Chiến lược 5 bước hiệu quả để trở thành high-impactful social writer (Phần 1)
Đây là chiến lược mình đã thực thi để trở thành một người viết nổi bật.
Mình bắt đầu viết với một mục đích cực kỳ đơn giản: ghi lại cảm xúc hàng ngày. Khoảng 1 năm sau đó, mình nhận ra, bản thân thực sự phù hợp với công việc này. Và mình cũng rất muốn cố gắng để sống tốt khi là một writer.
Cho đến hiện tại, mình cũng đã gặt hái được một chút quả ngọt: trở thành tác giả sách ở tuổi 24, có một fanpage (Dear Introvert) được độc giả hết mực yêu thương, ổn định thu nhập hơn nhờ có chiến lược phát triển bền vững,…
Và nếu bạn cũng đang muốn trở thành cây viết có sức ảnh hưởng nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy đọc hết bài viết này của mình nhé!
Bước 1: Tìm ra lý do bắt đầu?
Bạn mentee của mình từng nói: Em rất thích viết. Nhưng khi được hỏi tại sao em chọn viết để bắt đầu sự nghiệp, em lại loay hoay mãi không trả lời được đúng trọng tâm.
Mình cũng từng rơi vào trạng thái mơ hồ y như vậy. Mình không biết phải bắt đầu từ đâu. Mình cũng không biết bản thân nên làm gì để trở thành một người viết giỏi. Vậy nên, lúc mới bắt đầu, mình cứ chỉ viết theo cảm hứng là chính. Thích thì viết mà không thích hay mệt thì nghỉ.
Tới khi chính thức chuyển sang làm tự do, mình mới buộc phải nghiêm túc suy nghĩ về mục đích và mục tiêu để bắt đầu viết chuyên nghiệp hơn.
Sau rất nhiều ngày loay hoay, cuối cùng, mình cũng đã tìm ra lý do để bắt đầu: mình muốn được tự tin hơn và sống thật hạnh phúc với chính phiên bản trưởng thành của mình.
Như trong vòng tròn Golden Circle của Simon Sinek, ông cũng nhấn mạnh yếu tố cốt lõi của một vấn đề không phải nằm ở câu hỏi How hay What, mà là Why.
Áp dụng trong quá trình viết, đó là:
Thay vì luôn băn khoăn
Tôi sẽ viết về chủ đề X hay Y, thì hãy tự hỏi rằng Tại sao tôi nên viết về chủ đề này?Thay vì luôn băn khoăn
Tôi sẽ phải viết X bài trong 1 tháng, Y bài trong 1 tuần, thì hãy tự hỏi Tại sao độc giả của tôi cần/nên đọc những nội dung tôi viết?
Có thể khi ở giai đoạn mới bắt đầu, bạn sẽ chưa thể hiểu rõ tại sao mình nên đặt câu hỏi tại sao, trong khi thứ mình cần là tạo ra nội dung đều đặn? Thế nhưng, càng viết lâu, bạn sẽ hiểu, muốn trở thành một high-impactful social writer, bạn cần có độc giả, cần sự hưởng ứng và tin tưởng từ họ. Vậy nên, bạn cần hiểu rõ bản thân trước hết. Hiểu rõ để biết:
Mình viết vì điều gì? (Những giá trị tốt đẹp, những kiến thức chuyên sâu bổ ích,…)
Mình viết vì ai? (Vì những người trẻ đang loay hoay với những vấn đề tâm lý, hay vì những người trẻ đang hoang mang vì chưa biết tự định hướng…)
Bởi, hiện tại, trên social media, có rất nhiều người viết, thậm chí giỏi cũng nhiều. Vậy nên, điều khiến độc giả nhớ tới bạn không phải chỉ là bạn viết hay như thế nào, viết về chủ đề đặc sắc ra sao. Mà là, lý do khiến bạn muốn viết những điều ấy.
Như Simon Sinek cũng từng nói: “People don’t buy what you do; they buy why you do it and what you do simply proves what you believe.”. Tạm dịch: “Mọi người không mua thứ mà bạn làm ra, mà họ mua vì cái lý do bạn làm ra nó. Cái điều bạn làm, đơn giản chỉ là minh chứng cho cái điều mà bạn luôn tin”
Ứng dụng trong quá trình viết, mình thấy rất đúng. Đặc biệt, khi lượng độc giả của mình ngày càng lớn dần. Mình bắt đầu giảm bớt số lượng nội dung, thay vào đó là chất lượng. Ví dụ, ở những nội dung càng về sau, mình càng thể hiện rõ con người của mình hơn. Mình không còn kín tiếng quá nhiều nữa. Thay vào đó, mình cho khán giả của mình thấy được, đằng sau những con chữ mộc mạc ấy là một người hướng nội với những suy tư chất lượng như thế nào.
Thúc thực, có những chủ đề mình đã khai thác đi khai thác lại khá nhiều lần. Nhưng vì mỗi lần lại góc nhìn mới, từ một hình ảnh Dear Introvert đã quá quen thuộc, nên độc giả dường như hưởng ứng rất nhiệt tình tất cả những nội dung về chủ đề ấy.
Như vậy để thấy, thực ra, bạn viết gì không quá quan trọng bằng bạn viết như thế nào, và vì sao bạn lại viết về điều ấy.
Trong thế giới công nghệ này, việc giữ được sự chú ý của độc giả không chỉ nằm ở mức độ bạn hiểu họ, mà còn nhờ vào mức độ bạn hiểu mình đến đâu.