Cách các nhà sáng tạo thực hành sáng tạo (P2) - Phỏng vấn chị Hoà Lương - Writing Mentor
Đối với nội dung viết - Càng cố gắng, càng may mắn!
Chủ đề “Cách các nhà sáng tạo thực hành sáng tạo” đã đón nhận rất nhiều sự quan tâm từ các content creator sau khi phần 01 được ra mắt. Tiếp nối phần 01, và để giúp các nhà sáng tạo có nguồn tham khảo hệ thống, từ đó tự thiết lập được quy trình sáng tạo của riêng mình, bài viết hôm nay xoay quanh chủ đề “thực hành sáng tạo” đối với nội dung viết.
(Các bạn có thể đọc: Cách các nhà sáng tạo thực hành sáng tạo (P1))
Chúng ta hãy cùng khám phá cách các nhà sáng tạo thực hành sáng tạo cùng với khách mời Hòa Lương ( một author, writing mentor và là một solopreneur).
Là một nhà sáng tạo nội dung với hơn 03 năm kinh nghiệm, mình tin chị Hòa sẽ có rất nhiều chia sẻ giá trị dành cho các bạn content creator còn đang loay hoay với việc sáng tạo, hay chỉ đơn giản là muốn làm trù phú hơn khả năng sáng tạo của mình.
Không để lỡ thời gian của mọi người, chúng ta hãy cùng đi vào bài phỏng vấn luôn nhé!
1. Yếu tố làm nên thành công của một người viết
Em chào chị Hoà! Em được biết chị là một soloperneur và writing mentor rất thành công trong lĩnh vực của mình. Theo chị thì điều gì làm nên thành công ngày hôm nay của chị ạ?
Cảm ơn em đã nhận xét như vậy về chị, nghe như vậy thì ai cũng vui cả nhưng thành công thì chị chưa dám nói vì định nghĩa này ở mỗi người là khác nhau. Chị nghĩ là chị đang làm tương đối tốt công việc của mình.
Để tạo nên thành quả trong công việc nào cũng là sự tổng hòa của nhiều yếu tố: năng lực, tư duy và ý thức của bản thân; sự hỗ trợ của các cộng sự; sự đồng điệu và tin tưởng từ độc giả, khách hàng, học viên... Nhiều lắm em ạ!
Dạ, em cũng đồng ý. Thành công trong công việc, đặc biệt là công việc sáng tạo này cần rất nhiều yếu tố như chị có nhắc đến ở trên. Để xây dựng thương hiệu cá nhân thành công cho mình, hẳn là chị đã phải liên tục chia sẻ và chia sẻ đều đặn trong rất nhiều năm chị nhỉ?
Đúng rồi em! Không có việc gì bỗng dưng mà thành. Chị vẫn luôn nhắc các học viên phải đặt "kiên trì" thành một thứ kỷ luật. Vì không ai trong chúng ta biết chắc khi nào mình sẽ "thành công" với một nghề nghiệp đòi hỏi sự mới mẻ liên tục như vậy cả.
Chị bắt đầu chia sẻ từ tháng 7/2021. Tới giờ cũng đã bước vào năm thứ ba của hành trình rồi. Ngay từ ngày đầu tiên luyện viết, chị đã đặt ra nguyên tắc cho bản thân là đăng tải mỗi ngày ít nhất một bài 1000 từ.
Tất nhiên có những ngày chị viết nhiều hơn hoặc ít hơn nhưng số ngày không viết có lẽ chưa đầy một bàn tay. Chị nghĩ tần suất chia sẻ bài viết rất quan trọng.
Đọc thêm: 3 giai đoạn hình thành nên dấu ấn riêng
2. Những khó khăn người viết thường gặp phải
Nghe chị chia sẻ xong em thấy rất khâm phục sự bền bỉ và kiên trì của chị trong việc sáng tạo nội dung. Bản thân em cũng được gọi là content creator nhưng so với chị thì chắc mới là content creator cấp sơ sinh, em còn gặp phải nhiều trắc trở trong việc ra nội dung liên tục. Chị có gặp phải khó khăn gì không khi đặt mục tiêu chia sẻ và chia sẻ đều đặn suốt mấy năm như vậy ạ?
Có em ạ! Khó khăn cũng nhiều. Chắc chúng ta đều nghe qua câu "muốn tự do phải tự lo" rồi.
Chị mới chính thức có cộng sự gần đây. Trước đó, chị chính xác là người làm việc độc lập. Đồng nghĩa chị làm mọi thứ một mình, từ nghiên cứu, lên ý tưởng, viết bài, thiết kế, truyền thông, vận hành dự án...
Với ngần ấy đầu việc, thời gian chị làm việc trong ngày tương đối nhiều. Để duy trì việc chia sẻ hàng ngày sẽ đòi hỏi làm việc với cường độ cao và không ngừng học hỏi, tăng input để có output chất lượng.
3. Cách một người viết thực hành sáng tạo
Ngoài những việc chị kể trên, em có thể hỏi chị sâu hơn về cách chị luyện tập hàng ngày để sáng tạo nội dung không ạ?
Mỗi người sẽ có những cách luyện tập khác nhau, dù là viết hay các dạng nội dung khác. Chị sẽ chia sẻ từ phía bản thân nhé.
Những việc chị làm đều đặn hàng ngày thường bao gồm:
Làm to do list và thực hiện theo đó. Lên danh sách việc cần làm cho hôm sau vào tối hôm trước và kiểm tra số việc đã hoàn thành vào cuối mỗi ngày.
Đọc, viết, ghi chép các ý tưởng. Những việc này giúp chị làm đầy dần tài nguyên của bản thân thông qua tiếp nhận từ người khác. Đồng thời, chị cũng thể hiện những gì mình có ngược ra bên ngoài. Vòng tuần hoàn này sẽ giúp chị tạo ra nhiều nội dung hơn, không sợ bí ý tưởng vì bản thân chị cũng sẽ phát triển trong khi quá trình làm việc.
Dạy viết, trò chuyện với học viên hoặc bạn viết. Khi trao đổi với người khác, chị thường sẽ lắng nghe được góc nhìn hoặc những nhu cầu của họ. Từ đó, chị có thêm ý tưởng để làm nội dung. Hoặc là chị sẽ được ôn lại những gì mình biết, tìm hiểu thêm những gì mình còn chưa rõ để chia sẻ lại với họ.
Tại sao chị lại chọn những việc này? Bởi vì tất cả những việc này đều sẽ làm đầy "kho ý tưởng" của chúng ta.
Từ ý tưởng ban đầu, chị sẽ tạo ra các nội dung tương ứng. Tuy nhiên, vì chị làm nội dung trên nhiều nền tảng nên sẽ cần thêm những hành động khác, ví dụ như:
Nghiên cứu kênh của những người sáng tạo nội dung khác, đặc biệt là những người cùng ngách hoặc gần gũi với ngách nội dung của mình.
Nghiên cứu “luật chơi” trên các nền tảng để tạo nội dung phù hợp.
Đọc các báo cáo, số liệu liên quan để nắm được tình hình chung và có những lựa chọn nội dung phù hợp.
Tương tác, kết nối, phát triển các mối quan hệ trong nghề.
Tái sử dụng nội dung cũ dưới định dạng mới hoặc cập, triển khai theo góc nhìn khác.
Hướng dẫn và chia sẻ với người khác để ôn bài và học thêm những bài học mới.
…
4. Cách giúp người viết lưu trữ và khai thác các ý tưởng
Tất cả những điều kể trên đều là chiến lược làm “đầy” kho ý tưởng cũng như cách chị tái sử dụng nội dung, và những chất liệu xoay quanh cuộc sống của mình vào các bài viết. Em có một thắc mắc nữa là sau khi có ý tưởng, chị đã lưu trữ và triển khai các ý tưởng thế nào ạ?
Chị nhìn thấy ý tưởng ở khắp nơi, cả trong chính mình và bên ngoài mình (người khác, thiên nhiên, xã hội...). Thường chị sẽ:
Ghi chú lại các ý tưởng bất chợt xuất hiện và cả những ý tưởng chủ động tìm kiếm. Nếu không tiện để ghi chú, chị sẽ nghĩ về nó liên tục trong một thời gian, nhẩm thử dàn ý hoặc hướng triển khai khả thi cho nó. Sau đó tất nhiên vẫn cần ngồi viết thành bài hoặc ít nhất là lưu lại vào bảng ý tưởng nội dung.
Làm việc với các từ khóa để biến 01 từ khóa thành nhiều ý tưởng. Nếu em bắt đầu với một từ khóa rộng thì càng đào sâu, em càng sẽ thấy nó có thể được triển khai theo nhiều hướng: tổng hợp, danh sách, chi tiết, so sánh, phản biện…
Lập bảng ý tưởng nội dung đa kênh và cập nhật hàng ngày. Chị chỉ lập theo một số cột cơ bản để tiện cập nhật: ý tưởng (từ khóa), tiêu đề nháp, dàn ý, kênh đăng tải, ngày dự kiến đăng, nguồn tham khảo, link bài đăng, ghi chú…
Ghi chú những nội dung đã được khai thác, mức độ khai thác và nơi đăng tải. Những việc này chị làm trực tiếp vào bảng ý tưởng. Có những ý tưởng em sẽ viết được nhiều bài, do đó cần nắm được những nội dung nào đã đăng và nội dung nào còn có thể khai thác tiếp. Hoặc là nội dung đó đã được đăng ở đâu, với định dạng nào để lần sau đăng ở nơi khác, định dạng khác cho phù hợp.
Lâu lâu chị sẽ tái tạo nội dung cũ để cập nhật, khai thác thêm những khía cạnh mới, hướng mới hoặc là khai thác sâu hơn vào một khía cạnh hoặc chi tiết nào đó của nó.
Đọc thêm: 3 tiêu chí của một content idea thực sự chất lượng
5. Các phương pháp giúp content writer luyện viết hàng ngày
Một câu hỏi nhỏ nữa, đối với một người sáng tạo nội dung viết, đặc biệt chị còn là một writing mentor, ngoài các chia sẻ liên quan đến cách khai thác các ý tưởng và đi tìm chất liệu cho mình ở trên thì chị luyện viết thế nào ạ?
Về luyện viết, chị sẽ:
Đặt ra các nguyên tắc và giới hạn khi viết. Ví dụ viết hàng ngày, chỉ viết khi bản thân cũng thấy thoải mái với chủ đề ấy, tự giới hạn sẽ chia sẻ tới đâu trong một bài viết vì có nhiều câu chuyện chị chỉ muốn kể 50% và 50% giữ cho bản thân. Hoặc là có những kiến thức hoặc tài nguyên mà chị chỉ chia sẻ với học viên... Em không thể chia sẻ mọi thứ miễn phí và cho mọi đối tượng được. Giới hạn là rất quan trọng trong sáng tạo nội dung. Với cá nhân chị là vậy!
Luyện viết nhanh và tư duy tốc độ trên ứng dụng viết có giới hạn thời gian: squibler. Thường thì chị sẽ setup từ 5-15 phút tùy chủ đề. Tương đương với bài viết dài khoảng 300 từ tới 1500 từ. Những bài này để luyện tập nên không đòi hỏi quá cao, chủ yếu chị viết để đăng trên Facebook cá nhân. Khi em luyện viết, không chỉ tay em bấm phím nhanh hơn mà não em cũng sẽ tư duy ở tốc độ cao hơn.
Học thêm các dạng viết khác nhau, cả thương mại và sáng tác rồi thực hành viết theo. Chị theo dõi nhiều nhà sáng tạo nội dung ở cả 2 lĩnh vực này để học hỏi từ họ và áp dụng vào các bài viết hoặc các dự án, sản phẩm dịch vụ của bản thân.
Vận hành các dự án cá nhân như blog, cộng đồng, các kênh mạng xã hội, các sản phẩm, dịch vụ để vừa luyện viết vừa phát triển sự nghiệp và ...
Biên tập hoặc góp ý bài viết cho học viên,khách hàng để luôn được ôn lại kiến thức và thực hành theo cách khác.
…
Chà, nhiều lắm đấy!
Với câu trả lời này của chị em thấy đã quá dư giá trị tham khảo và học hỏi cho các bạn mới dấn thân vào con đường viết lách rồi ạ. Em nghĩ các bạn sau khi đọc chia sẻ của chị sẽ biết mình cần luyện tập những gì và như thế nào, có định hướng rõ ràng hơn cho kế hoạch phát triển kỹ năng viết của mình nữa ạ.
Chị tin là những chia sẻ này có ích. Việc còn lại nằm ở chính các bạn. Các bạn áp dụng linh hoạt để phù hợp với bản thân, tạo ra một routine cho chính mình. Quan trọng nhất vẫn là kiên trì và không ngừng học hỏi.
6. Nếu bạn là một content writer, thì đây là lời khuyên dành cho bạn!
Câu hỏi cuối cùng, nếu được cho lớp writing creator kế tiếp một lời khuyên thì chị sẽ khuyên nhủ các bạn điều gì ạ?
Khuyên 1 điều chắc không đủ, nhưng chị mong là các bạn cứ can đảm để bước được bước đầu tiên đã. Rồi sau đó là kiên trì. Chúng ta sẽ ngày càng nhìn thấy đích rõ ràng hơn, gần hơn khi ta tiến tới. Nếu đứng im tại chỗ không bắt đầu, mãi mãi không có đích đến nào cả.
Chị rất tin vào câu nói "Càng cố gắng, càng may mắn" nên chị cũng tin hành trình sáng tạo nội dung sẽ mang đến cho mỗi chúng ta nhiều trải nghiệm, giá trị và bài học nếu ta cũng nỗ lực để tạo ra các nội dung "tử tế" trước. Còn tuyệt vời như thế nào thì chờ mỗi người tự cảm nhận nhé!
-
Vậy là bài phỏng vấn đã kết thúc rồi. Mình tin thông qua những chia sẻ của chị Hòa Lương, với những chia sẻ đầy chân thành, những phương pháp luyện tập đầy khoa học, cùng trải nghiệm của một cô giáo dạy viết chuyên nghiệp, mình có niềm tin lớn rằng các bạn đang chuẩn bị/đã dấn thân vào con đường viết lách nghiêm túc đều sẽ đúc kết lại được cho mình điều gì đó hữu ích trên hành trình sáng tạo của bản thân trong tương lai.
Và em cùng The Next Creator xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến chị Hòa vì đã xuất hiện cùng chúng em trong bài viết ngày hôm nay ạ!
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu muốn kết nối với The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!