04 bước “bắt chước” ý tưởng sao cho khéo
Ý tưởng mới không tự nhiên sinh ra, mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác.
Bạn luôn nghĩ mình bị bí ý tưởng để sáng tạo nội dung?
Bạn không muốn bắt chước một ai khác, mà muốn tự sáng tạo ra nội dung độc nhất của riêng mình?
Hay bạn có nhiều ý tưởng tham khảo nhưng chưa biết khai thác, biến tấu nó sao cho hiệu quả mà vẫn tạo ra chất riêng có của mình?
Trên thực tế, bạn không tự nhiên sáng tạo ra ý tưởng mới, mà ý tưởng mới ấy được chuyển từ dạng này sang dạng khác. Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn 4 cách thức để “chế biến” những ý tưởng bạn bắt gặp được trở thành một nội dung hoàn chỉnh và thu hút nhưng vẫn giữ bản sắc riêng có.
04 bước “bắt chước” ý tưởng sao cho khéo
Có bao giờ bạn nghĩ: Là một nhà sáng tạo nội dung là phải luôn sáng tạo, luôn đột phá và nhất định không được sử dụng lại ý tưởng của người khác?
Nếu để ý kỹ, các nhà sáng tạo nội dung hầu hết chẳng sáng tạo ra ý tưởng mới, mà họ biến tấu, chuyển đổi và cải tiến ý tưởng từ dạng thức này sang dạng thức khác. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là, làm sao để “chế biến” ý tưởng một cách văn minh mà vẫn mang màu sắc cá nhân của mình?
Bước 01. Tiêu thụ nội dung có chủ đích
Việc tiêu thụ nội dung có chủ đích sẽ giúp một nhà sáng tạo tránh lan man, mất thời gian với việc lướt mạng xã hội tràn lan mà không có chủ đích.
Bạn nên dành nhiều hơn sự chú tâm, để ý đến: Thuật toán đang có những thay đổi gì? Các nhà sáng tạo khác cùng ngách đang triển khai và biến chuyển như thế nào? Họ đang làm gì hiệu quả hoặc không… Bạn có thể học hỏi từ những thành công, rút kinh nghiệm từ những thất bại…
Bên cạnh đó, ý tưởng có thể đến từ bất cứ đâu, bất kỳ thời điểm nào. Vì thế hãy luôn trong tâm thế chủ động, tập trung quan sát, lắng nghe, có sự tò mò với tri thức, tiếp thu một cách chủ động. Không ngừng chú tâm đưa ra những phản biện, phân tích của riêng cho mình, ghi chú lại những điểm sáng mà bạn nắm bắt được.
Thói quen ghi chú và hệ thống các ý tưởng, suy nghĩ sẽ là một lợi thế lớn cho một nhà sáng tạo nội dung. Mình đọc trong một bản tin liên quan đến viết lách rằng: Bắt đầu viết từ những dòng ghi chú nghuệch ngoạc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc viết từ một trang giấy trắng tinh. Vì vậy, từ hôm nay, hãy bắt đầu tiêu thụ nội dung có chủ đích và luôn trong một tâm thế chủ động ghi chú lại mọi lúc mọi nơi bằng cách:
Luôn có một cuốn sổ và cây bút bên mình dành riêng cho việc ghi chú ý tưởng.
Luôn có thiết bị hoặc ứng dụng ghi chú: Notion, ghi chú trên điện thoại, Google Docs, gửi tin nhắn cho chính mình…
Sau khi đã ghi chú hãy dành thời gian hệ thống chúng lại thành một file riêng biệt và tóm tắt lại ý tưởng theo cách hiểu của mình và ứng dụng ý tưởng đó vào việc sáng tạo nội dung, trình bày quan điểm cá nhân về chủ đề ấy.
Đọc thêm: 3 bước cho một hệ thống ghi chú.
Bước 02. Chắt lọc những ý “sáng”
Những ý “sáng” có thể đến từ hệ thống giải pháp mà người tạo nội dung khác đưa ra để giải quyết vấn đề cụ thể nào đó từ khán giả mục tiêu của họ.
Ý tưởng sáng cũng có thể đến từ cách một người trả lời câu hỏi mà bạn đặt ra.
Vì mỗi người bạn gặp trong đời đều biết ít nhất một điều mà bạn chưa biết, và trong số những điều họ biết, họ đã chắt lọc một hướng trả lời sát đáng và có ích nhất cho bạn.
Bạn cũng có thể tìm đọc những comment, chia sẻ từ người xem để có thêm insight. Hoặc mở những form khảo sát, để ý những chia sẻ, lời tâm sự từ followers…Họ nhắc nhiều về vấn đề gì thì đó chính là nỗi đau hoặc vấn đề được quan tâm nhiều.
Đó hoàn toàn là những ý tưởng mà bạn có thể được truyền cảm hứng để triển khai những nội dung cho riêng mình.
Ví dụ: Bài viết Bạn ở đâu trong 3 nhóm tính cách này của mình, nội dung được chắt lọc từ những ý mình học hỏi được và thấy tâm đắc trong tập podcast “Sướng trước khổ sau” hay “Khổ trước sướng sau” của chú Hiếu Nguyễn theo cách hiểu và quan điểm của riêng mình. Nhằm đưa ra một câu trả lời sâu và chi tiết hơn cho vấn đề mà một bạn theo dõi mình gặp phải. Đây là cách mình chắt lọc ý “sáng” từ nơi khác (tập podcast nêu trên) và tận dụng những nguồn lực sẵn có (dòng tâm sự của bạn followers, quan điểm và góc nhìn của riêng mình) để tạo ra một nội dung của riêng mình.
Chương trình thành viên trả phí, giúp bạn tháo gỡ tất tần tật rào cản và cung cấp những chỉ dẫn chi tiết để trở thành Content Creator thành công.
Bước 03. Thổi hồn vào nội dung
Đích đến của việc xây dựng thương hiệu cá nhân chính là sống đúng với bản thể riêng có của chính mình.
Bạn chỉ cần bạn là bạn, đó đã là sự khác biệt, độc nhất trên hành tinh này. Kể từ giây phút khán giả ghi nhớ hình ảnh của bạn “trông giống” một ai đó, bạn đã thất bại trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội.
Vì vậy, để không bị “lậm” vào đường ranh giới giữa sáng tạo và sao chép, bạn hãy: Biến ý tưởng, giải pháp của họ thành nội dung hoàn chỉnh của mình bằng cách lồng ghép “tính cá nhân”.
Tính cá nhân ở đây có thể là về mặt hình thức: ngoại hình, giọng nói, là phong cách viết, phong cách trình bày, truyền tải nội dung…
Tính cá nhân ở đây có thể là về nội tại: giá trị cốt lõi, kinh nghiệm, trải nghiệm, những câu chuyện, tư duy, quan điểm và góc nhìn của riêng bạn…
Chính những điều đó sẽ tạo ra sự độc nhất. Thứ giúp khán giả nhớ đến bạn vì chính bạn chứ không phải ai khác.
Ví dụ: Khi theo dõi những nhà sáng tạo nội dung như chú Hieu Nguyen, chị Chi Nguyễn, anh Duy Thanh Nguyen, mình thấy được họ đều ít nhất một lần thừa nhận rằng họ không có khiếu hài hước, không có nhan sắc vượt trội, không thể làm “rùm ben” như những người khác.
Họ chỉ là họ, và truyền tải nội dung theo phong cách của riêng họ: Ngồi nói trước camera hay thu âm trước máy ghi âm, nói với tốc độ chầm chậm như thế, nhẹ nhàng như thế, kể những câu chuyện riêng khác, có những tư duy, góc nhìn riêng khác…
Là một người theo dõi, mình cũng không kỳ vọng họ phải mua vui, giải trí cho mình. Điều mình cần ở họ là những giá trị họ mang lại như cách họ đang là chính họ thế thôi.
Nói như thế để thấy rằng, đừng cố trở thành một ai khác ngoài phiên bản tốt hơn của chính mình. Là một nhà sáng tạo nội dung, hãy chậm lại vài giây để trả lời câu hỏi sau:
Đâu là giá trị của chính con người bạn mà đồng thời cũng là giá trị mà bạn muốn lồng ghép vào nội dung của mình?
Bước 04. Thay áo mới cho nội dung bạn “bắt chước”
Nếu như hầu hết mọi vấn đề bạn gặp đều đã có người gặp phải và giải đáp rồi, bạn hoàn toàn có thể lục lọi và tìm kiếm giải pháp trên Internet. Thì tại sao chúng ta cần sáng tạo khi mọi thứ đã có sẵn hết rồi?
Theo mình, đó là vì thế giới không ngừng cải tiến và chúng ta cũng vậy. Ví dụ: Có những ý tưởng hay nhưng được trình bày khô khan trong một cuốn sách đã cũ mèm, khó tiếp cận được đại đa số mọi người.
Đi cùng chiều với nền kinh tế sáng tạo, các Content Creator đã chắt lọc và cải tiến nó thành đa dạng hình thức trình bày nội dung khác nhau như blogging trên Internet, làm vlog, video ngắn, làm thành Infographic, hình ảnh thiết kế minh họa sinh động, podcast, E-book, slide trình chiếu, khóa học online… Để hệ thống kiến thức, để dễ dàng tiếp cận đến số đông hơn, để phù hợp hơn với tiến trình phát triển của thời đại.
Là một nhà sáng tạo nội dung, bạn có thể:
Chuyển thể một bài viết dài sang nhiều video ngắn.
Chắt lọc một framework/ kiến thức hay trong một quyển sách và chuyển thể nó thành video ngắn.
Tổng hợp các giải pháp từ đa dạng nguồn kiến thức, đa dạng quan điểm và góc nhìn thành E-books, đóng gói thành khóa học…
Như thế, câu chuyện ở đây không còn là bí ý tưởng mà là triển khai, lựa chọn cách tiếp cận, truyền đạt nội dung sao cho thu hút, “chạm” và giải quyết được vấn đề của khán giả mục tiêu.
Lời cuối
Trên đây là gợi ý 04 bước giúp bạn tự tin hơn trong việc tham khảo ý tưởng từ xung quanh nhưng vẫn biết cách tận dung, tối ưu, biến tấu nó sao cho nó trở thành sản phẩm nội dung độc nhất của riêng bạn. Hi vọng bài viết này có ích với bạn, hẹn gặp bạn ở những bài viết tiếp theo.
Bạn đang đọc bản tin The Next Creator - một thư viện tri thức dành cho content creator, bởi content creator.
Chúng mình sẽ cùng bạn đi xa hơn trên hành trình này, giúp bạn phát triển được tầm ảnh hưởng, có được sự tự do và sống tốt với đam mê làm sáng tạo.
Bạn đã sẵn sàng đồng hành cùng The Next Creator chưa?
Nếu bạn muốn truy cập vào những nội dung độc quyền của The Next Creator, bạn có thể trở thành Premium Member.
Nếu bạn muốn tìm The Next Creator ở những nền tảng khác, bạn có thể theo dõi chúng mình tại đây.
Nếu bạn muốn kết nối và học hỏi với các content creator "đồng môn", bạn có thể tham gia cộng đồng sáng tạo này.
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm!