Làm sao để áp dụng tư duy hệ thống trong sáng tạo nội dung?
Mọi hành động bạn làm, dù có thể không thấy kết quả ngay lập tức, nhưng nó chắc chắn sẽ dẫn đến một kết quả nào đó.
Tư duy hệ thống có thể là một khái niệm có thể trừu tượng đối với một số người. Nhưng nếu hiểu đúng, nó có thể là chìa khóa giúp bạn vượt qua nhiều thử thách trong cuộc sống và công việc sáng tạo. Bản chất của tư duy hệ thống là nhìn nhận mọi thứ theo một góc nhìn tổng thể, từ đó giải quyết vấn đề một cách hiệu quả và có mục tiêu rõ ràng. Cùng với đó, nó cũng chính là la bàn định hướng, giúp bạn luôn vững vàng khi cảm thấy lạc lối trong hành trình sáng tạo.
Vậy làm sao để áp dụng tư duy hệ thống vào công việc sáng tạo nội dung? Hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết này nhé!
I. Tư duy hệ thống là gì?
Trong tập Podcast “Tư duy hệ thống một cách đơn giản” trên kênh Cấy Nền Radio, thầy Phan Văn Trường đã chia sẻ một cách giải thích rất dễ hiểu về tư duy hệ thống: đó là luật nhân - quả. Mọi hành động bạn làm, dù có thể không thấy kết quả ngay lập tức, nhưng nó chắc chắn sẽ dẫn đến một kết quả nào đó.
Chính vì vậy, một người có tư duy hệ thống luôn tự hỏi “Tại sao?”:
Tại sao điều này lại xảy ra với mình?
Mình làm công việc này để làm gì?
Những hành động hiện tại sẽ ảnh hưởng như thế nào trong tương lai?
Làm thế nào để cải thiện những gì mình đang làm?
Tư duy hệ thống giúp chúng ta hiểu rằng mỗi quyết định mình đưa ra sẽ có ảnh hưởng đến kết quả lâu dài. Nếu bạn hành động mà không hiểu được mối liên hệ giữa các yếu tố, bạn sẽ dễ dàng đi lạc hướng mà không nhận ra. Vì vậy, người có tư duy hệ thống luôn nhìn nhận mọi vấn đề trong bối cảnh lớn hơn, thay vì chỉ tập trung vào các sự kiện rời rạc.
II. Tầm quan trọng của tư duy hệ thống trong sáng tạo nội dung
Vậy tư duy hệ thống có thực sự cần thiết trong sáng tạo nội dung không? Câu trả lời là có. Tư duy hệ thống sẽ giúp bạn nhận ra rằng không có gì là ngẫu nhiên. Mọi thứ trong cuộc sống đều có mối liên hệ và ảnh hưởng lẫn nhau. Điều này sẽ giúp bạn duy trì động lực sáng tạo, ngay cả khi đối diện với những thử thách và khó khăn.
Để bạn dễ hình dung hơn, mình muốn kể câu chuyện về hai người bạn của mình, cùng là content creator, tạm gọi là A và B.
A, ngay từ khi bắt đầu, đã rất nổi bật. Nội dung của bạn ấy liên tục lên xu hướng, được nhiều người biết đến và nhận được cơ hội hợp tác với các thương hiệu lớn. Tuy nhiên, có một điều là những nội dung của A không thực sự mới mẻ. Bạn ấy có vẻ như dựa vào các công thức đã thành công từ trước, mà không thực sự dành thời gian để cải tiến và sáng tạo thêm.
B, ngược lại, lại là một người rất đam mê sáng tạo và luôn tâm huyết với từng sản phẩm của mình. B dành thời gian rất lâu để nghiên cứu, đọc sách, tìm hiểu về các xu hướng mới, và luôn tự hỏi bản thân làm sao để cải thiện từng chi tiết nhỏ trong mỗi bài viết. Tuy nhiên, ban đầu B không nhận được sự chú ý lớn. Nội dung của bạn ấy không phải lúc nào cũng viral, và cơ hội hợp tác cũng rất ít.
Nhưng chỉ hai năm sau, cục diện đã thay đổi hoàn toàn. Nội dung của A không còn tạo được hiệu ứng mạnh mẽ như trước, những video và bài viết cứ lặp đi lặp lại. Kết quả là A gặp khó khăn trong công việc, không đạt được KPIs và không thể duy trì được sự quan tâm của người xem lâu dài.
Còn B sau 2 năm kiên trì, đã xây dựng được một cộng đồng yêu thích luôn tin tưởng vào những giá trị bạn ấy mang lại. Nội dung của B dần được mọi người biết đến rộng rãi, các cơ hội hợp tác cũng đến, và khách hàng thì rất yên tâm khi làm việc cùng B.
Qua câu chuyện này của A và B, chúng ta có thể nhận ra rằng tư duy hệ thống chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt.
A, dù nhanh chóng có được thành công, nhưng lại thiếu sự cải tiến và học hỏi, vì vậy không thể duy trì sự phát triển lâu dài. Trong khi đó, B đã áp dụng tư duy hệ thống, không ngừng cải tiến và nhìn nhận mọi thất bại, mọi khó khăn như một phần trong hệ thống lớn giúp bạn ấy phát triển hơn mỗi ngày.
Câu chuyện trên, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc nhìn nhận mọi thứ dưới góc nhìn tổng thể. Đó cũng chính là chiếc la bàn định hướng, giúp chúng ta duy trì động lực sáng tạo, mạnh mẽ vượt qua giai đoạn khó khăn. Bởi “gieo nhân nào, gặt quả nấy”, hãy cứ kiên trì, cặm cụi mỗi ngày và khiến bạn trong tương lai tự hào nhé!
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm góc nhìn phân tích sâu hơn của chị Mera Cao qua bài viết:
III. Vậy làm sao để áp dụng tư duy hệ thống trong công việc sáng tạo?
Mỗi khi cảm thấy mất động lực, mình luôn cố gắng tư duy hệ thống nhất có thể - và từ đó luôn tìm ra được giải pháp cần thiết. Là một content creator, có lẽ chúng ta ai cũng đã từng trải qua cảm giác:
Chán nản khi những bài viết tâm huyết không nhận được sự chú ý
Cảm thấy cô đơn khi phải làm việc một mình quá lâu
Bị áp lực khi nhìn sang bên cạnh thấy ai cũng giỏi hơn mình.
Những lúc ấy, tư duy hệ thống đã giúp mình nhìn nhận mọi vấn đề theo một cách hoàn toàn khác. Cụ thể như sau:
1. Luôn tập trung vào mục tiêu lâu dài:
Những phản hồi hiện tại đôi khi có thể khiến chúng ta nản lòng, chùn bước, mặc dù sau này nhìn lại thì đó là những trải nghiệm cần xảy ra. Vậy nên, hãy luôn nhắc bản thân về mục tiêu bạn muốn đạt được trong dài hạn, ví dụ như xây dựng một cộng đồng trung thành, tạo ra giá trị lâu dài cho người xem, hay đơn giản là chia sẻ những nội dung có ích đến một ai đó.
Sự thật là không phải tất cả mọi người đều sẽ tương tác ngay lập tức. Hãy kiên nhẫn - như câu chuyện của B bên trên, và giá trị của bạn sẽ bắt đầu được nhận ra dần dần.
Bản thân mình đã có cơ hội gặp gỡ trực tiếp và lắng nghe một số content creator thành công chia sẻ về hành trình của họ. Và ai thì cũng đều trải qua một giai đoạn dài khi không ai biết đến họ, một giai đoạn dài khi họ phải tự mày mò con đường của riêng mình. Cho đến khi đúng thời điểm, đúng lúc, một nội dung trúng đề xuất - mọi nỗ lực của họ sẽ được đền đáp. Đó cũng chính là Quy tắc 80/20: Nguyên lý thành công của content creator đã được anh Hà Minh chia sẻ trong bài viết trước đây.
Từ nay về sau, mỗi khi gặp khó khăn, hãy tự nhắc bản thân về lý do bạn bắt đầu hành trình này cũng như những mục tiêu dài hạn mà bạn muốn đạt được nhé. Có câu nói rằng: “Thành công là may mắn. Nhưng may mắn sẽ đến khi bạn có đủ sự chuẩn bị.”. Dành thật nhiều thời gian và công sức cho sự chuẩn bị đó - để đến khi thời điểm thích hợp xuất hiện, bạn đã sẵn sàng nha!
Vậy bây giờ ngồi xuống nhìn lại: “Mục tiêu lâu dài mà bạn theo đuổi trên hành trình sáng tạo này là gì?
2. Hiểu sâu sắc mối quan hệ giữa các yếu tố:
Như định nghĩa của tư duy hệ thống mình vừa phân tích bên trên: “Mọi thứ trong cuộc sống đều có mối liên hệ và ảnh hưởng lẫn nhau”, tương tự trong công việc sáng tạo cũng vậy.
Đừng nghĩ rằng một bài viết flop có nghĩa là bạn thất bại. Hãy nhìn nhận bài viết đó như một phần của một hệ thống lớn. Những thất bại này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khán giả, từ đó điều chỉnh chiến lược và tối ưu hóa những lần sau.
Khi một bài viết không được đón nhận, bạn hãy tự hỏi: "Tại sao bài viết này lại có vẻ chưa chạm được đến đối tượng mục tiêu? Mình có thể làm gì để cải thiện không: như đăng giờ cao điểm hơn, tối ưu độ dài, sửa lại tiêu đề và thumbnail thu hút,...” Hoặc đôi khi chỉ cần nhắc nhở bản thân về: “Lý do mình bắt đầu làm nội dung này? Mình có muốn giúp đỡ ai đó qua việc chia sẻ thông tin giá trị không?" Khi bạn tìm được lý do cốt lõi cho công việc sáng tạo của mình, bạn sẽ không dễ dàng bị nản lòng.
Ngoài ra, những thay đổi nhỏ tưởng chừng như không đáng kể có thể tích lũy lại và tạo ra tác động lớn. Khi bạn tạo ra các thói quen tốt, chẳng hạn như đăng nội dung đều đặn, bạn sẽ thấy sự thay đổi trong cách khán giả tương tác và tiếp cận bạn.
Những việc làm đều đặn hàng ngày chính là các “mắt xích nhỏ” trong cả một “hệ thống lớn” để bạn có thể chinh phục mục tiêu của mình.
Vậy để đạt được mục tiêu dài hạn bên trên, bạn nghĩ bản thân cần những xây dựng thêm những thói quen nào khi là một nhà sáng tạo nội dung?
3. Không ngừng cải tiến liên tục:
Tư duy hệ thống khuyến khích chúng ta luôn tìm cách cải thiện mọi việc mình làm. Hãy tạo thói quen học hỏi mỗi ngày và cải thiện từng chút một. Mỗi lần bạn thử một điều mới, dù có thất bại, bạn đều sẽ học được một bài học giá trị để phát triển hơn.
Ví dụ như khi mình quyết định thay đổi cách thức tương tác với người xem, chẳng hạn như thay vì chỉ trả lời bình luận, mình đã tổ chức một buổi livestream, hoặc live Q&A để trả lời thắc mắc trực tiếp. Quyết định nhỏ này đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong việc xây dựng cộng đồng và tạo dựng mối quan hệ lâu dài với người xem của mình. Từ đó, mình thấu hiểu độc giả tốt hơn và xây dựng tuyến nội dung giá trị dành cho họ.
Ngoài ra thì trước đây, mình đã từng né tránh việc cải thiện kỹ năng thiết kế vì cho rằng chỉ cần phát huy chuyên môn viết lách là đã đủ cho công việc sáng tạo. Cho đến khi muốn mang đến một nội dung tốt hơn, giá trị hơn, chạm với độc giả hơn qua trải nghiệm hình ảnh thì mình mới nhận ra bản thân chưa làm tốt được.
Lúc đấy, mình hiểu rằng việc học hỏi, cống hiến hết mình và cố gắng để “mỗi ngày tiến một tí” chưa bao giờ là thừa. Ngược lại còn là điều kiện bắt buộc nếu chúng ta muốn trưởng thành và tốt hơn bản thân ngày hôm nay. Đặc biệt trong công việc sáng tạo nội dung thì càng có thể “đa nhiệm”, xây dựng tư duy hệ thống nhiều bao nhiêu, càng giúp tăng giá trị của bản thân mình bấy nhiêu nữa cơ!
Thử nghĩ về một trở ngại lớn nhất trong hành trình sáng tạo hiện tại, bạn nghĩ mình có thể cải thiện chúng như thế nào?
4. Kiên trì và không bỏ cuộc:
Sáng tạo nội dung vốn là một hành trình dài, một hành trình yêu cầu sự bền bỉ, kiên trì vững bước của mỗi chúng ta. Vậy nên những kết quả thường không đến nhanh, và chẳng có ai có thể “cầm tay chỉ việc” khuyên bạn nên làm gì. Mỗi người đều phải tự tìm tòi, thấu hiểu bản thân, có lộ trình riêng và quyết tâm với những mục tiêu ban đầu.
Nhưng nếu bạn kiên trì và biết nhìn nhận mọi hành động như một phần của hệ thống lớn, bạn sẽ thấy rằng những nỗ lực của mình rồi sẽ được đền đáp theo thời gian.
Hồi trước lúc mới bắt đầu quay video TikTok, mình run và sợ lắm. Biểu cảm gượng gạo, tâm lý thì tự ti vì sợ bị đánh giá, script lại không thuộc,... lúc đó mình nghĩ chắc không phù hợp với công việc này rồi. Nhưng cứ từng ngày thử và thử, mình dần cảm thấy tự tin hơn. Hóa ra mọi thứ không đáng sợ như mình nghĩ.
Những video đầu tiên chẳng có ai xem, nhưng là cơ hội quý giá để mình cải thiện hơn qua từng ngày. Dần dần, những video bắt đầu có nhiều người xem hơn. Bản thân lại tiếp tục phân tích qua những chỉ số thu thập được, may mắn nhất là khi mình phát hiện ra một công thức viral. Lúc đó làm video nào cũng cán xu hướng cơ!
Công việc đó đã mang đến cho mình những cơ hội mà bản thân trước đây không ngờ tới, cũng là tiền đề đầu tiên cho hành trình sáng tạo của mình sau này.
Vậy giả sử nếu làm việc gì cũng chắc chắn thành công, bạn sẽ muốn làm gì và trở thành ai? Câu trả lời nói lên rất nhiều về mong muốn sâu thẳm bên trong chúng ta đó!
IV. Những điều cốt lõi
Cuối cùng, để áp dụng tư duy hệ thống vào sáng tạo, bạn cần hiểu rằng mọi thứ đều có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Mỗi quyết định nhỏ bạn đưa ra trong công việc đều có thể tạo ra một ảnh hưởng lâu dài. Những thay đổi nhỏ này sẽ tích lũy lại và tạo ra tác động lớn trong tương lai.
Khi bạn áp dụng tư duy hệ thống, mỗi thất bại sẽ không còn là sự thất vọng mà là cơ hội để học hỏi và cải thiện. Hãy nhớ rằng: "Thành công là may mắn, nhưng may mắn sẽ đến khi bạn có đủ sự chuẩn bị."
Mình hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về tư duy hệ thống và cách ứng dụng nó trong công việc sáng tạo!
Vũ Trụ Creator là bản tin dành cho content creator đầu tiên tại Việt Nam. Dự án được thành lập vào 03/2023 bởi các nhà sáng tạo nội dung tại cộng đồng Vũ Trụ Creator.
Nếu bạn muốn được tham gia vào một cộng đồng học tập, rèn luyện kỹ năng sáng tạo nội dung và kết nối với rất nhiều creators chất lượng khác, bạn có thể đăng ký Private Community
Nếu bạn muốn tìm Vũ Trụ Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại Fanpage.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Nếu bạn có bất kỳ chia sẻ nào khác hay liên hệ hợp tác, bạn có thể gửi thư cho chúng mình tại địa chỉ vutrucreator@gmail.com
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
Bài viết rất ý nghĩa nha Khánh ui ^^