về giao diện của ChatGPT, cột phía bên trái màn hình là nơi chứa những cửa sổ chat khác nhau (giống như các tab của Google vậy). Khi sử dụng ChatGPT, hãy nhập những yêu cầu có chủ đề liên quan trong cùng một cửa sổ chat. Vì yếu tố T (Transformer), ChatGPT sẽ được “huấn luyện” thông qua những phản hồi trước đấy giữa bạn và nền tảng, giúp câu trả lời được chính xác hơn.
Bước 3: Sàng lọc chất lượng và kiểm định
Sau khi nhận được nội dung mà ChatGPT tạo ra, các content creator nên đọc thật kĩ và kiểm định lại chất lượng. Lỗi phổ biến đến từ ChatGPT mà những người làm sáng tạo cần phải lưu tâm nhất, đó là tính xác thực của thông tin.
Như đã trình bày phía trên, yếu tổ P (Pre-trained) của GPT cho phép nền tảng AI này có thể lấy thông tin từ Internet. Điều này vướng một chút bất cập. Khi lấy một lượng lớn dữ liệu như thế, ChatGPT sẽ hiển thị những thông tin, miễn là nó có mặt ở Internet, mà không quan tâm tính đúng hoặc sai.
Vì vậy, đây không phải là một nguồn tra cứu uy tín. Khi sử dụng, các bạn chỉ nên đón nhận thông tin ở mức độ tham khảo.
Lời kết
Tóm lại, ChatGPT là một công cụ thông minh. Nhưng điều này không khiến cho nó trở nên toàn năng. Dù thông minh đến đâu, con AI này vẫn sẽ đôi lúc xảy ra sai lầm.
Vì vậy, khi sử dụng ChatGPT, các content creator hãy luôn “double check” những thông tin mình nhận được nhé. Chúc các bạn sẽ có một hành trình sáng tạo thật hiệu quả cùng ChatGPT!
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu muốn kết nối với The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!