Bí mật tạo nên sự khác biệt của một content creator! (Phần 1)
Đằng sau con đường sáng tạo của mọi người đều có những câu chuyện của riêng mình.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ có cơ hội khám phá cuộc hành trình đầy thú vị của cô gái vô cùng xinh đẹp và tài năng có tên gọi đầy ấn tượng, Thần Uyên. Với danh xưng này, Thần Uyên đã tạo ra một thương hiệu riêng, trở thành một trong những content creator mang một bản sắc độc nhất.
Hành trình từ khi bắt đầu của Thần Uyên cho đến khi trở thành một content creator độc đáo với dự án ý nghĩa đồng hành cùng người trẻ mang tên Unlock Your Potential. Cùng tìm hiểu cách Thần Uyên đã vượt qua những thách thức và đi sâu vào câu chuyện thú vị đằng sau tên gọi “Thần Uyên” ngay bây giờ nhé.
1. Từ tên gọi trở thành thương hiệu
Host Kiều Trang:
Xin chào Thần Uyên, mới chỉ nghe đến tên Thần Uyên thôi cũng đã khiến cho mọi người có rất nhiều sự tò mò về Uyên rồi. Uyên có thể chia sẻ một chút về tên gọi của mình không? Hay là Thần Uyên có ý nghĩa như thế nào đối với em?
Thần Uyên:
Nó bắt đầu từ sự tự nhận thức bản thân, hồi đấy em quan tâm nghiên cứu một chút về thần số học và cũng có thời gian để chiêm nghiệm lại bản thân. Em thấy trong tính cách của mình bị cảm xúc chi phối quá nhiều.
Mình không giữ được kỷ luật và thiếu sự hoạch định chiến lược cho công việc. Em cảm thấy như thế sẽ không tốt, muốn mình có thể hoạch định chiến lược và cứng cáp hơn, lý trí hơn.
Khi nghiên cứu thêm thần số học em đã quyết định đổi tên thành Thần Uyên, nhưng mà đúng thật là từ sau khi đổi thành Thần Uyên công việc của em có một bước phát triển mới hẳn.
Host Kiều Trang:
Không biết rằng trước đây, Uyên đã bắt đầu hành trình như thế nào và có cơ duyên hay câu chuyện nào đưa Uyên đến với nghề sáng tạo nội dung hay không?
Thần Uyên:
Em bắt đầu sáng tạo nội dung từ những năm 2020, nhưng để nghiêm túc thì từ đầu năm 2022. Xuất phát điểm của em không phải với tên gọi là một nhà sáng tạo nội dung mà bắt đầu với công việc viết như một freelancer full time.
Em đã làm cho nhiều khách hàng trong vòng một năm, rồi em thấy mình muốn chia sẻ những thứ là của mình, theo phong cách của mình thay vì là phải tập trung theo một diện mạo khác của những thương hiệu khác.
Nên em đã quyết định làm full time như là một nhà sáng tạo nội dung, nhưng mà em vẫn chưa bước ra được khỏi vùng an toàn của mình cho đến khi em biết đến anh Hà Minh là founder của The Next Creator.
Em có cơ hội được tham gia một thử thách do anh Hà Minh tạo ra ở trong Vũ trụ creator. Sau thử thách em cho rằng, đây là một dấu ấn giúp em bứt phá bản thân và bước ra được khỏi vòng an toàn của mình.
May mắn là sau thử thách em có được anh Hà Minh coaching, từ lúc đó cơ duyên với nghề sáng tạo nội dung của em được nảy nở một cách rất là trù phú.
Host Kiều Trang:
Vừa rồi Uyên có chia sẻ thì Uyên không bắt đầu hành trình content creator ngay từ đầu, mà Uyên bắt đầu từ việc viết như là một freelancer full time. Trước khi tìm được cho mình mentor và phát triển như hiện giờ thì Uyên có gặp phải những rào cản hay có những khó khăn gì khi mới bắt đầu hành trình sáng tạo hay không?
Thần Uyên:
Một trong những khó khăn lớn nhất sau khi em bước ra được khỏi vùng an toàn chính là việc chọn ngách. Vì em thích quá nhiều thứ, nhưng bản thân lại không có đủ thời gian để làm tốt nhiều thứ cùng một lúc. Trước đây em học về quản trị du lịch và khách sạn, trong thời gian làm freelancer, em làm branding và marketing cho các thương hiệu F&B, em cảm thấy ngách sáng tạo nội dung về dịch vụ ăn uống là một thứ mà em cũng rất muốn theo đuổi.
Bên cạnh đấy sự kiện có em bé làm cho em nhận thức thêm được rằng, mình rất quan tâm đến vấn đề giáo dục và đồng hành với các người trẻ. Bởi vì trước đó, em cũng từng là một người trẻ, cũng từng đi học nên em nhận ra một số những điểm yếu trong môi trường giáo dục. Em mong muốn có thể xây dựng một chương trình, hay góp phần làm cho nền giáo dục của mình được tốt hơn. Sau này con của em đi học cũng sẽ không gặp phải những vấn đề như em đã từng gặp.
Em là chị cả trong gia đình, trước đây không có ai định hướng nghề nghiệp cho mình, nên em rất hiểu cảm giác mông lung đó. Em muốn trở thành một người đồng hành với người trẻ trong việc định hướng nghề nghiệp, đó là hai ngách mà xuất phát từ bản thân mà em rất muốn theo đuổi. Lúc đó em chưa có hình dung được thị trường ngoài kia đã có bao nhiêu người làm về ngách này, ngách có lớn và có thể phát triển được hay không?
Em chỉ đơn giản là đi từ bản thân mình, đó là hai điều mình muốn làm nhất và em phân vân là không biết nên chọn cái nào hay chọn cả hai. Bởi vì, với một người mới bắt đầu mà chọn cả hai thì em sợ mình sẽ không kham nổi, có quá nhiều ý tưởng và em sẽ không đủ sức để có thể cam kết làm tốt tất cả.
Những ý tưởng mà em tạo ra cũng nhờ được coaching với anh Hà Minh, anh đã giúp em làm rõ hành trình của mình hơn. Hiện tại em quyết định sẽ tập trung vào con đường chính là trở thành một mentor đồng hành cùng các bạn trẻ phát triển sự nghiệp. Đó chính là rào cản ban đầu của em và thật may mắn khi có mentor cùng mình vượt qua.
2. Không có công thức chung cho việc chọn ngách
Host Kiều Trang:
Có thể thấy cách mà Uyên đã tìm ngách cho mình là đi từ chính những trải nghiệm của bản thân, Uyên đã rút ra cho mình được những bài học, từ đó em đã tìm được ra cho mình ngách để theo đuổi hành trình làm sáng tạo nội dung. Việc chọn ngách để bắt đầu luôn là một chủ đề khó nhằn đối với các nhà sáng tạo nội dung mới. Vậy thì Uyên có gợi ý nào cho các bạn có thể tìm ra được ngách cho riêng mình để theo đuổi con đường sáng tạo nội dung này hay không?
Thần Uyên:
Có nhiều creator hay nhiều bài viết tham khảo hướng dẫn về việc chọn ngách, em đã đọc rất nhiều bắt đầu từ ikigai của bản thân, những gì mà mình đam mê, những gì mà xã hội cần và những gì kiếm ra tiền. Sau khi làm kiểm duyệt viên cho Vũ trụ creator, em có cơ duyên được tiếp xúc với nhiều nhà sáng tạo thì vấn đề của họ là không thể nào làm theo các bước được, có quá nhiều thứ thì rất khó để làm theo. Khi tập trung vào một công thức thì nó không mang đến “điểm chạm” cho mình.
Mọi người còn gặp một vấn đề nữa đó chính là thích quá nhiều thứ, cái gì cũng muốn nhưng không biết làm cái gì. Cũng giống như ban đầu, em phân vân giữa hai ngách thì các bạn cũng sẽ phân vân với rất nhiều ngách. Việc đứng đấy và phân vân sẽ không mang lại một kết quả gì. Như tập podcast vừa rồi anh Hà Minh có chia sẻ là “đi càng xa, càng hiểu sâu về bản thân mình” việc mình bắt đầu bước đi thì đích đến hay con đường của mình mới càng trở nên rõ ràng được.
Nếu mình đứng tại chỗ và tưởng tượng về nó thì chưa đủ, cho nên để bắt đầu các bạn không cần phải tìm đâu xa.
“Bạn có thể bắt đầu từ chính mình, mình có thể là nguồn cảm hứng cho việc sáng tạo của mình”.
Khi bắt nguồn từ chính mình thì việc chiêm nghiệm lại hành trình của mình sẽ biết được nội dung nào là cái mình muốn làm và vì sao mình lại muốn bắt đầu con đường sáng tạo này.
Vì ai? Vì mình, hoặc là vì một lý do nào đó có thể đóng góp được cho cộng đồng theo một cách nào đó. Thay vì, mình bắt đầu từ các công thức thì mình có thể bắt đầu tìm ngách từ việc nhìn nhận lại bản thân trước, sau đó mới đi đến những bước tiếp theo. Đó chính là phát triển ngách này ra sao, có những kế hoạch, chiến lược, những đường đi nước bước nào để con đường mình chọn được phát triển.
3. Trở thành ông chủ lớn trong một thị trường nhỏ
Host Kiều Trang:
Có thể thấy, hành trình mới bắt đầu của mọi người cũng gặp rất nhiều những khó khăn, có nhiều bạn loay hoay để đi tìm ngách. Vậy Uyên có thấy sự khác nhau nào không giữa một người, chọn ngách đi từ những suy nghĩ bản thân là chủ yếu và một người chọn ngách thông qua những yếu tố khác, ví dụ như sự viral ở trên mạng xã hội được nhiều người quan tâm?
Thần Uyên:
Chúng ta hay bị lo lắng quá về việc ngách quá nhỏ hay ngách quá lớn, hoặc là đã có quá nhiều những gương mặt nổi trội thì làm sao một người mới như mình, có thể chen chân vào và làm cho mình nổi bật. Để tạo ra được lợi ích cho người khác và cho cả bản thân người sáng tạo đó là một câu chuyện về tầm nhìn chiến lược. Nhìn chung “ngách” không có giới hạn và không có cố định.
Mình có thể chọn một ngách nhỏ, mình cứ đi thì mình sẽ càng nhìn rõ đường hơn. Mình sẽ sáng tạo trong ngách hẹp đó, mình “trở thành ông chủ lớn trong một thị trường nhỏ”. Khi càng đi lâu thì sẽ càng được mở mang tầm nhìn, mình sẽ biết là có thể mở rộng ngách theo những hướng nào. Mình sẽ có những tầm nhìn chiến lược khác cho sự phát triển của mình ra sao. Hoặc nếu như ngách của nhà sáng tạo chọn lớn quá, không biết mình có thể tạo ra được một dấu ấn của mình trong ngách này hay không? Cùng là một ngách phát triển bản thân thế nhưng mà có rất nhiều cách khai thác khác nhau. Ví dụ:
Chị Trang cũng là một thành viên của The Next Creator, em cũng có cơ hội nói chuyện rất nhiều với chị, em cũng có nghe chị chia sẻ về câu chuyện của mình. Chị đã từng gặp phải những vấn đề về tâm lý khi mà sang Nhật du học. Sau khi vượt qua, chị muốn dùng trải nghiệm của bản thân cũng như những kiến thức đã học tập và tiếp cận được để chia sẻ hành trình của mình, giúp các bạn vượt qua và sống tích cực hơn.
Ngoài ra, em còn vô tình đọc được một câu chuyện của một chị, chị là một người nội trợ. Chị đã phát hiện ra việc nhà cửa không được dọn dẹp ngăn nắp, có thể dẫn đến các cuộc cãi vã, trong hôn nhân và có thể dẫn đến việc tệ hơn là ly hôn. Chị bắt đầu phát triển ngách của mình gọi là “chăm sóc nhà cửa để giữ gìn hôn nhân”. Sau khi em đọc câu chuyện đó em nhận ra: “Thì ra, đằng sau con đường sáng tạo của mọi người đều có những câu chuyện của riêng mình.”
Giống như em, từ sau khi có em bé, em mới bắt đầu nhìn nhận nhiều hơn về việc là giáo dục cho người trẻ như thế nào để họ có thể phát triển tốt nhất. Cũng giống như câu chuyện trên, với trải nghiệm của mình lấy đó làm nguồn cảm hứng cho việc sáng tạo cũng như xây dựng những cái kế hoạch về sau để phát triển. Anh Hà Minh sẽ khai thác theo lối tâm lý học và khoa học bên cạnh những chiêm nghiệm sâu sắc khác. Như em, em cũng phát triển về ngách phát triển bản thân cho người trẻ, nhưng em sẽ khai thác từ việc mình xây dựng nội lực từ bên trong mình, khám phá ra những tiềm năng riêng của mình.
Bởi vì em tin, mỗi người đều là một bức tranh với những tiềm năng chưa được khai phá. Mỗi người đều là một tác phẩm nghệ thuật. Em sẽ đi từ những góc độ khác nhau, cùng là ngách nhưng mình có thể có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau. Dựa trên những câu chuyện và trải nghiệm của riêng mình. Điều đó sẽ tạo ra dấu ấn cho mình bên cạnh rất nhiều thứ xoay quanh việc sáng tạo nội dung.
Việc có trình bày được rõ ràng quan điểm của mình trong nội dung hay không? Hoặc có tâm huyết và tạo ra được giá trị đều đặn hay không? Còn rất nhiều cái yếu tố khác, nhưng bản chất vẫn là việc mình tự nhìn nhận về bản thân mình, đâu là nguyên nhân và gốc rễ tạo ra động lực. Lý do đủ lớn để mình muốn làm sáng tạo, tập trung vào cách mình kể câu chuyện của riêng mình thế nào. Em nghĩ điều đó có thể giúp nhà sáng tạo, tạo ra những dấu ấn riêng trong một ngách lớn.
4. Tìm kiếm sự tự tin của chính mình ở một ngóc ngách nào đó
Host Kiều Trang:
Có một câu rất hay mà Uyên chia sẻ rằng: trở thành ông chủ lớn trong một thị trường nhỏ, dần dần mình sẽ có thể triển khai ra được nhiều những ngách khác nhau. Nếu như một bạn trẻ, khi chưa có đủ nội lực cho mình, chưa tìm thấy được đam mê hay điều thực sự bản thân muốn làm để giúp mình có thể tự tin hơn. Vậy Uyên có suy nghĩ gì về điều này và có gợi ý nào dành cho các bạn hay không?
Thần Uyên:
Các bạn đang bị thiếu là sự tự tin vào bản thân, nghĩ rằng mình sẽ không chiến thắng được những người đã làm rất lâu năm ngoài kia, mình sẽ không đủ chuyên môn, mình không đủ kinh nghiệm. Những trải nghiệm của mình, tâm huyết của mình nhưng chắc gì ngoài kia người ta đã thấy như thế.
Nội lực bên trong được xây dựng bằng việc mình phải tin vào bản thân mình. Trước hết mình không tin mình rất giỏi, mình không tin là mình hơn rất nhiều người. Nhưng mà mình phải tin rằng, thông qua câu chuyện của mình, mình phải có một niềm tin là những câu chuyện mình trải qua xứng đáng được chia sẻ và có giá trị để chia sẻ.
Ví dụ nếu đang thiếu tự tin, mình sẽ tìm cách tin bản thân từ những khía cạnh rất nhỏ nhất, mình tin là câu chuyện của mình cũng có nhiều người gặp phải và trải nghiệm của mình có giá trị với những người khác.
Mọi thứ của em cũng đến từ sự tự tin. Em không có tin những thứ quá viển vông hoặc những thứ không có thật, thế nhưng em luôn biết cách luồn lách suy nghĩ của mình để tìm ra được cho mình một niềm tin trong những thứ mình không tin.
Mình phải tự nói chuyện với mình, tự đối diện với bản thân, tự thuyết phục mình là những điều mình không tự tin là không đúng đâu. Và mình phải tìm ra một lý do nào đấy để làm tăng sự tự tin của mình.
Khi càng có thời gian để suy nghĩ về hành trình của mình càng nhiều, mình hiểu bản thân nhiều hơn thì có thể tìm ra được sự tự tin của mình ở một ngóc ngách nào đó trong những trải nghiệm từ quá khứ. Sau đấy sẽ làm nên nội lực để mình có thể chiến đấu với những khó khăn bên ngoài.
5. Lời kết
The Next Creator tin rằng, các nhà sáng tạo nội dung nếu vẫn đang cảm thấy mông lung, thiếu tự tin hay chưa thể chọn được ngách cho mình để bắt đầu, thì bạn sẽ tìm được cho mình câu trả lời sau những chia sẻ của Thần Uyên.
Hẹn các bạn ở phần 2 với chủ đề: “Bí mật tạo nên sự khác biệt của một content creator” qua những chia sẻ của Thần Uyên nhé!
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu muốn kết nối với The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
Đọc xong post muốn liên hệ Thần Uyên tư vấn tên mới ghê :))