X5 hiệu suất làm việc cho content creator trong kỷ nguyên số, bạn đã biết cách?
Đừng lãng phí thời gian vào những đầu việc không thực sự quan trọng, bạn chỉ có 24h!
Là một content creator, bạn loay hoay với hàng tá công việc, từ lên kế hoạch nội dung, cho tới viết và thiết kế hình ảnh… Nhưng dù lên kế hoạch như nào, bạn vẫn không thể hoàn thành tốt nhất mục tiêu sáng tạo đề ra.
Bạn cảm thấy mình đã tiêu tốn quá nhiều thời gian cho công việc sáng tạo nhưng không thấy hiệu quả, thậm chí còn bỏ quên mất những khía cạnh khác trong cuộc sống.
Bạn luôn đi tìm một hướng giải quyết nào đó nhưng chưa biết phải làm như thế nào?
Vậy thì bài viết này sẽ hỗ trợ và cho bạn thêm một vài góc nhìn, một vài gợi ý từ một nhà sáng tạo nội dung đang đảm nhận khá nhiều nhiệm vụ đa dạng - là mình.
Thông qua bài viết, hy vọng bạn sẽ có thêm một vài tham khảo để cải thiện hiệu suất sáng tạo của mình. Từ đó, bạn có nhiều thời gian hơn cho những khía cạnh quan trọng khác trong cuộc sống.
Câu chuyện của mình về gia tăng hiệu suất
Gần đây mình thường nhận được lời khen từ các anh chị xung quanh mình rằng mình làm việc rất hiệu suất. Anh chị nhìn nhận mình là một người năng suất, nói ít làm nhiều…
Bản thân mình tự nhận định, mình có quan tâm và yêu thích tìm hiểu về chủ đề hiệu suất. Đồng thời, mình cố gắng giữ cho bản thân một tinh thần khiêm tốn để có thể dần cải thiện hiệu suất của mình hơn nữa.
Đặc biệt khi mình ở trong ngành sáng tạo, khi mình là một content creator, xa hơn nữa là creatorprenuer, mình sẽ phải tự đảm đương rất nhiều nhiệm vụ, mình sẽ phải chịu trách nhiệm cho thành bại của chính mình. Vì thế mình buộc sẽ phải nâng cao chất lượng công việc mình có thể tạo ra trong một khoảng thời gian nhất định.
Bên cạnh đó, mình hiện đang đảm nhận rất nhiều vị trí, yêu cầu cũng rất đa dạng cả về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong vai trò là một freelancer. Vì thế, mình sẽ phải đảm bảo được chất lượng dịch vụ, bảo đảm được khả năng đáp ứng công việc mình. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố kỷ luật tự thân, và cách mình tối ưu năng suất làm việc của mình.
Vì thế, mình đã có đâu đó sự hiểu biết, kinh nghiệm và trải nghiệm nhất định để chia sẻ đến bạn đọc cách thức làm sao để gia tăng hiệu suất làm việc, đặc biệt khi bạn là nhà sáng tạo nội dung, khi bạn làm việc độc lập. Nếu bạn cũng quan tâm, hãy ở lại tìm hiểu cùng mình nhé!
Từ làm việc hiệu quả đến sống hiệu quả
Là một nhà sáng tạo nội dung, nếu bạn không biết cách để nâng cao hiệu suất trong công việc của mình, sẽ gây ra những ảnh hưởng sau:
Bạn tạo ra năng suất thấp, công việc không được hoàn thành đúng thời hạn.
Bạn đem lại chất lượng nội dung kém, chưa mang lại giá trị cho người tiêu thụ.
Bạn gặp căng thẳng, thậm chí là burn-out khủng hoảng về tinh thần.
Bạn bị ảnh hưởng về nguồn thu nhập, bạn bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh.
Bạn bỏ quên đi những yếu tố khác ngoài công việc…
Bản thân mình không ít lần gặp phải các vấn đề tương tự, và đây là một số giải pháp của mình:
Tối ưu một ngày làm sáng tạo
Hiệu quả bạn mang lại trong công việc có thể bị ảnh hưởng phần nào bởi cách bạn sinh hoạt hằng ngày, không gian làm việc và sáng tạo của bạn.
Vì thế, bạn sẽ cần phải hiểu mình làm việc hiệu quả ở trong không gian nào, khung thời gian nào, thậm chí là cùng với thiết bị hỗ trợ nào?…
Đối với mình không gian làm việc hiệu quả của mình là ở các quán cà phê làm việc, vào khung giờ 9-11AM, 1-3PM. Vào buổi tối, mình sẽ thường làm việc tại nhà vào 7-10PM.
Các thiết bị hỗ trợ làm việc của mình đó là: Laptop, điện thoại, tai nghe chụp tai, một con chuột êm tay, một chiếc bàn phím cơ chất lượng. Đó là setup đủ để mình làm việc.
Để tìm ra được những yếu tố này, mình đã phải thử nghiệm và tối ưu liên tục. Hành trình hiểu mình không phải là ngày một ngày hai. Vì vậy, bạn cũng có thể thử nghiệm, quan sát và lắng nghe bản thân rất nhiều để tìm ra được những yếu tố giúp một ngày làm việc của bạn trở nên vui thích hơn, hiệu quả hơn đối với cá nhân bạn.
Cách mình làm việc hiệu suất
Nếu mục trên mang các yếu tố bên ngoài, thì mục này, mình sẽ đi sâu hơn vào cách thức cá nhân mình đã tích luỹ và ứng dụng để nâng cao hiệu suất làm việc của mình:
1 - Outsource cho công cụ nhớ task thay
Hãy liệt kê ra tất cả việc bạn cần làm. Hãy outsource cho công cụ hoặc giấy vở ghi nhớ hộ giúp bạn. Từ đó, bạn có thể chừa chỗ trống để bộ não của mình xử lý những công việc quan trọng hơn.
Với mình, sau thời gian thử qua rất nhiều ứng dụng và phần mềm hỗ trợ (Ứng dụng Notes, Todoist, Google Keep, Notion…), mình lựa chọn Lark Suite làm nơi tin tưởng để gửi gắm. Ở Lark Suite, với tính năng Tasks mình có thể:
Liệt kê tên tác vụ là gì.
Đặt cho nó thời hạn.
Phần mềm chủ động nhắc nhở mình..
Phân loại cho tác vụ ấy thuộc khu vực khẩn cấp, hay không (mình có thể tuỳ biến điều chỉnh được).
Có chế độ xem ở dạng danh sách hoặc Kanban…
Cá nhân mình thấy đây là phần mềm phù hợp giúp mình hệ thống và quản lý công việc. Từ đó, mình có thời gian để tập trung vào nhiều điều quan trọng khác như suy nghĩ các thông tin và toàn tâm xử lý công việc quan trọng.
2 - Cố định thời gian xử lý công việc
Nhiều bạn khi chưa có kỹ năng làm việc tự do, các bạn dễ làm nhiều hơn mức cần thiết, liên tục làm việc không ngơi nghỉ, bạn dàn trải tác vụ bạn đảm nhận, bạn để nó chiếm nhiều thời gian xử lý hơn mức cần thiết…
Để tránh trường hợp đó, mình gợi ý bạn: Uớc tính khả năng xử lý một công việc trong thời gian bao lâu? Và tập trung xử lý nó cùng với phương pháp Pomodoro.
Lúc này bạn sẽ cần hiểu về khả năng xử lý tác vụ của bạn ở mức độ nào, bạn thường mất bao lâu để xử lý một công việc nhất định?
Ví dụ:
Một bài viết 1000 từ mất của mình khoảng 1-2h làm việc.
Một bài viết mạng xã hội của mình mất 30 phút làm việc.
Việc lên một bảng content calendar cho cả tháng mất của mình khoảng 2h làm việc…
Khi ước tính được thời gian xử lý công việc, mình thường tiếp tục đặt Pomodoro 40 phút tập trung và 5 phút nghỉ ngơi để hoàn toàn dành tất cả sự chú ý để xử lý xong tác vụ đó.
Ngoài ra, mình còn cố gắng loại bỏ triệt để các yếu tố gây sao nhãng xung quanh:
Mình tắt thông báo tin nhắn, điện thoại
Mình cài Extention Newsfeed Indicator để chặn feed mạng xã hội của mình lại
Mình xoá bớt các app mạng xã hội tiêu tốn thời gian không cần thiết của mình trên điện thoại (nếu cần, mình sẽ mở bằng laptop)…
3 - Liên tục trau dồi kỹ năng, kiến thức để tăng tốc độ xử lý một nhiệm vụ
Tinh thần cầu tiến và cải thiện bản thân được thể hiện khi bạn đặt ra câu hỏi này cho chính mình: Bạn có thể tăng độ xử lý công việc nhanh hơn bằng cách nào?
Ví dụ:
Để tăng tốc độ bạn hoàn thành một bài viết, bạn có thể: Xây dựng được quy trình viết của riêng mình, rèn luyện kỹ năng gõ 10 ngón nhanh hơn, ngày càng rút ngắn thời gian làm việc hơn qua từng bài viết, ứng dụng AI vào quy trình viết bài của bạn…
Để tăng tốc độ bạn hoàn thành một video editing, bạn có thể: Học cách sử dụng các phím tắt trong editing, quy trình hoá công việc editing một video, hệ thống hoá dữ liệu các source editing vào 1 ổ đĩa chuyên biệt,…
Tóm lại, ở đâu có vấn đề, chắc hẳn ở đó có giải pháp. Càng nâng cao chất lượng và thời gian bạn xử lý một công việc, bạn sẽ càng có nhiều thời gian và sự chú ý hơn để dành cho các khía cạnh quan trọng khác.
Tập trung vào điều quan trọng và có ý nghĩa nhất
Cho dù bạn nỗ lực và chăm chỉ đến đâu, cũng đừng quên bạn sẽ cần phải đi trên một con đường đúng đắn. Bạn sẽ cần phải xác định được điều mình đang tập trung vào là điều quan trọng, có ý nghĩa thật sự với cá nhân bạn.
Nguyên lý 80/20 nói rằng: 80% kết quả bạn đạt được sẽ chỉ đến từ 20% nỗ lực mà bạn bỏ ra mà thôi.
Vậy đâu sẽ là những 20% yếu tố quan trọng đó?
Để xác định được 20% yếu tố quan trọng của riêng bạn, hãy tự hỏi:
1. Mục tiêu của bạn là gì?
Bạn muốn đạt được điều gì trong lĩnh vực sáng tạo nội dung?
Bạn muốn tạo ra loại nội dung nào?
Bạn muốn tác động đến ai?
2. Điều gì khiến bạn thực sự đam mê?
Bạn thích tạo ra loại nội dung nào nhất?
Bạn cảm thấy hứng thú với chủ đề nào?
Bạn muốn chia sẻ những gì với khán giả của mình?
3. Những yếu tố nào mang lại hiệu quả cao nhất cho bạn?
Loại nội dung nào thu hút được nhiều tương tác nhất?
Kênh nào giúp bạn tiếp cận được nhiều khán giả nhất?
Phương pháp nào giúp bạn tạo ra nội dung chất lượng nhất?
4. Bạn có thể bỏ qua những gì?
Có những hoạt động nào đang lãng phí thời gian và năng lượng của bạn?
Có những yếu tố nào không thực sự đóng góp vào mục tiêu của bạn?
Đâu là các nhiệm vụ bạn có thể outsource cho người khác?
5. Bạn có thể tập trung vào những gì?
Hãy liệt kê 5 điều quan trọng nhất mà bạn cần tập trung vào trong 3 tháng tới.
Hãy ưu tiên những hoạt động mang lại hiệu quả cao nhất.
Bằng cách ngồi xuống và tự phản tư với chính mình bằng các câu hỏi chiêm nghiệm trên (hoặc tự tạo ra thêm các câu hỏi tương tự), mình tin bạn sẽ phần nào sáng tỏ hơn trên hành trình theo đuổi công việc sáng tạo của mình.
Từ đó, hiệu suất và hiệu quả làm việc của bạn được nâng cao, bạn có khả năng tạo ra những nội dung chất lượng hơn, tiếp cận được nhiều khán giả hơn, và quan trọng hơn hết, bạn cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn hơn với công việc của mình.
Đọc thêm: Quy tắc 80/20: Nguyên lý thành công của content creator
Kết luận
"The only way to do great work is to love what you do." - Steve Jobs
Cuối cùng, mình nhận thấy một yếu tố khá quan trọng trong làm việc hiệu suất ở nơi mình, đó là mình thật sự khao khát, yêu thích công việc sáng tạo nội dung mình đang làm, mình có niềm đam mê cháy bỏng với điều mình đang theo đuổi và gầy dựng. Từ đó, mình mới có thể bền bỉ như thế, và tự nhiên mọi người xung quanh có thể cảm nhận được, cũng như dành lời khen cho.
Hy vọng bạn cũng có thể tìm thấy đâu đó niềm cảm hứng, một hướng giải quyết nào đó cho hành trình cải thiện hiệu suất làm việc với công việc sáng tạo.
Nếu bạn có câu hỏi hoặc chia sẻ nào, đừng quên để lại ở mục bình luận nhé! Giờ thì tạm biệt và hẹn gặp lại bạn ở những bản tin tiếp theo!
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!