5 bài học đắt giá từ cuốn sách “Nghệ thuật PR bản thân”
“Thành công đến từ may mắn. Nhưng may mắn sẽ đến khi ta có đủ sự chuẩn bị.”
Là một content creator, có bao giờ bạn băn khoăn không biết:
Khi nào nội dung của mình mới được lan truyền rộng rãi?
Khi nào bản thân mới được nhiều người biết đến và được công nhận trong nghề?
Liệu có nên tiếp tục con đường này, hay quay về với công việc nào đó đơn giản hơn, có sẵn lộ trình để đỡ phải lo nghĩ?
Trước đây mình cũng có những câu hỏi như vậy. Mình mơ ước một ngày được trở thành nhà sáng tạo nội dung thành công như chị Sunhuyn, chị Giang Ơi, hay anh The Hanoi Chamomile,…
Nhưng song song với đó, mình luôn thắc mắc “Làm thế nào mà họ có thể trở nên thành công và nổi tiếng như vậy nhỉ?”
Bởi nghề content creator không giống các ngành nghề khác – không có con đường thăng tiến rõ ràng, không chắc chắn, và không phải lúc nào cũng có thành quả ngay.
Mình từng thấy nhiều người rất tâm huyết với từng nội dung họ làm, video nào cũng đầu tư, chăm chút, nhưng cuối cùng lại không đạt được gì. Nhiều người trong số đó đã phải quay lại công việc ổn định để có thể đảm bảo cuộc sống.
Vậy có lẽ để thành công trong nghề này, ta buộc phải dựa vào may mắn?
Mình từng nghĩ như thế, cho đến khi đọc được câu văn này trong cuốn sách “Đúng việc” của tác giả Giản Tư Trung:
“Thành công đến từ may mắn. Nhưng may mắn sẽ đến khi ta có đủ sự chuẩn bị.”
Từ khi có thêm nhiều trải nghiệm sâu hơn trong công việc sáng tạo nội dung, đặc biệt là khi gia nhập team Vũ Trụ Creator, mình nhận ra rằng: nghề content creator cũng có lộ trình thăng tiến riêng. Nhưng để đạt được, ta cần một chiến lược đúng đắn và phải duy trì sự bền bỉ.
Một yếu tố quan trọng chính là việc “tự PR bản thân” - điều mà tác giả Austin Kleon đã phân tích rất kỹ trong cuốn sách “Nghệ thuật tự PR bản thân.”
Trong bài viết này, hãy cùng mình tìm hiểu 5 bài học đắt giá nhất mà mình đã đúc kết được qua cuốn sách. Và hy vọng chúng sẽ giúp bạn áp dụng vào công việc của bản thân!
Bài học 1:
Nếu muốn mọi người biết về những gì bạn đang làm và những thứ bạn quan tâm, bạn phải chia sẻ chúng.
Nếu bạn cũng đang lo lắng không biết khi nào nội dung của mình sẽ được chú ý, hoặc khi nào mình sẽ có chút tiếng tăm, thì hãy nghe lời khuyên của danh hài Steve Martin: “Hãy làm tốt đến mức không ai có thể phớt lờ bạn.”
Martin nói rằng nếu bạn tập trung làm tốt, khán giả sẽ tự tìm đến bạn.
Tuy nhiên, chỉ làm tốt thôi là chưa đủ. Để được tìm thấy, bạn phải nằm trong vùng tìm kiếm được.
Trong thời đại ngày nay, nếu sản phẩm của bạn không được đưa lên mạng, thì coi như nó không tồn tại. Chúng ta đều có cơ hội sử dụng tiếng nói và nêu ra quan điểm của mình, nhưng rất nhiều người lại lãng phí nó. Việc xuất hiện đều đặn sẽ giúp bạn kết nối với khán giả, được thuật toán đề xuất, và có thêm dữ liệu để cải thiện.
Những người tham gia thử thách “Content Marathon – 30 ngày sáng tạo nội dung” của Vũ Trụ Creator là minh chứng cho điều này. Chỉ bằng cách liên tục đăng bài mỗi ngày, nhiều vận động viên đã nhận lại những kết quả rất xứng đáng.
Vậy nên, hãy kiên trì chia sẻ nội dung mỗi ngày để nâng cao tay nghề và duy trì kết nối với người theo dõi nhé!
Bài học 2:
Hãy trở thành kẻ nghiệp dư và chia sẻ những gì bạn yêu thích
Austin Kleon khuyên rằng chúng ta hãy là “kẻ nghiệp dư” – làm vì yêu thích, không vì danh tiếng hay tiền bạc. Những người như vậy có lợi thế là không sợ mất gì và sẵn sàng thử mọi thứ, chia sẻ thành quả mà không ngại ngần.
Hãy chia sẻ những gì bạn thích, rồi những người có cùng đam mê sẽ tự tìm đến bạn. Kleon gọi cộng đồng này là “cộng đồng tài năng” – một nhóm những người có cùng sở thích, giúp đỡ và phát triển cùng nhau.
Bạn không nhất thiết phải tài ba hay thông minh xuất chúng để trở thành một mắt xích có giá trị trong một cộng đồng tài năng. Quan trọng là bạn đóng góp được gì, chất lượng mối quan hệ do bạn tạo ra và những cuộc đàm luận do bạn khởi đầu.
Hành trình sáng tạo nội dung chưa bao giờ là hành trình 1 mình. Có những người bạn đồng hành, tiếp sức chắc chắn sẽ khiến con đường sáng tạo của mỗi người trở nên dễ dàng và ý nghĩa hơn.
Và Private Community của Vũ Trụ Creator chính là một “cộng đồng tài năng” như thế. Hãy đồng hành cùng chúng mình trên chặng đường này nhé!
Bài học 3:
Bất cứ điều gì khiến bạn hứng thú, hãy bắt tay làm nó. Bất cứ điều gì khiến bạn mệt mỏi, hãy ngừng công việc đó lại.
Khi bạn tìm thấy thứ mình thực sự yêu thích, đừng để ai khiến bạn cảm thấy tồi tệ về điều đó. Hãy tận hưởng những sở thích của mình và vui vẻ với nó. Cởi mở và chân thành về bản thân là cách tốt nhất để kết nối với những người có sở thích giống bạn.
Trước đây, mình từng tạo nội dung để chạy theo lượt tương tác, cố gồng lên để theo trend nhưng không cảm thấy hạnh phúc.
Đến khi tập trung vào những gì mình thực sự thích, công việc mới trở nên ý nghĩa. Chính khi đó, mình thu hút đúng đối tượng khán giả và tạo ra kết nối chân thật.
Bài học 4:
Đừng bận lòng vì nhận xét của mọi người, chỉ cần quan tâm đến nhận xét của người đáng quan tâm là được.
Chắc hẳn đã có lúc bạn chần chừ xuất hiện trên mạng xã hội vì sợ đánh giá của mọi người đúng không? “Không biết mọi người nghĩ gì về mình?”, “Nội dung này có thật sự giá trị không nhỉ?”, “Nhỡ mọi người chê bai mình thì sao?”
Sự thật là chúng ta không bao giờ có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Và đương nhiên cũng sẽ gặp những người chỉ muốn dìm ta xuống. Tác giả Austin Kleon gọi những người này là “kẻ chơi khăm”.
Một kẻ chơi khăm là người không hề muốn giúp bạn cải thiện sản phẩm, mà chỉ khiến bạn tức điên với kiểu nói chuyện đầy thù hằn, hung hăng và khó chịu. Bạn sẽ chẳng nhận được gì nếu dây dưa với loại người đó.
Đừng để họ làm ảnh hưởng đến bạn. Bạn có thể dùng nút chặn trên các trang mạng xã hội, xóa những bình luận tiêu cực. Như một câu nói: “Nếu ai đó quẳng một đống rác vào nhà, chắc chắn bạn sẽ dọn nó đi, đúng không?”
Đến cuối cùng, chỉ có bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm về cuộc sống cũng như hạnh phúc của chính mình mà thôi.
Bài học 5:
Chủ động kết nối với những người cùng chí hướng
Một điều mình rất biết ơn khi quyết định sáng tạo nội dung là gặp được những người bạn tuyệt vời. Nghề content creator vốn độc lập, nhưng khi gặp được những người bạn cùng nghề, mình cảm thấy rất vui và nhận được nhiều sự giúp đỡ.
Khi công khai về bản thân và công việc, bạn sẽ tự nhiên gặp được những người trong cùng lĩnh vực. Họ là những người có chung đam mê và sẵn sàng giúp bạn phát triển. Hãy trân trọng mối quan hệ với những người đó, mời họ hợp tác và giữ họ ở gần.
Nhờ có những người này mà mình có thể:
Rút ngắn thời gian trải nghiệm vì được nghe họ chia sẻ hành trình đã qua
Mở rộng networking và kết nối thêm nhiều mối quan hệ chất lượng
Nhận được sự khích lệ, động viên cũng như lời khuyên hữu ích cho công việc
Và vô vàn giá trị khác khiến mình vững bước hơn trên hành trình của bản thân
Trên đây là 5 bài học đắt giá từ cuốn sách “Nghệ thuật tự PR bản thân.”
Hy vọng bài viết này đã truyền cảm hứng để bạn bắt đầu PR bản thân mình, vì mỗi chúng ta đều là một cá thể độc đáo và đáng để chú ý.
Còn bạn thì sao, bạn đã đọc cuốn sách này chưa? Đâu là bài học bạn tâm đắc nhất? Hãy chia sẻ cùng mình nhé!
Vũ Trụ Creator là bản tin dành cho content creator đầu tiên tại Việt Nam. Dự án được thành lập vào 03/2023 bởi các nhà sáng tạo nội dung tại cộng đồng Vũ Trụ Creator.
Nếu bạn muốn được tham gia vào một cộng đồng học tập, rèn luyện kỹ năng sáng tạo nội dung và kết nối với rất nhiều creators chất lượng khác, bạn có thể đăng ký Private Community
Nếu bạn muốn tìm Vũ Trụ Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại Fanpage.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Nếu bạn có bất kỳ chia sẻ nào khác hay liên hệ hợp tác, bạn có thể gửi thư cho chúng mình tại địa chỉ vutrucreator@gmail.com
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!