"Cách tiếp cận bền vững" về Personal Branding trong dài hạn
Theo quan sát của mình, những xu hướng mới trong creator economy và sự chuyển dịch của hành vi tiêu dùng đã tạo ra một cách tiếp cận khác.
*Bài viết này chia sẻ những suy nghĩ cá nhân và quan sát của mình, được lấy cảm hứng từ thông điệp của Chris Do.
Cách tiếp cận mới
Cách đây 4 tuần tại sự kiện Forward 2025, Chris Do – đã chia sẻ một cách tiếp cận mới về xây dựng thương hiệu cá nhân qua phần trình bày "The New Approach to Personal Branding That Changes Everything." Anh nhấn mạnh:
“Thương hiệu cá nhân không phải là chạy theo các xu hướng hay khoe khoang thành tựu. Thay vào đó, đó là hành trình bạn khám phá, phát triển bản thân và chia sẻ cách bạn vượt qua khó khăn trong quá trình ấy.”
Điều này tạo ra một góc nhìn sâu sắc về việc thương hiệu cá nhân nên được xây dựng không chỉ từ thành công mà từ cả những trải nghiệm chân thật – bao gồm cả thất bại và quá trình vượt qua khó khăn. Và từ cảm nhận của mình, đây là một cách tiếp bền vững về Personal Branding trong dài hạn chứ không chỉ là một cách tiếp cận mới nữa.
So sánh với cách tiếp cận truyền thống trong xây dựng thương hiệu cá nhân
Xây dựng thương hiệu cá nhân không còn là việc “đánh bóng hình ảnh” thông qua việc trưng bày thành tựu như trước đây.
Theo quan sát của mình, những xu hướng mới trong creator economy và sự chuyển dịch của hành vi tiêu dùng đã tạo ra một cách tiếp cận khác – nơi sự chân thực, minh bạch và quá trình phát triển cá nhân được đánh giá cao hơn.
1. Tính bền vững trong thương hiệu cá nhân
Khi thương hiệu dựa trên quá trình phát triển và giá trị nội tại, nó có xu hướng bền vững hơn. Thay vì phụ thuộc vào xu hướng nhất thời, người tạo nội dung tập trung vào việc chia sẻ những gì thật sự có ý nghĩa với họ.
Điều này không chỉ giúp họ duy trì động lực, mà còn tạo được sự kết nối sâu sắc với cộng đồng theo dõi.
Theo báo cáo Power of Gen Z từ Edelman, hơn 80% người thuộc thế hệ Gen Z cho biết họ tìm cảm hứng từ những người gần gũi và trung thực với mình. Kỳ vọng này cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách họ nhìn nhận các thương hiệu – không chỉ thông qua sản phẩm, mà còn qua câu chuyện và hành trình đằng sau sản phẩm đó.
2. So sánh về tác động tâm lý và cộng đồng
Theo cách truyền thống, thương hiệu cá nhân dựa trên thành tựu thường gây ra cảm giác áp lực và cô lập.
Người sáng tạo có thể cảm thấy mình phải giữ vững hình ảnh hoàn hảo, trong khi khán giả cũng dễ gặp phải hội chứng so sánh xã hội (social comparison), khiến họ tự ti vì không đạt được những thành công tương tự.
Ngược lại, việc chia sẻ hành trình trải qua khó khăn khuyến khích sự chia sẻ chân thực về quá trình phát triển. Người theo dõi không chỉ nhìn thấy thành quả mà còn được chứng kiến những khoảnh khắc thất bại và nỗ lực vượt qua của bạn.
Thực sự, khi nhận ra và áp dụng điều này trong quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân của bản thân, mình cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Hành trình này không khác gì việc tự mình trải qua một liệu pháp tâm lý hạng nặng.
Những lúc viết về thất bại, những lần mình vấp ngã, là những lần mình buộc phải đối diện với những tổn thương mà trước đây mình đã cố tránh né. Nhưng cũng từ đó, mình dần học cách chấp nhận những khuyết điểm, biết ơn những bài học từ thất bại và tìm thấy sức mạnh để tiếp tục.
Tại sao tài liệu hóa lại quan trọng trong xây dựng thương hiệu cá nhân?
Từ trải nghiệm cá nhân của mình, Tài liệu hóa không chỉ là cách lưu lại những gì đã xảy ra, mà theo mình nó còn là công cụ mạnh mẽ để hiểu rõ bản thân, tạo ra sự nhất quán, và thúc đẩy phát triển cá nhân.
Theo Daniel Pink, trong cuốn Drive: The Surprising Truth About What Motivates Us, nhấn mạnh rằng động lực nội tại là yếu tố quan trọng giúp cá nhân phát triển bền vững.
Ghi chép và phản ánh thường xuyên là một cách hiệu quả để thúc đẩy động lực này, bởi nó giúp con người hiểu rõ hơn về bản thân, chủ động điều chỉnh hành vi và đưa ra các quyết định chính xác hơn.
Theo Pink, ba yếu tố cốt lõi của động lực nội tại bao gồm autonomy (tự chủ), mastery (khả năng làm chủ kỹ năng), và purpose (mục đích). Việc ghi chép không chỉ hỗ trợ cho yếu tố tự chủ bằng cách giúp người viết theo dõi quá trình cá nhân hóa, mà còn củng cố cảm giác tiến bộ và mục đích khi họ nhìn thấy những bước tiến cụ thể từ những nỗ lực của mình
Ngoài ra, một nghiên cứu từ Harvard Business School cho thấy rằng việc ghi lại trải nghiệm cải thiện khả năng học tập lên đến 23%, vì nó tăng cường self-awareness (tự nhận thức) và khả năng phân tích tình huống.
Quá trình này giống như bạn đang đối thoại với chính mình, từng bước bóc tách những gì mình đã làm và chưa làm được, từ đó hiểu sâu hơn về cách mình vận hành.
Trong hơn 3 năm qua, mình đã thực hành tài liệu hóa và hệ thống hóa các trải nghiệm của bản thân.
Kết quả mình nhận được không chỉ đơn thuần là một kho lưu trữ ký ức, mà còn là một tấm gương phản chiếu – giúp mình nhìn lại cả thành công lẫn thất bại với tâm thế khách quan hơn.
Thực tế là, trước khi chia sẻ cho bất kỳ ai, chính mình là người được hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình này. Tài liệu hóa giống như việc xây dựng phiên bản tốt hơn của chính mình qua từng dòng chữ.
Mỗi lần ghi chép, mình càng hiểu rõ hơn về động lực bên trong và lý do mình mắc phải những sai lầm trong quá khứ. Từ đó, mình tìm ra cách điều chỉnh, học hỏi và cải thiện mỗi ngày.
Gợi ý 6 bước để bắt đầu tài liệu hóa, xây dựng thương hiệu cá nhân
B1: Ghi lại các sự kiện quan trọng:
Hãy viết ra những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời bạn như thành công, thất bại, hoặc bước ngoặt đã thay đổi cách bạn tư duy.
Gợi ý: Dùng nhật ký cá nhân hoặc ghi âm lại suy nghĩ sau mỗi sự kiện quan trọng.
B2: Phân loại trải nghiệm theo chủ đề:
Bản thân: Những bài học giúp bạn trưởng thành.
Chuyên môn: Kỹ năng và kiến thức chuyên ngành.
Mối quan hệ: Những kinh nghiệm từ gia đình, bạn bè, hoặc đồng nghiệp.
Hình mẫu: Những người truyền cảm hứng cho bạn.
Cuộc sống: Những trải nghiệm khác như du lịch hoặc đam mê cá nhân.
Gợi ý: Lập bảng phân loại trong Notion, Google Sheey để dễ dàng quản lý các chủ đề này.
B3: Xác định các giá trị cốt lõi:
Chọn ra những giá trị quan trọng và có ý nghĩa với bạn nhất.
Ví dụ: Trung thực, bền bỉ, sáng tạo, hoặc giúp đỡ người khác.
Gợi ý: Sử dụng phương pháp IKIGAI để khám phá điều bạn đam mê và điều mà xã hội cần.
B4: Chọn công cụ quản lý thông tin:
Sử dụng Notion, Google Docs, hoặc Obsidian để lưu trữ và sắp xếp tài liệu.
Gợi ý: Cài đặt lịch nhắc nhở trên Google Calendar để cập nhật nội dung định kỳ.
B5: Chọn nền tảng phù hợp:
Substack cho blog dài hạn.
YouTube cho nội dung video.
Podcast cho chia sẻ trải nghiệm qua âm thanh.
Gợi ý: Hoặc bắt đầu với một nền tảng bạn cảm thấy thoải mái nhất như Threads, Facebook và mở rộng sau.
B6: Thiết lập thói quen và chia sẻ định kỳ:
Đặt mục tiêu thực hiện nhỏ như viết 1 Thread ngắn/ ngày, 1 bài blog/tuần hoặc chia sẻ 1 podcast/tháng.
Gợi ý: Tạo checklist theo dõi thói quen và đặt phần thưởng nhỏ cho bản thân khi hoàn thành mục tiêu.
Lời kết
Như Chris Do đã nhấn mạnh, thương hiệu cá nhân bền vững không bắt đầu bằng sự hào nhoáng, mà từ hành trình khám phá và phát triển bản thân. Mình nghĩ rằng đây không hẳn là một cách tiếp cận hoàn toàn mới, nhưng nó khẳng định giá trị "evergreen" – tức là những gì luôn có ý nghĩa lâu dài, bất kể thời gian hay xu hướng thay đổi.
Thương hiệu cá nhân của bạn chính là sự phản ánh của hành trình bạn đang đi qua. Bắt đầu bằng việc ghi chép và chia sẻ câu chuyện của mình, bạn không chỉ tạo ra giá trị cho người khác mà còn tự phát triển và khám phá chính bản thân sâu sắc hơn từng ngày.
Xây dựng thương hiệu cá nhân không phải là cuộc đua để đạt thành tích, mà là một hành trình chân thật của riêng bạn. Thử nhìn lại những trải nghiệm đã qua, ghi lại những suy nghĩ và bài học của mình nhé.
Hãy để lại comment bên dưới về cảm nhận của bạn hoặc câu hỏi cho mình biết.
Chia sẻ thú vị và giá trị!
tư duy quá hiện tại em à