Mình đã kỷ luật bản thân như thế nào để vừa học, vừa sáng tạo nội dung?
Vũ khí giúp mình duy trì sáng tạo nội dung, không hẳn là động lực. Mà chính là, kỷ luật.
Năm cuối đại học, mình bắt đầu mày mò sáng tạo nội dung. Khi ấy, ngành mình học không liên quan gì tới sáng tạo nội dung cả. Thậm chí, lúc bấy giờ, mình mới chỉ lần đầu nghe đến khái niệm content creator. Mọi thứ với mình mới toanh, gần như một trang giấy trắng. Vậy mà, chỉ sau 1 vài tháng, mình từ một đứa không viết được nổi đôi ba chữ, trở thành một content creator với cơ hội được đứng trong hàng ngũ những cây viết “cứng" của A Crazy Mind - một trang chuyên về tâm lý học và phát triển bản thân.
Tất cả những cơ hội ấy, không tự nhiên mà có. Thú thực, với lịch học dày đặc, lại chuẩn bị tốt nghiệp, mình không có dư dả thời gian là mấy, thậm chí nhiều lúc còn suýt burn-out. Nhưng vũ khí giúp mình duy trì sáng tạo nội dung cả lúc ấy và hiện tại, không hẳn là động lực. Mà chính là, kỷ luật.
Vậy thì, mình đã kỷ luật bản thân như thế nào để “cân bằng” được như vậy? Hãy cùng tìm hiểu với mình trong bài viết này nhé.
1. Hiểu bản thân đủ sâu và thay đổi từ tư duy
Vấn đề nào cũng vậy, muốn giải quyết được, chúng ta cần tìm hiểu từ “gốc rễ".
Mình nhớ hồi mới bắt đầu sáng tạo nội dung, đã rất nhiều lần, mình than thở rằng: Ôi, đi học về đã mệt lắm rồi, mình cần nghỉ ngơi chứ. Viết lách chỉ là sở thích thôi, làm cũng được mà không làm cũng chẳng ai chấm điểm hay kiểm tra.
Thoạt nghe, lý lẽ như vậy có vẻ đúng, thậm chí nó rất dễ hiểu với một sinh viên năm cuối đại học. Chắc hẳn những bạn vừa học vừa sáng tạo nội dung như mình khi ấy cũng đã từng ít nhất một lần nhen nhóm ý định bỏ cuộc như vậy. Thậm chí, mình biết, có nhiều bạn, bắt đầu sáng tạo được một thời gian nhưng không thể duy trì được chỉ vì một lý do: bận học.
Thú thực, mình rất hiểu và đồng cảm. Vì chính bản thân mình cũng đã từng trải qua cảm giác y chang như vậy. Thế nhưng, nếu bạn không thể duy trì công việc sáng tạo này chỉ vì “bận”, thì mình nghĩ, lý do ấy chưa chắc đã đủ thuyết phục.
Thay vì vậy, hãy bình tĩnh ngồi xuống và thẳng thắn trò chuyện với bản thân: Mình có thực sự yêu thích công việc sáng tạo này không? Và tại sao mình lại chọn công việc này để bắt đầu dấn thân thay vì một công việc khác?
Với mình khi ấy, việc được viết nó giống như một “cơ hội” và một món quà vô giá mình có thể dành tặng cho chính mình. Bởi, trước khi bắt tay vào sáng tạo và đạt được những thành tựu nho nhỏ như hiện tại, mình đã từng là một người hướng nội, cực kỳ nhút nhát, cực kỳ tự ti. Thậm chí, đã rất nhiều lần mình từng nghĩ: Liệu khi ra trường, có doanh nghiệp nào chịu nhận một đứa như mình hay không?
Thế nhưng, kể từ khi được viết, được chia sẻ quan điểm và mài sắc tư duy, những suy nghĩ tiêu cực khi ấy dần tan biến hết. Mình được là chính mình khi viết. Mình được thoải mái thể hiện bản thân. Và rất nhiều cái được vô hình và vô giá khác mình không thể kể hết.
Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để mình có thể tạm gác lại các cuộc vui với bạn bè và ngồi viết hàng tiếng đồng hồ. Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để mình có thể từ chối những thú vui tiêu khiển như xem Tivi, lướt điện thoại trong vô thức mà ngồi nghiên cứu về Content hết giờ này đến giờ khác không biết chán.
Tóm lại thì, nếu bạn có một lý do đủ lớn để bắt đầu, bạn sẽ không sợ bất cứ điều gì, kể cả điều đó vượt quá vòng tròn an toàn (comfort zone) của bạn.
2. Bỏ suy nghĩ “có hứng rồi mới làm”
Thường thì, những bạn vừa học vừa sáng tạo nội dung, nếu không thể cân đối thời gian, sẽ chọn ưu tiên cho việc học hơn. Việc này cũng dễ hiểu. Vì với một sinh viên, việc học luôn là ưu tiên hàng đầu.
Thế nhưng, nếu bạn thực sự coi sáng tạo nội dung như một công việc hay một cơ hội rất tốt để phát triển bản thân, hãy cố gắng dành ra một góc trong miếng bánh thời gian cho công việc ấy.
Hãy làm sao ấy để thời gian bạn làm sáng tạo, tuy ít, nhưng chất lượng.
Ví dụ như mình, khi mới bắt đầu viết, mình rất chật vật. Mình không biết phải triển khai chủ đề này như nào. Chính vì thế, nhiều khi, mình chỉ muốn đóng laptop lại và từ bỏ. Thế nhưng, sau một hồi đấu tranh tư tưởng, mình lại quyết tâm ngồi xuống và dồn toàn bộ tâm trí vào từng câu từng chữ.
Có một tips mình vẫn hay áp dụng, đặc biệt trong quá trình viết lách, đó là: hoàn thiện hơn hoàn hảo. Như khi nghiên cứu về một chủ đề mới, mình sẽ thực sự tập trung tối đa và từ chối mọi sao nhãng bên ngoài. Trong đầu mình khi ấy, việc được làm chủ kiến thức là động lực lớn nhất giúp mình có thể kỷ luật hoàn toàn, kể cả trong những khoảng thời gian ngắn như 1 tiếng hay 30 phút tan học từ trường về.
3. Áp dụng quy tắc 5s và quy tắc 3 - 2 - 1
3.1. Quy tắc 5s
Quy tắc 5s là cách chúng ta tự đánh lừa bộ não của mình. Mình biết được phương pháp này từ tác giả, diễn giả nổi tiếng Mel Robbins. Cô này chia sẻ rất nhiều về kỉ luật, quản lý thời gian, làm việc hiệu quả,...
Đơn giản, để áp dụng quy tắc, chúng ta đếm ngược 5 - 4 - 3 - 2 - 1, sau đấy bắt tay ngay vào việc cần làm. Nghe thì có vẻ ngớ ngẩn, nhưng bản thân mình lại thấy rất hiệu quả. Mục đích của đếm ngược chính là để việc bắt đầu thứ gì đấy dễ dàng nhất có thể. Đọc sách, tập thể dục,... là những việc rất khó, nghĩ thôi cũng đã thấy mệt. Nhưng việc đếm ngược từ 5 đến 1 lại rất dễ, ai cũng làm được. Bắt đầu đếm ngược trước khi làm sẽ vô thức khiến các công việc của chúng ta dễ dàng hơn.
“Đầu xuôi, đuôi lọt” chính là câu mô tả rõ nhất về phương pháp này.
Ví dụ như khi mình trở về nhà sau một ngày học tập căng thẳng, mình sẽ vận dụng quy tắc 5s để bắt tay ngay vào đọc một cuốn sách giúp mình rèn luyện tư duy. Từ đó, mình áp dụng tư duy ấy vào sáng tạo nội dung. Nếu cứ nghĩ trong đầu là sẽ đọc một thứ gì đó, có lẽ mình sẽ rất dễ trì hoãn. Nhưng khi lấy đà được cho mình ngay từ đầu, mình không còn cơ hội để trì hoãn nữa. Mình có thể đọc một lèo cả chục trang sách mà không cảm thấy chán nản gì nhiều.
3.2. Quy tắc 3 - 2 - 1
Đôi khi, có những hôm mình rất mệt, quy tắc 5s đếm ngược không đủ để mình ngồi vào bàn. Lúc này, quy tắc 3 - 2 - 1 là một phương pháp mở rộng của quy tắc 5s phía trên mình dùng để thay thế.
Trước khi bắt đầu công việc cần làm đầu tiên, bạn dành ra 3 phút để nghỉ. Trong 3 phút này, bạn không được làm gì cả, chỉ ngồi yên thôi. Nhớ là ngồi nhé, đừng nằm. Đã mệt mà còn nằm là dễ chìm vào giấc ngủ luôn.
2 phút tiếp theo, bạn dành để hít thở thật sâu. Hít sâu hết mức và thở ra từ từ. Làm liên tục đến thế cho hết 2 phút.
1 phút cuối cùng, hãy chuẩn bị tâm lý để khi nghe tiếng chuông đếm ngược vang lên, mình sẽ bắt đầu công việc ngay lập tức.
Mình cũng từng áp dụng phương pháp này khi phải hoàn thiện những content khó, đòi hỏi độ tập trung cao. Ví dụ như viết bản thảo sách. Thú thực, ngay cả khi viết chuyên nghiệp, bạn vẫn rất dễ mất phương hướng và “tập trung” vào những thứ không cần tập trung.
Như khi đang định viết thì lại check tin nhắn đôi ba phút, cuối cùng vì quá mệt nên lại đành hoãn lại để sau viết. Kết quả là, công việc thì chưa hoàn thành mà deadline thì lại cứ hối thúc. Điều đó sẽ vô tình ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng nội dung.
Lời kết
“No size fits all” - không có phương pháp nào đúng với tất cả mọi người. Phương pháp trên có thể đúng với mình, nhưng chưa chắc sẽ phù hợp với bạn. Thế nhưng, mình thực sự mong rằng, những cách mình giới thiệu phía trên có thể phần nào giúp bạn xây dựng kỷ luật cá nhân, đặc biệt trong sáng tạo nội dung.
Không chỉ với những bạn đang còn đi học, mình tin những chia sẻ của mình sẽ đồng hành với những content creator ngoài kia. Chỉ cần bạn thực sự tin vào công việc mình đang làm, mình tin, kỷ luật bản thân sẽ là một thói quen, chứ không phải sự bó buộc như nhiều người vẫn luôn nghĩ.
Facebook Starter Kit - Bộ giải pháp xây Facebook Page cho người mới bắt đầu, bao gồm:
- Sổ tay Facebook page từ a-z
- Content Plan Template
- Feedback khám kênh
- 1 năm đọc bản tin trả phí
Với bộ giải pháp này, bạn sẽ:
Biết cách lên kế hoạch và triển khai nội dung một cách thông minh và hiệu quả
Nắm được cách thức vận hành của Facebook, từ đó tối ưu lượt tiếp cận cho nội dung của bạn
Xây dựng được một Facebook page thành công, và gia tăng sức ảnh hưởng cho thương hiệu của bạn
Nhận được đánh giá chuyên môn về Facebook page của bạn để cải thiện hơn
Đăng ký mua ngay tại: https://www.vutrucreator.com/facebook-starter-kit
Mọi thắc mắc về Facebook Starter Kit xin vui lòng liên hệ fanpage Vũ Trụ Creator để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng Vũ Trụ Creator.