Content Creator: Tận dụng hợp tác để tiến xa hơn trên hành trình sáng tạo.
Content Creator thay vì làm-một-mình, tại sao chúng ta không thử làm-cùng-nhau?
Content creator có thể có nhiều lựa chọn xây dựng nội dung từ đó phát triển nhận diện, thương hiệu và sự nghiệp; tùy thuộc vào mục tiêu, lĩnh vực và phong cách sáng tạo của từng người như: phỏng vấn, hỏi-đáp, storytelling, giảng dạy, review, vlogs,…Bên cạnh đó, còn có một xu hướng đáng chú ý khác, đó chính là collaboration (hay còn gọi là sự hợp tác, mà trọng tâm bài viết này đề cập đến - đó chính là sự hợp tác giữa hai hay các content creator với nhau).
Nếu như trong doanh nghiệp/đội nhóm, khả năng teamwork là từ khóa quan trọng tạo ra liên kết giữa mọi người và giúp nâng cao hiệu suất cũng như hiệu quả, tạo ra những phát triển đột phá về công việc. Thì trong công việc sáng tạo - nơi mỗi cá nhân tự do biểu hiện các suy tư và phong cách cá nhân của mình, việc hợp-tác với các creator khác giúp chúng ta “cộng hưởng” được từ nhau độ uy tín, thương hiệu, đối tượng độc khán giả, sự nhận diện,…nhưng vẫn giữ nguyên được các giá trị cốt lõi của bản thân.
Để hiểu rõ hơn về sự hợp tác hay collab giữa các content creator, chúng ta cùng đi vào phần đầu tiên và trả lời cho câu hỏi:
I. Sự hợp tác (Collab) giúp Content Creator tiến xa hơn trên hành trình sáng tạo thế nào?
Ông bà ta vẫn thường có câu:
“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”
Dù rằng chúng ta đều biết việc trở thành content creator là lựa chọn đi-một-mình, bạn cần tự kỷ luật bản thân, tự vạch ra những hướng đi, tự thảo luận với chính mình về những rối rắm bạn mắc phải. Tuy nhiên còn thiếu một vế, đúng là chúng ta lựa chọn đi-một-mình, nhưng chúng ta cũng có thể đi-một-mình-cùng-nhau. Vậy thì, hợp tác sẽ giúp một creator như bạn tiến xa hơn trên hành trình sáng tạo nội dung, xây dựng nhân hiệu, truyền thông thương hiệu thế nào?
Sự hợp tác giúp creator kết hợp được sức mạnh về nguồn lực. Từ đó, gia tăng lợi thế cạnh tranh. Cụ thể là ở những khía cạnh sau đây:
Chia sẻ kiến thức và kỹ năng: Khi bạn hợp tác cùng một (hoặc nhiều) creator khác, các bạn có thể có những kiến thức và kỹ năng khác nhau trong cùng một lĩnh vực mà các bạn hoạt động, hoặc trong những lĩnh vực có sự liên quan với nhau. Khi đó, sự hợp tác giúp các bạn chia sẻ và học hỏi từ nhau, từ đó nâng cao trình độ và mở rộng phạm vi kiến thức của mỗi người.
Làm phong phú hơn các ý tưởng sáng tạo: Các bạn có thể cùng nhau brainstorm và tạo ra những ý tưởng mới mẻ, độc đáo khi kết hợp những góc nhìn và quan điểm khác nhau. Sự đa dạng ý tưởng và tư duy này là thứ mà creator làm việc đơn lẻ sẽ khó lòng đạt được.
Tăng cường nguồn lực: Hai creator khi hợp tác có thể chia sẻ nguồn lực của mình như tài chính, thời gian, công nghệ, mạng lưới quan hệ và các tài nguyên khác bên cạnh lượng khán giả của mỗi người. Điều này giúp các bạn có được quy mô hoạt động lớn hơn, sản xuất ra được nhiều tuyến nội dung kết hợp và mới lạ. Từ đó, creator có thể mở rộng thị trường mục tiêu và tăng cường khả năng thỏa mãn nhu cầu khán giả, tăng lượt hiển thị và độ nhận diện, làm phong phú hơn kho nội dung của mình trên mạng xã hội.
Gia tăng hiệu suất làm việc: Sự hợp tác cho phép hai (hay nhiều) creator phân chia công việc và trách nhiệm với nhau. Mỗi người có thể tập trung vào lĩnh vực mà mình giỏi và đóng góp vào những phần mà mình có thế mạnh, từ đó tăng hiệu suất làm việc và đạt được kết quả tốt hơn.
Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội, thì hợp tác cũng yêu cầu creator phải chịu những rủi ro nhất định, như:
Sự bất đồng về tầm nhìn và mục tiêu: Cản trở quá trình hợp tác nếu không được giải quyết hiệu quả và triệt để.
Creator đề cao lợi ích riêng thay vì lợi ích chung: Dẫn đến mâu thuẫn nội bộ ảnh hưởng đến tiến độ công việc và quá trình hợp tác.
Ảnh hưởng đến uy tín: Nếu một người đánh mất uy tín hoặc có những ảnh hưởng tiêu cực, điều đó cũng sẽ ảnh hưởng tới uy tín và chỗ đứng của bạn trong lòng khán giả.
Phân chia nguồn lực, công việc không công bằng và minh bạch: Điều này sẽ dẫn đến căng thẳng trong mối quan hệ hợp tác, và sự hợp tác sẽ không mang lại hiệu quả tốt đẹp.
II. Một số ví dụ hợp tác thành công
1. The Next Creator Team
Sơ khai, team chúng mình được tập hợp từ Group Vũ Trụ Creator do mentor Hà Minh thành lập với mong muốn cùng nhau tạo ra những nội dung có giá trị cho các content creator. Từ đó đến nay đã hơn 03 tháng team hoạt động cùng nhau, The Next Creator đã được launch từ bản tin trên nền tảng substack, tới các nền tảng nội dung khác, mà mình cho rằng với sức lực của một người sẽ không thể đẩy nhanh các hoạt động của dự án tới vậy.
Chúng mình đã cùng nhau brainstorm, cùng nhau làm việc, phân chia nhiệm vụ, đóng góp ý kiến và hỗ trợ nhau lúc cần, cải thiện những thiếu sót và chia sẻ kinh nghiệm/kỹ năng bản thân có cho mọi người để thực lực cả team cùng tăng lên. Cũng như không ngại chia sẻ để tăng độ tiếp cận cho dự án bằng sức lực và sự ảnh hưởng của từng người. Và sự thành công của dự án cũng chính là sự thành công của mỗi thành viên trên hành trình sáng tạo.
Hơn hết, trong quá trình làm việc cùng nhau ấy, chúng mình cũng cùng hoàn thiện bản thân - nhờ nhau, và vì nhau.
2. Visible You
Nếu như các bạn creator ở đây có quan tâm đến freelancer, xây dựng nhân hiệu, chiến lược phát triển và đóng gói chuyên môn của mình thì hẳn là các bạn cũng biết đến chị Linh Phan cùng chị Hương Mai. Tiền thân là cô giáo cùng học trò, hai chị đã hợp tác với nhau và xây dựng nên Visible You - dự án chia sẻ về nghề xây dựng thương hiệu cá nhân đầu tiên tại Việt Nam.
Và từ tháng 04/2023 đến nay, Visible You đã triển khai nhiều những hoạt động, thử thách cũng như thành công tổ chức các khóa học về xây dựng nhân hiệu được đông đảo các freelancer, influencer, solopreneur đón nhận.
Khởi đầu với bản tin Visible You và khóa học Real You, Real Results; Visible You đã nhanh chóng phát triển thêm các sản phẩm sáng tạo khác như: Branding From Inside Out, các thử thách tạo tầm ảnh hưởng, workshop,…tạo dựng nên tầm ảnh hưởng và khẳng định vị thế của thương hiệu cũng như từng người tạo nên thương hiệu đó, mà ở đây là chị Linh Phan cùng chị Hương Mai.
📌 Người ta vẫn thường nói: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Nhưng bằng trải nghiệm của mình khi hợp tác và làm việc với team, mình tin rằng: Dù muốn đi nhanh hay muốn đi xa, đi cùng nhau vẫn là phương pháp cực kỳ tối ưu.
III. Content Creator ứng dụng sự hợp tác thế nào để tiến xa hơn trên hành trình sáng tạo?
Để có thể ứng dụng hiệu quả và tận dụng được tối đa lợi ích của việc hợp tác. Creator cần lưu ý các điều sau:
1. Khi nào bạn nên hợp tác với creator khác?
Mặc dù hợp tác mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên nếu bạn chưa rõ ràng lý do vì sao mình cần/muốn phải hợp tác với các creator khác, hoặc khi nào là thời điểm mình nên hợp tác, thì việc hợp tác khó lòng đem lại nhiều cơ hội cho bạn.
Vậy khi nào bạn cần/nên hợp tác với các creator khác?
Một là khi bản thân bạn biết mình thiếu gì, cần gì, và việc hợp tác giúp bạn cải thiện kỹ năng, tư duy và cả sự trì hoãn (chẳng hạn).
Hai là khi nội dung trên trang cũng như độ tiếp cận của bạn đã đến độ bão hoà, thì việc hợp tác mở ra cánh cửa mới giúp bạn có thêm nhiều ý tưởng cũng như nguồn lực để triển khai các loại content kết hợp, giải quyết được vấn đề hiện tại.
…
2. Cách thức triển khai một chiến dịch hợp tác (Collab) hiệu quả.
💡 Bước 1: Xác định rõ mục tiêu & tiêu chí hợp tác.
Ở bước đầu tiên, creator cần phải xác định được mục tiêu mà mình muốn hướng đến khi hợp tác. Liệu rằng bạn có thể đạt được mục tiêu ấy mà không cần đến sự hợp tác hay không? Thế mạnh và điểm yếu của bạn là gì? Bạn cần tìm creator thế nào để đạt được mục tiêu hợp tác đề ra?
Việc làm rõ các câu hỏi và mục tiêu trên sẽ giúp bạn có một cơ sở ban đầu cho việc tìm kiếm đối tác, đàm phán hay xây dựng các chương trình hợp tác, về truyền thông, về thương hiệu, hoặc cả nội dung.
💡 Bước 2: Tìm hiểu và sàng lọc đối tác
Trước khi quyết định bắt tay hợp tác, bạn cần phải hiểu rõ về đối tác mà mình sẽ làm việc cùng. Không chỉ về các cột mốc phát triển của đối tác, bạn còn phải tìm hiểu kỹ về mục tiêu, phong cách làm việc, văn hóa làm việc, vị thế trong ngành/trong ngách...của đối tác.
Ngoài việc tránh được những nguy cơ thất bại, sự cố không đáng tiếc trong quá trình hợp tác, việc tìm hiểu & nghiên cứu về đối tác còn giúp bạn sàn lọc được những đối tác có cùng chung mục tiêu, văn hóa hay phong cách làm việc.
💡 Bước 3: Đàm phán và thỏa thuận các mục tiêu hợp tác
Sau khi đã lựa chọn được đối tác phù hợp, bạn cùng đối tác bước vào bước đàm phán và thỏa thuận các mục tiêu hợp tác.
Cả hai bên cần phải xác định được ít nhất một mục tiêu chung, bởi mục tiêu chung là yếu tố giúp cả hai bên có động lực cao để thực hiện nội dung công việc hợp tác một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Và việc hợp tác cần có lợi cho cả hai bên. Cần thoả thuận rõ các lợi ích cũng như công việc trong khi hợp tác. Ai chịu trách nhiệm làm gì? Phân phối cái gì? Lợi nhuận thế nào? Phân chia thế nào?
Lưu ý: nên có hợp đồng làm việc trong những dự án lớn/ hoặc nhỏ mà bạn muốn được cam kết và bảo đảm.
💡 Bước 4: Xây dựng kế hoạch hợp tác
Sau khi đã có được thỏa thuận ban đầu về các mục tiêu hợp tác, cả 2 bên bắt đầu quá trình xây dựng kế hoạch hợp tác.
Tuỳ thuộc vào mục tiêu hợp tác, quy mô của dự án mà bạn và đối tác cùng nhau triển khai, trao đổi và đưa ra những kế hoạch, phân công phù hợp. Như: kế hoạch truyền thông, triển khai nguồn lực, chi tiêu tài chính, tuyến nội dung, hướng tiếp cận,…
💡 Bước 5: Triển khai chiến dịch hợp tác (Collab)
Sau khi đã có trong tay kế hoạch hợp tác, creator bắt tay vào triển khai, làm việc cùng nhau, hỗ trợ nhau nhịp nhàng và ổn định.
💡 Bước 6: Theo dõi, đo lường, review và điều chỉnh
Trong quá trình triển khai chiến dịch, việc theo dõi và đo lường, báo cáo mức độ hiệu quả là vô cùng quan trọng. Dựa trên kết quả báo cáo, creators sẽ cùng ngồi lại để bàn bạc và đưa ra các điều chỉnh phù hợp để nâng cao hiệu quả của việc hợp tác. Hoặc feedback cho nhau về các yếu điểm của quy trình hiện tại, từ đó tìm ra giải pháp làm việc hiệu quả hơn.
IV. Kết luận
Sự hợp tác là một nguồn lực lớn của con người nói chung và trong ngành sáng tạo nói riêng, cùng nhau thực hành sáng tạo và dùng sáng tạo để mang lại giá trị cho cộng đồng, không tránh khỏi sẽ có lúc bạn cần tận dụng các lợi ích của việc hợp tác để tiến xa hơn trên hành trình này.
Hợp tác cùng phát triển, hợp tác để nâng đỡ lẫn nhau. Hợp tác cũng giống như việc chọn bạn đồng hành, có bạn đồng hành đôi khi sẽ rất tốt cho bạn dù cho sự hợp tác đó là trong tối (hợp tác trong quá trình vận hành) hay ngoài sáng (hợp tác sản xuất nội dung và đăng tải).
Còn bạn thì sao? Bạn đã có dự định hợp tác với ai, trong lĩnh vực nào hay chưa? Và nếu có, ý tưởng hợp tác giữa hai bạn là gì? Cùng chia sẻ với The Next Creator tại phần bình luận nhé!
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
Bài viết rất bổ ích và thiết thực ạ. Thanks so much tác giả !!! ^^