Evergreen Content - Content "không tuổi"?
Với khối lượng công việc dày đặc, một content creator không thể cứ ngày nào cũng sản xuất content mới toanh được.
Trung bình, một nội dung chất lượng cần khá nhiều thời gian để hoàn thành. Có thể là 1 giờ, 1 ngày, thậm chí 1 tháng. Nhưng sáng tạo nội dung đâu chỉ dừng lại ở việc sáng tạo không thôi. Sáng tạo nội dung còn bao gồm cả lên chiến lược, phân phối đa kênh, quản lý kênh,...Với khối lượng công việc dày đặc như vậy, một content creator không thể cứ ngày nào cũng sản xuất content mới toanh được.
Vậy thì, làm thế nào để tối ưu hoá được quá trình sáng tạo nội dung, sao cho vừa thoả mãn được người xem, vừa không gây áp lực cho creators. Câu trả lời chính là: Hãy tập trung tạo ra những Evergreen Content. Vậy Evergreen Content là gì và làm thế nào để tận dụng? Bài viết này sẽ cho bạn câu trả lời.
1. Evergreen Content là gì?
Cái tên Evergreen Content bắt nguồn từ cây thường xanh, loại cây quanh năm lá đều xanh. Hiểu một cách đơn giản, Evergreen Content là những nội dung có giá trị sử dụng lâu dài. Những nội dung này sẽ luôn phù hợp và hữu ích với người đọc kể cả khi nó đã qua rất nhiều năm rồi.
Điển hình như những bài blog hay video youtube về chủ đề “Làm sao để tự tin?”, mặc dù đã được công bố hay phát sóng nhiều năm nhưng vẫn giữ được tính nguyên bản và giá trị gần như ban đầu.
Ví dụ:
Nội dung không phải evergreen:
10 xu hướng SEO cần theo dõi trong năm 2023 (Xu hướng hiện tại/có thời hạn)
ChatGPT ra mắt vào tháng 11 năm 2022 (Tin tức)
Nội dung evergreen:
Làm sao để vượt qua overthinking?
Những tư duy một content creator nên có?
2. Tại sao nên tạo ra những evergreen content?
Thực tế, evergreen content giúp mình rất nhiều trong việc tối ưu hoá quy trình sáng tạo nội dung. Như mình, ngoài sáng tạo nội dung cho thương hiệu cá nhân Dear Introvert, mình cũng đồng thời đảm nhận vai trò quản lý và phân phối nội dung cho các trang mạng xã hội của một số thương hiệu khác. Công việc này đòi hỏi mình phải biết cách phân bổ thời gian để hoàn thành tốt nhất nhưng vẫn đảm bảo sức khoẻ. Và evergreen content thực sự đã “cứu” mình rất nhiều. Điển hình:
Mình tiết kiệm được đáng kể thời gian lên kế hoạch nội dung
Mình rút ngắn được quá trình sáng tạo nội dung đa thể loại
Mình tiếp cận được với đối tượng khán giản với những nhu cầu tiêu thụ thông tin khác nhau
Và bây giờ, hãy cùng mình tìm hiểu chi tiết cách evergreen content đã cứu mình như thế nào nhé.
3. Cách mình tận dụng tối đa những content "không tuổi"?
3.1. Thay đổi tư duy khi sáng tạo nội dung
Nếu thực sự nghiêm túc với hành trình sáng tạo, bạn sẽ cần một chiến lược và kế hoạch cụ thể hơn là những công việc nhất thời như đăng tải bài viết hay bắt kịp xu hướng. Tất nhiên, các nội dung sớm nở chóng tàn nhiều khi giúp bạn có thêm tương tác. Thế nhưng, điều bạn thực sự muốn làm là tạo dựng được thương hiệu cá nhân của riêng mình, hay đơn giản chỉ là xây kênh.
Theo mình, để tạo dựng được thương hiệu cá nhân bền vững, điều bạn cần là làm sao cho nội dung của mình thực sự có giá trị về lâu về dài. Và Evergreen Content chính là lời giải thoả đáng nhất cho bạn. Những nội dung thường xanh, cho dù qua rất nhiều năm tháng, vẫn giữ được phong độ nhất định, vẫn thu hút được tệp đối tượng mục tiêu nhất định mà bạn hướng tới. Kể cả những người theo dõi bạn từ đầu hay mãi về sau, họ vẫn nhìn thấy được giá trị rất riêng trong những nội dung bạn sáng tạo ra.
Giống như trên kênh The Present Writer, chị Chi Nguyễn đã từng chia sẻ, có những video youtube chị biên tập, thu âm, hay đôi khi là lấy cảm hứng từ những bài blog đã từng khá lâu của chị. Và tất nhiên, cùng với sự đầu tư chỉn chu về chất lượng và cá tính thương hiệu, những video đó vẫn nhận được “cơn mưa” ủng hộ từ những người theo dõi kênh. Điều đó không chị giúp thương hiệu cá nhân của chị đứng vững và khẳng định được tên tuổi, mà còn giúp thương hiệu ấy được phủ sóng rộng khắp hơn, tiếp cận và có ý nghĩa với nhiều người hơn.
3.2. Tận dụng và khoác áo mới cho kho nội dung sẵn có
Quy trình sáng tạo nội dung sẽ bớt “cực” hơn nếu Content Creators biết cách tận dụng kho nội dung sẵn có từ trước của mình. Kho nội dung này có thể là các bài blog, những bài post Fanpage hay những video với sự đầu tư chỉn chu trên Youtube.
Sau đây là một số phương pháp mình vẫn rất hay áp dụng:
Repost nội dung đã “cũ”
Cách này đơn giản và dễ thực hiện nhất, nhưng lại cực kỳ hữu dụng. Và chỉ có thể thực hiện được với các evergreen content. Một số lưu ý khi repost:
Repost những nội dung không quá gần với thời điểm bạn đăng. Ví dụ, những bài viết được đăng vào tháng 6/2023 không nên được đăng lại liền vào tháng 8/2023.
Nên kiểm duyệt lại bài viết trước khi repost: bài viết quá dài hoặc các số liêu (nếu có) rất có thể sẽ không phù hợp lắm với thời điểm và đối tượng người theo dõi hiện tại, bạn có thể giản lược bớt. Hơn nữa, bạn có thể edit lại hình ảnh (nếu có) cho bài viết mới mẻ và thu hút hơn.
Chuyển thể bài viết dạng chữ trên Fanpage thành reels hoặc bài post dạng carousel trên Instagram
Ví dụ như bài viết về chủ đề: “Nếu muốn bớt muộn phiền và sống hạnh phúc hơn, bạn nhất định nên từ bỏ…” mình đăng trên Fanpage, mình rút ngắn lại và làm thành 1 reels trên Instagram. Kết quả là, cả hai bài đăng đó tương tác đều khá tốt. Hơn nữa, mình cũng giải phóng được phần nào thời gian và công sức bỏ ra: Một công đôi việc.
Biến đổi nội dung cùng một chủ đề
Cụ thể, mình đã áp dụng phương pháp chẻ nhỏ nội dung từ một chủ đề rộng. Phương pháp này được mình liên hệ từ mô hình Issue Tree. Đây là một phương pháp chẻ nhỏ vấn đề lớn thành nhiều vấn đề nhỏ liên quan, giúp bạn có cái nhìn trực quan và chính xác hơn.
Ở đây, mình cũng áp dụng mô hình Issue Tree cho nhiều chủ đề mình định viết. Trước hết, để định hình xem đâu là vấn đề người đọc quan tâm thực sự, mình sẽ thử nghiệm với 1-2 bài viết. Sau đó, khi đã xác định được chủ đề trọng tâm, có tiềm năng phát triển, mình sẽ xem xét chia nhỏ nhiều tuyến nội dung khác nhau, sao cho tiếp cận được nhiều khía cạnh nhất của vấn đề.
Điển hình như những bài mình viết về chủ đề lớn là “cảm xúc”. Đó là một chuỗi những bài với lượt tương tác khá ổn trên Fanpage của mình. Mặc dù những bài này cùng một chủ đề, nhưng cách thức diễn đạt lại không hề trùng lặp.
Sau khi thử nghiệm 1-2 bài viết với chủ đề này, mình chợt phát hiện ra đối tượng đọc trên trang mình cũng rất quan tâm tới vấn đề “quản lý cảm xúc". Vậy nên, mình đã quyết định tận dụng mảnh đất màu mỡ này để trồng thêm nhiều cây. Tất nhiên, những cái cây này ra trái ngọt khá nhiều, bởi chúng đều được vun trồng và bén rễ từ vùng đất màu mỡ mình đã khai quật ra trước đó.
Kết luận
Evergreen Content không chỉ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc sáng tạo nội dung, mà còn phần nào giúp bạn nâng cấp khả năng tư duy của bản thân. Vì để tạo nên những nội dung có “tuổi đời lâu” như vậy, bản thân người làm sáng tạo phải liên tục nâng cấp năng lực sáng tạo của bản thân, sao cho những nội dung họ tạo ra vừa mang đậm dấu ấn cá nhân, vừa có tính thiết thực, vừa thu hút, lại vừa có tính bền vững cao. Như vậy, nội dung bạn tạo ra mới trở thành viên ngọc sáng tiếp theo giữa hàng ngàn viên ngọc sáng khác.
“ Điều cốt yếu bạn cần hỏi bản thân mỗi khi sáng tạo bất kỳ nội dung nào đó không phải là: “Sáng tạo cái gì?” mà là “Sáng tạo vì cái gì?”
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!