Digital Footprint - làm sao để bảo vệ thương hiệu cá nhân trong thế giới số?
Mỗi hành động của bạn trên mạng đều có thể để lại dấu ấn, và những dấu ấn đó sẽ theo bạn trong suốt hành trình làm sáng tạo sau này.
Bạn là một nhà sáng tạo nội dung nhưng lại thể hiện những phát ngôn thiếu cẩn trọng trên không gian mạng.
Bạn là một nhà sáng tạo nội dung nhưng lại không thường rà soát, xem xét lại tác động của những nội dung mình đăng tải.
Bạn là một nhà sáng tạo nội dung nhưng lại đăng tải hình ảnh hoặc video có nội dung không phù hợp, gây phản cảm hoặc vi phạm quy tắc cộng đồng…
Đây chính là những lỗi sai mà một content creator có thể vô tình hoặc cố ý gặp phải.
Bạn hãy đọc hết bài viết này để tìm hiểu thêm về khái niệm Digital Footprint, nhận biết được tầm quan trọng của nó, từ đó để tâm nhiều hơn đến những động thái của mình khi sinh hoạt và phát triển trên không gian kỹ thuật số.
I. Digital Footprint là gì?
Digital Footprint (dấu chân kỹ thuật số) là tổng thể các thông tin, dữ liệu và hoạt động mà người dùng để lại khi sử dụng Internet.
Đó có thể là:
Đoạn tin nhắn chúng ta nhắn và gửi đi
Bức thư email
Dòng trạng thái chúng ta đăng tải lên mạng
Từng lượt like, bình luận mà chúng ta để lại…
Đó là những Active Digital Footprint (Dấu chân chủ động) - là những thông tin người dùng cố ý chia sẻ.
Bên cạnh đó, còn có Passive Digital Footprint (Dấu chân bị động) - là những thông tin được thu thập mà người dùng không có ý thức như: lịch sử truy cập website, cookie, và thông tin vị trí.
II. Tại sao content creator lại cần chú ý đến Digital Footprint?
Lý do đằng sau thôi thúc mình viết bài viết này, là bởi vì mình nhận thấy có quá nhiều content creator chưa nhận thức được tầm quan trọng của Digital Footprint ảnh hưởng đến cá nhân, thương hiệu, và sự nghiệp của một người làm sáng tạo như thế nào.
Digital footprint không chỉ là những thông tin mà bạn để lại trên mạng; nó còn phản ánh cách bạn được nhìn nhận trong mắt công chúng và các đối tác tiềm năng.
Ngay sau đây, mình có thể liệt kê một số rủi ro tiềm ẩn khi bạn vô tình hoặc cố ý để lại những dấu chân kỹ thuật số tiêu cực:
1. Khủng hoảng truyền thông
Một trong những rủi ro lớn nhất mà dấu chân kỹ thuật số có thể mang lại chính là khả năng xảy ra khủng hoảng truyền thông. Những nội dung gây tranh cãi hoặc không phù hợp có thể nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý, dẫn đến phản ứng tiêu cực từ cộng đồng. Khi một content creator chia sẻ nội dung không được kiểm soát hoặc không suy nghĩ kỹ, điều này có thể dẫn đến những chỉ trích gay gắt, thậm chí là tẩy chay từ người theo dõi.
Khủng hoảng truyền thông không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân mà còn có thể làm giảm cơ hội hợp tác với các thương hiệu, đối tác hay nhà tuyển dụng trong tương lai. Các nhà quảng cáo và công ty thường rất cẩn trọng trong việc lựa chọn người đại diện cho thương hiệu của họ. Nếu họ phát hiện ra những dấu chân số tiêu cực, khả năng cao là bạn sẽ bị loại khỏi danh sách ứng viên tiềm năng.
Để minh họa, hãy xem xét những ca sĩ trẻ đang trên đà nổi tiếng hay các hoa hậu vừa đăng quang. Họ thường ngay lập tức bị "soi" lại những thông tin đã từng đăng tải trong quá khứ, cùng với các sự kiện xung quanh họ. Một bình luận không thích hợp hoặc một bức ảnh, bài đăng, phát ngôn gây tranh cãi có thể bị lật lại và trở thành chủ đề nóng, làm tổn hại đến hình ảnh mà họ đã xây dựng.
Một ví dụ gần gũi hơn là những người bán khóa học trực tuyến kém chất lượng. Khi họ để lại những dấu chân số tiêu cực, chẳng hạn như các đánh giá không tốt hoặc phản hồi từ học viên, điều này có thể tạo ra một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ. Những thông tin này sẽ gây ảnh hưởng cực kỳ lớn đến uy tín cá nhân và sự nghiệp của họ.
2. Tác động đến cơ hội nghề nghiệp
Dấu chân số tiêu cực cũng có thể tác động trực tiếp đến cơ hội nghề nghiệp của một content creator. Trong một thế giới ngày càng kết nối qua mạng xã hội, nếu nhà tuyển dụng, các nhãn hàng hay đối tác phát hiện những nội dung không phù hợp hoặc phản cảm về bạn, khả năng cao bạn sẽ bị loại khỏi danh sách ứng viên tiềm năng.
Ngoài ra, những ấn tượng tiêu cực từ digital footprint có thể làm tổn hại đến mối quan hệ của bạn với người theo dõi và vòng tròn xã hội xung quanh. Khi bạn để lại dấu chân số không tốt, điều này có thể khiến người khác hoài nghi về giá trị và uy tín của bạn, làm giảm khả năng kết nối và tương tác tích cực với cộng đồng.
Tạo ra những ấn tượng tiêu cực đến người theo dõi, đến vòng tròn mối quan hệ tiềm năng của bạn.
Đơn giản thôi:
Khi bạn đi ứng tuyển với công việc freelancer, để nhà tuyển dụng hiểu thêm về tính cách, con người của bạn, họ sẽ phải kiểm tra qua cách bạn sinh hoạt trên không gian mạng: bạn đăng tải điều gì, bạn để lại bình luận như thế nào…
Khi bạn là một Influencer, KOL/KOC quảng bá một sản phẩm dịch vụ cho một nhãn hàng, họ sẽ phải kiểm tra danh tiếng thương hiệu bạn đã gầy dựng như thế nào, thậm chí là lường trước những rủi ro về danh tiếng sau này.
Khi bạn là một content creator, chính những Digital Footprint bạn để lại cũng sẽ vô tình xây dựng được ấn tượng đến những người theo dõi bạn, và cả vòng tròn mối quan hệ tiềm năng của bạn. Nó thể hiện qua việc: bạn phản hồi tin nhắn như thế nào, cách bạn để lại bình luận như thế nào, thậm chí là bạn theo dõi ai, bạn đã “thích” những loại nội dung nào.
3. Ảnh hưởng đến danh tiếng, thương hiệu
Đối với nhà sáng tạo nội dung mà nói, chẳng phải uy tín và hình ảnh cá nhân là một trong những tài sản quan trọng nhất hay sao?
Danh tiếng không chỉ phản ánh giá trị cá nhân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu hút người hâm mộ và cơ hội hợp tác với các thương hiệu.
Tuy nhiên, danh tiếng và thương hiệu cá nhân có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi những gì bạn chia sẻ trực tuyến. Một dấu chân số không tốt có thể tạo ra những ấn tượng sai lệch, khiến bạn khó khăn trong việc xây dựng một thương hiệu mạnh mẽ và nhất quán.
Khi thông tin tiêu cực xuất hiện trên mạng, công chúng sẽ dễ dàng hình thành quan điểm dựa trên những gì họ thấy, mà không thể hiện đúng bản chất của bạn. Điều này có thể dẫn đến việc mất đi sự tín nhiệm từ cộng đồng, làm giảm khả năng phát triển sự nghiệp.
Ngoài ra, một dấu chân số không tốt cũng có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư của bạn. Những thông tin cá nhân mà bạn chia sẻ có thể bị lạm dụng hoặc rò rỉ ra ngoài, dẫn đến những hậu quả không lường trước được. Đây chính là điểm yếu mà những đối tượng xấu có thể lợi dụng để nhắm vào bạn, từ việc quấy rối cho đến tấn công mạng.
Ví dụ:
Khi bạn chia sẻ thông tin nhạy cảm: Đăng tải thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại hay thông tin tài chính có thể dẫn đến rủi ro về quyền riêng tư.
Khi bạn lặp lại thông tin sai lệch: Chia sẻ tin tức hoặc thông tin chưa được xác thực có thể làm lan truyền tin giả và ảnh hưởng đến nhận thức của người khác.
Nội dung không phù hợp: Đăng tải hình ảnh hoặc video có nội dung không phù hợp, gây phản cảm hoặc vi phạm quy tắc cộng đồng.
III. Cách quản lý và tối ưu hoá Digital Footprint
Mình hiểu, trên hành trình trở thành một content creator độc lập, chúng ta có bao nhiêu điều cần quan tâm: từ kiến thức, tư duy, kỹ năng, tạo thu nhập và sống tốt với đam mê làm sáng tạo…
Và trong bối cảnh hiện nay, việc quản lý digital footprint cũng trở thành một yếu tố không thể bỏ qua. Dù không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro khi xuất hiện trên không gian mạng, nhưng ít nhất, đây là một số đề xuất của mình để chúng ta có thể giảm thiểu những rủi ro ấy:
1. Tạo nội dung giá trị
Một trong những cách quan trọng nhất để quản lý digital footprint là cẩn trọng trong việc chia sẻ thông tin cá nhân và quan điểm của bạn trên mạng. Trước khi đăng tải bất kỳ nội dung nào, hãy tự hỏi:
Liệu nội dung này đã được làm tốt nhất trong khả năng của bạn hay chưa?
Nó có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến bạn hay không?
Một quy trình kiểm tra nội dung trước khi công khai là rất cần thiết. Hãy đánh giá ý nghĩa và tác động của từng bài viết, hình ảnh hay video mà bạn định chia sẻ.
Điều này không chỉ giúp bạn tránh được những sai lầm không đáng có mà còn đảm bảo rằng nội dung của bạn luôn mang lại giá trị cho người xem. Hãy nhớ rằng, những gì bạn đăng tải sẽ được lưu giữ trên mạng và có thể bị lật lại bất cứ lúc nào, bởi bất kỳ ai.
2. Kiểm soát quyền riêng tư
Khi bạn hoạt động trên không gian mạng, thông tin cá nhân của bạn có thể dễ dàng bị chia sẻ, và điều này có thể dẫn đến những rủi ro không mong muốn. Vì vậy, hãy dành thời gian để thường xuyên xem xét và điều chỉnh các cài đặt quyền riêng tư trên những nền tảng mà bạn sử dụng.
Hãy kiểm tra xem ai có thể xem thông tin cá nhân của bạn, từ danh sách bạn bè, bài viết, hình ảnh cho đến các bình luận. Đảm bảo rằng chỉ những người mà bạn tin tưởng mới có quyền truy cập vào thông tin nhạy cảm. Nhiều nền tảng cũng cung cấp tùy chọn để hạn chế ai có thể tìm kiếm bạn hoặc gửi yêu cầu kết bạn, vì vậy hãy tận dụng những tính năng này để bảo vệ bản thân.
Đặc biệt, một số loại thông tin như địa chỉ nhà, số điện thoại, hoặc thông tin tài chính… nên tránh chia sẻ công khai. Những thông tin này có thể dễ dàng bị lợi dụng và dẫn đến các rủi ro không mong muốn.
3. Theo dõi và đánh giá Digital Footprint
Đối với mỗi content creator, việc định kỳ xem xét và xóa bỏ những nội dung mà bạn đã đăng tải nhưng không còn phù hợp hoặc không cần thiết là một phần rất quan trọng trong việc quản lý digital footprint. Thực tế, không phải tất cả những gì bạn chia sẻ trên mạng đều giữ được giá trị theo thời gian. Khi bạn phát triển và tiến bộ trong sự nghiệp, một số nội dung có thể trở nên lỗi thời hoặc không phản ánh đúng con người và thương hiệu mà bạn đang hướng tới.
Việc xóa bỏ những nội dung không phù hợp không chỉ giúp giữ cho hình ảnh cá nhân của bạn luôn sạch sẽ và chuyên nghiệp mà còn giảm thiểu rủi ro từ việc thông tin cũ có thể bị hiểu sai hoặc bị lợi dụng. Những bài viết, hình ảnh hoặc video có thể bị lật lại và tạo ra những hiểu lầm không đáng có, ảnh hưởng đến danh tiếng và cơ hội nghề nghiệp của bạn.
Vậy nên, bạn có thể thường xuyên dành thời gian để rà soát các tài khoản mạng xã hội và trang web cá nhân của bạn. Đặt ra tiêu chí cho những nội dung cần giữ lại và những nội dung cần xóa bỏ.
Bởi một hình ảnh nhất quán và tích cực trên mạng sẽ giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân vững chắc, thu hút được sự tin tưởng, từ người hâm mộ và đối tác.
Lời cuối
Tóm lại, Digital Footprint có tầm quan trọng và sự tác động cực kỳ lớn đến sự nghiệp và uy tín của một Solo Creator. Bằng cách nhận thức rõ về những gì bạn chia sẻ và cách mà nó có thể được sử dụng, bạn không chỉ bảo vệ bản thân mà còn tạo ra một không gian mạng an toàn, tích cực hơn cho mọi người.
Hãy luôn cẩn trọng và chủ động trong việc quản lý dấu chân kỹ thuật số của mình. Bởi mỗi hành động của bạn trên mạng đều có thể để lại dấu ấn, và những dấu ấn đó sẽ theo bạn trong suốt hành trình làm sáng tạo sau này.
Vũ Trụ Creator là bản tin dành cho content creator đầu tiên tại Việt Nam. Dự án được thành lập vào 03/2023 bởi các nhà sáng tạo nội dung tại cộng đồng Vũ Trụ Creator.
Nếu bạn muốn được tham gia vào một cộng đồng học tập, rèn luyện kỹ năng sáng tạo nội dung và kết nối với rất nhiều creators chất lượng khác, bạn có thể đăng ký Private Community
Nếu bạn muốn tìm Vũ Trụ Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại Fanpage.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Nếu bạn có bất kỳ chia sẻ nào khác hay liên hệ hợp tác, bạn có thể gửi thư cho chúng mình tại địa chỉ vutrucreator@gmail.com
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!