5 “bước ngoặt” trên hành trình trở thành content creator
Hành trình này không phải toàn màu hồng, nhưng cũng không quá “viển vông” nếu như bạn thực sự sẵn sàng.
Mình vừa trải qua 2 tháng với 10 cuộc phỏng vấn xin việc, câu hỏi mình nhận được nhiều nhất từ các nhà tuyển dụng đó là “Em lập kênh Instagram để làm gì?”.
Câu hỏi này ngay lập tức gợi nhắc mình nhớ lại giai đoạn mới bắt tay vào làm công việc sáng tạo nội dung. Thú thực, động lực của mình khi ấy không phải sự nổi tiếng, được người khác ngưỡng mộ hay các hợp đồng quảng cáo tiền triệu. Động lực chỉ đơn giản là muốn được kể câu chuyện của chính mình cho những người cần nó. Nếu có một lý do khác thì đó là mình muốn thông qua việc kể chuyện này để thấu hiểu bản thân và từng bước hướng tới phiên bản hoàn thiện hơn.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ tất cả những góc nhìn và kinh nghiệm cá nhân khi trải qua các “bước ngoặt” trên hành trình trở thành Content Creator. 5 giai đoạn tương ứng với 5 thời điểm “thăng trầm” mình đã trải qua, sẽ giúp bạn hiểu và biết nên chuẩn bị những gì trước khi xây dựng “hành tinh” của mình trong “vũ trụ” Content Creator. Hành trình này không phải toàn màu hồng, nhưng cũng không quá “viển vông” nếu như bạn thực sự sẵn sàng. Cùng bắt đầu nhé!
Giai đoạn 1: Vượt qua “ngưỡng bắt đầu”
Có rất nhiều lý do khiến nhiều người mong muốn trở thành một nhà sáng tạo nội dung. Đó có thể là sự nổi tiếng, thương hiệu được người khác ghi nhớ, hoặc xa hơn là những hợp đồng quảng cáo hấp dẫn... Và cho dù mục đích đó là gì, những nhà sáng tạo nội dung đều mang đến giá trị và giải quyết một nhu cầu nào đó của khán giả. Mình tin rằng đã có hơn một lần bạn đang lướt qua một bài viết, video và nghĩ rằng: “Hay là mình cũng trở thành content creator?”.
Đó cũng là lúc bạn đang bước vào giai đoạn đầu tiên “Vượt qua ngưỡng bắt đầu”. Nói một cách đơn giản, bạn sẽ bắt tay vào việc xây dựng kênh của mình. Nhưng công việc này không hề đơn giản. Trước đây, khi ý tưởng làm blog Facebook ập đến, mình bắt đầu chọn tên, làm cover đơn giản, và đăng bài trong 1 tuần. Sau đó, không có sau đó nào cả. Blog của mình rơi vào quên lãng vì không có kế hoạch cụ thể.
Mình bắt đầu trở lại với hành trình sáng tạo nội dung vào tháng 8/2022 trên Instagram. Nhưng so với lần trước, mình dành một tháng nghiên cứu nền tảng, định dạng nội dung có thể làm, chọn ngách và tìm hiểu những người cùng nội dung,... Nhờ đó, mình biết được sẽ lên những nội dung xoay quanh chủ đề gì, lập kế hoạch đăng bài liên tục, và hiểu followers muốn xem những video như thế nào.
Tóm lại là, rất nhiều thứ bạn cần tìm hiểu trước khi bước đến “ngưỡng bắt đầu”. Đến đây, sẽ có người quyết định từ bỏ vì những nỗi sợ luôn hiện hữu trên hành trình trở thành Content Creator. Cho dù nội dung chưa thực sự hoàn hảo, hãy cố gắng vượt qua ngưỡng bắt đầu vì đó cũng là lúc bạn bước ra khỏi vùng an toàn.
Giai đoạn 2: Vỡ mộng với công việc sáng tạo nội dung
Sau nội dung đầu tiên, hầu hết các nhà sáng tạo nội dung đều cảm thấy rất hào hứng và hy vọng có thật nhiều người xem. Nếu bạn có kế hoạch đăng nội dung 1 lần/ 1 ngày, bạn sẽ rất chờ đợi đến ngày mai để tiếp tục chia sẻ. Đây chính là cảm xúc của mình sau khi đăng reels đầu tiên được 80 lượt xem. Trong 3 ngày đầu tiên, các reels của mình đều tăng số lượt xem mỗi ngày. Có khi reels qua 100 lượt xem cũng là “thành tựu” rồi.
Nhưng sự ưu ái của nền tảng dành cho các “newbie” không kéo dài mãi. Sau khi hết 1 tuần được Instagram “dán nhãn” tài khoản mới, các reels của mình bắt đầu ít lượt xem hơn hẳn. Mình vẫn lặp đi lặp lại công việc đăng video, nhưng thay vì hào hứng như ngày đầu, mình kỳ vọng reels sẽ được nhiều lượt xem để rồi… thất vọng.
Không sai, giai đoạn 2 chính là lúc các content creator lần đầu đối mặt với cảm giác “flop”. Những bài viết đăng lên chỉ có 1, 2 like, những video chưa nổi 30 views. Thậm chí sau một tuần, một tháng, tình trạng này vẫn không khởi sắc. Nội dung không dễ viral như bạn nghĩ và chúng ta vỡ mộng với danh xưng Content Creator.
Giai đoạn 3: Hoài nghi về con đường đang đi
Sau chuỗi ngày vỡ mộng, bạn sẽ bắt đầu đặt ra những câu hỏi:
“Liệu mình có đang đi đúng hướng?”
“Tại sao người xem không thích nội dung của mình?”
“Nền tảng thay đổi thuật toán ư?”
Đó chính là quãng thời gian hoài nghi bản thân và những việc mình đang làm. Trải qua 1 tháng tìm câu trả lời cho rất nhiều thắc mắc, mình không phủ nhận rằng đã có lúc định dừng lại. Mình không biết nên đăng gì tiếp theo và nội dung đó có được nhiều người xem hay không. Và không chỉ riêng các “newbie”, bất kỳ ai khi thử một điều mới không thành đều cảm thấy hoài nghi và muốn bỏ cuộc. Một số người quyết định dừng lại, nhưng một số lại bắt đầu…theo một cách khác. Và nếu bạn đang hoặc sẽ bước đến giai đoạn này, đừng quá lo lắng khi cảm thấy thấy hoang mang, nghi ngờ chính mình. Vì khi bắt đầu đặt câu hỏi, tức là bạn đang tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”.
Giai đoạn 4: Vượt qua hoài nghi, khẳng định chính mình
Đối với mình, đây có thể coi là giai đoạn khó nhất trong hành trình trở thành content creator. Sự hoài nghi sẽ khiến chúng ta dễ dàng từ bỏ hơn là tìm kiếm những hướng đi khác. Mình vô tình biết được câu chuyện của chị Hải An - một content creator trong lĩnh vực giáo dục. Chị từng chia sẻ qua story rằng: trước khi có một kênh Instagram 78.000 followers chị đã “đập đi xây lại” 4 lần, trong đó có những trang đã đạt được hơn 1.000 followers. Mình đã từng nghĩ rằng liệu có uổng phí khi bắt đầu lại nhiều lần như vậy không? Và mình đã tự tìm được câu trả lời. Nếu như mục tiêu cuối cùng là tìm ra thương hiệu cá nhân và bạn có cơ hội được thử thì không có gì là uổng phí cả.
Còn rất nhiều Content Creators khác cũng đã vượt qua hoài nghi trước khi làm được những điều bạn đang nhìn thấy. Nếu như thành công là “bề mặt” thì sự hoài nghi, những khó khăn, đánh đổi, và nhiều góc khuất họ đã trải qua nằm ở “phần chìm” mà bạn không thể thấy được. Không có gì là bất ổn nếu bạn thất bại trong lần đầu tiên thử một điều mình chưa từng làm. Lúc này, hãy tạm dừng lại, bạn phải hiểu bản thân mình trước:
Bạn muốn làm gì?
Giỏi điều gì?
Có thể làm được những gì?
Giá trị cốt lõi bạn mang lại là gì?
Bạn muốn được nhớ đến như thế nào?
Khi có một tầm nhìn và kế hoạch cụ thể, hướng phát triển cho “hành tinh” sẽ ngày càng rõ ràng hơn.
Khi mới bắt đầu xây dựng kênh Instagram, mình lựa chọn cách tự khám phá. Mình gọi đó là quá trình “học - làm - sai - học” từ những sai lầm của mình. Bạn cũng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của những người có chuyên môn, kinh nghiệm trong việc phát triển kênh tìm ra giải pháp nhanh hơn.
Kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn" tại đây.
Tóm lại thì, cho dù kênh phát triển nhanh hay chậm, điều quan trọng là bạn vẫn đang không ngừng tìm cách để tiến về phía trước. Trong bất kỳ giai đoạn nào, các content creators cũng cần liên tục nhìn nhận và đánh giá nội dung mình đã chia sẻ. Đó như một cách để học từ chính mình, để làm nó tốt hơn hoặc có thể bạn sẽ bắt gặp ý tưởng mới từ những nội dung cũ.
Giai đoạn 5: Phát triển bản thân, mở ra cơ hội
Là một content creator thuộc ngách phát triển bản thân, mình tin rằng sáng tạo nội dung cũng là hành trình để hoàn thiện chính mình. Các nhà sáng tạo nội dung sẽ không ngừng học hỏi những điều mới, kết nối với các creators khác. Từ đó bạn có thể mở rộng vòng tròn kết nối, tìm thêm được những người bạn, những followers - người cho bạn biết rằng những nội dung bạn làm có ý nghĩa đặc biệt với họ. Càng đi thật xa trên hành trình sáng tạo nội dung, bạn sẽ thấy “hành tinh” của mình có thêm nhiều màu sắc phong phú khác hẳn so với thuở sơ khai. “Hành tinh” đó chính là thế giới tâm hồn, phiên bản tốt hơn của bạn, cùng với bản sắc độc đáo không thể tìm thấy ở những nơi khác trong vũ trụ Content Creator này.
Để bắt đầu sáng tạo nội dung không khó, nhưng nếu muốn trở thành một content creator chuyên nghiệp thì bạn cần cả một quá trình nỗ lực không ngừng và kiên trì để đạt được những “trái ngọt” đầu tiên. Hành trình đó sẽ tiếp tục đi tới những mục tiêu lớn hơn khi bạn bền bỉ “ươm mầm” mỗi ngày. Có một điều chắc chắn đó là bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều trở ngại xuyên suốt hành trình.
Nhưng tin mình đi, đó sẽ là một hành trình đáng tự hào cho dù bạn có nhận được các giá trị về vật chất hay không. Vì khi dám bước qua “ngưỡng bắt đầu”, bạn đã trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.
Mình hy vọng qua bài viết này bạn đã hiểu thêm về những “bước ngoặt” mà hầu hết các Content Creators sẽ trải qua khi sáng tạo nội dung trên bất kỳ nền tảng nào. Cuối cùng, nếu bạn đang có ý định xây dựng một “hành tinh” trong vũ trụ Content Creator, hãy bắt đầu với các câu hỏi, tự tìm câu trả lời, và quan trọng nhất là luôn kiên trì, bền bỉ theo đuổi mục tiêu của mình.
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!