Bạn là ai trong số 4 hình mẫu content creator này?
Cả 4 nguyên mẫu đều có những sức mạnh riêng, và sẽ bù đắp, hỗ trợ cho nhau một cách hoàn hảo.
Sáng tạo nội dung là một công việc đòi hỏi content creators phải đảm nhiệm cùng lúc nhiều vai trò.
Không như những công việc khác, có job description rõ ràng, với một content creators thì hầu như… việc gì cũng phải làm. Từ việc lên chiến lược đến thực thi, từ việc soạn nội dung cho đến việc căn chỉnh từng chút một trên Canva, Capcut…
Với tính chất đa dạng (và cũng đầy thử thách) như vậy, content creators sẽ phải đồng thời “vào vai” các nhân tố khác nhau, tùy thuộc vào trách nhiệm mà họ đang cần phải giải quyết là gì.
Mình hệ thống các vai trò khác nhau đó vào 4 nguyên mẫu (archetypes), tồn tại bên trong mỗi nhà sáng tạo. Mỗi nguyên mẫu đại diện cho một hướng tiếp cận làm nội dung đặc trưng nhất.
4 nguyên mẫu này được mình đúc kết từ quan sát cá nhân, và được truyền cảm hứng bởi khái niệm brand archetypes (nguyên mẫu thương hiệu) trong marketing, và 3 nguyên mẫu của người làm kinh doanh như Michael E. Gerber đã miêu tả trong cuốn “The E-myth Revisted”.
Vậy, 4 nguyên mẫu cơ bản nhất của content creators là gì?
Trong lúc đọc bài viết và khám phá, bạn hãy thử tự soi chiếu xem mình hiện đang là ai trong số 4 nguyên mẫu này nhé!
1. Nghệ nhân (artist)
“Nội dung phải có sự sáng tạo và thể hiện được giá trị riêng biệt của mình”.
Nghệ nhân là những người đầu tư rất nhiều tâm huyết vào nội dung của mình. Họ xem nội dung mình làm ra là những “tác phẩm nghệ thuật” đại diện cho con người họ. Họ muốn thông điệp phải thật ý nghĩa, ý tưởng phải sáng tạo độc đáo, và đảm bảo những yếu tố về thẩm mỹ. Họ làm nội dung bằng cả trái tim, với một sự yêu thích và tự hào về nội dung của mình, và sáng tạo với triết lý “content is king”.
Nguyên mẫu này luôn lo sợ rằng nội dung của mình thiếu hoàn chỉnh, không phản ánh đúng giá trị con người họ, hoặc mất đi niềm say mê yêu thích với chính nội dung mình làm ra.
Điểm mạnh:
Nội dung được đầu tư nhiều chất xám và có nhiều giá trị
Nội dung có sức hút và được yêu thích
Tạo được thương hiệu có phong cách và dấu ấn riêng biệt
Điểm yếu:
Chất lượng nội dung bị ảnh hưởng bởi cảm hứng, tần suất không nhất quán
Tập trung quá nhiều thời gian vào chi tiết, cầu toàn quá mức với nội dung
Gặp khó khăn với việc tạo được thu nhập xứng đáng với công sức
Bạn có phải là một nghệ sĩ hay không? Những câu hỏi này sẽ giúp bạn tự kiểm tra:
Bạn có ưu tiên sự sáng tạo thuần khiết hơn xu hướng và lợi nhuận không?
Nội dung của bạn có phản ánh sâu sắc niềm tin, giá trị, đam mê hoặc tầm nhìn cá nhân của bạn không?
Bạn có thấy mình dành nhiều thời gian để hoàn thiện các nội dung của mình nhất có thể không?
Sự chấp thuận của một nhóm nhỏ khán giả có cùng giá trị có mang lại cho bạn nhiều ý nghĩa hơn là một lượng lớn người theo dõi thờ ơ không?
Bạn có cảm thấy chán nản hoặc khó chịu khi phải thay đổi cá tính của mình để phù hợp với nhu cầu bên ngoài hoặc xu hướng của số đông hay không?
Phát triển khía cạnh của một người nghệ sĩ bên trong mình cho phép bạn tạo ra những nội dung độc đáo, ấn tượng, mang nhiều giá trị về mặt cảm xúc, thu hút khán giả và khiến bạn trở nên khác biệt trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội vốn đã chật chội và nhiều sự cạnh tranh.
Để phát triển khía cạnh này ở bản thân mình, bạn hãy:
Tạo một ra một “nghi thức sáng tạo”: thiết lập cho mình một không gian và thời gian riêng cho việc tạo nội dung.
Tìm kiếm những góc nhìn, những ý tưởng sáng tạo mới mẻ, độc đáo, khiến bạn cảm thấy hứng thú và tận hưởng quá trình làm ra nó.
Đặt ranh giới cho mình, bảo vệ tính toàn vẹn và chân thực cho sản phẩm của bạn.
Ví dụ tham khảo: The School Of Life.
Workshop: Làm sao để “dễ thở” hơn khi viết - Viết dễ dàng, sáng tạo không giới hạn (7h-9h30 PM thứ bảy 7/10/2023).
Workshop này dành cho:
Solopreneur, Copy writing, Content writer, người mới viết, đang viết và sẽ dùng viết lách để xây dựng sự nghiệp, sức ảnh hưởng và tạo ra thu nhập.
Để đăng kí tham gia workshop, mời bạn điền thông tin vào link này!
2. Kỹ sư (technician)
“Làm chủ được công nghệ là chìa khóa quan trọng nhất để thành công”
Kỹ sư là những người có một cái nhìn phân tích đầy sắc sảo về cách mọi thứ vận hành. Họ xem việc sáng tạo nội dung như một vấn đề kỹ thuật cần giải quyết. Chất lượng nội dung tương ứng với chất lượng của thiết bị và các hệ thống vận hành. Họ đặc biệt chú tâm đến thuật toán của các nền tảng, và luôn sẵn sàng khám phá các phần mềm và công cụ mới (như A.I) để tìm ra những thủ thuật tối ưu nhất cho nội dung của mình.
Nguyên mẫu này luôn lo sợ rằng những kỹ năng và hiểu biết của mình bị lỗi thời, và không theo kịp những sự đổi mới rất nhanh về công nghệ.
Điểm mạnh:
Nội dung có chất lượng sản xuất cao
Luôn nắm bắt và dẫn đầu xu hướng về công nghệ
Tối ưu hóa việc sản xuất nội dung bằng các công cụ mới
Điểm yếu:
Gặp khó khăn với các ý tưởng nội dung sáng tạo hoặc các thông điệp có chiều sâu
Tốn nhiều tiền để đầu tư ban đầu
Không tạo được dấu ấn cá nhân rõ nét
Bạn có phải là một kỹ sư hay không? Những câu hỏi này sẽ giúp bạn tự kiểm tra:
Bạn có thích tìm hiểu và thử nghiệm các công cụ, nền tảng và công nghệ mới không?
Chất lượng sản xuất của bạn (âm thanh, hình ảnh, edit, v.v.) có phải là ưu tiên hàng đầu của bạn không?
Bạn có thấy mình đang đọc hoặc xem nội dung về những thay đổi trong thuật toán, cập nhật công nghệ hoặc thiết bị mới không?
Bạn có phải là người thường xuyên được các đồng nghiệp của mình xin tư vấn về những vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc sáng tạo nội dung không?
Bạn có cảm thấy bất an hoặc bị bỏ lại phía sau khi không cập nhật các công cụ hoặc nền tảng mới nhất không?
Làm chủ được các khía cạnh kỹ thuật của việc sáng tạo nội dung sẽ đảm bảo rằng sản phẩm của bạn đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chuyên nghiệp nhất, tạo thành một lợi thế đòn bẩy của riêng bạn, khiến quy trình làm việc của bạn nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều so với những đối thủ cạnh tranh.