Có gì trong “túi” của một Content Freelancer?
Người bạn đồng hành không thể thiếu trên hành trình làm việc tự do của mình.
Từ khi chuyển sang làm freelancer, mình đã “sắm” riêng cho bản thân một chiếc “túi" mới gần như hoàn toàn, so với thời điểm còn làm nhân viên Content Writer hay Marketer.
Chiếc “túi” mà mình muốn nhắc đến ở đây không phải là chiếc “túi" về mặt chất liệu vải, da,...đơn thuần. Nói đúng hơn, nó là người bạn đồng hành không thể thiếu trên hành trình làm việc tự do của mình. Chiếc túi này chứa đựng tất cả những hành trang không thể thiếu trên hành trình “leo núi" của một Content Freelancer. Đây cũng là chiếc túi đã đồng hành cùng mình trong suốt gần 1 năm qua. Về cơ bản, chiếc “túi” này được mình chia làm 3 ngăn: Tư duy, kiến thức, kỹ năng. Mình sẽ phân tích kỹ hơn ở phần 2 của bài viết này.
Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá những “trang bị” bên trong chiếc “túi” bí ẩn đó. Cùng với đó, hãy cùng mình tìm hiểu những ngăn trong chiếc “túi” này đã thay đổi như thế nào kể từ khi mình chuyển sang làm freelancer tới nay.
1. Có gì giống và khác giữa Content freelancer và Content marketer
Điểm giống nhau:
Content marketer và Content freelancer, về cơ bản, họ đều làm những công việc liên quan tới sáng tạo nội dung. Mỗi sản phẩm nội dung họ làm ra, để đạt hiệu quả, bắt buộc phải hướng tới ít nhất một tệp đối tượng mục tiêu nhất định và giải quyết được những vấn đề, nỗi đau mà họ vẫn chưa hoặc không làm cách nào giải quyết ổn thoả được.
Hơn nữa, cả content marketer và content freelancer đều được yêu cầu về mặt kỹ năng nhiều hơn cả. Hiểu một cách đơn giản, họ đang “bán” kỹ năng của mình.
Điểm khác biệt:
Thực tế, dù có những điểm chung khá rõ rệt, nhưng chiếc “túi” mình mang theo khi làm Content freelancer khác khá nhiều so với khi làm Content Marketer. Điểm khác biệt này cũng quyết định phần lớn những thay đổi/cải tiến của “túi” để mình có thể thích nghi được với từng môi trường làm việc.
Ba điểm khác biệt nổi bật ở trên cũng sẽ là tiền đề cho những thay đổi trong “3 ngăn” của chiếc túi mình sắp làm rõ ở phần 2. Như khi làm content marketer, chiếc túi mình mang cũng có đầy đủ 3 ngăn tư duy, kiến thức, kỹ năng. Nhưng những trang bị trong 3 ngăn ấy có phần khá thô sơ. Nhất là về phần tư duy, mình đã từng rơi vào “bẫy" tư duy hạn hẹp khi còn ngồi an vị ở vị trí content marketer hay writer. Còn khi chuyển qua content freelancer, cả 3 ngăn đều được nâng cấp và đầu tư cả số lượng và chất lượng.
2. Có gì trong “túi” của một Content Freelancer?
Ngăn ngoài cùng: Tư duy
Một trong những tư duy đã thay đổi hoàn toàn con người và công việc của mình là: tư duy phát triển (growth mindset). Trái với tư duy này, hồi còn làm ở văn phòng, mình rất hay nghĩ rằng bản thân kém cỏi, và sẽ rất khó để chạm tới cái ngưỡng thành công của các tiền bối đi trước, chứ chưa nói tới vượt qua cái ngưỡng ấy. Đó cũng là lúc trong mình luôn nhen nhóm kiểu tư duy cố định (Fixed mindset). Một phần bởi lúc đó mình từ trái ngành lấn sân sang content, một lĩnh vực mình gần như “mù mờ”. Một phần bởi khi ấy, mình bị ảnh hưởng khá nhiều từ lối tư duy của những bạn, anh, chị đồng nghiệp. Mãi sau này, khi ra làm tự do, mình mới thấm thía từng chút một tư duy phát triển - lối tư duy đã giúp mình luôn vun vén những thiếu sót của bản thân để hoàn thiện hơn.
James Clear, tác giả của cuốn sách nổi tiếng toàn cầu, Atomic Habits, đã từng nói như này: “What starts as a small win or a minor setback accumulates into something much more.”
Tạm dịch là: “Những chiến thắng hay vướng mắc nhỏ sẽ tích lũy dần thành những thứ to lớn hơn rất nhiều.”
Nếu bạn đã từng ít nhất một lần đọc Atomic Habits, bạn sẽ hiểu rõ ý nghĩa thực sự đằng sau câu nói này. Đại ý là, những thành công lớn hoàn toàn có thể được tạo dựng từ những hành động nhỏ, thậm chí rất nhỏ, nhưng đều đặn mỗi ngày. Ý niệm ấy cũng liên hệ mật thiết với tư duy phát triển.
Bạn sẽ không thể phát triển nếu bạn luôn nghĩ mọi thứ mình có là cố hữu, và sẽ “bám víu” lấy cuộc sống và sự nghiệp của bạn cả đời.
Đó là tư duy mình áp dụng mỗi ngày kể từ khi làm Freelancer. Công việc này đòi hỏi bạn phải liên tục làm mới mình, liên tục nâng cấp bản thân. Có như vậy, bạn mới có thể coi đây là sự nghiệp, sẽ đi với mình lâu dài, chứ không đơn thuần chỉ là công việc ngày này qua tháng nọ nữa.
Ngăn thứ hai: Kiến thức
Như mình có nhắc tới ở phần 1, kiến thức của một Content Freelancer hầu như tập trung ở một lĩnh vực cụ thể. Trong khi với Content Writer hay Marketer, kiến thức sẽ dàn trải ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Điều này cũng phần nhiều liên quan tới ngách nội dung bạn chọn. Cả Freelancer và Marketer đều sẽ phải quan tâm đến ngách nội dung cụ thể khi bắt tay vào làm. Thế nhưng, với Freelancer, ngách nội dung họ chọn có thể sẽ gói gọn trong một lĩnh vực nhất định nào đó trong suốt một khoảng thời gian dài.
Ví dụ:
Nếu như trước đây, kiến thức của mình phải phủ rộng ở nhiều lĩnh vực như digital marketing, content marketing, chứng khoán hay bất động sản,... thì hiện tại, mình chủ yếu tập trung nhận các job về lĩnh vực phát triển bản thân.
Cũng từ đó, mình tập trung nạp thật nhiều kiến thức về lĩnh vực này, từ những cuốn sách mình đọc, cho tới những bản tin mình đăng ký. Tất cả đều tập trung một ngách lớn mình theo đuổi: thấu hiểu và phát triển bản thân dành cho người trẻ.
Chẳng hạn như, từ những kiến thức chuyên sâu mình tìm đọc và nghiên cứu được về người hướng nội, mình dần trở nên nhuần nhuyễn hơn trong việc viết và chia sẻ về chủ đề này. Kết hợp cả với trải nghiệm của bản thân, mình đã có lượng độc giả nhất định, phần nhiều trong số đó là người hướng nội. Bên cạnh đó, mình còn ra mắt được cả một cuốn sách cũng liên quan tới chủ đề này: Thế giới qua lăng kính hướng nội.
Ngăn cuối cùng: Kỹ năng
Kỹ năng là một ngăn mình tập trung đầu tư hơn cả kể từ khi quyết định làm Freelancer toàn thời gian. Vì như ban đầu mình có nói, làm content freelancer cũng chính là đang bán kỹ năng mà bạn có, thậm chí thành thạo. Bởi, kỹ năng như một trong những thước đo tất yếu để cạnh tranh với các đối thủ nặng ký khác.
Hay như trong phần so sánh ở trên, mình có nhắc tới, kỹ năng ảnh hưởng rất nhiều tới đầu ra của công việc của một Content Freelancer. Mà đầu ra của công việc lại quyết định uy tín, mức thu nhập và đánh giá hiệu quả của công việc đó, chứ không đơn thuần chỉ là thời gian bạn “có mặt” cho công việc.
Ví dụ:
Nếu như trước kia, mình chỉ phải chú trọng tới kỹ năng viết lách cơ bản. Thì hiện tại, mình dần buộc bản thân phải chuyên nghiệp hoá hơn trong tất cả các khâu để cho ra một bài viết trên Fanpage, trên Newsletter,... với chất lượng gần như tốt nhất. Mình đã từng phải chỉnh sửa gần như hoàn toàn từ outline, nội dung cho tới hình thức thể hiện khi viết bài đầu tiên cho Newsletter này.
Mình lấy ví dụ cụ thể khi mình chạy chiến dịch ra mắt sách cho bên đối tác của mình. Doanh thu dự kiến cho tháng đó là XX.000.000 VNĐ. Và KPIs của mình là 70% doanh thu dự kiến. Mình đã gần đạt con số đó, chênh lệch khoảng 3-4% gì đó. Để đạt được kết quả đó, mình đã phải học thêm kỹ năng về quản lý và lên kế hoạch truyền thông chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó là kỹ năng nghiên cứu để cung cấp những nội dung phù hợp insight của độc giả.
Nếu như trước kia mình gần như phụ thuộc hoàn toàn vào team thiết kế. Thì hiện tại, mình đã phải tự mày mò và hoàn thiện hơn kỹ năng thiết kế hình ảnh cho việc xây kênh Fanpage cá nhân, để content trên Page được chất lượng hơn.
Nếu như trước đây, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân của mình ở mức không mấy ổn cho lắm, thậm chí còn có lúc rất tệ. Thì hiện tại, công việc tự do buộc mình phải mày mò những kiến thức chuyên sâu hơn về tài chính cá nhân. Kể từ khi làm tự do, mình đọc nhiều blog, xem nhiều video youtube và lĩnh hội được rất nhiều tư duy mới mẻ về quản lý tài chính cá nhân, nhất là việc đầu tư hay tiết kiệm cho những mục tiêu lâu dài.
3. Không ai có thể cho bạn mượn chiếc “túi” của họ
Thực tế, mỗi chiếc “túi” đều sẽ gắn liền với cá tính, kinh nghiệm và trải nghiệm của từng người. Dù bạn có làm ngành nghề gì đi chăng nữa, bạn cũng đều nên, nếu không muốn nói là phải, tự trang bị cho mình những hành trang riêng. Có thể đâu đó, một vài hành trang bạn mang sẽ trùng hợp với số đông, ít nhất là về mặt hình thức. Ví dụ điển hình như các kỹ năng chuyên môn để thiết kế ra một bức hình đẹp. Hay kỹ năng viết để hướng đúng tới đối tượng mục tiêu. Thế nhưng, về bản chất, đó cũng là tài sản riêng mà không một ai có thể “đạo nhái” bạn được.
Vậy cho nên, mình nghĩ rằng: Dù bạn có làm công việc gì đi chăng nữa, chỉ có bạn mới có thể hiểu rõ bản thân mình cần gì và không cần gì nhất. Chỉ bạn mới có thể quyết định đâu là hành trang mình nhất định phải mang theo bên mình trong suốt quá trình sự nghiệp đầy những ngã rẽ, khúc cua và cả những cung đường phải gắng hết sức để leo dốc. Vì sau tất cả, cũng chỉ có bạn đủ khả năng để chịu trách nhiệm với sự nghiệp của mình.
4. Kết luận
Có một ngăn mình chưa nhắc tới ở trên, đó là “lòng tin”. Thực ra, ngăn này là ngăn mà bất kể bạn theo đuổi công việc hay lĩnh vực nào, bạn đều nên, nếu không muốn nói là cần phải mang theo bên mình. Nếu bạn thực sự nghiêm túc với con đường bạn đang đi, trên tất cả, bạn rất cần “lòng tin”. Trước hết là lòng tin vào chính bạn. Bởi, một khi đã tin tưởng chính mình, những thiếu sót về tư duy, kỹ năng hay kiến thức dường như không còn là một nỗi ám ảnh khiến bạn thêm tự ti. Nó sẽ là động lực để bạn luôn tiến về phía trước, bất kể xuất phát điểm của bạn như thế nào.
Những hành trang trong chiếc “túi” của một Content Freelancer có thể được lấp đầy qua thời gian, nhưng cũng có thể bị “mai một” theo thời gian nếu bạn không liên tục cập nhật và làm mới mình. Vấn đề ở đây là, bạn phải luôn kiểm tra và bảo dưỡng chiếc túi ấy để nó luôn giữ được chất lượng lâu bền. Giống như bạn không ngừng nghiên cứu và làm mới bản thân mỗi ngày để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
BBạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
Lại "tiệc" kiến thức nữa rồi, quá nhiều thứ phải học thêm và nạp thêm đây, mình luôn tự gào là: "Nguyên, mày đừng lười nhé". Ánh đăng lên cả Vũ trụ Creator cho các nhà du hành ngâm cứu nữa đi ^^