3 điều bạn cần biết về Creator Economy trước khi dấn thân làm sáng tạo
“Thế giới của những người sáng tạo” đang diễn ra như thế nào?
Hình dung bạn đang đứng trước một cánh cửa khổng lồ, trên đó ghi dòng chữ “Thế giới của những người sáng tạo”. Bạn háo hức muốn bước vào nhưng lại cảm thấy hơi lo lắng. Đừng lo, bài viết này sẽ là chiếc chìa khóa giúp bạn tự tin khám phá và chinh phục những thử thách phía trước.
Bài viết này sẽ tập trung phân tích về 3 điều mà những người làm sáng tạo nên biết về Creator Economy thông qua những số liệu được cung cấp trong báo cáo của ConvertKit: tiền năng của ngành, xu hướng sáng tạo 2025, lộ trình phát triển cho creators..
Chú thích: ConvertKit là một nền tảng tiếp thị dành cho creators với các tính năng giúp bạn tự động hóa quy trình làm việc. Hàng năm, ConvertKit sẽ tiến hành khảo sát trên cơ số creators nhất định, rút ra insight nhằm hỗ trợ creators có một chiến lược phát triển năm mới hiệu quả hơn. Bài viết này sử dụng số liệu 3 năm gần nhất từ State of the Creator Economy của ConvertKit (nguồn tham khảo được đính cuối bài viết).
1, Tiềm năng của ngành Sáng tạo nội dung.
[1] Theo báo cáo của ConvertKit, dựa trên thu nhập năm 2023, 1000 creators được chia thành 3 loại:
Six-figure creators: Những creators có thu nhập trên 6 chữ số ($100k USD ~ 2,5 tỷ VND)
Mid-size creators: $10K/năm - $100K/năm (250 triệu VND/năm - 2,5 tỷ VND/năm)
New creators: dưới $10K/ năm (250 triệu VND)
Trong 1000 người được khảo sát, có đến 54% thuộc nhóm New creator (30% có thu nhập dưới $10K và 24% chưa có thu nhập). Còn lại lần lượt là 16% và 27% đối với nhóm Six-figure creators và Mid-size creators.
Thoạt nhìn, thu nhập của Creators trong khảo sát có thể khiến cho độc giả Việt Nam hiểu nhầm ngành sáng tạo nội dung là ngành có thu nhập khủng, trông rất hào nhoáng. Bởi vì, ngay cả người mới cũng kiếm được chục triệu mỗi tháng (nhóm New Creators $10K/năm ~ khoảng hơn 20 triệu/tháng).
Thế nhưng, phân tích và đánh giá vấn đề sâu hơn, chuyện không “ngon ăn” như thế. Khi ta tiến hành so sánh mức thu nhập trên với chỉ số “thu nhập bình quân đầu người” của Mỹ (PCI - Per Capita Income). Trong năm 2023, trung bình một người Mỹ kiếm được $56,929[4], $10K/năm bỗng không lớn như chúng ta nghĩ. 80% creators có tổng thu nhập thấp hơn mức trung bình.
Ở đây, mình chọn so sánh với thu nhập trung bình ở Mỹ vì tất cả đối tượng đều sử dụng tiếng Anh để trả lời khảo sát (Đánh giá này là chủ quan và có khả năng sai lệch với thực tế vì ConvertKit cung cấp dịch vụ toàn cầu, đối tượng khảo sát chỉ đề cập là creators). Thế nhưng, với phần lớn creators có thu nhập dưới trung bình, phần nào cũng thể hiện rằng ngành Kinh tế Creator (Creator Economy) không phải màu hồng.
Dù không màu hồng, nhưng nền kinh tế sáng tạo vẫn đang phát triển hàng năm và luôn có cơ hội cho bất cứ ai dám chấp nhận thử thách. Căn cứ vào đối tượng khảo sát, có đến 50% creators gia tăng thu nhập trong 2022 (so với 2021)[2] và 76% tăng trong năm 2021 (so với những năm trước)[3]. So sánh 2022 và 2023, đều có sự tăng trưởng ở cả 2 nhóm six-figure creators (12% tăng thành 16%) và mid-size creators (tăng từ 20% lên 27%)[2][3]. Số liệu trên chứng minh rằng Sáng tạo nội dung là một ngành vô cùng tiềm năng. Hơn một nửa đến 3 phần 4 số người được khảo sát có thu nhập cao hơn năm trước đấy.
Đây chính là ưu điểm của Creator Economy, bạn được tự do kiểm soát và chủ động nâng cao mức thu nhập dựa trên chuyên môn và sức ảnh hưởng. Khi làm thuê cho doanh nghiệp & tổ chức, bạn chỉ có cơ hội khi người khác cho bạn cơ hội. Nhưng khi làm creators, cơ hội do bạn tự tạo ra và tự nắm bắt. Làm đủ tốt, thu nhập của bạn cũng sẽ theo đó mà tăng trưởng với tỉ lệ cao hơn nhiều khi làm thuê. Tuy nhiên, bạn cần đầu tư công sức, tích lũy một thời gian trước thật sự kiếm được lợi nhuận và phần lớn creators bỏ cuộc ở giai đoạn này (80% creators có thu nhập dưới trung bình trong năm 2023).
Cũng theo báo cáo này, năm 2021, tỷ lệ full-time creators có thu nhập sẽ cao hơn khi so sánh với part-time creators và hobbyists (creator thiên về sở thích)[3]. Đơn giản vì họ đầu tư nhiều thời gian và công sức nhất. Tuy việc này còn phụ thuộc vào thâm niên, kinh nghiệm, may mắn, thời thế… của từng creators, không hẳn cứ cố gắng sẽ thành công. Nhưng dù thế, tình huống xấu nhất, ít nhất bạn đã cho bản thân mình có cơ hội được thử, và thu về trải nghiệm, kinh nghiệm khi làm creators.
2. Xu hướng sáng tạo nội dung được dự đoán cho 2025
Với sự bùng nổ của TikTok vào giai đoạn 2021-2022, nền tảng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhất trong những năm tiếp theo. Thế nhưng, chúng ta đã nhầm.
Theo 2024 SOTCE Report, Newsletters / Email mới là xu hướng cho năm 2025, không phải những nền tảng thiên về short form như TikTok, Instagram, Facebook,... Đặc biệt là TikTok. Theo số liệu, tỷ lệ creators sáng tạo short-form video trên Tiktok đã giảm đi 1 nửa chỉ trong vòng 1 năm (từ 45% còn 22%)[1].
Vậy chuyện gì đã xảy ra với Tiktok?
Cũng được mô tả trong báo cáo này, có một vài giả thuyết như:
Engagement thấp: Chỉ có 2% số creators có lượng tiếp cận cao nhất trên TikTok
Khối lượng công việc nặng: Tốn rất nhiều công sức để tạo nhiều loại content ở trên nhiều nền tảng. Và khi quyết định bỏ đi 1 thứ, short-video sẽ là thứ được bỏ đi đầu tiên.
Tại sao Email thay thế được TikTok trở thành nền tảng được yêu thích nhất? (Có đến 58% creators tập trung làm content trên Newsletters / Email trong năm 2023)[1].
“Chúng ta đều biết sự thay đổi khó lường trước của thuật toán mạng xã hội. Vì vậy, điều chúng ta cần làm là tạo ra cách an toàn hơn để kết nối với khán giả…” - Terry Rice | Head of Growth & Partnership, Good People Digital.
“Nếu so sánh lượng reach giữa email và mạng xã hội, tôi có nhiều khả năng kiểm soát liệu subcribers có đọc email hay không. Với email, tỉ lệ mở lên đến 45% nhưng chỉ có 10% khi so với lượng reach trên mạng xã hội. Hơn nữa, tôi sẽ rèn luyện kỹ năng copywriting và viết những dòng tiêu đề tốt hơn, 45% đó có thể tăng cao hơn nữa” - Justin Moore | Sponsorship Coach, Creator Wizard.
“Thật tuyệt khi không cần sự cho phép của Facebook, Instagram, hay Tiktok mỗi khi tôi muốn giao tiếp với khách hàng. Tôi không cần phải dùng nền tảng của một bên thứ 3, tôi có thể tiếp cận họ trực tiếp thông qua email” - Timothy Moser | LearnCraft Spanish.
Tóm tại, điểm khác biệt lớn nhất giữa Email Marketing và Mạng xã hội là lượt tiếp cận và thuật toán. Nếu thuật toán thay đổi và phân phối lại nội dung, creators phải thay đổi để bắt kịp. Điều đó thật mệt mỏi. Nên nhiều creators đã “bo xì” mạng xã hội. Hơn nữa, Email / Newsletters cũng được đánh giá là nơi có lượt tiếp cận khán giả cao nhất, vượt vote lên đến 27%, gần gấp đôi vị trí thứ 2 là Instagram[1].
Chung quy lại, nếu bạn là creators mới bắt đầu, hãy dành thời gian xây dựng một email list để có thể tương tác trực tiếp với độc giả.
3. Đề xuất lộ trình phát triển cho creators
Trong 2024 SOTCE Report, tùy thuộc creators đang ở nhóm nào, ConverKit có đề xuất đến các creators top những công cụ được sử dụng nhiều nhất, thử thách lớn nhất và cách “lên trình” đến giai đoạn tiếp theo:
Tại sao lại là những công cụ này?
Nhóm New Creators (Người sáng tạo mới):
Mạng xã hội: Đây là kênh tiếp cận khán giả nhanh nhất, miễn phí và dễ sử dụng đối với người mới. Các nền tảng như Facebook, Instagram, TikTok cho phép người mới dễ dàng chia sẻ nội dung của mình đến lượng lớn người dùng.
Landing page: Dùng để chuyển đổi người theo dõi thành khách hàng hoặc người đăng ký email / newsletter. Công cụ này giúp tập trung vào một mục tiêu cụ thể, tùy vào mục đích hoặc tầm nhìn của creators trong việc tạo ra thu nhập (bán sản phẩm, bán khóa học, thu nhập thông tin liên lạc,...)
Blog: Nơi chia sẻ những bài viết dài hơn, chuyên sâu hơn, giúp xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và gia tăng thứ hạng SEO
Nhóm “Người sáng tạo đang phát triển” (Emerging Creators)
Nền tảng khóa học: Khi đã có một lượng followers nhất định, người sáng tạo có thể bắt đầu tạo ra các khóa học trả phí để tăng thu nhập.
Landing page builder: Giúp tạo ra các landing page chuyên nghiệp hơn, tùy biến được cao hơn so với những landing page code sẵn
Email Marketing: Xây dựng mối quan hệ với khán giả, thông báo về các sản phẩm mới, khóa học mới và sự kiện đặc biệt
Nhóm “Người sáng tạo chuyên nghiệp” (Advanced Creators)
Nền tảng cộng đồng: Giúp tạo ra một không gian tương tác cho cộng đồng của mình, tăng cường sự gắn kết và tạo ra nhiều cơ hội hợp tác.
Marketing Automation: Tự động hóa quy trình marketing, giúp tiết kiệm thời gian, tăng hiệu suất làm việc
Khóa học: Tiếp tục vẫn là nguồn thu nhập ổn định như nhóm “Người sáng tạo phát triển”.
Theo ConverKit đề xuất lộ trình, ta thấy được sự phát triển của creators đi kèm với việc sử dụng các công cụ ngày càng phức tạp và đa dạng hơn. Thách thức lớn nhất ở mỗi giai đoạn cũng phản ánh sự phát triển của người sáng tạo. Từ việc tìm kiếm cách kiếm tiền ban đầu, đến việc xây dựng một nguồn thu nhập ổn định và cuối cùng là đa dạng hóa các nguồn thu nhập.
Bắt đầu với các công cụ đơn giản như mạng xã hội và blog, creators dần chuyển sang các công cụ chuyên nghiệp hơn để xây dựng thương hiệu cá nhân, tạo ra các sản phẩm giá trị và đa dạng hóa nguồn thu nhập. Nếu chỉ dựa vào mạng xã hội, creators sẽ bị phụ thuộc vào thuật toán và có kiểm soát được lượng độc giả của mình, nên việc xây dựng một email list rất quan trọng.
Bên cạnh đó, bước phát triển từ New Creators sang Emerging Creators, ConvertKit đề xuất tạo ra những khóa học trả phí. Việc sử dụng nền tảng khóa học và email marketing sẽ giúp họ quản lý và tương tác với học viên một cách hiệu quả. Tuy nhiên, việc tạo ra một khóa học chất lượng và bán được nó cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực và kiến thức mà đa phần những ai ở giai đoạn New Creators sẽ khó làm được:
Chưa có followers trung thành: Khóa học cần lượng người quan tâm nhất định để thu hút đăng ký. Giai đoạn đầu, creators nên tập trung vào xây dựng nội dung miễn phí để thu hút và giữ chân khán giả. Khi đã có lượng độc giả đủ lớn, việc bán khóa học sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Chưa có kinh nghiệm: Tạo một khóa học chất lượng đòi hỏi nhiều kỹ năng, từ việc lên kế hoạch nội dung, quay video, chỉnh sửa cho đến khâu marketing. Người mới bắt đầu có thể chưa đủ kinh nghiệm để làm tốt các khâu này.
Và cũng như trong báo cáo này đề xuất, để phát triển lên cấp độ tiếp theo, người làm sáng tạo cần không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức và kỹ năng mới, đồng thời xây dựng một công đồng trung thành và sẵn sàng ủng hộ.
Những đề xuất phía trên được ConvertKit khảo sát và tổng hợp. Gần 3 trên 4 creators chi dưới $500 cho công cụ, phổ biến nhất là trong khoảng từ $100 - $500 mỗi tháng[1]. 2 công cụ phổ biến nhất được creators tin dùng là Nền tảng Mạng xã hội (77%) và Phần mềm Email Marketing (68%). Quan trọng nhất, công cụ được sử dụng còn tùy thuộc vào thu nhập của creators đó và tầm nhìn của creators về việc họ sẽ dùng công cụ như thế nào để nâng tầm sự nghiệp của mình.
Kết luận
Tóm lại, khi nghiên cứu báo State of the Creator Economy Report của 3 năm gần nhất và chủ yếu là năm 2024, một số điều new creators cần biết là:
Thị trường Sáng tạo nội dung không màu hồng. Nó có thể cho bạn rất nhiều thành quả nếu thật sự cố gắng và đầu tư, nhưng khó khăn đi kèm cũng rất lớn.
Newsletters/Email là xu hướng sáng tạo. Việc xây dựng tương tác với độc giả thông qua công cụ này sẽ giúp bạn phát triển bền vững hơn.
Lộ trình phát triển cho creators được ConvertKit đề xuất dựa trên khảo sát với 1000 creators phản hồi.
Hi vọng những thông tin trên sẽ có ích với bạn trên con đường sáng tạo.
Nguồn tham khảo
[1] “2024 ConvertKit State of the Creator Economy Report.” ConvertKit, 2024, https://convertkit.com/reports/creator-economy-2024.
[2] “2023 ConvertKit State of the Creator Economy Report.” ConvertKit, 2023, https://convertkit.com/reports/creator-economy-2023.
[3] “2022 ConvertKit State of the Creator Economy Report.” ConvertKit, 2022, https://convertkit.com/reports/creator-economy-2022.
[4] “United States | Per Capita Personal Income Trends over 1958-2023.” United States Regional Economic Analysis Project, https://unitedstates.reaproject.org/analysis/comparative-trends-analysis/per_capita_personal_income/tools/0/0/.
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!
Bài rất chất lượng. Thanks Hiếu nha